YouMed

Những cách điều trị trầm cảm hiệu quả và phổ biến hiện nay

chuyên viên tâm lý nguyễn thị hương
Tác giả: Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương
Chuyên khoa: Tâm thần

Để điều trị trầm cảm hiệu quả, người bệnh cần đến gặp những người có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đó là những người sẽ giúp bạn chẩn đoán chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Hiện nay, cách chữa trầm cảm hiệu quả được áp dụng nhiều nhất là dùng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu. Bài viết dưới đây của Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ cung cấp những cách điều trị trầm cảm phổ biến hiện nay.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc

Thuốc thường là biện pháp được đề xuất đầu tiên khi một người muốn trị trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm nặng. Chúng làm giảm các triệu chứng của bệnh bằng cách tác động vào sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não và giúp điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc của người bệnh.

Chúng ta có thể sẽ phải dùng một số loại thuốc chống trầm cảm khác nhau trước khi tìm được loại phù hợp nhất với mình. Dưới đây sẽ là những nhóm thuốc được dùng phổ biến hiện nay.

Nhóm thuốc SSRI và SNRI1

Đây là nhóm thuốc được kê đơn nhiều nhất hiện nay trong phác đồ điều trị trầm cảm. Chúng được gọi là nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) và serotonin norepinephrine (SNRI). Khi sử dụng, các loại thuốc này sẽ làm tăng các loại hormone kể trên và giúp điều chỉnh tâm trạng.

SSRI là loại thuốc chữa trầm cảm thích hợp nhất với đối tượng thanh thiếu niên. Tuy có tác dụng nhanh nhưng người dùng cũng cần vài tuần mới cảm thấy hiệu quả. Trong suốt quá trình sử dụng hai loại thuốc này, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ.

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)1

Đây là nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị trầm cảm từ những năm 1950. Tuy nhiên, loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ hơn so với hai nhóm SSRI và SNRI. Chính vì thế, loại thuốc này không được khuyến khích sử dụng với thanh thiếu niên.

Một số người khi sử dụng loại thuốc này đã gặp vấn đề về nhịp tim. Và giống như các loại thuốc khác, cần sử dụng một thời gian mới có thể phát huy tác dụng.

Nhóm thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)1

Một nhóm thuốc chữa trầm cảm hiệu quả khác là MAOI. Loại thuốc này có thể sẽ có tác dụng điều trị trầm cảm nhanh hơn TCA. Tuy vậy, chúng yêu cầu người dùng phải kiêng một số loại thực phẩm và tránh một số loại thuốc khác. Loại thuốc này thường chỉ được kê khi hai TCA, SSRI hay một số loại thuốc chữa trầm cảm khác không có tác dụng.

Nhóm thuốc chống loạn thần1

Thuốc chống loạn thần thường được kê bổ sung vào cùng với thuốc trị trầm cảm. Cũng có đôi khi chúng được dùng như thuốc điều trị chính. Có một số loại thuốc thuộc nhóm này được chấp nhận là một loại bổ sung trong tất cả các trường hợp chữa trầm cảm, dù bệnh nhân có triệu chứng loạn thần hay không.

Cần lưu ý rằng loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ. Một số dấu hiệu điển hình là tăng cân, an thần và cử động bất thường.

Liệu pháp tâm lý chữa trầm cảm

Liệu pháp tâm lý (hay tâm lý trị liệu) là phương pháp điều trị trầm cảm bằng cách trò chuyện, trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần về tình trạng của bạn và các vấn đề liên quan.2

Tâm lý trị liệu là một cách chữa trầm cảm hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm nhẹ hoặc vừa, liệu pháp này có thể được sử dụng một mình. Với các trường hợp bệnh nặng, chúng sẽ được kết hợp với dùng thuốc.1

Nhận thức hành vi (CBT) là liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để trị trầm cảm nhiều nhất. Chúng tập trung vào việc giúp bệnh nhân nhận thức được các suy nghĩ tiêu cực và thay đổi chúng. Đi kèm với đó là các điều chỉnh trong các kiểu hành vi. Ngoài ra, liệu pháp nhóm cũng hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm. Chúng giúp người bệnh tiếp xúc với các bệnh nhân khác, qua đó được đồng cảm và chia sẻ. Khi áp dụng liệu pháp tâm lý, người bệnh sẽ gặp bác sĩ, chuyên gia trị liệu theo định kỳ.1

Tâm lý trị liệu thường được sử dụng để chữa trầm cảm
Tâm lý trị liệu thường được sử dụng để chữa trầm cảm

Điều trị trầm cảm bằng sốc điện

Sốc điện chữa trầm cảm là một phương pháp tương đối mới. Hiện nay có khá nhiều hình thức sốc điện như co giật điện (ECT), kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại (TMS), kích thích não sâu (DBS),… Trong đó, ECT là được sử dụng phổ biến hơn cả.

