Khô âm đạo: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Khô âm đạo là một trong những vấn đề phụ khoa được chị em phụ nữ quan tâm. Tình trạng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến những sinh hoạt đời sống hằng ngày. Vậy, nguyên nhân nào gây ra khô âm đạo? Điều trị vấn đề này bằng cách nào và có thể phòng ngừa được không? Tham khảo bài viết dưới đây cùng Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung để tìm hiểu những vấn đề trên nhé!
Những điều cơ bản về dịch âm đạo
Trước khi tìm hiểu về chứng khô âm đạo, hãy cùng xem những thông tin về dịch âm đạo để hiểu hơn về vai trò của nó với chị em phụ nữ!
Dịch âm đạo là gì?
Dịch tiết âm đạo là chất lỏng chảy ra từ âm đạo nữ giới. Nó được hình thành chủ yếu từ các tế bào và vi khuẩn.
Dịch tiết âm đạo là hoàn toàn tự nhiên. Màu sắc, độ nhớt và số lượng của dịch có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và giai đoạn kinh nguyệt của bạn.1
Tuy nhiên, một số thay đổi có thể là dấu hiệu của một tình trạng rối loạn sức khỏe. Chúng có thể bao gồm những thay đổi đáng kể về màu sắc hoặc mùi cũng như sự khác biệt về độ nhớt dịch.1
Đặc điểm của dịch âm đạo
Dịch tiết âm đạo bình thường có màu trắng, không đồng nhất và nhớt. Nó chứa các tế bào biểu mô âm đạo, cũng như từ tuyến bã nhờn, mồ hôi, tuyến Bartholin và dịch tiết từ cổ tử cung. Một số lượng nhỏ bạch cầu đa nhân có thể được tìm thấy trong dịch tiết âm đạo. Dịch âm đạo có độ pH dưới 4,5, thường nằm trong khoảng từ 3,8 đến 4,2.2
Số lượng dịch tiết bình thường có thể thay đổi và tăng lên trong quá trình rụng trứng, tiền kinh nguyệt, trong khi mang thai. Dịch tiết bình thường không có mùi khó chịu và không liên quan đến kích ứng âm đạo, ngứa hoặc rát.2
Dịch tiết âm đạo có thể xuất hiện khoảng 6 tháng đến 1 năm trước khi nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Dịch âm đạo tiết ra nhiều nước là điều bình thường và không phải là dấu hiệu nhiễm trùng.3
Vai trò của dịch âm đạo
Dịch tiết âm đạo giúp giữ cho âm đạo của bạn sạch sẽ và không bị nhiễm trùng. Vi khuẩn khỏe mạnh sống trong âm đạo giúp dịch tiết có tính axit, chống lại vi khuẩn xấu và loại bỏ các tế bào chết.3
Khô âm đạo là gì?
Khô âm đạo là một tình trạng bệnh xảy ra khi niêm mạc âm đạo không sản xuất đủ dịch tiết. Âm đạo khỏe mạnh có một dịch tiết đủ nhiều giữ cho các mô được bôi trơn và khỏe mạnh. Khi cơ thể không còn tiết dịch đầy đủ, mô trở nên mỏng và khô, có thể gây khó chịu.
Đây là vấn đề phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải tại một số thời điểm nhất định. Khô âm đạo có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những phụ nữ sau mãn kinh.4
“Cô bé” khô hạn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ, nhất là việc nó dẫn đến đau khi quan hệ tình dục. Nó cũng có thể gây khó chịu khi ngồi hoặc tập thể dục và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.5
Theo một nghiên cứu, hơn một nửa số phụ nữ sau mãn kinh trên 51 tuổi bị khô âm đạo nhẹ hoặc nặng liên quan đến những thay đổi cụ thể trong việc điều hòa nội tiết tố mãn kinh, cụ thể liên quan đến việc giảm mức độ estrogen. Mặt khác, khoảng 17% phụ nữ tiền mãn kinh ở độ tuổi từ 17 đến 50 gặp vấn đề khi quan hệ tình dục do “cô bé” bị khô.6
Triệu chứng
Khô âm đạo có thể gây khó chịu ở vùng âm đạo, vùng chậu và các triệu chứng sau:7
- Đau rát.
