Giúp bé yêu không chùn bước khi ị đùn
Nội dung bài viết
Ị đùn thường do táo bón mãn tính. Ngoài các biến chứng có thể gây ra, điều này còn khiến trẻ mặc cảm, xấu hổ, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển. Tuy nhiên, ị đùn có thể chữa được nhờ sự kết hợp của ăn uống, tập luyện và thuốc men.
Ị đùn là gì?
Ị đùn là khi một đứa trẻ đã được tập để đi vệ sinh nhưng nay lại đi ra quần của mình. Tình trạng thường gặp ở trẻ trên 4 tuổi – độ tuổi mà hầu hết bé đã có thể kiểm soát nhu động ruột. Ị đùn còn được gọi là đại tiện không tự chủ.
Ở hầu hết trẻ em, ị đùn có liên quan đến táo bón mãn tính. Táo bón là khi phân cứng và khô, số lần đi tiêu ít hơn thường ngày. Tuy nhiên, cũng có một số ít trẻ không bị táo bón nhưng vẫn có ị đùn. Trong phần lớn trường hợp, ị đùn xảy ra như là một tai nạn bất ngờ. Dù vậy, nó khiến bé cảm thấy rất xấu hổ và khó có thể vượt qua.
Nguyên nhân nào gây ra ị đùn?
Bình thường, phân được di chuyển và lưu lại tại trực tràng (đoạn cuối của ruột già trước hậu môn). Nó làm căng thành ruột ở đây. Chính cảm giác bị kéo căng này khiến chúng ta “buồn”, mắc ị và cần phải đi vệ sinh.
Tuy nhiên, nếu thành ruột bị kéo dài trong thời gian dài mà không được giải thoát, trực tràng sẽ mất đi cảm giác và độ căng vốn có của nó. Điều này làm cho việc đi cầu càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ vậy, việc mất đi cảm giác của trực tràng khiến cho các bé không thể nhận biết được cảm giác mắc ị để đi tiêu.
Khi tiếp tục có một lượng phân mới hơn được tạo ra trong ruột, lượng dịch trong phân mới bị rò rỉ xung quanh khối phân cứng. Nó đi ra khỏi trực tràng và làm ướt quần chíp của trẻ hoặc cả quần ngoài, giường chiếu nếu nhiều.
Hầu hết các trẻ bị ị đùn thường là do táo bón chứ không phải bé cố ý. Trên thực tế, nhiều trẻ em thậm chí không nhận ra rằng mình đang “vãi phân” ra ngoài. Bốc mùi phân có thể là dấu hiệu để bé hoặc những người xung quanh nhận ra bất thường này.
Ngoài táo bón mãn tính thường gặp ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ị đùn:
- Đờ đại tràng, một tình trạng mà nhu động đại tràng không hoạt động đúng như chức năng của nó.
- Tổn thương thần kinh của cơ thắt hậu môn. Bình thường nhờ cơ này mà ta có thể giữ phân lại trong trực tràng, giúp giải quyết việc “đi nặng” ở không gian và thời gian phù hợp.
- Sợ đi vệ sinh.
- Viêm nhiễm, loét trực tràng.
- Căng thẳng, lo lắng.
Các vấn đề sức khỏe khác có thể gây táo bón mãn tính. Chúng bao gồm tiểu đường, suy giáp, bệnh hirschsprung và bệnh viêm ruột.
Bé nào dễ bị ị đùn?
Bất kỳ đứa trẻ nào bị táo bón lâu dài đều có thể xảy ra tình trạng này. Các yếu tố nguy cơ gây táo bón bao gồm:
- Ăn một chế độ nhiều chất béo, nhiều đường, đồ ăn vặt.
- Uống chủ yếu là nước ngọt và đồ uống có đường.
- Không uống đủ nước và nước trái cây.
- Thiếu vận động và tập thể dục.
- Ngại ngùng, sợ bẩn không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
- Cảm thấy căng thẳng khi đi học, ở nhà hay sắp đi đâu xa.
- Ham chơi, “không rảnh” để ị.
Ị đùn ảnh hưởng đến con trai nhiều hơn con gái. Các chuyên gia hiện tại cũng chưa lý giải được tại sao có sự khác biệt giữa hai giới như vậy.
Các triệu chứng của ị đùn
Mỗi đứa trẻ có thể có các triệu chứng khác nhau. Đa phần, chúng có các biểu hiện sau:
- “Vãi phân” ở những nơi không thích hợp, như quần áo, giường, sàn nhà, ghế…
- “Phân” có thể là chất lỏng, hoặc phân hoặc gần giống phân. Có thể có mùi hoặc không.
