YouMed

Kê nội kim: Dũng sĩ hỗ trợ tiêu hóa

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ngay từ thời xa xưa, người ta đã biết sử dụng Kê nội kim (màng mề gà) để chữa bệnh như đau dạ dày, đại tràng, cũng như đánh tan sỏi rất hiệu quả. Ngày nay, vị thuốc này còn được sử dụng với nhiều công dụng đa dạng hơn, đặc biệt là trong việc điều trị bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của Kê nội kim.

Giới thiệu Kê nội kim

  • Tên gọi khác: Màng mề gà, Kê chuân bì, Kê hoàng bì, Kê tố tử…
  • Tên khoa học: Endothelium Corneum Gigeriae Galli.
  • Thuộc họ Chim Trĩ (Phasianidae).
  • Dược liệu là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà (Gallus domesticus Brisson).
Kê nội kim là lớp màu vàng phủ mặt trong của mề gà
Kê nội kim là lớp màu vàng phủ mặt trong của mề gà

Cách bào chế dược liệu

Sau khi mổ gà, đem bóc màng bao phủ bên trong mề gà, rửa cho thật sạch, sau đó đem sấy hoặc phơi khô.

Khi dùng, ta lựa loại khô, sạch tạp chất, nguyên cái hoặc bổ đôi không vụn nát.

  • Dùng tươi hoặc cho Kê nội kim vào chảo, cho lửa vừa, sao đến khi bề mặt chuyển màu vàng hoặc vàng cháy gọi là Kê nội kim sao. Không nên dùng màng mề vịt màu xanh, ít nếp nhăn.
  • Dùng sống hoặc nướng/sao lên dùng.

Mô tả dược liệu

Sau khi bào chế, dược liệu có màng màu vàng cam hoặc nâu, trên mặt có các lớp nhăn dọc. Khi khô thì giòn, dễ gãy vụn, vết bẻ có cạnh bóng; dài khoảng 3,5 cm, rộng 3 cm, dày chừng 5 mm. Sấy lửa thì phồng lên.

Bảo quản

Dược liệu dễ bị vụn nát và mối mọt, vì vậy nên bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, đồng thời tránh để vật nặng lên khiến dược liệu vỡ, nát.

Kê nội kim có lợi cho tiêu hóa
Kê nội kim có lợi cho tiêu hóa

Thành phần hóa học

Ventriculin, keratin, pepsin (lượng rất nhỏ), 17 loại aminoacid, Ammonium Chloratum, vitamin B1, vitamin B2

Công dụng của Kê nội kim

Y học hiện đại

  • Hỗ trợ tiêu hóa: biểu hiện dịch vị tăng, độ acid tăng, tăng co bóp dạ dày hoặc thuốc thông qua yếu tố thể dịch làm hưng phấn thần kinh cơ của thành dạ dày. Khả năng tiêu hóa tăng chậm nhưng kéo dài. 
  • Gia tăng bài tiết chất phóng xạ do thuốc có thành phần Ammonium Chloratum có tác dụng này.

Y học cổ truyền

Vị ngọt, tính bình.

Quy kinh Tỳ, Vị, Bàng quang (Trung dược học).

Công dụng:

  • Tiêu thức ăn uống, giúp cho dạ dày dung nạp thức ăn.
  • Trẻ em suy dinh dưỡng do ăn uống không điều độ, không khoa học.
  • Nôn mửa, bụng chướng, tiêu chảy, kiết lỵ.
  • Hỗ trợ điều trị sỏi, đặc biệt là sỏi tiết niệu.
Dược liệu có hiệu quả ở trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, ăn kém
Dược liệu có hiệu quả ở trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, ăn kém

Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Kê nội kim theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.

Theo Trung Dược học, vị thuốc sao lên tán bột uống tốt hơn là cho vào thuốc thang sắc. Liều thường dùng 6 – 12g.

Lưu ý: Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc khi dùng Kê nội kim cho phụ nữ mang thai, cho con bú. Người không bị tích trệ cũng không nên sử dụng dược liệu này.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Trị chứng cam tích, bụng đầy, ăn ít 

Kê nội kim sao 60 g, tán bột, mỗi lần uống 4 – 6 g, ngày 2 lần với nước cơm hoặc nước sôi ấm.

Hoặc Kê nội kim 12 g, Chích miết giáp 30 g, Sơn giáp 6 g đều tán bột trộn đều. Mỗi lần 1,5 –3 g. Ngày uống 1 lần.

*Cam tích là một tình trạng của suy dinh dưỡng với các biểu hiện: biếng ăn, bỏ ăn, nhẹ cân, hay quấy khóc, ngủ không sâu, tiêu phân sống…

Chữa chứng tiêu chảy kéo dài do tỳ hư

Kê nội kim, Bạch truật, Can khương đều 60 g, Đại táo nhục 240 g (chưng chín). 3 vị trên sao chín tán bột mịn, trộn với Táo nhục giã nát trộn đều làm bánh sấy khô. Mỗi lần uống 10 g, ngày 2 lần lúc đói.

Hỗ trợ trị viêm đại tràng mạn tính

Kê nội kim sao, Bạch truật sao đều 10 g, tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 4 – 6 g, ngày 2 lần. 

Trị sỏi tiết niệu

Lục nhất tán (Cam thảo, Hoạt thạch) 30 g, Hỏa tiêu 10 g, Kê nội kim đều 10 g. Tán bột mịn. Mỗi lần 2 – 6 g, ngày 2 lần sáng và tối.

Đây là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà Kê nội kim được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
  • Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Hoàng Duy Tân ( 2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai
  • Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y. Trường đại học Y khoa Hà Nội

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người