- Mất hứng thú với tình dục.
- Đau, chảy máu nhẹ khi quan hệ tình dục.
- Đau nhức.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và dễ tái phát.
- Ngứa âm đạo hoặc cảm giác châm chích.
Khô âm đạo có thể làm nữ giới bối rối và khiến họ ngại ngùng khi trao đổi các triệu chứng với bác sĩ.
Tác hại của chứng khô âm đạo
Khô âm đạo có thể gây các biến chứng:8
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo do nấm hoặc vi khuẩn.
- Gây ra các vết loét hoặc vết nứt trên thành âm đạo.
- Gây đau khi quan hệ tình dục. Việc này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn đời.
- Tăng nguy cơ tiến triển bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguyên nhân dẫn đến khô âm đạo
Nồng độ estrogen sụt giảm là nguyên nhân chính gây khô âm đạo. Cơ thể phụ nữ bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn khi họ già đi, nhất là giai đoạn mãn kinh.
Tuy nhiên, mãn kinh không phải là tình trạng duy nhất gây giảm sản xuất estrogen. Các nguyên nhân khác bao gồm:8 9
- Đang cho con bú.
- Hút thuốc lá.
- Tình trạng khủng hoảng tinh thần.
- Sự căng thẳng quá mức.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch. Ví dụ: hội chứng Sjogren.10
- Phụ nữ sinh con.
- Tập thể dục quá mức.
- Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như xạ trị vào khung chậu, liệu pháp hormone hoặc hóa trị liệu
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
- Một số loại thuốc cũng có thể làm giảm dịch tiết trong cơ thể. Thụt rửa cũng có thể gây khô và kích ứng. Tương tự, một số loại kem dùng cho khu vực âm đạo cũng có thể làm khô vị trí này.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường, khô âm đạo không phải là tình trạng nghiêm trọng. Khi tình trạng khó chịu kéo dài trong nhiều ngày, nhất là khó chịu khi quan hệ tình dục thì nữ giới nên đi khám. Nếu không được điều trị, khô âm đạo có thể gây ra vết loét hoặc nứt nẻ trong các mô của âm đạo.7
Ngoài ra, trường hợp khô âm đạo đi kèm với chảy máu âm đạo nghiêm trọng thì người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị ngay.7
Chẩn đoán khô âm đạo bằng cách nào?
Bác sĩ chẩn đoán khô âm đạo dựa trên tiền sử bệnh lý và thăm khám sức khỏe của bệnh nhân. Để tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể hỏi các triệu chứng và bất kỳ loại thuốc nào người bệnh đang dùng. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra bên trong âm đạo để phát hiện tình trạng mỏng, khô và đỏ.11
Đồng thời, một số xét nghiệm cũng có thể được chỉ định. Xét nghiệm máu có thể xác định nồng độ hormone hoặc tình trạng sức khỏe có gây khô âm đạo hay không. Hoặc xét nghiệm mẫu dịch tiết âm đạo để loại trừ các nguyên nhân khác và để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.11
Phương pháp điều trị
Chữa khô âm đạo bằng thuốc11
Một số loại thuốc thường được dùng điều trị khô âm đạo:
- Kem, vòng hoặc viên estrogen liều thấp: Những loại thuốc này hoạt động bằng cách thay thế estrogen trong cơ thể. Kem và thuốc viên được thoa trực tiếp vào âm đạo của người bệnh, có thể sử dụng hằng ngày cho đến khi giảm triệu chứng. Riêng vòng chứa estrogen có thể được đặt vào âm đạo trong tối đa ba tháng.