- Các vệt máu ở ngoài phân hoặc trên giấy vệ sinh được sử dụng để lau sau khi đi tiêu.
- Đau ở bụng dưới.
- Ngứa, cào, gãi khu vực hậu môn vì phân lỏng có thể gây kích ứng vùng da này.
- Một số bé có thể xấu hổ hoặc sợ bố mẹ la nên thường có xu hướng giấu quần áo dơ. Bé có thể giấu trong tủ quần áo, dưới giường hoặc bất cứ nơi nào con cho là an toàn, kín đáo.
- Thu rút, xa lánh bạn bè.
Làm sao để chẩn đoán ị đùn?
Bác sĩ sẽ cần được cung cấp các thông tin về tình trạng của bé như:
- Thời gian xảy ra bao lâu?
- Tần suất đi tiêu?
- Tính chất phân như thế nào?
- Chế độ ăn, thói quen sinh hoạt hằng ngày của bé.
- Những yếu tố về mặt tâm lý xã hội tác động lên bé.
Đôi khi, một số xét nghiệm cũng có thể được thực hiện như chụp X quang bụng không sửa soạn hoặc chụp đại tràng có cản quang. Mục đích là để đánh giá tình trạng chướng hơi, ứ đọng phân, chiều dài của ruột. .
Các biến chứng của ị đùn
Các biến chứng xảy ra cả về thể chất và tinh thần của bé:
- Phân dồn nén để lâu trong ruột sẽ kích thích gây đau bụng. Nếu để tình trạng này quá lâu, không thể giải phóng có thể gây tắc ruột. Nó cũng có thể gây mất cảm giác ngon miệng.
- Tình trạng quần dính phân nếu không được vệ sinh có thể gây nhiễm trùng tiểu cho bé.
- Với những trẻ ị đùn, bé sẽ cảm thấy sợ hãi, xấu hổ và rất khó chịu. Phần lớn các bé không thể kiểm soát sự rò phân này. Điều đó ảnh hưởng đến cách trẻ cảm nhận về bản thân. Các bé sẽ cảm thấy tự ti, xấu hổ khi gặp gỡ bạn bè. Bé có thể tránh đi học, không đi chơi với bạn bè.
Là cha mẹ, bạn cũng có thể cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và tức giận. Bạn có thể chán ghét vấn đề này nhưng đừng đổ lỗi, la mắng, tức giận, trừng phạt con của mình. Điều này sẽ chỉ làm nặng nề thêm những cảm xúc tiêu cực cho bé. Hãy kiên nhẫn, yêu thương và hỗ trợ để bé vượt qua.
Khi nào bố/mẹ nên đưa con đi khám vì ị đùn?
- Trẻ trên 4 tuổi nhưng thường xuyên “vãi phân” ra quần.
- Khi bé “vãi phân” ở nơi không thích hợp dù trước đó có thể đại tiện đúng chỗ, bất chấp tuổi.
- Khi bé thường xuyên bị táo bón, kể cả khi không có ị đùn.
Dự phòng ị đùn và biến chứng như thế nào?
Ị ùn thường do bị táo bón lâu năm, việc ngăn ngừa táo bón có thể giúp phòng ngừa. Để làm được như vậy, bạn cần:
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn của trẻ bằng cách cho bé ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
- Uống nhiều nước trong suốt cả ngày.
- Cho trẻ thường xuyên hoạt động.
- Tập thể dục giúp tăng nhu động ruột, phân qua dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đơn giản hơn, hãy cho trẻ hoạt động chạy nhảy ngoài trời thay vì ngồi xem ti vi suốt cả ngày.
- Tập cho trẻ đi tiêu, từ cảm giác nhận biết đến đi ở đâu là phù hợp. Hãy tạo cho bé một thói quen đi cầu mỗi ngày bằng cách cho trẻ ngồi bô hoặc bồn cầu từ 10 đến 15 phút, 2 lần/ngày. Nên hướng dẫn trẻ đi vệ sinh 10 đến 15 phút sau mỗi bữa ăn.
- Tránh bất kỳ cảm xúc khó chịu nào trong khi con bạn đang đi tiêu. Trẻ em có trải nghiệm tiêu cực khi đi vệ sinh có thể tránh đi vệ sinh. Điều này dẫn đến táo bón và ị đùn theo thời gian.
