YouMed

Dính thắng lưỡi: những điều bạn cần biết!

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Dính thắng lưỡi (hay còn gọi là dính lưỡi) là một tình trạng bẩm sinh gây hạn chế chuyển động của lưỡi. Thắng lưỡi là dải mô nối từ đầu lưỡi xuống sàn miệng. Trong dính thắng lưỡi, dải mô này ngắn, dày và căng một cách bất thường. Do đó, tình trạng này ở trẻ em có thể gây cản trở việc cho trẻ bú. Một người dị dính thắng lưỡi có thể gặp khó khăn khi lè lưỡi. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng khi ăn, nói chuyện và khi nuốt.

Một số trường hợp dính thắng lưỡi không gây quá nhiều phiền phức nhưng một số khác cần phẫu thuật để điều chỉnh.

1. Dính thắng lưỡi gây ra những triệu chứng gì?

Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Khó khăn khi nâng lưỡi chạm vào hàm trên hoặc khó di chuyển lưỡi từ bên này sang bên khác
  • Khó đưa lưỡi qua khỏi răng cửa dưới
  • Đầu lưỡi hình chữ V hoặc hình trái tim khi lè lưỡi

Xem thêm: Bệnh cứng lưỡi ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?

2. Khi nào bạn nên đưa trẻ đi khám

Bạn nên gặp bác sĩ nếu xuất hiện các tình huống sau đây:

  • Con bạn xuất hiện các triệu chứng của dính thắng lưỡi làm cản trở các hoạt động như bú mẹ.
  • Khi nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng thắng lưỡi có thể ảnh hưởng đến lời nói của con bạn.
  • Khi con bạn phàn nàn hay gặp khó khăn khi ăn uống, nói chuyện hay khó chạm lưỡi vào răng.
  • Bạn cảm thấy khó chịu do các vấn đề dính thắng lưỡi gây ra.
Dính thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh
Dính thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh

3. Nguyên nhân dính thắng lưỡi là gì?

Thông thường, thắng lưỡi tách ra trước khi sinh. Nhờ đó, lưỡi có thể tự do chuyển động trong khoang miệng. Ở những người bị dính thắng lưỡi, thắng lưỡi không tách ra mà vẫn dính vào đáy lưỡi. Nguyên nhân tại sao diễn ra hiện tượng này vẫn chưa được biết rõ nhưng một số trường hợp dính thắng lưỡi có thể liên quan đến các yếu tố di truyền.

4. Những ai dễ mắc dính thắng lưỡi?

Bất kỳ ai đều có thể mắc dính thắng lưỡi nhưng tật này thường thấy ở trẻ nam hơn nữ. Dính thắng lưỡi thỉnh thoảng di truyền giữa các thành viên trong gia đình.

Dính thắng lưỡi thường thấy ở trẻ nam hơn
Dính thắng lưỡi thường thấy ở trẻ nam hơn

5. Dính thắng lưỡi có thể gây ra biến chứng gì?

Tật này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của khoang miệng trẻ. Đồng thời nó còn ảnh hưởng nhiều đến cách trẻ ăn uống, nói chuyện và nuốt. Bao gồm:

  • Khó khăn khi bú. Động tác cho bé bú đòi hòi bé phải giữ lưỡi của mình bên trên nướu dưới trong khi bú. Nếu không thể di chuyển lưỡi hoặc giữ lưỡi đúng vị trí, bé có thể nhai thay vì nút núm vú. Động tác này có thể gây đau nhiều cho núm vú và cản trở khả năng tiết sữa mẹ. Hậu quả là sau một thời gian bú kém, bé sẽ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến phát triển sau này.
  • Khó nói. Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến khả năng tạo ra một số âm thanh như “t”, “d”, “z”, “s”, “th”, “r” và “l”.
  • Vệ sinh răng miệng kém. Khi đứa trẻ lớn lên hoặc ở người lớn, dính thắng lưỡi gây khó khăn khi quét mảnh vụn thức ăn khỏi răng. Do đó, nó góp phần gây nên tình trạng sâu răngviêm nướu. Ngoài ra, dính thắng lưỡi cũng có thể gây ra sự hình thành khoảng trống giữa hai răng cửa dưới.
  • Gây khó khăn trong những hoạt động khác. Dính thắng lưỡi còn có thể khiến những hành động như liếm một que kem, liếm môi, hôn hoặc thổi nhạc cụ trở nên khó khăn và phiền toái hơn nhiều.

