YouMed

Bệnh giang mai lây qua đường nào?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Việc quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến lây truyền các bệnh tình dục nguy hiểm. Giang mai là một bệnh dễ lây nhiễm và chủ yếu thông qua tiếp xúc với các vết loét của người nhiễm trong sinh hoạt tình dục. Ngoài ra, bệnh còn có một số phương thức lây truyền khác. Vậy bệnh giang mai lây qua đường nào? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi trên. Mời bạn cùng theo dõi nhé!

Bệnh giang mai lây qua đường nào?

Bệnh giang mai là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng khi xâm nhập vào vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc, thường là ở bộ phận sinh dục.

Bệnh giang mai thường lây truyền qua quan hệ tình dục, mặc dù nó cũng có thể lây truyền theo những cách khác. Dưới đây là các con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh giang mai.

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục

1. Lây truyền qua đường tình dục

Bệnh giang mai lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai, được gọi là săng. Săng có thể xuất hiện ở trong, trên hoặc xung quanh dương vật, âm đạo, hậu môn, trực tràng và môi hoặc miệng.

Bệnh giang mai có thể lây lan khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.1

Hình ảnh của săng ở người mắc bệnh giang mai
Hình ảnh của săng ở người mắc bệnh giang mai

Lây truyền qua đường tình dục chiếm hầu hết các trường hợp giang mai mắc mới. Xác suất lây truyền bệnh giang mai trong quan hệ tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tần suất quan hệ tình dục, đường quan hệ tình dục, giai đoạn giang mai ở người mắc bệnh, tính nhạy cảm của bạn tình và việc sử dụng bao cao su có đúng cách không,… Tuy nhiên, xác suất mắc bệnh là rất cao.2

2. Lây truyền qua đường từ mẹ sang con

Phụ nữ đang mang thai mắc bệnh giang mai cũng có thể truyền bệnh cho trẻ đang còn trong bụng mẹ. Các xoắn khuẩn giang mai có trong người mẹ sẽ thâm nhập vào máu thai nhi qua nhau thai. Điều này khiến thai nhi bị nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh.1

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phần lớn trẻ sinh ra từ người mắc bệnh giang mai không được điều trị, sẽ có các biến chứng đáng kể về thể chất hoặc tinh thần; hoặc có thể chết trong bụng mẹ (thai chết lưu) hoặc ngay sau khi sinh.3 4

Giang mai có thể lây truyền từ mẹ mắc bệnh sang thai nhi
Giang mai có thể lây truyền từ mẹ mắc bệnh sang thai nhi

3. Lây thông qua tiếp xúc với dụng cụ chứa vi khuẩn

Bệnh có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm dịch tiết, máu, mủ của người bị bệnh.5

Bạn có thể bị lây nhiễm giang mai khi tiếp xúc với các vật dụng có chứa dịch tiết từ người mắc bệnh
Bạn có thể bị lây nhiễm giang mai khi tiếp xúc với các vật dụng có chứa dịch tiết từ người mắc bệnh

4. Lây qua đường máu và ghép nội tạng

Giang mai cũng có thể lây nhiễm thông qua việc truyền máu chứa vi khuẩn giang mai hoặc khi cấy ghép nội tạng người bệnh. Việc lây nhiễm cũng xảy ra khi sử dụng kim tiêm đã được sử dụng bởi người bị nhiễm bệnh.2

Giang mai có thể lây qua đường máu khi sử dụng kim tiêm của người bị nhiễm bệnh
Giang mai có thể lây qua đường máu khi sử dụng kim tiêm của người bị nhiễm bệnh

Giải đáp thắc mắc thường gặp về con đường lây truyền của giang mai

1. Dùng bao cao su có bị giang mai không?

Khi quan hệ dùng bao cao su có thể giảm thiểu khả năng lây nhiễm vi khuẩn. Nhưng với điều kiện phải sử dụng bao cao su đúng cách và che phủ hoàn toàn vết loét. Ngoài ra, bao cao su nữ được đánh giá độ che phủ tốt hơn và nâng cao khả năng tránh lây nhiễm.2

2. Hôn nhau có lây giang mai không?

Bệnh giang mai thường không lây truyền qua nụ hôn.

Tuy nhiên, khi bệnh giang mai gây lở loét trong miệng thì vẫn có thể truyền vi khuẩn cho người khác. Hôn sâu, bao gồm chạm lưỡi vào nhau, cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do tăng khả năng tiếp xúc với vi khuẩn.6

Vết loét ở miệng và môi người mắc bệnh giang mai
Vết loét ở miệng và môi người mắc bệnh giang mai

3. Giang mai có lây qua nước bọt không?

Giang mai có thể lây qua nước bọt nếu có các vết lở loét ở miệng do giang mai gây ra. Việc lây truyền này thông qua hoạt động như hôn, quan hệ tình dục bằng miệng, sử dụng chung bàn chải đánh răng,…

4. Giang mai có lây qua đường ăn uống không?

Bệnh giang mai không lây qua đường tiếp xúc thông thường như đường ăn uống. Tuy nhiên, nếu thức ăn tiếp xúc với nước bọt của người có vết loét do giang mai (săng giang mai) gây ra ở miệng thì hoàn toàn có khả năng lây bệnh.

5. Giang mai có lây qua đường miệng không?

Giang mai có thể lây qua đường miệng nếu tiếp xúc với nước bọt của người có vết loét do giang mai gây ra ở miệng thì hoàn toàn có khả năng lây bệnh.

6. Thủ dâm có bị giang mai không?

Thủ dâm có thể gây giang mai nhưng trường hợp này rất hiếm xảy ra. Khả năng mắc bệnh chỉ xuất hiện trong các trường hợp sau:

  • Khi sử dụng chung dụng cụ tình dục có chứa vi khuẩn giang mai.
  • Khi thực hiện thủ dâm cho nhau mà một trong hai người mắc bệnh.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh giang mai

Các đối tượng sau dễ mắc bệnh giang mai như:

  • Người có nhiều đối tượng quan hệ tình dục.
  • Người không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Người quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết cơ thể.

Dấu hiệu bệnh giang mai

Các triệu chứng của bệnh giang mai bao gồm:

  • Vết loét nhỏ trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh mông (hậu môn) – những vết loét này thường không đau.
  • Vết loét ở các khu vực khác như trong miệng, trên môi, tay hoặc mông.
  • Mụn thịt màu trắng hoặc xám trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn.
  • Phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân đôi khi có thể lan ra khắp cơ thể và thường không ngứa.
  • Mảng trắng trong miệng.
  • Các triệu chứng giống như cúm, sốt, đau đầu và mệt mỏi.
  • Rụng tóc, râu, lông mày, tóc thưa.

Có thể mất 3 tuần hoặc hơn để các triệu chứng của bệnh giang mai xuất hiện sau khi bị nhiễm bệnh.3

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ khi gặp các trường hợp sau:

  • Bạn hoặc bạn tình có triệu chứng giang mai.
  • Một bạn tình đã nói với bạn rằng họ mắc bệnh giang mai, hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STI) gần đây.
  • Quan hệ tình dục với một bạn tình mới và không sử dụng bao cao su.
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai và nghĩ rằng mình có thể mắc bệnh giang mai.
  • Đã tiêm thuốc bằng kim tiêm đã được sử dụng bởi người có thể mắc bệnh giang mai

Xét nghiệm giang mai là cách duy nhất để xác định xem bạn có mắc bệnh giang mai hay không. Nếu bạn làm như vậy, điều trị sẽ cần phải được bắt đầu càng sớm càng tốt.7

Phòng ngừa bệnh giang mai như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh giang mai, bạn nên thực hiện những điều sau đây:

  • Đẩy mạnh giáo dục y tế: giáo dục lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.
  • Giáo dục tình dục an toàn, quan hệ tình dục có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).
  • Khi phát hiện bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý mua thuốc uống.
  • Vệ sinh phòng bệnh: Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh, người mẹ bị giang mai trong thời kỳ mang thai cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Xét nghiệm huyết thanh học có hệ thống nên được thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai.3

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Giang mai lây qua đường nào?” và các câu hỏi liên quan. Mong rằng những thông tin mà bài viết đem đến sẽ giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích, để có thể hiểu đúng và bảo vệ sức khỏe cho bản thân cùng những người xung quanh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Syphilis – CDC Detailed Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis-detailed.htm

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  2. Syphilis transmission: a review of the current evidencehttps://www.publish.csiro.au/sh/SH14174

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  3. The Incidence of Prenatal Syphilis at the Boston City Hospitalhttps://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJM195207102470203

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  4. Evaluation of Molecular Methodologies and Rabbit Infectivity Testing for the Diagnosis of Congenital Syphilis and Neonatal Central Nervous System Invasion by Treponema pallidum Get access Arrowhttps://academic.oup.com/jid/article-abstract/167/1/148/845101

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  5. BỆNH GIANG MAIhttps://vncdc.gov.vn/benh-giang-mai-nd14525.html

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  6. Syphilishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/syphilis/symptoms-causes/syc-20351756#:~:text=Less%20commonly%2C%20syphilis%20may%20spread%20through%20direct%20contact%20with%20an%20active%20lesion%2C%20such%20as%20during%20kissing.

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

  7. Syphilishttps://www.nhs.uk/conditions/syphilis/

    Ngày tham khảo: 17/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người