Dinh dưỡng cho trẻ 18 đến 24 tháng tuổi
Nội dung bài viết
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ mà là những người đang lớn và phát triển. Vì vậy, tăng trưởng và phát triển là đặc điểm sinh học cơ bản của trẻ em. Đồng thời đánh giá tăng trưởng là một chỉ báo quan trọng trong đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ em. Qua trình tăng trưởng thể chất chịu tác động của nhiều yếu tố di truyền và môi trường, trong đó dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng.
Việc thiếu hay thừa dinh dưỡng đều có những tác hại đến sức khỏe của trẻ. Vậy thì dinh dưỡng cho trẻ từ 18 – 24 tuổi cần có những gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Sự phát triển thể chất của trẻ
Trong các giai đoạn tuổi của trẻ thì giai đoạn nhũ nhi (từ 1 đến 12 tháng) và giai đoạn dậy thì (từ 15 đến 20 tuổi) là hai đỉnh tăng trưởng thể chất quan trọng nhất, với tốc độ nhanh nhất. Tuy nhiên không vì vậy mà các giai đoạn còn lại không quan trọng, nhất là 1000 ngày đầu tiên của trẻ (từ trước sinh đến 2 tuổi) được gọi là giai đoạn vàng của phát triển toàn diện.
- Trọng lượng trẻ trong năm đầu sẽ tăng gấp 3 lần lúc mới sinh, và gấp 4 lần lúc 2 tuổi.
- Chiều cao gấp rưỡi lúc 1 tuổi so với khi mới sinh, và gấp đôi khi 4 tuổi.
- Cũng như giai đoạn 18 – 24 tháng tuổi trẻ bắt đầu mọc thêm răng nanh, khi đó bộ răng trẻ gồm: 8 răng cửa, 4 răng tiền hàm và 4 răng nanh, có thể cắn, xé và nhai được đồ ăn.
Ngoài ra, độ tuổi này trẻ tăng cường hoạt động thể chất, biết đi, chạy, tập nói, tập hát nên nhu cầu năng lượng cho phần hoạt động này cũng tăng lên đáng kể.
>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho trẻ từ 2 đến 13 tuổi
2. Nhu cầu dinh dưỡng
2.1. Tác dụng từ việc nạp năng lượng từ thức ăn
Dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho chủ yếu 4 nhóm hoạt động sau đây:
- Chuyển hóa cơ bản.
- Hoạt động thể lực.
- Phát triển cơ thể, tạo ra các tế bào mới.
- Tiêu hóa thức ăn và điều hòa nhiệt độ của cơ thể.
2.2. Bao nhiêu là phù hợp?
Nhu cầu năng lượng của trẻ em tính theo trọng lượng cao hơn so với người lớn, do thêm phần năng lượng cho phát triển cơ thể. Con số ước lượng khoảng: 100 – 120 kcal/ngày.
2.3. Thành phần và tỷ lệ
Dinh dưỡng gồm: đạm, béo, đường, nước, chất xơ, vitamin và muối khoáng.
2.3.1. Các nhóm dinh dưỡng chính với tỷ lệ tương đối như sau:
Đạm – Béo – Đường : 15% – 30% – 55%.
Đạm
Chiếm 20% trọng lượng cơ thể.
Vai trò quan trọng trong xây dựng và tái tạo tất cả các mô của cơ thể. Và điều hòa hoạt động cơ thể, cũng như cung cấp năng lượng.
Đơn vị cấu tạ là acid amin, có những loại phải lấy từ thức ăn, nếu thiếu 1 loại cũng gây hiệu quả sử dụng đạm kém đi.
Nhu cầu: 4 – 4.5 g/kg/ngày. Nguồn đạm động vật chiếm ít nhất 50% tổng lượng. Vì đạm thực vật thiếu một số acid amin thiết yếu. Tham khảo thêm bài viết: Top 12 nguồn đạm thực vật thay thế đạm động vật
Nguồn gốc:
- Động vật: thịt, cá, trứng, sữa người, sữa động vật.
- Thực vật: sữa đậu nành, các loại đậu, ngũ cốc.
Chất béo
- Vai trò cung cấp năng lượng chủ yếu; cung cấp các acid béo đặc biệt các acid béo thiết yếu, cần cho cấu trúc thần kinh não bộ và dẫn truyền thần kinh; giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu A, D, E, K.
