YouMed

Ethambutol là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng

dược sĩ dương thị kim ngân
Tác giả: Dược sĩ Dương Thị Kim Ngân
Chuyên khoa: Dược

Ethambutol là thuốc được chỉ định trong những bệnh lý nào? Cách dùng thuốc như thế nào để đạt hiệu quả điều trị? Những lưu ý cũng như cách bảo quản khi sử dụng thuốc này là gì? Tất cả các thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Dương Thị Kim Ngân. Hãy cùng theo dõi nhé!

Hoạt chất: Ethambutol hydrochloride.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Axotham-400; Combutol 400.

Ethambutol là thuốc gì?

Ethambutol hay còn thường được gọi là Ethambutol 400mg. Đây là thuốc được chỉ định để điều trị bệnh lao, được sản xuất bởi công ty Cổ phần Hoá – Dược phẩm Mekophar.

Ethambutol được sản xuất dưới dạng bào chế viên nén bao phim màu vàng, một mặt có vạch ngang. Thuốc có các quy cách đóng gói sau:

  • Hộp 20 vỉ x 10 viên.
  • Lọ 60 viên.
  • Lọ 200 viên.
Ethambutol được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar
Ethambutol được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Hoá – Dược phẩm Mekophar

Thành phần

Mỗi viên nén bao phim chứa các thành phần hoạt chất sau:1

  • Ethambutol hydrochloride: 400mg
  • Tá dược vừa đủ 1 viên: povidon K29/32, mannitol, dicalci phosphat khan, crospovidon, colloidal silicon dioxyd, magnesi stearat, microcrystalin callulose 101, hydropropylmethylcellulose, titan diozyd, talc, macrogol 6000, màu tartrazin.

Công dụng thành phần

Ethambutol có tác dụng ức chế acid mycolic và thâm nhập vào trong thành tế bào của vi khuẩn. Do vậy, đây là một thuốc kháng lao có tác dụng kìm khuẩn, thuốc có tính đặc hiệu cao và chỉ có tác dụng đối với các chủng thuộc họ Mycobacteria, hầu như các chủng vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, M. kansasii và một số chủng M. avium đều nhạy cảm với ethambutol.2

Ethambutol cũng ngăn cản sự tổng hợp RNA của vi khuẩn, từ đó kìm hãm sự nhân lên của chúng. Nhờ đó, thuốc cũng ức chế sự phát triển của hầu hết các chủng vi khuẩn lao kháng isoniazid và streptomycin.2

Tác dụng của Ethambutol

Ethambutol được sử dụng phối hợp với các thuốc kháng lao khác để:1

  • Điều trị bệnh lao (lao phổi và ngoài phổi) thể hoạt động và lao phổi kháng thuốc.
  • Điều trị nhiễm trùng vi khuẩn Mycobacterium avium.

Ngoài ra, Ethambutol còn được sử dụng để dự phòng bệnh lao tiềm ẩn hoặc có dương tính rộng với phản ứng tuberculin test.1

Ethambutol được sử dụng để điều trị lao phổi và ngoài phổi
Ethambutol được sử dụng để điều trị lao phổi và ngoài phổi

Cách dùng

Cách dùng1

  • Nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng Ethambutol 1 lần duy nhất trong ngày.
  • Khi sử dụng thuốc có thể nghiền thành bột, pha với nước ép táo, lưu ý không pha cùng các nước ép hoặc siro khác vì không làm mất vị đắng hoặc không ổn định.
  • Có thể phối hợp kèm với thức ăn nếu người bệnh có triệu chứng kích ứng đường tiêu hoá.
  • Trong trường hợp điều trị bệnh lao hoặc nhiễm trùng Mycobacterium avium, cần phối hợp Ethambutol với các thuốc kháng lao khác theo phác đồ điều trị phù hợp để tránh gây ra tình trạng đề kháng thuốc.

Liều dùng cho từng đối tượng1

Liều dùng cho người bệnh trưởng thành:

  • Bệnh lao mới: sử dụng 15 mg/kg/ngày, tối đa 1,6 g/ngày.
  • Bệnh lao tái phát: liều dùng khởi điểm là 25 mg/kg/ngày trong 60 ngày đầu, sau đó dùng 15 mg/kg/ngày, tối đa 1,6 g/ngày.
  • Dự phòng lao: dùng 15 mg/kg/ngày với 1 liều duy nhất, lưu ý đối với những thuốc phối hợp nên duy trì ở liều khuyến cáo.

