Giang mai ở miệng: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Nội dung bài viết
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Triệu chứng giang mai có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau. Sau đây, hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu thêm bệnh giang mai ở miệng và lưỡi, cũng như cách điều trị và những nguy hiểm mà người mắc bệnh này cần chú ý.
Bệnh giang mai ở miệng là gì?
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Treponema pallidum. Khi bệnh giang mai lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào vết cắt hoặc vết hở trên niêm mạc môi hoặc miệng. Trường hợp này được gọi là giang mai ở miệng.1
Nguyên nhân gây ra bệnh giang mai ở miệng
Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt hoặc vết loét ở âm đạo, dương vật, hậu môn hoặc miệng.
Ngoài ra, bệnh giang mai có khả năng lây lan qua tiếp xúc gần gũi mà không được bảo vệ như hôn. Tuy vậy, giang mai ở miệng không lây lan khi ta dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc ly nước.
Săng – các vết loét tròn, chắc, có khả năng phát triển ở nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn. Đây là những dấu hiệu đầu tiên khi bạn mắc giang mai và săng này thường không gây đau cho người bệnh.
Xem thêm: Bệnh giang mai lây qua đường nào?
Biểu hiện giang mai ở miệng
Giang mai ở miệng thường khó phát hiện vì các triệu chứng như vết loét thường không đau và khó phân biệt được với các bệnh thông thường khác như mụn nhọt.
Triệu chứng ở người bị bệnh giang mai khác nhau hoặc chồng chéo lên nhau. Không phải ai cũng trải qua các triệu chứng này theo cùng một thứ tự hoặc cùng một lúc. Dưới đây là những triệu chứng thường thấy của bệnh giang mai theo giai đoạn.
1. Giai đoạn đầu (sơ cấp)
Một vết săng, hoặc nhiều vết loét có thể xuất hiện trong miệng, trên môi hoặc trên lưỡi.
2. Giai đoạn 2 (thứ phát)
Ở giai đoạn này, phát ban có thể xuất hiện sau khi các vết loét tự khỏi, hoặc xảy ra đồng thời với các vết loét. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Phát ban trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc trên toàn thân;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Sốt;
- Xuất hiện vết loét lớn, nổi lên trên màng nhầy, chẳng hạn như nướu hoặc lưỡi;
- Đau họng;
- Nhức đầu;
- Sụt cân.
3. Giai đoạn sau đó
- Bệnh giang mai thứ phát sớm: thường không có triệu chứng.
- Không rõ thời gian hoặc giang mai khởi phát muộn sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như suy nội tạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến ngay cơ sở y tế để gặp bác sĩ tư vấn nếu bạn hoặc bạn tình có các triệu chứng của bệnh giang mai.
Trong giai đoạn đầu tiên của nhiễm trùng, triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện dưới dạng vết loét, được gọi là săng, trên môi, đầu lưỡi, nướu răng hoặc ở phía sau miệng gần amidan. Chúng bắt đầu như những mảng nhỏ màu đỏ và phát triển thành những vết loét lớn hơn, hở ra, có thể có màu đỏ, vàng hoặc xám. Chúng rất dễ lây lan và thường gây đau đớn. Nếu không được điều trị, vết loét có thể biến mất nhưng bạn vẫn mắc bệnh giang mai và có thể lây nhiễm cho người khác.2
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn xét nghiệm giang mai nếu:
- Đã quan hệ với một bạn tình mới mà không sử dụng các biện pháp an toàn.
- Một hoặc nhiều đối tác tình dục của bạn được chẩn đoán mắc bệnh giang mai hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Đang mai thai.
Bệnh giang mai ở miệng có nguy hiểm không?
Bệnh giang mai ở miệng rất nguy hiểm. Nếu không được điều trị, giang mai ở các giai đoạn sau có thể gây ra các vấn đề về mạch máu hoặc tim mạch; cũng như rối loạn tâm thần, mù lòa, các vấn đề về hệ thần kinh và thậm chí tử vong.
Giang mai cũng có thể là cửa ngõ lây truyền HIV. Các tổn thương giang mai quanh miệng làm tăng nguy cơ lây truyền HIV và bệnh cũng có thể làm tăng sự tiến triển của bệnh HIV.