- Nhu cầu: 3 – 4 g/kg/ngày.
- Nguồn gốc: mỡ động vật, dầu thực vật, bơ thực vật. Trong đó dầu chứa nhiều acid béo không no dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, chất béo động vật cần chiếm ít nhất 50% tổng lượng.
Chất đường
- Vai trò: cung cấp năng lượng; cấu tạo tổ chức tế bào; chuyển hóa cơ thể.
- Nhu cầu: gấp 3 – 4 lần chất đạm; khoảng 10 – 12 g/kg/ngày.
- Nguồn gốc: sữa, bột, hoa quả, rau củ. Trong đó 50% nên đến từ rau quả.
2.3.2. Các chất dinh dưỡng khác
Nước
Trong cơ thể trẻ em nước được phân chia thành: 8% cho sự nảy nở và dự trữ trong tế bào; 33% cho sự điều chỉnh nhiệt độ và 59% cho sự bài tiết ở thận.
Do nhu cầu chuyển hóa mạnh hơn, mức ăn (tương đối) nhiều hơn, tăng trưởng nhanh, đào thải nhiều chất bã và diện tích da tương đối rộng hơn người lớn nên nhu cầu nước lớn hơn người lớn. Vì vậy, mức tiêu thụ nước ở trẻ em khoảng 10-15%, tỏng khi người lớn là 2 – 4%.
- Tính theo tuổi: 90ml/kg.
- Tính theo cân nặng:
- Từ 10kg trở xuống: 100 ml/kg.
- Trên 10 kg – 20kg: 1000 ml + 50 x (cân nặng – 10).
- Trên 20 kg: 1500 ml + 20 x (cân nặng – 20).
- Theo năng lượng: 1 – 1,2 ml/kcal năng lượng.
Nguồn gốc:
- Thức ăn và nước uống đưa vào.
- Quá trình chuyển hóa.
Vitamin
Vai trò: tham gia chuyển hóa các chất trong cơ thể; tăng cường sự chống đỡ bệnh tật.
Gồm: vitamin A, B1, B2, B6, B9, B12, PP, C, D, E, K.
- Trẻ nên được uống vitamin A mỗi 6 tháng theo chương trình Quốc gia.
- Ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để hấp thu đủ các loại vitamin cần thiết.
- Trẻ nên được phơi nắng đủ để hấp thu vitamin D, nếu không cần bổ sung bằng đường uống.
Chất xơ
Mỗi ngày trẻ nên ăn ½ chén trái cây và ½ chén rau củ. Không nên uống quá 120-180 ml nước ép trái cây, thay vào đó nên cho trẻ ăn sẽ tốt hơn.
Chất khoáng
Cơ thể bé nhỏ của bé cần khoảng 15 loại muối khoáng, có vai trò cấu tạo của xương, răng, hệ thần kinh, hoạt động của cơ, đặc biệt cơ tim; cấu tạo hồng cầu, hóc môn tuyến giáp, duy trì lượng nước.
Nguồn gốc: có trong thức ăn hàng ngày nên cần ăn đầy đủ các loại thực phẩm.
3. Bữa ăn như thế nào thì đảm bảo?
Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cần cung cấp các chất: đạm, béo, đường, chất xơ, vitamin và muối khoáng. Tổng lượng khoảng 200ml một bữa ăn, khoảng 1 chén ăn cơm.
Vì chức năng nhai và nuốt của trẻ chưa hoàn toàn hoàn thiện cho tới khi được 8 tuổi. Do đó, thức ăn cần được chế biến để phù hợp cũng như giúp phát triển khả năng nhai, nuốt của trẻ, bắt đầu từ thức ăn mềm, nghiền hoặc cắt nhỏ.
>> Xem thêm: Dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng đến 2 tuổi
4. Chế biến như thế nào?
Vị giác của trẻ rất nhạy với các loại vị, do đó, thức ăn cần được thay đổi thành phần và cách chế biến liên tục để kích thích vị giác cũng như sự thèm ăn của trẻ.
Nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm khác nhau, làm quen dần hương vị, sau khoảng vài 8-10 lần trẻ sẽ bắt đầu thích mùi vị món ăn.
Gia vị: có thể nêm muối và đường rất ít hoặc không cần nêm.
