Diệp hạ châu: Thảo dược có tác dụng bảo vệ lá gan
Nội dung bài viết
Diệp hạ châu đắng hay còn được gọi là Chó đẻ thân xanh, tên khoa học là Phyllanthus amarus Schum. Et Thonn, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Đây là vị thuốc được sử dụng nhiều trong dân gian để điều trị các bệnh về gan. Vậy thực hư công dụng của Diệp hạ châu như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về Diệp hạ châu
1.1. Mô tả
Cây thảo, cao 10 – 40cm, ít phân cành, màu lục. Lá mọc so le, xếp hai dãy đều trên cành trông như lá kép lông chim, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn. Hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm.
Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá, không có cánh hoa, màu lục nhạt. Hoa đực có cuống ngắn, xếp ở dưới hoa cái, hoa cái có cuống dài.
Quả nang hình cầu, nhẵn, hơi dẹt, chia thành 3 mảnh vỏ, mỗi mảnh có 2 van chứa 2 hạt. Hạt hình tam giác, đường kính 1mm, có cạnh dọc và vân ngang.
1.2. Phân bố
Cây có nguồn gốc xa xưa ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và hiện nay thấy phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới. Ở châu Á, vùng phân bố của Diệp hạ châu đắng gồm các nước Ấn độ, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Ở Việt Nam, thảo dược cũng được thấy rải rác khắp nơi: dọc từ các tỉnh ở vùng đồng bằng, ven biển, các đảo lớn đến những tỉnh trung du và miền núi.
1.3. Bộ phận dùng
Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
1.4. Thành phần hóa học
Lá Diệp hạ châu đắng chứa chất đắng không có quinin hoặc alcaloid. Lá khô chứa các chất đắng hypophylanthin (0,05%), phylanthin (0,35%), các chất này gây độc đối với cá và ếch. Trong cây còn có niranthin, nirtetralin và phylreralin.
Ngoài ra, trong cây còn phát hiện ra lignan, flavonoid, alcaloid.
2. Tác dụng dược lý
2.1. Tác dụng bảo vệ gan
Cao Diệp hạ châu đắng có tác dụng bảo vệ gan trên chuột cống trắng được gây nhiễm độc gan bằng carbon tetraclorid. Trong mô hình gây xơ gan thí nghiệm trên chuột cống trắng, thuốc có tác dụng làm giảm hàm lượng colagen trong máu và làm giảm mức độ xơ gan ở động vật điều trị so với đối chứng. Hoạt chất lignan phyllanthin và hypophyllanthin chứa trong cây có tác dụng bảo vệ gan.
Diệp hạ châu đắng ức chế DNA polymerase ở virus viêm gan B, có hoạt tính in vitro và in vivo kháng virus viêm gan B và các virus có liên quan.
Trong một nghiên cứu lâm sàng sơ bộ, những người mang virus viêm gan B được điều trị với liều hằng ngày 200mg cao toàn cây Diệp hạ châu đắng (loại bỏ rễ) trong 30 ngày. Kết quả 22/37 bệnh nhân (59%) được điều trị đã mất kháng nguyên bề mặt của viêm gan B khi làm xét nghiệm ở 15 – 20 ngày sau khi kết thúc điều trị, so với tỉ lệ 1/23 bệnh nhân (4%) đối chứng dùng placebo có hiện tượng này. Một số đối tượng được theo dõi tới 9 tháng, không có trường hợp nào kháng nguyên bề mặt xuất hiện trở lại.
Tuy vậy, hiệu quả của Diệp hạ châu đắng trong điều trị những người mang virus viêm gan B không thật rõ ràng. Trong đó có cả những trường hợp thành công và thất bại được báo cáo.
>> Ngoài Diệp hạ châu, còn nhiều vị thuốc quý khác tốt cho gan, ví dụ như Mướp gai. Tìm hiểu thêm: Mướp gai: Dũng sĩ bảo vệ lá gan quanh ta
2.2. Tác dụng hạ đường máu, hạ áp
Cao nước có tác dụng hạ đường máu ở thỏ bình thường và thỏ gây đái tháo đường với alloxan. Cao làm hạ đường máu ngay cả khi cho thỏ uống 1 giờ sau khi cho uống glucose. Hoạt tính hạ đường máu của Diệp hạ châu đắng cao hơn tolbutamid.
