LevoDHG 750 là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
LevoDHG 750 là thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn. Vậy thuốc LevoDHG được sử dụng cụ thể trong trường hợp nào? Cách sử dụng thuốc hợp lý ra sao? Cùng Dược sĩ Bùi Hoàng Ngọc Khánh tìm hiểu về loại thuốc này qua bài viết dưới đây.
Hoạt chất: Levofloxacin
LevoDHG 750 là thuốc gì?
LevoDHG được sản xuất bởi công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma). Thuốc có thành phần chính là levofloxacin.
Thuốc được bào chế với hàm lượng 750 mg. Levofloxacin thuộc nhóm thuốc bán cần kê đơn.
Dạng bào chế
Thuốc LevoDHG có dạng viên nén bao phim hình bầu dục, màu vàng, hai mặt trơn, cạnh và thành viên lành lặn.
Quy cách đóng gói
LevoDHG 750 được đóng góp dưới dạng hộp 2 vỉ x 7 viên.
Thành phần của thuốc LevoDHG 750
Thành phần chính trong thuốc LevoDHG là levofloxacin, là một loại kháng sinh diệt khuẩn.
LevoDHG 750 chứa 750 mg levofloxacin.1
Công dụng của thành phần có trong LevoDHG
1. Dược lực học1
Cơ chế tác dụng
Levofloxacin là một loại kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon. Nó hoạt động bằng cách ức chế tác dụng của hai enzyme DNA-DNA-gyrase và topoisomerase IV, giúp ngăn chặn vi khuẩn nhân lên và phát triển.
Mối quan hệ dược động học/dược lực học (PK/ PD)
Hoạt tính diệt khuẩn của levofloxacin liên quan đến nồng độ thuốc có trong máu. Để levofloxacin có thể diệt khuẩn hiệu quả, nồng độ của nó trong máu cần đạt đến một mức nhất định. Mức này được gọi là nồng độ ức chế tối thiểu (MIC).
Các yếu tố quan trọng đo lường hiệu quả của thuốc gồm tỷ lệ giữa nồng độ cao nhất mà thuốc đạt được sau khi uống (Cmax) và diện tích dưới đường cong nồng độ thuốc theo thời gian (AUC) so với MIC.
Cơ chế đề kháng
Vi khuẩn có thể đề kháng lại levofloxacin theo thời gian, do sự thay đổi trong cấu trúc DNA của chúng. Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể sử dụng các rào cản bảo vệ hoặc các cơ chế đẩy thuốc ra ngoài tế bào để hạn chế hiệu quả của levofloxacin. Điều này đặc biệt phổ biến ở khuẩn Pseudomonas aeruginosa.
Kháng chéo giữa levofloxacin và các fluoroquinolon khác đã được quan sát. Điều này có nghĩa là nếu một loại vi khuẩn đã kháng lại levofloxacin, nó cũng có thể kháng lại các loại thuốc khác trong nhóm fluoroquinolon, vì chúng có cách hoạt động tương tự. Tuy nhiên, thường không có kháng chéo giữa levofloxacin và các họ kháng sinh khác.
2. Dược động học1
Hấp thu
Levofloxacin đường uống được hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn với nồng độ đỉnh trong máu đạt được trong vòng 1 – 2 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 99 – 100%.
Thức ăn ít ảnh hưởng đến sự hấp thu levofloxacin.
Nồng độ thuốc trong cơ thể sẽ đạt trạng thái ổn định trong vòng 48 giờ nếu uống liều 500 mg một lần hoặc hai lần mỗi ngày.
Phân bố
Khoảng 30 – 40% levofloxacin gắn kết với protein trong máu. Thể tích phân bố trung bình của levofloxacin khoảng 100 lít sau khi dùng liều đơn và lặp lại 500 mg, cho thấy sự phân bố rộng rãi vào các mô cơ thể.
Thâm nhập vào các mô và dịch cơ thể: Levofloxacin đã được chứng minh có khả năng xâm nhập vào niêm mạc phế quản, dịch niêm mạc biểu mô, đại thực bào phế nang, mô phổi, da (dịch phồng rộp), mô tuyến tiền liệt và nước tiểu. Tuy nhiên, levofloxacin xâm nhập kém vào dịch não-tủy. Khả năng thâm nhập cho thấy levofloxacin có hiệu quả để điều trị nhiễm khuẩn tại những vị trí tương ứng.
