Húng quế: dược liệu có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa
Nội dung bài viết
Húng quế là loại rau gia vị dân dã, thơm ngon, quen thuộc với rất nhiều người. Không chỉ là nguyên liệu nấu ăn, loài cây này còn có tác dụng tốt đối với sức khỏe chúng ta như hỗ trợ tiêu hóa, giải cảm, giảm đau… Sau đây, qua bài viết của bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về dược liệu này.
Húng quế là gì?
- Tên gọi khác: Húng chó, Húng giổi, Rau é, É tía, Hương thái, Rau quế…
- Tên khoa học: Ocimum basilicum.
- Tên đồng nghĩa: O. Citriodorum Blanco hoặc O. Americanum auct. non L.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
- Tên dược liệu:
-
- Toàn cây và hạt (Herba et Semen Ocimi).
- Hạt é (thực chất là quả) Fructus Ocimi.
Đặc điểm sinh trưởng Húng quế
Theo nhiều nghiên cứu cho rằng, Húng quế có nguồn gốc ở Châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, loài phân tán ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như nguyên liệu nấu ăn, chưng cất tinh dầu, trị bệnh…
Có tài liệu cho rằng, hiện tại, Ocimum L có 5 loài, tại Việt Nam tất cả đều được trồng làm gia vị hoặc lấy tinh dầu. Cây xuất hiện rộng rãi ở nhiều khu vực nước ta, từ đồng ruộng, làng quê đến thành phố, ven biển…
Một số đặc tính sinh trưởng của Húng quế:
- Là loài thích ánh sáng và có chịu được ẩm, có thể sinh trưởng mạnh mẽ trong mùa mưa với độ ẩm cao.
- Loại đất trồng ưa thích của cây là đất phù sa và đất thịt, bởi nhiều độ dinh dưỡng cao.
- Cây ra hoa rất nhiều. Có thể gieo trồng bằng hạt. Tuy nhiên, để có thu hoạch nhanh hơn, không tốn thời gian, nhân dân thường trồng bằng cách chiết cành. Bởi lẽ, loài thực vật này còn có khả năng phục hồi nhanh sau khi bị cắt ngọn.
- Loài thực vật có mùa hoa là khoảng tháng 7-9, còn tháng khoảng tháng 10 đến cuối năm là mùa quả chín. Song với kỹ thuật canh tác hiện nay, có thể trồng và thu hoạch quanh năm.
- Có thể gieo hạt vào tháng 2-3, trồng vào tháng 5. Thu hái lá và hoa ngay trước khi hoa nở.
Mô tả toàn cây Húng quế
Cây thân thảo, bụi nhỏ, cao 0,5-1,2 m, toàn cây có mùi thơm đặc trưng. Thân có mấu, thường phình to ở đoạn già. Thân non màu xanh hoặc màu tía, ít lông tơ, tiết diện vuông hơi lõm ở bốn cạnh. Thân già màu xám nâu, tiết diện vuông hơi tròn hoặc có bốn góc lồi tròn, nhẵn.
Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá hình trứng nhọn ở đầu, kích thước 3-8 x 2-5 cm, màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới. Rìa có răng cưa cạn ở 2/3 phía trên, nhiều đốm tuyến. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá màu xanh nhạt, hình trụ dài 2-5 cm, ít lông ngắn.
Cụm hoa thường có dạng chùm xim mọc ở ngọn cành. Lá bắc chung màu xanh tía hoặc tím sẫm, dạng lá nhỏ, nhỏ dần khi càng về phía ngọn. Hoa nhỏ, không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Cuống hoa màu xanh hoặc màu tía. Lá đài màu tím sậm hay xanh, không đều. Mặt ngoài có nhiều lông trắng và đốm tuyến, mặt trong màu nhạt và ít lông hơn mặt ngoài, dính thành một ống ngắn hình chuông. Cánh hoa 5, không đều, màu trắng hồng, rìa màu hồng. Nhị 4, rời, đính gần đáy ống tràng xen kẽ với cánh hoa.
