Hội chứng Lynch: nguyên nhân và cách chẩn đoán
Nội dung bài viết
Hội chứng Lynch là một hội chứng có tính di truyền. Mắc hội chứng này làm tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung và vài loại ung thư khác. Hơn nữa, hội chứng này cũng khiến ung thư xảy ra sớm hơn so với dân số chung. Hãy cũng Youmed tìm hiểu rõ hơn về hội chứng Lynch trong bài viết sau đây nhé!
1. Hội chứng Lynch là gì?
Hội chứng Lynch còn được gọi là ung thư đại tràng không đa polyp di truyền (hereditary non-polyposis colon cancer – HNPCC). Hội chứng Lynch có tính di truyền trội, những người mắc hội chứng này có nguy cơ bị một số loại ung thư cao hơn. Phải kể đến là ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung. Ngoài ra còn có ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư da, ung thư não, ung thư vú, ung thư buồng trứng…
>> Xem thêm: Tìm hiểu về các rối loạn chuyển hóa di truyền phổ biến
2. Tần suất mắc hội chứng Lynch trong dân số là bao nhiêu?
Thực tế có nhiều hội chứng di truyền làm tăng khả năng bị ung thư đại tràng hay ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên hội chứng Lynch là hội chứng thường gặp hơn cả.
Ước tính rằng cứ 300 người thì có 1 người có thể là người mang gen đột biến liên quan. Hơn nữa, các bác sĩ ước tính rằng khoảng 3 trong số 100 ca ung thư đại tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung là do hội chứng Lynch.
3. Nguy cơ mắc ung thư của hội chứng Lynch là bao nhiêu?
Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), nguy cơ ung thư chung suốt đời đối với những người mắc hội chứng Lynch là:
- Ung thư đại trực tràng 20-80%
- Ung thư nội mạc tử cung 15-60%
- Ung thư buồng trứng 1-38%
- Ung thư dạ dày 1-13%
- Ung thư đường mật (gan / ống mật) 1-4%
- Ung thư đường tiết niệu (bể thận, niệu quản, bàng quang) 1-18%
- Ung thư ruột non 1-6%
- Ung thư tuyến tụy 1-6%
- Khối u não hoặc hệ thần kinh trung ương 1-3%
>> Xem thêm: Ung thư đại tràng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
4. Các dấu hiệu nhận biết
Những người mắc hội chứng Lynch có thể có các đặc điểm sau:
- Ung thư đại tràng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, đặc biệt là trước 50 tuổi
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng trẻ tuổi
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư ảnh hưởng đến tử cung (ung thư nội mạc tử cung)
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư liên quan khác, bao gồm ung thư buồng trứng, ung thư thận, ung thư dạ dày, ung thư ruột non, ung thư gan, ung thư tuyến mồ hôi (ung thư biểu mô tuyến bã nhờn) và các bệnh ung thư khác.
5. Nguyên nhân của hội chứng Lynch là gì?
Đây là một hội chứng có tính di truyền với đặc điểm di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Điều này có nghĩa là nếu bố hoặc mẹ mang đột biến gen gây hội chứng này, thì 50% khả năng đột biến đó sẽ được truyền cho mỗi đứa trẻ. Nguy cơ mắc hội chứng Lynch là như nhau cho dù người mang đột biến gen là mẹ hay cha và đứa trẻ là con trai hay con gái.
Những thay đổi trong gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 hoặc EPCAM đã được tìm thấy ở những người mắc hội chứng Lynch.
5.1. Tại sao đột biến gen làm tăng khả năng bị ung thư?
Thật vậy, các gen MLH1, MSH2, MSH6 và PMS2 đóng vai trò quan trọng trong bộ gen của con người. Chúng có liên quan đến việc sửa chữa các lỗi xảy ra khi DNA được sao chép để chuẩn bị cho quá trình phân chia tế bào (một quá trình được gọi là sao chép DNA). Vì vậy, chúng được gọi là gen sửa chữa bắt cặp sai (mismatch repair genes – MMR).