Thải trừ
Levofloxacin sau khi dùng đường uống và đường tĩnh mạch, nó được thải trừ tương đối chậm khỏi huyết tương (t½: 6 – 8 giờ). Điều này nghĩa là sau khoảng 6 đến 8 giờ, lượng thuốc trong máu sẽ giảm đi một nửa. Sự thải trừ chủ yếu qua đường thận (> 85% liều đã dùng).
Độ thanh thải trung bình toàn thân của levofloxacin sau khi dùng liều duy nhất 500 mg là 175 ± 29,2 ml/ phút.
Không có sự khác biệt lớn về dược động học của levofloxacin sau khi tiêm tĩnh mạch và uống, cho thấy rằng đường uống và đường tiêm tĩnh mạch có thể thay thế cho nhau.
Tác dụng của thuốc LevoDHG 750
Levofloxacin là một kháng sinh diệt khuẩn tác dụng do ức chế enzym topoisomerase II (DNA-gyrase) và/ hoặc topoisomerase IV. Đây là những enzym thiết yếu của vi khuẩn tham gia xúc tác trong quá trình sao chép, phiên mã và tu sửa DNA của vi khuẩn.2
Levofloxacin được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở người lớn trong các trường hợp sau, khi cần:1
- Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn.
- Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm cả viêm phế quản.
- Viêm bàng quang không biến chứng.
- Viêm phổi mắc phải cộng đồng.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm có biến chứng.
Đối với các nhiễm khuẩn trên, chỉ nên sử dụng levofloxacin khi các kháng sinh thông thường khác không phù hợp để điều trị khởi đầu các bệnh nhiễm khuẩn này.
- Viêm bể thận cấp tính và nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn.
- Bệnh than qua đường hô hấp: Dự phòng sau phơi nhiễm và điều trị bệnh than.
Levofloxacin dạng viên có thể dùng nối tiếp đợt điều trị ở các bệnh nhân đã có cải thiện trong quá trình điều trị ban đầu với levofloxacin tiêm tĩnh mạch.
Cần lưu ý hướng dẫn chính thức về việc sử dụng hợp lý các thuốc kháng sinh.
Cách dùng và liều dùng thuốc LevoDHG 750
1. Cách dùng
- Người bệnh dùng đường uống.
- Uống nguyên viên thuốc với một lượng nước vừa đủ, không nghiền nát.
- Uống trong bữa ăn hoặc giữa các bữa ăn.
- Levofloxacin nên được dùng ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống muối sắt, muối kẽm, thuốc kháng acid có chứa magie hoặc nhôm, hoặc didanosine (didanosin có hệ đệm chứa nhôm hoặc magnesi), sucralfat do các thuốc này có thể làm giảm hấp thu.
2. Liều dùng LevoDHG 7501
- Viêm phổi bệnh viện: 750 mg, 1 lần/ ngày, trong 7 – 14 ngày.
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng: 750 mg, 1 lần/ ngày, trong 5 ngày.
- Nhiễm trùng da và tổ chức dưới da có biến chứng: 750 mg x 1 lần/ ngày, trong 7 – 14 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng hoặc viêm thận cấp: 750 mg, 1 lần/ ngày, trong 5 ngày.
- Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn: 750 mg, 1 lần/ ngày, trong 5 ngày.
Liều sử dụng cần tuân theo sự điều chỉnh của bác sĩ để phù hợp trên một số đối tượng đặc biệt như bệnh nhân suy giảm chức năng thận và trẻ em.
Tác dụng không mong muốn của LevoDHG
Thông tin dưới đây dựa trên dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng trên 8300 bệnh nhân và kinh nghiệm sau khi đưa thuốc ra thị trường.1
Tần suất xuất hiện được xác định bằng cách sử dụng quy ước sau: rất thường gặp (≥ 1/10), thường gặp (≥ 1/100, < 1/10), ít gặp (≥ 1/1000, < 1/100), hiếm gặp (≥ 1/10.000, < 1/1000), rất hiếm gặp (< 1/10.000), chưa rõ (không thể ước tính từ dữ liệu sẵn có).
- Thường gặp: tiêu chảy, nôn, buồn nôn, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, tăng men gan.
- Ít gặp: nhiễm nấm, giảm bạch cầu, chán ăn, lo âu, buồn ngủ, run, rối loạn vị giác, khó thở, tăng bilirubin máu, phát ban, ngứa, đau cơ, khớp, tăng creatinin máu, suy nhược.
- Hiếm gặp: giảm tiểu cầu, phù mạch, quá mẫn, hội chứng SIADH, hạ đường huyết, loạn thần, co giật, rối loạn thị giác, ù tai, nhịp nhanh, hạ huyết áp, rối loạn gân, suy thận cấp, sốt.
- Chưa rõ: giảm toàn thể huyết cầu, sốc phản vệ, tăng đường huyết, rối loạn tâm thần, bệnh cảm giác ngoại biên, mất thị lực thoáng qua, suy giảm thính lực, nhịp nhanh thất, co thắt phế quản, viêm phổi dị ứng, tiêu chảy xuất huyết, vàng da.
Các tác dụng không mong muốn khác liên quan đến sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolon bao gồm:
- Các đợt rối loạn chuyển hóa porphyrin trên bệnh nhân bị loại bệnh chuyển hóa này.
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Tương tác của thuốc
Vì khả năng có thể xảy ra tương tác giữa levofloxacin và một số chất nên thận trọng hoặc hỏi ý kiến nhân viên y tế khi dùng levofloxacin đồng thời cùng các thuốc sau:1
- Muối sắt, muối kẽm, thuốc kháng acid chứa magnesi hoặc nhôm, didanosin.
- Sucralfat.
- Theophylin, fenbufen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid tương tự.
- Probenecid và cimetidin.
- Ciclosporin.
- Các thuốc đối kháng vitamin K.
- Các thuốc làm kéo dài khoảng QT.
Các dạng khác của tương tác:
- Thức ăn: Không có tương tác biểu hiện trên lâm sàng với thức ăn. Do đó, có thể uống levofloxacin bất kể có dùng thức ăn hay không.
Đối tượng chống chỉ định dùng LevoDHG
1. Đối tượng chống chỉ định1
Không được dùng levofloxacin ở các đối tượng sau:
- Bệnh nhân quá mẫn với levofloxacin hoặc các quinolon khác hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc;
- Bệnh nhân bị động kinh;
- Bệnh nhân có tiền sử rối loạn gân liên quan đến việc dùng fluoroquinolon;
- Trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang phát triển;
- Trong thời kỳ mang thai;
- Phụ nữ cho con bú.
2. Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có sử dụng được LevoDHG 750?1
Thời kỳ mang thai
Dữ liệu liên quan đến việc sử dụng levofloxacin ở phụ nữ mang thai còn hạn chế. Các nghiên cứu về khả năng sinh sản ở động vật chưa mang lại lợi ích cụ thể. Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu thông tin ở người và do nguy cơ thoái hóa dựa trên thực nghiệm của fluoroquinolon đối với sụn nâng đỡ trọng lượng của cơ thể đang phát triển, levofloxacin không được sử dụng cho phụ nữ có thai.
Thời kỳ cho con bú
Levofloxacin không được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Chưa có đủ thông tin về sự bài tiết của levofloxacin vào sữa mẹ ở người. Tuy nhiên, các kháng sinh fluoroquinolon khác được bài tiết vào sữa mẹ. Chưa có các dữ liệu trên người và do dữ liệu thực nghiệm cho thấy nguy cơ tổn thương do các fluoroquinolon gây ra trên sụn chịu trọng lượng của các cơ quan đang phát triển, không được sử dụng levofloxacin cho phụ nữ đang cho con bú.
Khả năng sinh sản
Levofloxacin không gây suy giảm khả năng sinh sản hoặc khả năng sinh sản trên chuột.
3. Thận trọng khi dùng LevoDHG 7501
Levofloxacin cần thận trọng khi dùng trên một số đối tượng có nguy cơ đặc biệt:
- Nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần.