Quả có hình dạng trứng, màu đen, kích thước khoảng 1,2 mm chiều dài. Mỗi bế quả chứa 1 hạt. Điểm đặc trưng là hạt khi vào nước sẽ được bao quanh bởi một chất nhầy có màu trắng.
Bộ phận làm thuốc, bào chế và bảo quản
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà có thể sử dụng các bộ phận khác nhau của Húng quế:
- Làm dược liệu trong điều trị bệnh, gia vị: Toàn cây, trong đó lá và ngọn có hoa là được dùng phổ biến nhất.
- Chưng cất tinh dầu, người ta hái toàn cây, cất tươi hay để héo mới cất.
- Thức uống giải nhiệt: Hạt é (thực chất là quả của cây)
Thu hoạch: Vị thuốc có thể được thu hái quanh năm, nhưng thời gian thích hợp nhất là mùa hè thu. Đem vị thuốc rửa sạch và phơi khô, sau khi hái về để sử dụng.
Bảo quản: Dược liệu nên được cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau khi dùng xong, cần che kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.
Tác dụng của Húng quế
Thành phần hóa học
Theo nhiều nghiên cứu, thành phần hóa học của Húng quế rất đa dạng:
Tinh dầu chiếm hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa (0,4-0,8%). Có màu vàng nhạt, dễ chịu, thơm mùi của Sả và Chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol methyl – chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.
Tùy vào khu vực trồng, khí hậu khác nhau mà hàm lượng tinh dầu cũng có sự thay đổi. Ví dụ tại Việt Nam chưng cất tinh dầu chứa 80-90% methyl chavicola, còn ở châu Âu là 30-57%.
Tác dụng Y học hiện đại
- Ức chế vi khuẩn gram dương mạnh hơn so với gram âm trong thử nghiệm invitro bằng phương pháp khuếch tán.
- Có thể diệt và xua đuổi côn trùng, chống ruồi và muỗi.
- Giảm co thắt ruột, kháng histamin trên cơ trơn.
- Giảm ho: Ức chế trung tâm ho, hạn chế số cơn ho, làm loãng đờm,
- Dịu tình trạng sung huyết vì chúng có chứa những hợp chất như camphene, eugenol và cineole trong tinh dầu.
- Giảm stress, chống căng thẳng: Tại Ấn Độ, có nghiên cứu cho thấy rằng dược liệu giúp duy trì mức bình thường của cortisol trong máu. Hocmon này làm dịu thần kinh, điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu.
- Chống oxy hóa cao làm ngăn ngừa tình trạng lão hóa da, phòng ngừa ung thư.
- Giúp tiêu tiểu thông lợi, nhờ đó lượng acid uric trong máu giảm.
- Giàu betacaroten nên có tác dụng phòng viêm khớp và các tế bào ung thư
- Giảm viêm và sưng: Hoạt chất Beta-Caryophyllene tìm thấy trong dược liệu có tác dụng chống viêm và giảm sưng đau đến 73% sau 24 giờ sử dụng.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay, nóng, thơm dịu.
Quy kinh: Phế và Tâm
Công dụng:
- Làm ra mồ hôi, giải cảm, tán máu ứ, giảm đau, lợi tiểu, chữa cảm cúm, đầy bụng không tiêu, thông đường hô hấp…
- Hạt có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, ra mồ hôi.
- Hoa có khả năng bổ dưỡng thần kinh, giúp tiêu tiểu thông lợi hơn.
Chủ trị: Cảm cúm, sổ mũi, đau đầu, ho, viêm họng, khàn tiếng, đau nhức răng, dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, bồn chồn, lo lắng…
Cách sử dụng Húng quế
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Húng quế có thể dùng dưới dạng sau:
- Lá phơi khô và xay nhuyễn đắp ngoài.
- Giã lấy nước uống.
- Trà.
- Chiết xuất.
- Sắc cùng các vị thuốc khác.
Liều dùng:
- Thuốc sắc: 10-25 g/ ngày.
- Thoa ngoài, đắp ngoài da thì không kể liều lượng.
Kiêng kỵ:
- Mẫn cảm, hay dị ứng với bất kỳ hoạt chất, thành phần nào của vị thuốc
- Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai khi sử dụng cần thận trọng.
Theo một số tài liệu khi sử dụng quá liều dùng Húng quế sẽ gây nên:
- Dẫn đến các triệu chứng không mong muốn như ho, thở gấp, nước tiểu lẫn máu… Nguyên nhân chất Eugenol có trong dược liệu gây ngộ độc khi dùng liều cao.
- Giảm đường huyết: Vị thuốc có khả năng làm giảm lượng đường trong máu. Do đó, những người có tiền sử hạ đường huyết cần thận trọng.
- Tăng cơn co thắt tử cung ở phụ nữ (dễ gây biến chứng khi mang thai, ảnh hưởng đến kinh nguyệt hằng tháng).
- Làm chậm hấp thu thuốc do hàm lượng chất xơ trong dược liệu khá lớn, đặc biệt trong hạt của cây- Hạt é. Uống thuốc sau khi sử dụng dược liệu sau 1 giờ.
Một số bài thuốc từ Húng quế
Chữa ho
Sử dụng các loại dược liệu Húng quế, Húng chanh, Xương sông giã đập với ít muối rồi ngậm sẽ làm giảm dịu cổ họng, giảm các cơn ho.
Chữa đau đầu, ho, bồn chồn, lo lắng nhiều
Lá và hoa Húng quế khô khoảng 20 nhúm hãm trong 1 lít nước sôi. Uống từ 2-3 ly mỗi ngày.
Sổ mũi, khó tiêu, tiêu chảy
Húng quế 15 g đem sắc lấy nước mà uống. Dùng đến khi hết triệu chứng tiêu chảy thì ngưng.
Chữa mẩn ngứa, dị ứng
Lá Húng quế (cả hoa, quả, hạt càng tốt) giã nhỏ vắt lấy nước uống, còn bã đem xát lên chỗ đau.
Công dụng từ Hạt é
Hạt é thực chất là quả của cây Húng quế (Fructus Ocimi)
Một số đặc điểm
Hạt é có hình bầu dục, khá nhỏ khoảng 1/2 hạt gạo, màu đen.
Thành phần gồm chất nhầy, nước và chất vô cơ. Trong đó, khi gặp nước chất nhầy trong phần hạt sẽ trương tạo ra một số chất (galactoza, arabinoza, galacturonic), rất có ích cho sức khỏe.
Ngoài ra, Hạt é còn có nhiều chất dinh dưỡng cao, chất chống oxy hóa mạnh có lợi cho sức khỏe, nhất là thành phần anthocyanins. Những sắc tố màu đen có giá trị rất lớn trong bảo vệ màng tế bào, tăng sức miễn dịch, chống lão hóa…
Công dụng:
Chủ yếu làm nước uống thanh nhiệt bổ dưỡng. Bởi nó có tác dụng thanh lọc cơ thể, giải nhiệt rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hạt é còn là dược liệu điều trị bệnh.
Chứa một lượng chất xơ khá lớn làm làm chậm sự hấp thu chất dầu mỡ, giúp điều tiết lượng đường trong máu.
Liều dùng: Cho từ 6-12 g hạt é vào nước thường hay nước đường, đợi cho nở ra rồi uống
Húng quế không chỉ là gia vị quen thuộc trong ẩm thực, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập I). Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật. https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập II). Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật. https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf
- G.S Phạm Hoàng Hộ (2003). Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ.
- PTS Võ Văn Chi (2000). Cây thuốc trị bệnh thông dụng. Nhà xuất bản Thanh Hóa.
- PTS Võ Văn Chi (1998). Câu rau làm thuốc. Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp.