Loạn sản khớp háng và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Thông thường, các trường hợp nhẹ của chứng loạn sản khớp háng có thể không biểu hiện triệu chứng cho đến tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Nếu chứng loạn sản khớp háng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, đeo nẹp mềm để cố định thường có thể khắc phục vấn đề. Ở trẻ lớn và người trưởng thành, có thể cần phải phẫu thuật để di chuyển khớp háng vào vị trí thích hợp.
Loạn sản khớp háng là gì?
Loạn sản khớp háng là tình trạng ổ cối không bao phủ hoàn toàn phần đầu trên của xương đùi. Điều này làm cho khớp háng bị trật một phần hoặc hoàn toàn. Loạn sản có thể làm tổn thương sụn lót mặt khớp sụn mềm ở viền ổ cối. Hầu hết những người mắc chứng này là bẩm sinh.
Triệu chứng
Triệu chứng thay đổi theo nhóm tuổi. Ở trẻ sơ sinh, bạn có thể nhận thấy rằng một chân dài hơn chân còn lại. Khi trẻ bắt đầu biết đi, có thể sẽ biểu hiện đi khập khiễng. Trong quá trình thay tã, một bên khớp háng có thể kém linh hoạt hơn so với bên kia.
Ở trẻ lớn và người trưởng thành, loạn sản khớp háng có thể gây ra biến chứng đau như viêm xương khớp, rách cơ khớp háng. Điều này có thể gây đau khớp háng khi vận động. Trong một vài trường hợp, có thể có cảm giác mất ổn định ở khớp háng.
Nguyên nhân
Khi sinh ra, khớp háng hình thành từ sụn mềm, dần dần cứng lại thành xương. Chỏm xương đùi và ổ cối cần khớp với nhau tốt. Nếu chỏm xương đùi không được khớp chắc chắn vào ổ cối, ổ cối sẽ không bao phủ hoàn toàn ổ cối được.
Ở tháng cuối trước sinh, không gian trong bụng mẹ trở nên chật chội làm cho chỏm của khớp háng di chuyển ra khỏi vị trí thích hợp của nó. Các yếu tố có thể làm giảm không gian trong bụng mẹ bao gồm:
- Mang thai lần đầu.
- Thai lớn.
- Ngôi mông.
Các yếu tố nguy cơ
Loạn sản khớp háng có xu hướng di truyền và phổ biến hơn ở nữ.
Nguy cơ mắc chứng loạn sản cao hơn ở những trẻ sinh ra với tư thế ngôi mông.
Biến chứng
Về sau, loạn sản có thể làm tổn thương sụn mềm viền ổ cối, cũng có thể làm cho khớp dễ bị viêm. Điều này xảy ra do áp lực tiếp xúc cao hơn trên một bề mặt nhỏ hơn của ổ cối. Theo thời gian, nó còn làm mòn sụn trơn trên xương.
Chẩn đoán
Trong khi thăm khám cho trẻ, bác sĩ thường kiểm tra bằng cách di chuyển chân của trẻ với nhiều tư thế khác nhau. Điều này cho biết khớp háng có khớp với nhau tốt không.
Các trường hợp nhẹ có thể khó chẩn đoán. Triệu chứng đôi lúc chỉ biểu hiện khi trẻ lớn hoặc đến tuổi trưởng. Nếu bác sĩ nghi ngờ loạn sản khớp háng, có thể sẽ đề nghị kiểm tra hình ảnh như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Điều trị
Điều trị loạn sản phụ thuộc vào tuổi phát hiện và mức độ tổn thương khớp háng. Trẻ sơ sinh thường được điều trị bằng nẹp mềm. Nẹp mềm sẽ giúp giữ phần chỏm nằm chắc chắn trong ổ cối trong vài tháng.
Nẹp mềm không có hiệu quả điều trị tốt đối với trẻ lớn hơn 6 tháng. Thay vào đó, bác sĩ có thể nắn xương vào vị trí thích hợp và sau đó cố định chúng vài tháng bằng bột. Đôi khi phẫu thuật là cần thiết ở lứa tuổi này.
Nếu loạn sản nghiêm trọng hơn, vị trí của ổ cối cũng có thể cần điều chỉnh.
Phẫu thuật thay khớp háng có thể là một lựa chọn cho những người trưởng thành bị loạn sản khớp háng và đã bị tổn thương nghiêm trọng khớp háng theo thời gian.
Loạn sản khớp háng có thể để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ sau này. Nếu bạn nhận thấy bé có các dấu hiệu nghi ngờ của chứng loạn sản khớp háng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán. Phát hiện và điều trị sớm chứng loạn sản khớp háng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho việc phục hồi của bé về sau.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hip dysplasiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hip-dysplasia/symptoms-causes/syc-20350209
Ngày tham khảo: 26/08/2020