Hai flavonoid, ký hiệu FG1 và FG2, thu được từ phân đoạn tan trong nước của cao cồn có tác dụng làm hạ đường máu khi cho chuột cống trắng gây đái tháo đường bằng alloxan uống. Toàn cây Diệp hạ châu đắng có tác dụng gây hạ đường máu, hạ áp và lợi tiểu ở người.
2.3. Các tác dụng khác
Cây cũng có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm. Toàn cây làm giảm hoạt động của đường tiêu hóa, làm chậm sự tống thức ăn khỏi dạ dày chuột cống trắng và gây giãn dạ dày và hồi tràng. Cao cồn làm giảm khả năng sinh sản của chuột đực.
Ba hoạt chất từ Diệp hạ châu đắng có tác dụng ức chế aldose reductase. Trong đó, acid elargic có tác dụng mạnh nhất, ức chế mạnh hơn 6 lần so với quercitin là chất thiên nhiên ức chế aldose reductase đã biết.
3. Tính vị, công năng
Diệp hạ châu đắng có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng tán ứ, thông huyết điều kinh, lợi tiểu, thống sữa.
4. Công dụng
Diệp hạ châu đắng được dùng làm thuốc trị viêm gan, vàng da, đau mắt, rắn cắn. Ngày dùng 20 – 40g cây tươi, giã lấy nước uống, sao khô sắc uống hoặc 8 – 6g cây khô cũng sắc uống. Dùng ngoài, có cây giã đắp hoặc giã lấy nước cốt bôi trị mụn nhọt, lở ngứa .
Y học cổ truyền Thái Lan dùng Diệp hạ châu đắng trị vàng da. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, Diệp hạ châu đắng là thuốc làm săn, khai thông, sát khuẩn, lợi tiểu và được dùng trị vàng da, khó tiêu, lỵ, phù, các bệnh hệ niệu – sinh dục, bệnh lậu và đái tháo đường.
Nước sắc chồi non trị lỵ, rễ tươi trị vàng da, lá là thuốc lợi tiêu hóa. Dịch ép lá dùng đắp trị lở loét. Người ta còn dùng lá và rễ khô tán nhỏ làm thành bột nhão đắp các vết sưng tấy và loét.
5. Các bài thuốc có chứa Diệp hạ châu
5.1. Chữa viêm gan B
Diệp hạ châu 30g, Nhân trần 12g, Sài hồ 12g, Chi tử 8g, Hạ khô thảo 12g, sắc (nấu) uống ngày 1 thang.
5.2. Chữa viêm gan, vàng da
Diệp hạ châu 40g, Mã đề 20g, Dành dành 12g để sắc uống.
5.3. Chữa xơ gan cổ trướng
Diệp hạ châu sao khô 100g sắc nước 3 lần. Trộn chung nước sắc, thêm 150g đường, đun sôi cho tan đường chia nhiều lần uống trong ngày (thuốc rất đắng), liệu trình 30 – 40 ngày.
5.4. Chữa nhọt độc sưng đau
Diệp hạ châu một nắm cộng với một ít muối giã nhỏ, chế nước chính vào, vắt lấy nước uống, dùng bã đắp vào chỗ đau.
5.5. Chữa trẻ em tưa lưỡi
Giã cây tươi vắt lấy nước cốt.
5.6. Trị ăn không ngon miệng, đau bụng, sốt
Lấy Diệp hạ châu 1g, Nhọ nồi 2g, Xuyên tâm liên 1g. Tất cả các vị thuốc trên phơi khô trong bóng râm và tán bột. Sắc bột thuốc này và uống hết ngay một lúc. Uống mỗi ngày 3 lần.
6. Lưu ý
Dược liệu có tính mát nên những người dễ đầy bụng, tiêu lỏng, sợ lạnh không nên dùng. Không nên sử dụng liên tục Diệp hạ châu.
Diệp hạ châu hay cây chó đẻ là vị thuốc có hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, vị thuốc này chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị các bệnh kể trên. Bạn đọc không tự ý ngưng thuốc điều trị, đồng thời khi sử dụng thêm cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên môn để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội