YouMed

7 cách giúp hạn chế biến chứng suy tim do đái tháo đường

BS.CKII Nguyễn Lam Thi
Tác giả: BS.CKII Nguyễn Lam Thi
Chuyên khoa: Nội tiết

Biến chứng suy tim do đái tháo đường có thể gây gánh nặng lớn về kinh tế, sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Lam Thi tìm hiểu 7 cách hạn chế biến chứng suy tim do đái tháo đường qua bài viết sau nhé!

1. Tầm soát suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường

Tầm soát suy tim là bước quan trọng trong quản lý sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường. Việc thực hiện tầm soát định kỳ ngay cả khi chưa có triệu chứng giúp phát hiện sớm suy tim. Từ đó phân tầng nguy cơ và điều trị kịp thời, góp phần kiểm soát bệnh tốt hơn.1

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên tầm soát suy tim bằng các xét nghiệm peptide bài niệu hoặc troponin tim có độ nhạy cao ít nhất 1 lần/ năm.2

Trong đó, NT-proBNP là một xét nghiệm peptide bài niệu có độ nhạy cao trên 90%, đặc biệt hiệu quả trong việc dự đoán nguy cơ suy tim và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.3 4

NT-proBNP là một hormone tim, được tiết ra khi thành tâm thất căng giãn. Kết quả xét nghiệm có mức NT-proBNP dưới 125 pg/mL có thể loại trừ khả năng suy tim.2 3

Thực hiện xét nghiệm NT-proBNP định kỳ giúp theo dõi sức khỏe tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường, phát hiện sớm những bất thường tiềm ẩn và từ đó điều chỉnh phác đồ điều trị một cách phù hợp.

Xét nghiệm NT-proBNP giúp phát hiện sớm biến chứng suy tim ở người bệnh đái tháo đường
Xét nghiệm NT-proBNP giúp phát hiện sớm biến chứng suy tim ở người bệnh đái tháo đường

2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường. Bằng cách thực hiện các buổi khám định kỳ, người bệnh có thể kết hợp với tầm soát suy tim để nhận diện sớm nguy cơ, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.

Bên cạnh đó, thăm khám thường xuyên còn giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây suy tim như tăng đường huyết, tăng huyết áp, mức lipid và cholesterol cao…2

Việc theo dõi các chỉ số này cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh chính xác và điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt đái tháo đường mà còn giảm thiểu nguy cơ biến chứng suy tim.

3. Kiểm soát lượng đường trong máu

Kiểm soát đường huyết là yếu tố then chốt trong việc quản lý bệnh đái tháo đường. Giữ mức đường huyết ổn định ở mức tiêu chuẩn giúp giảm đáng kể nguy cơ các biến chứng, bao gồm cả suy tim.

Mục tiêu chung của việc kiểm soát đường huyết là duy trì HbA1c ở mức 7-8%. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo mục tiêu đường huyết nên được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân, bao gồm:2

  • Mức độ nghiêm trọng của các bệnh kèm theo (như suy tim);
  • Lợi ích tiềm năng từ việc hạ HbA1c;
  • Tuổi thọ bệnh nhân;
  • Các rủi ro có thể xảy ra từ việc điều trị tăng cường như nguy cơ hạ đường huyết, việc dùng nhiều loại thuốc, gánh nặng điều trị và chi phí chăm sóc cao.
Kiểm soát đường huyết tốt giúp người bệnh hạn chế nguy cơ mắc biến chứng suy tim
Kiểm soát đường huyết tốt giúp người bệnh hạn chế nguy cơ mắc biến chứng suy tim

4. Duy trì huyết áp và cholesterol ổn định

Duy trì chỉ số huyết áp và cholesterol ở ngưỡng an toàn giúp giảm nguy cơ biến chứng suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh nhân đái tháo đường thường có nguy cơ cao mắc huyết áp cao. Đây là yếu tố chính dẫn đến xơ vữa động mạch (ASCVD), suy tim, và các biến chứng vi mạch. Mục tiêu kiểm soát huyết áp là giữ mức dưới 130/80 mmHg, giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm này.1

Bên cạnh đó, theo dõi và kiểm soát mức cholesterol đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ về tim mạch. Mục tiêu cho mức HDL cholesterol là dưới 40 mg/dL (<1.0 mmol/L) ở nam giới và dưới 50 mg/dL (<1.3 mmol/L) ở nữ giới.1

5. Tập thể dục đều đặn

Hoạt động thể chất thường xuyên và điều độ được khuyến cáo cho người bệnh đái tháo đường để tăng cường chức năng tim và cơ thể. Từ đó làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược một số tác động tiêu cực của bệnh như suy giảm chức năng tim, xơ vữa động mạch và suy tim.

Trước khi bắt đầu tập luyện, bệnh nhân đái tháo đường cần được đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro và tình trạng sức khỏe. Điều này giúp đảm bảo việc luyện tập an toàn và đạt hiệu quả tối đa. Cùng với đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn bài tập và cường độ phù hợp với tình trạng của mình.2

Tập luyện thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hạn chế biến chứng suy tim
Tập luyện thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hạn chế biến chứng suy tim

6. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng là nền tảng quan trọng trong điều trị đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng suy tim.

Người bệnh nên tuân thủ khuyến cáo về chế độ ăn uống như sau:2

  • Tránh uống rượu: Rượu có thể làm tăng nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết.
  • Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và loại bỏ hoàn toàn chất béo trans: Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Giảm mật độ năng lượng: Ưu tiên thực phẩm có mật độ năng lượng thấp (<125 kcal/100g) để kiểm soát cân nặng và đường huyết.
  • Ưu tiên mô hình ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn nên bao gồm nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá, sữa ít béo, đậu, dầu thực vật, và các loại hạt. Các mô hình ăn uống như chế độ ăn DASH hoặc kiểu Địa Trung Hải là lựa chọn lý tưởng.
  • Cá nhân hóa chế độ ăn: Chế độ ăn uống nên được điều chỉnh dựa trên nhu cầu calo, sở thích cá nhân, thuốc kê đơn, tình trạng thừa cân hoặc béo phì và các bệnh kèm theo.

7. Bỏ hút thuốc lá

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên tránh hoàn toàn việc hút thuốc lá.2

Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên… Mà còn góp phần vào sự hình thành và tiến triển của suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường.5

Việc từ bỏ thuốc lá giúp cải thiện chức năng tim và tuần hoàn máu, tăng khả năng kiểm soát đường huyết và giảm thiểu đáng kể nguy cơ biến chứng tim mạch.5

Bỏ hút thuốc lá giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ biến chứng tim mạch
Bỏ hút thuốc lá giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ biến chứng tim mạch

Trên đây là 7 cách hạn chế biến chứng suy tim do đái tháo đường. Người bệnh nên tầm soát suy tim định kỳ với xét nghiệm NT-proBNP để phát hiện sớm nguy cơ. Từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời trước khi bệnh tiến triển nghiêm trọng. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về xét nghiệm NT-proBNP, đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho các bác sĩ tại ứng dụng YouMed để được giải đáp miễn phí nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 10. Cardiovascular Disease and Risk Management: Standards of Care in Diabetes—2024https://diabetesjournals.org/care/article/47/Supplement_1/S179/153957/10-Cardiovascular-Disease-and-Risk-Management

    Ngày tham khảo: 25/09/2024

  2. Heart Failure: An Underappreciated Complication of Diabetes. A Consensus Report of the American Diabetes Associationhttps://diabetesjournals.org/care/article/45/7/1670/147048/Heart-Failure-An-Underappreciated-Complication-of

    Ngày tham khảo: 25/09/2024

  3. NT-ProBNP and mortality across the spectrum of glucose tolerance in the general US populationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9641859/

    Ngày tham khảo: 25/09/2024

  4. Taylor CJ, et al. British Journal of General Practice. 2023;73(726):e1-8.

  5. Smoking and Diabeteshttps://www.cdc.gov/tobacco/campaign/tips/diseases/diabetes.html

    Ngày tham khảo: 25/09/2024

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người