5. Bé có nên uống sữa nữa hay không?
Câu trả lời là có nếu trẻ bú mẹ vì những lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé. Giai đoạn tuổi này, sữa mẹ cung cấp ít nhất khoảng 1/3 nhu cầu năng lượng của trẻ. Vì vậy bé cần được tiếp tục bú mẹ để tận dụng được nguồn dinh dưỡng quý giá. Bạn có thể cho bé bú đến tận 2 tuổi hoặc lâu hơn. Ngoài ra, sữ mẹ còn tiếp tục cung cấp các yếu tố bảo vệ giúp trẻ khỏi mắc nhiều loại bệnh tật. Việc cho con bú cũng tạo sự gần gũi mẹ con giúp trẻ phát triển tối đa về cả thể chất lẫn tinh thần và tâm lý. Tối đa khoảng 3 cữ/ngày
Đối với sữa công thức: tùy sở thích của trẻ, khả năng ăn và khả năng chăm sóc của người lớn có thể uống tối đa 750 ml/ngày.
6. Mục tiêu quan trọng nhất cho giai đoạn này là gì?
Ngoài việc dinh dưỡng đầy đủ giúp cho con phát triển toàn diện thì mục tiêu quan trọng người chăm sóc trẻ cần lưu ý là: Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.
Vì sao lại như vậy?
Từ khi lọt lòng đến khi con có nhận thức về món ăn yêu thích thì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào người chăm sóc. Nghĩa là nếu người chăm sóc ý thức được mỗi lần cho con ăn là mỗi lần đặt một viên gạch tạo nền tảng thói quen ăn uống của con sau này.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trẻ nhỏ rất thích vị ngọt, dễ dàng chấp nhận nó ngay vì từ khi được sinh ra vị ngọt là vị thức ăn đầu tiên được nhận và duy trì suốt nhiều tháng. Vì vậy việc chế biến và cách cho con thử từng loại thức ăn thức uống mới khiến con chấp nhận và yêu thích là cả một nghệ thuật. Đồng thời hạn chế các loại thực phẩm vị ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt…
Ngoài ra:
- Cần có thời gian biểu để trẻ tập thành thói quen, đảm bảo 6 bữa/ngày cả ăn và uống sữa.
- Trong suốt thời gian bữa ăn, nên tránh xa các nguồn gây mất tập trung như ti vi, thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính), mở nhạc lớn hoặc các hoạt động khác.
7. Ví dụ thực đơn một tuần cho trẻ
Giờ | Thứ 2, 5 | Thứ 3, 6, CN | Thứ 4, 7 |
7 giờ | Cháo cá: 200ml (1 chén ăn cơm). | Cháo tôm: 200ml (1 chén ăn cơm). | Cháo thịt heo: 200ml (1 chén ăn cơm) |
10 giờ |
Cháo thịt bò: 150ml (1 chén ăn cơm). 1 trái chuối nhỏ. |
Súp trứng với nấm: 150ml. Đu đủ xay: 50ml. |
Nước cam: 50ml |
14 giờ | Bú mẹ hoặc 200ml sữa. | Bú mẹ hoặc 200ml sữa. | Bú mẹ hoặc 200ml sữa. |
16 giờ | Súp thịt gà với nấm, bắp: 200ml | Cháo thịt bò: 200ml |
Súp thit bò khoai tây: 150ml Xoài xay: 50ml. |
19 giờ | Cháo tôm: 200ml. | Súp thịt heo với khoai tây, cà rốt: 200ml. | Cháo cua: 200ml (1 chén ăn cơm). |
21 giờ | Bú mẹ hoặc 200ml sữa. | Bú mẹ hoặc 200ml sữa. | Bú mẹ hoặc 200 ml sữa. |
Dinh dưỡng cho trẻ cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Đồng thời nên xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ những ngày đầu mới gia nhập thế giới đồ ăn! Chúc bạn thành công!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Ronald E. Kleinman, MD (2008), "Pediatrics Nutrition Handbook".
- TS. Trần Thị Thanh Tâm. Nhu cầu ăn uống trẻ em.
- Đào Thị Ngọc Diễm (2016). Dinh dưỡng cho trẻ em các lứa tuổi. Sách giáo khoa Nhi khoa, Hội Nhi khoa Việt Nam.