Liều dùng cho trẻ em:

  • Bệnh lao mới và tái phát: liều dùng khởi điểm là 25 mg/kg/ngày trong 60 ngày đầu, sau đó uống 15 mg/kg/ngày, tối đa 1 g/ngày.
  • Dự phòng lao: liều tương tự với liều dự phòng ở người trưởng thành.

Liều dùng cho người bệnh suy thận: Cần hiệu chỉnh liều theo nồng độ ethambutol trong máu và thay đổi khoảng liều theo mức độ suy thận của người bệnh.

Tác dụng không mong muốn

Nhìn chung, Ethambutol gây ra tác dụng phụ với tần suất khá ít gặp khi sử dụng, nếu có thì sẽ thường gặp những tác dụng sau:1

  • Chuyển hoá và dinh dưỡng: tăng acid uric máu, gout.
  • Mắt: viêm thần kinh thị giác như rối loạn thị giác, giảm hay mất thị lực, mù màu, ám điểm, hẹp trường nhìn, đau mắt.
  • Máu và hệ bạch huyết: giảm tiểu cầu, bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính.
  • Hệ thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, dị cảm đầu chi, tê, bệnh thần kinh ngoại vi, mất phương hướng.
  • Hệ miễn dịch: sốc phản vệ, quá mẫn.
  • Da và mô dưới da: ngứa, phát ban, nổi mề đay, viêm da mụn giộp, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì.
  • Thận và tiết niệu: viêm thận kẽ.
  • Tâm thần: ảo giác, rối loạn tâm thần.
  • Hô hấp, ngực, trung thấp: thâm nhiễm phổi, viêm phổi, có hoặc không tăng bạch cầu ái toan.
  • Rối loạn chung: khó thở, sốt.
  • Cơ xương và mô liên kết: đau khớp.

Và một số triệu chứng khác chưa rõ tần suất như: biếng ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng da; viêm gan, giá trị xét nghiệm chức năng gan bất thường, suy gan (hiếm khi xảy ra),…1

Hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về những tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc.

Rối loạn thị giác, giảm thị lực,... là một số tác dụng phụ khi sử dụng Ethambutol
Rối loạn thị giác, giảm thị lực,… là một số tác dụng phụ khi sử dụng Ethambutol

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc: Ethambutol gây tương tác với isoniazid, các thuốc độc thần kinh như cloroquin, hydralazin, … có thể làm tăng nguy cơ độc thần kinh. Ngoài ra, khi dùng chung với antacid, nhôm hydroxyd sẽ làm giảm hấp thu ethambutol ở một số người.1

Tương kỵ thuốc: Chưa có các nghiên cứu liên quan đến tình tương kỵ, nhưng không nên trộn ethambutol với các thuốc khác khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.1

Chống chỉ định

Những đối tượng sau chống chỉ định sử dụng Ethambutol:1

  • Người có triệu chứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có bệnh lý viêm dây thần kinh thị giác.

Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú có thể dùng Ethambutol được không?

Thời kỳ mang thai1

Chưa có báo cáo về nguy cơ dùng thuốc ở người trong thời kỳ mang thai dù hoạt chất ethambutol có thể qua được nhau thai và gây quái thai khi dùng liều cao ở động vật trong thực nghiệm. Do đó, chỉ chỉ định sử dụng Ethambutol cho phụ nữ có thai khi xác định lợi ích lớn hơn nguy cơ.

Thời kỳ cho con bú1

Chưa có báo cáo ghi nhận trường hợp gây độc ở trẻ em bú người mẹ đang được điều trị bằng ethambutol dù theo nghiên cứu thuốc có thể vào trong sữa mẹ với nồng độ tương đương nồng độ trong huyết tương. Cần lưu ý cân nhắc lợi ích của người mẹ và nguy cơ với trẻ để điều trị bằng Ethambutol.