Tuy nhiên, với phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời, bệnh giang mai ở miệng có khả năng chữa khỏi cao. Điều trị là cực kỳ quan trọng bởi vì giang mai nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài và nghiêm trọng như suy tim, suy đa nội tạng,…
Cần lưu ý dù sau khi đã được điều trị thành công, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm trùng trở lại. Nếu bị mắc giang mai, hãy thông báo với bạn tình để kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Tóm lại, cần sử dụng bao cao su hoặc các màng chắn bảo vệ khi sinh hoạt tình dục để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn cũng như bạn tình. Khi nghi ngờ về bất kỳ điểm hoặc triệu chứng bất thường nào, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm.1
Chẩn đoán bệnh giang mai ở miệng lưỡi như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách lấy máu hoặc lấy mẫu chất lỏng từ vết loét để xét nghiệm bên cạnh việc quan sát vết loét hay săng bằng mắt.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết mô hoặc chất lỏng, xét nghiệm này cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy vi khuẩn dưới kính hiển vi.
Tuy nhiên, nhiều khả năng bác sĩ sẽ lấy máu cho hai lần xét nghiệm máu – xét nghiệm không tìm vi khuẩn và xét nghiệm treponemal. Không xét nghiệm riêng lẻ nào là chắc chắn, nhưng hai xét nghiệm cùng nhau có thể giúp xác định chẩn đoán bệnh giang mai.3
Điều trị bệnh giang mai ở miệng
Bệnh giang mai miệng có khả năng điều trị cao ở giai đoạn đầu. Kháng sinh Benzathine Penicillin G là phương pháp được dùng điều trị cho hầu hết bệnh giang mai miệng
Ở giai đoạn đầu, phương pháp điều trị thường gặp là một mũi tiêm kháng sinh Penicillin G. Ở các giai đoạn muộn hơn và chưa rõ thời gian, liều lượng kháng sinh sẽ giống nhau nhưng phải tiêm nhiều lần tùy chỉ định của bác sĩ.
Điều quan trọng là phải hoàn thành điều trị nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh giang mai ở miệng. Nếu không được điều trị, vết loét giang mai có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, vi khuẩn gây giang mai vẫn còn trong cơ thể bạn và các triệu chứng khác có thể xuất hiện sau đó. Việc không điều trị giang mai có thể dẫn đến những tổn thương cho các cơ quan khác trong cơ thể như tim và não, có thể dẫn đến tử vong.
Cần tránh việc quan hệ tình dục với bạn tình cho đến khi vết loét của bạn lành hẳn và sau khi thăm khám với bác sĩ để xác nhận rằng vi khuẩn không còn trong máu của bạn nữa. Để khẳng định chẩn đoán, bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu quay lại bệnh viện để xét nghiệm máu.1 3
Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh giang mai ở miệng. Mong rằng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích cho bạn về giang mai miệng và sự nguy hiểm của nó. Hãy thăm khám định kỳ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu bạn có những triệu chứng ban đầu của bệnh.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh giang mai ở miệng có lây không?
Mặc dù hiếm gặp nhưng hôn người bị nhiễm giang mai ở miệng có thể bị lây nhiễm bệnh. Điều này thường chỉ xảy ra nếu người nhiễm bệnh có vết loét trong miệng khi hôn, và người kia có vết cắt hở hoặc vùng xâm nhập trong miệng để vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh giang mai ở miệng có lây lan sang các bộ phận khác không?
Giang mai không được điều trị có thể để lại di chứng trên các cơ quan khác, bao gồm tim và mạch máu, não và hệ thần kinh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
STD Risk and Oral Sex – CDC Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/healthcomm/stdfact-stdriskandoralsex.htm
Ngày tham khảo: 18/03/2023
-
Sexually Transmitted Diseases and Your Mouthhttps://www.mouthhealthy.org/all-topics-a-z/sexually-transmitted-diseases
Ngày tham khảo: 18/03/2023
-
Syphilis – CDC Detailed Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis-detailed.htm
Ngày tham khảo: 18/03/2023