- Nếu bé có lỡ ị đùn, đừng trách mắng, đổ lỗi hay phạt con. Bạn có thể giúp bé thay quần áo bẩn. Bạn cần cố gắng không thể hiện sự thất vọng hoặc chán nản với con. Mỗi ngày nếu trẻ không “vãi phân”, bạn có thể khuyến khích và khen ngợi con.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thụt rửa hoặc hoặc sử dụng thuốc nhuận trường cho bé.
Điều trị ị đùn
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi và sức khỏe chung cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Điều trị bệnh ị đùn có thể bao gồm:
1. Loại những cục phân đang bị kẹt trong trực tràng bé
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhuận tràng (thuốc xổ) để giúp tống những “bé phân” cứng đầu ra ngoài. Thuốc xổ là một chất lỏng được bơm vào trực tràng qua hậu môn giúp nới lỏng phân cứng, khô. Đừng bao giờ cho con bạn uống thuốc xổ mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
2. Làm mềm phân để đi tiêu dễ dàng
Các loại thuốc được kê để làm phân mềm bằng cách giữ hoặc tăng lượng nước trong phân. Diều này làm tăng độ mềm mại để đi tiêu dễ hơn. Đây cũng là loại thuốc nên có chỉ định của bác sĩ.
3. Tạo thói quen đi tiêu để kiểm soát nhu động ruột tốt hơn
Hai loại thuốc trên được dùng để điều trị trong giai đoạn cấp, không nên sử dụng quá lâu. Để điều trị có hiệu quả lâu dài, bé cần thay đổi chế độ ăn uống và nhiều thói quen khác.
Ăn uống lành mạnh
- Ăn thêm nhiều trái cây (táo với vỏ, đu đủ, xoài, đào, cam, lê, kiwi, dâu tây, bơ…) và rau củ (bông cải xanh, bắp cải, rau chân vịt, cà rốt, bắp, đậu hà lan, đậu ve, đậu các loại…).
- Bổ sung ngũ cốc giàu chất xơ (yến mạch, ngũ cốc cám, bánh mì nguyên hạt) bằng cách kiểm tra nhãn dinh dưỡng. Sản phẩm có nguồn chất xơ tuyệt vời có ít nhất 5 gram mỗi khẩu phần. Nguồn tốt có 2,5 – 4,9 gram mỗi khẩu phần.
- Uống nước lọc, nước trái cây thay vì nước ngọt.
- Hạn chế đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt thường chứa nhiều chất béo và đường. Ăn nhẹ bằng trái cây sẽ tốt hơn cho bé.
- Hạn chế đồ uống với caffeine, chẳng hạn như soda và trà.
- Giới hạn lượng sữa cho con. Trẻ trên 2 tuổi không được phép uống quá 480 ml mỗi ngày. Bạn cũng đừng nên loại bỏ tất cả sữa vì trẻ cần canxi trong sữa để xương phát triển mạnh mẽ.
- Một bữa ăn thường sẽ gây ra nhu động ruột trong vòng 30 đến 60 phút. Cho trẻ ăn sáng tại nhà giúp bé có thời gian để đi tiêu ở nhà trước khi đến trường.
Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục giúp tiêu hóa tốt hơn. Nó giúp các chuyển động bình thường mà ruột tạo ra để đẩy thức ăn về phía trước khi được tiêu hóa. Những người ít hoặc không vận động thường bị táo bón. Hãy cho trẻ ra ngoài chơi hơn là xem ti vi hoặc làm các hoạt động trong nhà khác.
Tập thói quen đi tiêu tốt
Cố gắng tập cho trẻ hình thành thói quen đi vệ sinh thường xuyên. Nên cho trẻ ngồi trong nhà vệ sinh ít nhất 2 lần/ngày trong tối đa 5 phút. Bạn cần bắt đầu với một khoảng thời gian rất ngắn, như 30 giây và từ từ tăng lên tối đa 5 phút. Hãy cố gắng làm điều này chỉ sau bữa ăn.
Bé cần được thoải mái, do đó, đừng nổi giận với con bạn vì không đi tiêu. Bạn có thể tạo một phần thưởng nho nhỏ để khích lệ khi bé đi được.
Thỉnh thoảng con bạn vẫn có thể bị ị đùn. Điều này sẽ xảy ra cho đến khi ruột và trực tràng lấy lại trương lực cơ. Trẻ em mẫu giáo có thể mặc tã cho đến khi chúng có thể kiểm soát ruột. Việc cho trẻ mang theo đồ lót hoặc quần đến trường sẽ giúp con bạn cảm thấy bớt xấu hổ và cải thiện sự tự tin cho bé.