Thận trọng khi sử dụng

Những đối tượng/trường hợp sau cần thận trọng khi dùng Ethambutol:1

  • Vì ethambutol đào thải qua đường nước tiểu đến 80% nên phải chỉnh liều dựa vào nồng độ ethambutol trong huyết thanh đối với người bị suy giảm chức năng thận. Nếu người bệnh có độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút thì phải theo dõi nồng độ ethambutol huyết tương trong quá trình điều trị.
  • Hãy đánh giá chức năng thận và thị lực trước khi tiến hành điều trị và xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, thị lực, gan, huyết học theo định kỳ.
  • Với người có bệnh lý về mắt như bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, đục thuỷ tinh thể, các tình trạng tái phát viêm mắt hay người già và trẻ nhỏ cần phải thận trọng trước khi dùng, nhất là trẻ dưới 6 tuổi vì khó phát hiện và đánh giá sự thay đổi về chức năng thị giác. Ngoài ra, bệnh nhân uống liều 15 mg/kg/ngày cần kiểm tra hàng tháng. Lưu ý ngưng thuốc nếu xuất hiện triệu chứng rối loạn tầm nhìn.
  • Chỉ dùng ethambutol với trẻ em khi chắc chắn hay nghi ngờ có vi khuẩn lao đề kháng isoniazid hoặc rifampicin, hoặc trẻ có thể lao giống người lớn như thâm nhiễm đỉnh phổi, có hang.
  • Tartrazin có tác dụng tạo màu có trong thành phần chế phẩm nên có thể gây ra phản ứng dị ứng như mày đay, khó thở, đỏ bừng, uể oải, giảm huyết áp.

Ngoài ra, đã ghi nhận những trường hợp hợp bị giảm thị lực, chóng mặt, đau đầu, hơn cả là tê bì và dị cảm đầu chi sau khi sử dụng thuốc. Vì vậy, cũng cần thận trọng sử dụng dành cho đối tượng lái tàu xe, vận hành máy, người làm việc trên cao và một số đối tượng liên quan.1

Cần thận trọng khi dùng Ethambutol ở người bệnh suy thận, người bệnh về mắt,...
Cần thận trọng khi dùng Ethambutol ở người bệnh suy thận, người bệnh về mắt,…

Xử lý khi quá liều

Ngộ độc cấp không xảy ra với liều bình thường mà khi dùng liều trên 10 g sẽ xảy ra các triệu chứng thường gặp như sốt, đau bụng, buồn nôn, ảo giác, lú lẫn và bệnh lý khác của thần kinh thị giác.1

Cách xử trí: Tiến hành rửa dạ dày ngay lập tức và thẩm phân thận nhân tạo hay phúc mạc để nhanh chóng giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh.1

Trường hợp quên thuốc

Sau khi nhớ ra đã quên liều thì hãy uống ngay liều đã quên trước đó. Nếu sắp thời gian dùng liều kế tiếp, hãy bỏ liều đã quên và uống liều kế tiếp đúng theo phác đồ điều trị. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

Lưu ý khi sử dụng

  • Ethambutol là thuốc kê đơn, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu đang mắc một bệnh lý khác, phải báo ngay với bác sĩ về việc dùng Ethambutol. Ngoài ra, cần thông báo tất cả thông tin về thuốc/thực phẩm chức năng đang sử dụng khác.
  • Thông báo cho bác sĩ hay nhân viên y tế về các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Cách bảo quản

  • Thuốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng, đặc biệt phải tránh những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ phù hợp, không quá 30°C.

Ethambutol có giá bao nhiêu?

Trên thị trường, thuốc Ethambutol 400mg có giá tham khảo là 1.900 VNĐ/viên. Theo giá này, mỗi hộp gồm 20 vỉ x 10 viên sẽ có giá trung bình khoảng 380.000 VNĐ.

Tuy nhiên, mức giá có thể dao động vào từng thời điểm, có thể là chương trình khuyến mãi, giảm giá hay yếu tố nhà phân phối và nhà bán lẻ.

Hy vọng qua bài viết trên đã giải đáp được thắc mắc của các bạn đọc về thuốc Ethambutol. Hãy lưu ý  những thông tin quan trọng về cách sử dụng thuốc cũng như cách bảo quản thuốc. Liên hệ ngay với bác sĩ hay dược sĩ nếu gặp những triệu chứng không mong muốn để được xử lý kịp thời nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Ethambutolhttps://cdn.drugbank.vn/resize-pdf/VD-32137-19.pdf

    Ngày tham khảo: 12/08/2023

  2. Bộ Y tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 631 - 632.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=631

    Ngày tham khảo: 12/08/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người