Các đột biến trong bất kỳ gen nào trong số này ngăn cản việc sửa chữa các lỗi sao chép DNA. Khi các tế bào bất thường tiếp tục phân chia, các lỗi tích lũy có thể dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của tế bào và có thể dẫn đến ung thư. Các đột biến trong gen MLH1 hoặc MSH2 có xu hướng dẫn đến nguy cơ cao hơn (70 đến 80%) phát triển ung thư trong cuộc đời của một người. Trong khi các đột biến ở gen MSH6 hoặc PMS2 có nguy cơ phát triển ung thư thấp hơn (25 đến 60%).
Các đột biến trong gen EPCAM cũng dẫn đến việc sửa chữa DNA bị suy yếu, mặc dù bản thân gen này không tham gia vào quá trình này. Gen EPCAM nằm cạnh gen MSH2 trên nhiễm sắc thể số 2 và một số đột biến gen EPCAM nhất định khiến gen MSH2 bị tắt (bất hoạt). Kết quả là, vai trò của gen MSH2 trong việc sửa chữa DNA bị suy giảm, có thể dẫn đến tích lũy các lỗi DNA và phát triển ung thư.
5.2. Lưu ý
Mặc dù các đột biến trong các gen này dẫn đến việc các cá nhân bị ung thư, nhưng không phải tất cả những người có các đột biến này đều phát triển các khối u ung thư.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn đang lo lắng về tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung, hãy trao đổi với bác sĩ. Từ đó, bác sĩ có thể cân nhắc đánh giá di truyền về tiền sử gia đình và nguy cơ ung thư của bạn.
Nếu một thành viên trong gia đình đã được chẩn đoán mắc hội chứng Lynch, hãy nói với bác sĩ của bạn. Và bạn có thể yêu cầu được giới thiệu đến một chuyên gia tư vấn di truyền. Chuyên gia tư vấn di truyền có thể giúp bạn hiểu nguyên nhân gây ra hội chứng và loại chăm sóc nào được khuyến nghị cho những người mắc hội chứng Lynch. Họ cũng có thể giúp bạn hiểu liệu xét nghiệm di truyền có phù hợp với bạn hay không.
>> Xem thêm: Phòng ngừa di truyền bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia)
7. Chẩn đoán và xét nghiệm
Nếu nghi ngờ bạn mắc hội chứng Lynch, bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi về tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung và các bệnh ung thư khác. Và có thể cần đến các xét nghiệm và thủ tục khác để chẩn đoán.
7.1. Tiền sử gia đình
- Nhiều người thân của bạn mắc những khối u liên quan đến hội chứng Lynch như ung thư đại trực tràng. Và các khối u liên quan khác như nội mạc tử cung, buồng trứng, dạ dày, ruột non, thận, não hoặc gan.
- Các thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở độ tuổi trẻ hơn mức trung bình của dân số chung
- Nhiều hơn một thế hệ trong gia đình bị mắc một loại ung thư.
7.2. Kiểm tra khối u
Các mẫu tế bào từ khối u có thể được sử dụng để xét nghiệm khối u. Xét nghiệm khối u có thể cho biết liệu bệnh ung thư của bạn có phải do gen liên quan đến hội chứng Lynch gây ra hay không. Các xét nghiệm khối u bao gồm:
Xét nghiệm hóa mô miễn dịch (Immunohistochemistry – IHC)
Thử nghiệm IHC sử dụng thuốc nhuộm đặc biệt để nhuộm các mẫu mô. Sự hiện diện hay không hiện diện tính bắt màu cho biết liệu một số protein nào đó có trong mô xét nghiệm hay không. Các protein bị thiếu có thể cho các bác sĩ biết gen đột biến nào gây ra ung thư.
Kiểm tra tính mất ổn định của vi vệ tinh (Microsatellite instability – MSI).
Microsatellite là các chuỗi DNA. Ở những người mắc hội chứng Lynch, có thể có sai sót hoặc không ổn định trong các chuỗi này trong các tế bào khối u.
Kết quả xét nghiệm IHC hoặc MSI dương tính cho thấy bạn có trục trặc trong các gen có liên quan đến hội chứng Lynch. Nhưng kết quả không thể cho bạn biết liệu bạn có mắc hội chứng Lynch hay không. Vì một số người chỉ phát triển những đột biến gen này trong tế bào ung thư của họ.
Trái lại, người mắc hội chứng Lynch có những đột biến gen này trong tất cả các tế bào của họ. Xét nghiệm di truyền có thể xác định liệu bạn có những đột biến này hay không.
Ngày nay, xét nghiệm IHC hoặc MSI được cung cấp cho bất kỳ ai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đai tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung để tìm hội chứng Lynch. Các bác sĩ hy vọng điều này sẽ giúp xác định các gia đình mắc hội chứng Lynch không đáp ứng các tiêu chí thông thường để xét nghiệm di truyền.
7.3. Xét nghiệm di truyền
Xét nghiệm di truyền tìm kiếm những thay đổi trong gen cho thấy rằng bạn có mắc hội chứng Lynch hay không. Bạn cần cung cấp một mẫu máu của mình. Sau đó được phân tích trong phòng thí nghiệm đặc biệt.
Thử nghiệm di truyền có thể cho thấy:
Một kết quả xét nghiệm di truyền dương tính.
Có nghĩa là một đột biến gen đã được phát hiện, không chỉ ra rằng bạn bị ung thư hoặc sẽ bị ung thư. Nhưng nó có nghĩa là nguy cơ mắc một số bệnh ung thư của bạn sẽ tăng lên.
Nguy cơ của bạn tăng lên bao nhiêu tùy thuộc vào gen nào bị đột. Và liệu bạn có thực hiện tầm soát ung thư hoặc một số phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư hay không. Bác sĩ tư vấn di truyền sẽ giải thích rủi ro cá nhân cho bạn dựa trên kết quả này.
Kết quả xét nghiệm di truyền âm tính.
Kết quả âm tính, nghĩa là không tìm thấy đột biến gen, cho thấy bạn có khả năng không mắc hội chứng Lynch. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Một biến thể gen không rõ ý nghĩa.
Các xét nghiệm di truyền không phải lúc nào cũng cung cấp cho bạn câu trả lời có hoặc không về nguy cơ ung thư của bạn. Đôi khi xét nghiệm di truyền cho thấy một biến thể gen với ý nghĩa không xác định. Bác sĩ tư vấn di truyền sẽ giải thích ý nghĩa của kết quả này cho bạn.
8. Điều trị ung thư đại tràng liên quan đến hội chứng Lynch
Ung thư đại tràng liên quan đến hội chứng Lynch được điều trị tương tự như các loại ung thư đại tràng khác. Lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và vị trí của bệnh ung thư, cũng như sức khỏe, tuổi tác và hoàn cảnh cá nhân của bạn. Phương pháp điều trị ung thư đại tràng có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
9. Tầm soát và phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư do hội chứng Lynch
Nếu bạn mắc hội chứng Lynch nhưng chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư liên quan, bác sĩ có thể lập kế hoạch tầm soát ung thư cho bạn. Những xét nghiệm nào là tốt nhất cho bạn có thể phụ thuộc vào tiền sử gia đình và gen nào đang gây ra hội chứng này.
Trong một số tình huống nhất định, những người mắc bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật để giảm nguy cơ mắc ung thư trong tương lai. Các lựa chọn phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư có thể bao gồm: cắt đại tràng, cắt tử cung, cắt buồng trứng. Hãy trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của phẫu thuật phòng ngừa này để có lựa chọn đúng đắn nhất.
>> Xem thêm: Dấu hiệu và tầm soát ung thư đại trực tràng
Tóm lại, hội chứng Lynch là một hội chứng có tính di truyền trội. Hội chứng này làm tăng nguy cơ bị một số loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung. Một số xét nghiệm giúp bạn và gia đình chẩn đoán liệu có mắc hội chứng Lynch hay không. Hãy tiếp tục đồng hành cùng YouMed ở những bài viết tiếp theo để tìm hiểu rõ hơn về cách đối mặt và tầm soát khi mắc hội chứng Lynch này nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.