- Nguy cơ tác dụng bất lợi nghiêm trọng, gây tàn tật và không hồi phục.
- Nguy cơ đứt hoặc rách động mạch chủ.
- Viêm gân và đứt gân.
- Bệnh liên quan đến Clostridium difficile.
- Bệnh nhân bị co giật.
- Bệnh nhân thiếu G-6-phosphat dehydrogenase.
- Bệnh nhân suy thận.
- Phản ứng quá mẫn.
- Phản ứng có hại nghiêm trọng trên da.
- Rối loạn đường huyết.
- Phòng ngừa chứng nhạy cảm với ánh sáng.
- Bệnh nhân điều trị với chất đối kháng vitamin K.
- Phản ứng loạn thần.
- Khoảng QT kéo dài.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Rối loạn gan mật.
- Bệnh nhược cơ.
- Rối loạn thị giác.
- Bội nhiễm.
- Phình và bóc tách động mạch chủ, và hở van tim/ sự kém hoạt động của van tim.
- Các phản ứng có hại của thuốc nghiêm trọng kéo dài, vô hiệu và có thể không hồi phục.
- Bệnh nhân cần làm một số xét nghiệm.
Tá dược:
- Lactose monohydrate: không nên sử dụng ở bệnh nhân có vấn đề về dung nạp galactose, thiếu hụt men lactase hoặc bị rối loạn hấp thu glucose – galactose.
- Thuốc này chứa ít hơn 1 mmol natri (23 mg) mỗi viên, có nghĩa là “không có natri”. Điều này đồng nghĩa với việc thuốc an toàn để sử dụng cho người cần hạn chế natri.
Xử lý khi quá liều thuốc
Triệu chứng:1
- Theo các nghiên cứu về độc tính trên động vật hoặc các nghiên cứu về dược lâm sàng cho thấy với liều vượt quá liều điều trị, các dấu hiệu quan trọng nhất được ghi nhận sau khi quá liều cấp tính của levofloxacin là các triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương như: lú lẫn, chóng mặt, suy giảm ý thức và co giật, tăng khoảng QT cũng như các phản ứng ở dạ dày-ruột như buồn nôn và ăn mòn niêm mạc.
- Các dấu hiệu trên hệ thần kinh trung ương bao gồm lú lẫn, co giật, ảo giác và run đã được quan sát sau khi đưa thuốc ra thị trường.
Cách xử trí:1
- Trong trường hợp quá liều, nên điều trị triệu chứng. Cần theo dõi điện tâm đồ do khả năng kéo dài khoảng QT. Các thuốc kháng acid có thể được sử dụng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thẩm tách máu, bao gồm thẩm phân phúc mạc và thẩm phân phúc mạc liên tục ngoại trú, không có hiệu quả trong việc loại bỏ levofloxacin ra khỏi cơ thể. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
Lưu ý gì khi sử dụng?
- Đọc kỹ hướng dẫn đính kèm trong bao bì của nhà sản xuất trước khi dùng LevoDHG.
- Liên hệ bác sĩ hay chuyên gia y tế khác mỗi khi cần để biết thêm thông tin cần thiết.
- LevoDHG chỉ được sử dụng theo hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc ở khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 300 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp.
Thuốc LevoDHG 750 giá bao nhiêu?
Thông tin kê khai trên trang tin của Cục Quản lý dược về mức giá của LevoDHG 750: 9.450 VND/viên nén.
Đây chỉ là thông tin tham khảo. Giá bán trên thị trường có thể có thay đổi tùy thuộc vào đơn vị phân phối, nhà bán lẻ và các chương trình khuyến mãi đi kèm.
LevoDHG 750 là thuốc kháng sinh cần dùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Người dùng cần chú ý sử dụng thuốc LevoDHG đúng liều lượng, đủ thời gian và đúng cách giúp phát huy hiệu quả của thuốc và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Tham khảo thêm các thuốc chứa thành phần tương tự: Tavanic, Levofloxacin Imex, Triflox.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc LevoDHG 750
-
Levofloxacinhttps://go.drugbank.com/drugs/DB01137
Ngày tham khảo: 23/05/2024