6. Làm cách nào để chẩn đoán dính thắng lưỡi?

Dính thắng lưỡi điển hình có thể chỉ cần dựa vào khám lâm sàng để chẩn đoán. Ở trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể sẽ sử dụng dụng cụ hình ảnh học để ghi lại các diện khác nhau về hình dáng và khả năng di chuyển của lưỡi.

Có thể chẩn đoán dính thắng lưỡi dựa vào việc khám lâm sàn
Có thể chẩn đoán dính thắng lưỡi dựa vào việc khám lâm sàn

7. Những phương pháp nào dùng để điều trị dính thắng lưỡi?

Điều trị trong dính thắng lưỡi hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số bác sĩ và chuyên gia tư vấn cho con bú khuyên nên sửa tật này sớm. Thậm chí có thể sửa chữa ở thời điểm ngay trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện. Trong khi đó, một số bác sĩ khác ưu tiên theo dõi và chờ đợi.

Thắng lưỡi có thể nới lỏng dần theo thời gian. Nhờ đó tật dính thắng lưỡi có thể tự biến mất khi bé lớn lên. Trong một số trường hợp khác, dính thắng lưỡi vẫn tồn tại mà không gây ra phiền hà gì. Tuỳ trường hợp, có thể bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn để hỗ trợ cho con bú. Bạn cũng nên đồng hành với một nhà nghiên cứu ngôn ngữ để cho bé tập trị liệu ngôn ngữ giúp cải thiện lời nói.

Nên điều trị bằng phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh, trẻ em hay người lớn khi xuất hiện những cản trở hay khó chịu. Các phương pháp điều trị bao gồm cắt thắng lưỡi và tạo hình thắng lưỡi.

Điều trị gồm cắt thắng lưỡi hay tạo hình thắng lưỡi
Điều trị gồm cắt thắng lưỡi hay tạo hình thắng lưỡi

7.1. Cắt thắng lưỡi

Cắt thắng lưỡi là một phẫu thuật đơn giản có thể gây tê hoặc không. Bác sĩ sẽ kiểm tra thắng lưỡi trước, sau đó dùng kéo vô trùng cắt thắng lưỡi để đầu lưỡi được tự do. Phương pháp này nhanh chóng và ít gây khó chịu vì phần thắng lưỡi có ít dây thần kinh và mạch máu.

Nếu có xuất hiện chảy máu thì thường là rất ít, chỉ một đến hai giọt. Sau khi cắt, bé có thể bú mẹ ngay lập tức. Các biến chứng của phương pháp này rất hiếm gặp. Sau khi cắt có thể chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương lưỡi hoặc tuyến nước bọt. Ngoài ra việc cắt có thể để lại sẹo hoặc khiến thắng lưỡi dính lại vào đáy lưỡi.

7.2. Tạo hình thắng lưỡi

Phương pháp này có thể được khuyến cáo trong trường hợp cần sửa chữa thêm hay thắng lưỡi quá dày. Phẫu thuật tạo hình được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Sau khi giải phóng thắng lưỡi, vết thương được khâu lại bằng chỉ tan và sẽ tự biến mất khi lưỡi lành lại.

Các biến chứng có thể gặp do tạo hình thắng lưỡi tương tự với cắt thắng lưỡi. Cũng như cắt thắng lưỡi, phẫu thuật tạo hình có thể gặp chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương lưỡi hay tuyến nước bọt, tuy nhiên rất hiếm xảy ra. Sẹo trong tạo hình thường gặp hơn do khu vực tác động lớn hơn và do gây mê ảnh hưởng.

Sau tạo hình thắng lưỡi, bạn hoặc bé nên tập các bài tập dành cho lưỡi để giảm tạo sẹo và tăng khả năng chuyển động của lưỡi.

Dính thắng lưỡi là bẩm sinh và có thể gây khó chịu cũng như khó khăn trong một số hoạt động cho bạn hay con bạn. Khi đó để biết chính xác có phải bị dính thắng lưỡi không, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhé. Hy vọng bài viết trên của YouMed giúp bạn giải đáp những thắc mắc về tật dính thắng lưỡi.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tongue-tie/symptoms-causes/syc-20378452

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người