Khi thực hiện ECT, các dòng điện được truyền qua não để tác động đến chức năng và tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh trong não. Từ đó, có tác dụng làm giảm chứng trầm cảm. ECT thường được sử dụng cho những người không khỏi bệnh bằng thuốc, không thể dùng thuốc chống trầm cảm vì lý do sức khỏe hoặc có nguy cơ tự tử cao.2

Người bệnh sẽ được tiến hành liệu pháp này khoảng 3 lần một tuần và tiến hành liên tục trong 2 – 4 tuần. Tần suất sử dụng có thể giảm dần trong những tuần tiếp theo. Một vài người sẽ phải tiếp tục duy trì liệu pháp này trong thời gian dài hơn để ngăn ngừa tái phát triệu chứng.1

Điều trị trầm cảm bằng việc thay đổi lối sống

Bên cạnh việc sử dụng các liệu pháp chuyên môn thì việc thay đổi lối sống cũng có tác dụng tích cực. Nếu thực hành một cách nghiêm túc và tạo thành thói quen, chúng sẽ làm giảm các triệu chứng bệnh trầm cảm một cách hữu hiệu. Những thay đổi được khuyến khích nhất trong trường hợp này là ngủ đủ giấc, tập thể dục và ăn uống lành mạnh.

Thay đổi về thói quen ngủ

Trong thực tế, việc khó ngủ, thiếu ngủ có thể gây nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Cũng có tới 75% người bị trầm cảm gặp vấn đề về giấc ngủ.3

Do đó, điều cần làm là chúng ta cần cải thiện giấc ngủ của mình. Hãy bắt đầu từ việc giữ cho phòng ngủ được thoáng mát và yên tĩnh. Kế đến, hãy tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Bạn cũng nên tránh một số việc có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ như uống nhiều cà phê hoặc ăn quá no vào buổi tối. Trước khi đi ngủ, hãy thư giãn trước 30 phút bằng thiền, đọc sách hoặc tắm nước nóng. Nếu bị quá nhiều suy nghĩ quấy rầy, hãy thử viết nhật ký. Điều này giúp giải tỏa cảm xúc và căng thẳng hiệu quả.1

Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục giúp cải thiện lưu lượng máu đến não và giảm căng thẳng. Hoạt động này có hiệu quả rất rõ rệt trong điều trị trầm cảm, ngay cả khi bạn không dùng các liệu pháp khác. Một số nghiên cứu cho thấy chạy bộ 3 lần một tuần, mỗi lần 30 phút có hiệu quả tương đương với thuốc giảm triệu chứng trầm cảm.4

Có thể chọn cho mình bất kỳ một bài tập nào và cố gắng thực hiện chúng hàng ngày. Cố gắng duy trì và biến tập thể dục trở thành một thói quen nhé.

Tập thể dục rất tốt cho việc điều trị trầm cảm
Tập thể dục rất tốt cho việc điều trị trầm cảm

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng góp phần đáng kể vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm. Hãy thực hiện một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Một số thực phẩm được khuyến khích sử dụng bao gồm cá, rau xanh, trái cây, sữa chua,… Ngoài ra, bạn nên hạn chế các chất kích thích như bia, rượu,… Các thức ăn nhiều chất béo và đường cũng nên hạn chế trong thực đơn hàng ngày.1 5

Bên cạnh các phương pháp điều trị trầm cảm trên đây, người ta còn có thể áp dụng nhiều phương pháp khác. Điển hình như massage, châm cứu, sử dụng thảo dược… Dù sử dụng biện pháp nào, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Chữa trầm cảm là một việc lâu dài, do đó người bệnh cần kiên nhẫn. Sự giúp đỡ của những người xung quanh cũng sẽ rất hữu ích với người bệnh đang điều trị.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Understanding Depression -- Diagnosis and Treatmenthttps://www.webmd.com/depression/guide/understanding-depression-treatment

    Ngày tham khảo: 22/12/2022

  2. Depression (major depressive disorder)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/diagnosis-treatment/drc-20356013

    Ngày tham khảo: 22/12/2022

  3. Sleep disorders as core symptoms of depressionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3181883/

    Ngày tham khảo: 22/12/2022

  4. The Benefits of Exercise for the Clinically Depressedhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC474733/

    Ngày tham khảo: 22/12/2022

  5. Foods to Help Fight Depressionhttps://www.verywellmind.com/foods-for-depression-4156403

    Ngày tham khảo: 22/12/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người