- Ospemifene (Osphena): Thuốc này được gọi là chất điều biến estrogen chọn lọc (SERM), dùng đường uống. Thuốc hoạt động giống như estrogen trong cơ thể.
- Dehydroepiandrosterone (DHEA): Đây là thuốc đặt âm đạo giúp giảm đau khi quan hệ tình dục ở phụ nữ mãn kinh.
Những loại thuốc trên đều có lợi ích và rủi ro. Đặc biệt, estrogen có thể không an toàn cho những người bị ung thư vú hoặc những người có nguy cơ mắc ung thư vú cao. Do đó, bạn đọc không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc trên. Bạn nên liên hệ bác sĩ để được khám và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng của bản thân.
Các chất bôi trơn và dưỡng ẩm cho âm đạo11
Chất bôi trơn và chất giữ ẩm là những phương pháp hỗ trợ điều trị khô âm đạo không cần kê đơn. Những chất này hoạt động bằng cách bổ sung dịch ở âm đạo, giúp âm đạo ẩm ướt hơn. Từ đó có thể giúp giảm khô và đau âm đạo khi quan hệ tình dục.
Với kem dưỡng ẩm âm đạo, nên thoa kem vào bên trong âm đạo mỗi vài ngày để giữ cho niêm mạc âm đạo khỏe mạnh. Không nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dành cho những vùng cơ thể khác (chẳng hạn như cho mặt hoặc cơ thể).
Mặt khác, chất bôi trơn âm đạo có thể được thoa trước khi quan hệ tình dục để giảm bớt sự khó chịu do quan hệ tình dục. Có thể chọn chất bôi trơn gốc nước hoặc gốc dầu.
Các loại dầu tự nhiên như dầu hạt nho, dầu ô liu, dầu thực vật, dầu hướng dương hoặc dầu dừa có thể được sử dụng để khắc phục chứng khô âm đạo tại nhà an toàn. Bạn có thể sử dụng những loại dầu này để làm chất bôi trơn bên ngoài trước khi quan hệ tình dục. Cần lưu ý, chất bôi trơn gốc dầu có thể làm hỏng bao cao su.
Ngăn ngừa khô âm đạo như thế nào?
Để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra, nữ giới nên uống nhiều nước, xây dựng chế độ ăn uống có rau xanh và trái cây.
Đồng thời, nữ giới không nên sử dụng các sản phẩm gây kích ứng, thụt rửa âm đạo. Và nên tránh dùng loại bao cao su có chứa nonoxynol-9 hoặc N-9 vì chúng có thể gây khô âm đạo.7
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về khô âm đạo. Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nó thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn bị khô âm đạo kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ để được khám và chỉ định điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Everything You Need to Know About Vaginal Dischargehttps://www.healthline.com/health/vaginal-discharge
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Clinical Methods: The History, Physical, and Laboratory Examinations (3rd edition) - Chapter 179 Tests on Vaginal Dischargehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK288/
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Why Is My Vaginal Discharge Watery?https://www.healthline.com/health/womens-health/watery-discharge
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Remedies for Vaginal Drynesshttps://www.webmd.com/women/remedies-vaginal-dryness
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Vaginal Dryness: What It Is, Symptoms, Treatment & Morehttps://www.drugs.com/news/vaginal-dryness-more-110864.html
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Vaginal dryness: individualised patient profiles, risks and mitigating measureshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6459457/
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
What Causes Vaginal Dryness?https://www.healthline.com/health/vaginal-dryness
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Vaginal drynesshttps://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/vaginal-dryness
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Vaginal Dryness Alternative Treatmentshttps://www.healthline.com/health/vaginal-dryness-alternative-treatments
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Clinical determinants of vaginal dryness in patients with primary Sjögren's syndromehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34665706/
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Vaginal Drynesshttps://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21027-vaginal-dryness
Ngày tham khảo: 28/02/2023