YouMed

Đường huyết cao và những bệnh lý tiềm ẩn: bạn đã biết chưa?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Hiện nay, tiện nghi cuộc sống ngày càng nâng cao nhưng cũng gây những giới hạn nhất định. Tỷ lệ thừa cân – béo phì ngày càng cao, lối sống thụ động tăng,… Điều này dẫn đến những nguy cơ sức khỏe không mong muốn. Đường huyết cao cũng là một trong những vấn đề như vậy. ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ chỉ ra những tác hại của tình trạng đường huyết cao trong bài viết sau đây. 

Sơ lược về đường huyết cao

Đường huyết cao là gì?

Đường huyết là nhiên liệu thiết yếu cho các cơ quan trong cơ thể. Sau khi tiếp nhận thức ăn, hệ tiêu hóa và nội tiết sẽ chuyển hóa và điều phối đường đi đến khắp các cơ quan. Đường huyết không cố định nhưng sẽ được điều hòa trong ngưỡng ổn định.

Đường huyết cao gây tác động tiêu cực. Đường máu cao không giúp tăng cường năng lượng. Ngược lại vì quá tải, các tế bào trong cơ thể không tiếp cận đường huyết để tiếp nhận nguồn dinh dưỡng này. Đồng thời, đường huyết cao cũng có thể gây ra những bệnh lý khó kiểm soát trong tương lai.

Sự quá tải thực phẩm tại hệ tiêu hóa làm cơ thể khó hấp thụ năng lượng
Sự quá tải thực phẩm tại hệ tiêu hóa làm cơ thể khó hấp thụ năng lượng

Nhận biết đường huyết cao như thế nào?

Khi có những dấu hiệu sau, bạn nên cẩn trọng tình trạng đường huyết mình đang tăng cao:

  • Có cơn đau đầu, nhức đầu tái đi tái lại.
  • Khó tập trung.
  • Hay đói hoặc khát thường xuyên.
  • Cảm thấy hay buồn ngủ và mệt mỏi.
  • Bị mờ mắt.
  • Cảm giác khô miệng hay vùng họng.
  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Các vết thương thường lâu lành.

Lượng đường trong máu cao và insulin thấp sẽ làm tăng ceton – một chất độc cho cơ thể. Đây được gọi là nhiễm toan ceton. Dấu hiệu của biến chứng này gồm:

  • Khó thở.
  • Hơi thở có mùi trái cây.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Lú lẫn.
  • Nôn ói.
  • Mất nước.
  • Đường huyết đo được trên 250 mg/dL.

Khi nào có đường huyết cao?

Có nhiều yếu tố thúc đẩy đường huyết cao:

Yếu tố di truyền

Nhiều nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng đường huyết cao có tính di truyền và có thể phát triển bệnh đái tháo đường type 1. Viện nghiên cứu bệnh tiểu đường cho biết chúng ta không thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Chế độ ăn uống hay tập thể dục không thể cải thiện tình trạng này. Bệnh này chỉ có thể điều trị bằng thuốc.

Xem thêm: Đường huyết cao có phải bị tiểu đường và câu trả lời từ chuyên gia y tế.

Bệnh lý

Những người bệnh có tình trạng huyết áp từ 140/90 trở lên và đang điều trị bệnh tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đường huyết cao hơn nhiều. Vì thế ở bệnh nhân này, cần tuân thủ điều trị những bệnh lý trên. Điều này cũng sẽ đẩy lùi những rối loạn khác.

Khảo sát ở những người Châu Á trong đó có Việt Nam cho thấy tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao. Điều này giải thích cho tỷ lệ bệnh rối loạn lipid máu cao. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính của đường huyết tăng.

Thể chất

Càng lớn tuổi, đường huyết càng khó kiểm soát. Những người trên 45 tuổi sẽ bắt đầu xuất hiện sự lão hóa nhất định. Đôi khi tuyến tụy làm việc kém hiệu quả sẽ làm tăng đường huyết.

Thừa cân béo phì cũng được xem là một bệnh lý về mặt dinh dưỡng. Dẫu người thừa cân béo phì không có biểu hiện cụ thể gì nhưng lượng đường huyết cao xuất hiện chắc chắn sẽ khó kiểm soát ở mức ổn định.

Đường huyết cao gây hậu quả gì?

Đường huyết khi đã tăng hơn mức bình thường sẽ nhiều khó chịu lên cơ thể. Bao gồm:

Đi tiểu lắt nhắt và khát nước nhiều hơn

Đường huyết cao sẽ đi vào thận và nước tiểu. Càng nhiều đường sẽ bài tiết ra càng nhiều nước tiểu khiến ta đi tiểu nhiều lần lắt nhắt. Song song đó, nó sẽ khiến ta khát nước nhiều hơn mặc dù đã uống đủ. Cứ thế, tình trạng này gây nên vòng luẩn quẩn.

Người có đường huyết cao sẽ uống nước rất nhiều dù đã uống đủ
Người có đường huyết cao sẽ uống nước rất nhiều dù đã uống đủ

Sụt cân

Tuy đường trong máu cao, nhưng cơ thể lại chẳng hấp thụ được. Các tế bào muốn duy trì hoạt động sẽ đốt cháy cơ và chất béo để lấy năng lượng. Chính vì điều này, lượng đường máu cao sẽ gây giảm cân rất nhiều.

Tê và ngứa rát

Bạn có biết quá tải đường cũng kích thích thần kinh. Bạn sẽ cảm thấy tê, rát hay ngứa ran ở tay, chân đặc biệt là bàn chân. Trong y học, đây được xem là dấu hiệu thần kinh tiểu đường. Chúng là một biến chứng không thể hồi phục.

Biến chứng lâu dài

Nếu đường huyết cao kéo dài sẽ đi kèm với những hậu quả cực kỳ khôn lường. Mạch máu bị tổn thương sẽ gây ra những biến chứng như:

  • Tổn thương mắt và thị lực vĩnh viễn.
  • Suy thận.
  • Đột quỵ.
  • Vấn đề thần kinh ở da đặc biệt là ở bàn chân. Người có đường tăng trong máu sẽ có những vết lở dễ bị nhiễm trùng và khó lành.

Chiến lược cải thiện đường huyết

Nếu bạn có tình trạng đường huyết cao, không có gì phải hoang mang cả. Đường huyết sẽ dần về mức ổn định nếu bạn có giải pháp ngay từ bây giờ. Sau đây, YouMed sẽ gợi ý chiến lược cải thiện đường huyết đơn giản và gần gũi nhất:

Theo dõi đường huyết

Chiến lược đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần đo đường huyết thường xuyên. Tưởng chừng như vô ích, việc đo đường huyết sẽ giúp bạn nắm bắt chỉ số đường huyết. Nó sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng quá ngưỡng này.

Có 2 thời điểm bạn có thể đo đường chính xác. Đó chính là khi mới thức dậy – chưa ăn gì và đo lúc 2 tiếng sau bữa ăn. Việc đo lúc đói và lúc no sẽ giúp bạn đối chiếu đường huyết dễ dàng hơn.

Bạn nên đo đường huyết vào sáng sớm ngay khi thức dậy và chưa ăn uống gì
Bạn nên đo đường huyết vào sáng sớm ngay khi thức dậy và chưa ăn uống gì

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị đường huyết trước bữa ăn an toàn là 80 – 130 mg/dL. Đường huyết sau ăn 2 giờ tốt phải dưới 180 mg/dL.

Giữ thể trạng ở mức cân bằng

Nếu bạn ở mức đường huyết cao, cần sắp xếp lại những bữa ăn sao cho điều độ. Bạn có thể chia thành những bữa ăn nhỏ. Tăng lượng thực phẩm dồi dào chất xơ như rau quả, trái cây, các loại đậu hạt. Hạn chế chất béo, đồ ăn liền, đồ mặn,…

Bạn cũng nên hình thành thói quen tập thể dục đều đặn. Đốt cháy mỡ thừa cũng sẽ giảm lượng đường trong máu hiệu quả. Duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn theo BMI. BMI chuẩn dành cho dân cư Châu Á là từ 18,5 – 22,9 kg/m2.

Tăng cường hệ miễn dịch

Một lời khuyên dành cho bạn là tránh nhiễm trùng nếu có đường huyết cao. Cụ thể là bạn nên rửa tay thường xuyên, tránh cảm mạo bằng cách tiêm ngừa vaccine  cảm cúm.

Đồng thời, bạn nên giải tỏa những căng thẳng, suy nghĩ tích cực. Có thể thực hiện thiền, ngủ đủ giấc, giữ trạng thái vui vẻ, luôn mỉm cười.

Đường huyết cao là tình trạng đáng quan ngại ở mọi đối tượng. Bạn không được chủ quan nếu đang có tình trạng này. Lưu ý những dấu hiệu đường cao kết hợp với đo đường huyết tại nhà. Thực hiện chiến lược cải thiện đường huyết ngay khi có dấu hiệu trên. Chúc bạn thành công.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. High Blood Sugar and Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/guide/diabetes-hyperglycemia 

    Ngày tham khảo: 20/07/2021

  2. How does high blood sugar (hyperglycemia) feel?https://www.medicalnewstoday.com/articles/313138

    Ngày tham khảo: 20/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người