Lời khuyên cho mẹ khi cho con bú sữa mẹ
Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh rất quan trọng vì sẽ gắn bó mẹ và con, giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi và kéo dài hơn. Vì thế, các bà mẹ thường có rất nhiều câu hỏi cũng như thắc mắc chuyện ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ, như việc kiêng cử ăn uống trong giai đoạn cho trẻ bú, nên ăn gì để có nhiều sữa mẹ hay có cần cho trẻ bú thêm sữa ngoài vì sữa mẹ không đủ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thông tin chính xác sẽ giúp mẹ cách nuôi con tốt nhất.
Những lời khuyên khi nuôi con bằng sữa mẹ
Bạn có rất nhiều băn khoăn về chuyện thay đổi lối sống sinh hoạt cũng như thói quen ăn uống trong giai đoạn cho con bú như thế nào cho hợp lí. Tuy nhiên, bạn không cần thiết phải tuân theo quá nhiều quy tắc, nhưng vì tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi của bạn có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, bạn nên lưu ý những điều sau:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh của bà mẹ cho con bú sữa mẹ
Mẹ vẫn có thể tiếp tục chế độ ăn uống lành mạnh như trước khi mang thai. Mỗi ngày cần được cung cấp thêm 500 đến 800 calo khi cho con bú nên có thể bổ sung dinh dưỡng qua các bữa ăn phụ như trái cây tươi hay đồ ăn nhẹ như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa.
Hãy đảm bảo bữa ăn cần có đủ các nhóm chất, nhất là đạm từ thịt, cá, trứng, sữa và đậu. Nếu bạn ăn chay, bạn có thể cần bổ sung thêm lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống để đảm bảo trẻ có đủ chất. Bạn cần gặp Bác sĩ để được tư vấn kĩ hơn về vấn đề này.
2. Có thể ăn mọi thứ
Trẻ không bị dị ứng bởi sữa mẹ, nhưng những thứ bạn ăn vào có thể được tiết qua sữa mẹ. Nếu trẻ có phản ứng với bất cứ loại thực phẩm mà bạn ăn, trẻ có thể biểu hiện bằng cách quấy khóc, ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, ọc sữa, tiêu chảy, tiêu phân nhầy máu hoặc nổi mẩn đỏ ở má… Trong trường hợp này, hãy tránh thực phẩm hoặc đồ uống đó trong một vài tuần, theo dõi diễn tiến các triệu chứng của trẻ trước khi bạn thử lại.
Các loại thực phẩm phổ biến nhất có thể gây ra các triệu chứng dị ứng ở trẻ bú mẹ là sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác như phô mai, sữa chua, kem tươi, các loại đậu (nhất là đậu nành, đậu phộng), lúa mì, trứng, cá, hải sản (tôm, cua). Nếu mẹ nghĩ trẻ có phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm, hãy đưa trẻ đi khám.
Không nên ngưng hoàn toàn một nhóm thực phẩm là thành phần chính của bữa ăn (như sản phẩm từ sữa hoặc lúa mì) khỏi chế độ ăn uống của bạn trừ khi đã có lời khuyên từ Bác sĩ. Bác sĩ sẽ gợi ý những thực phẩm thay thế nhưng cũng đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho bạn.
3. Bổ sung vitamin
Giống như khi mang thai, mẹ cũng cần có đủ vitamin và khoáng chất cung cấp cho cả mẹ và trẻ trong gia đoạn sau sinh. Ngoài các thực phẩm chức năng, cần thêm một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả tươi.
4. Uống nhiều nước mỗi ngày để sản xuất sữa mẹ
Cơ thể mẹ sẽ cần rất nhiều nước để sản xuất sữa. Trong giai đoạn cho con bú, mẹ hãy uống thêm 2 đến 4 cốc nước mỗi ngày. Hãy để sẵn một ly nước hoặc trà thảo dược mỗi khi cho trẻ bú.
5. Hạn chế các chất kích thích bởi chúng sẽ đi vào sữa mẹ
Mỗi ngày, mẹ không nên uống quá 2 tách cà phê, trà hoặc các loại đồ uống khác có chứa caffeine. Caffeine được tiết qua sữa mẹ và có thể khiến trẻ quấy khóc liên tục. Tốt nhất là tránh uống rượu khi bạn đang cho con bú vì rượu đi vào sữa mẹ có thể làm tổn thương các cơ quan trẻ như não, gan… khiến trẻ chậm phát triển. Ngoài ra rượu cũng là nguyên nhân làm giảm tiết sữa từ vú của bạn.
Mẹ không nên hút thuốc vì các sản phẩm phân hủy từ nicotine có thể được truyền sang trẻ trong sữa. Hút thuốc cũng có thể làm giảm nguồn sữa của bạn, làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), khiến trẻ quấy khóc và giảm thời gian ngủ của trẻ. Nếu bạn không thể bỏ hút thuốc, hãy cố gắng giảm từ từ. Nếu không thể không hút thuốc, hãy làm điều đó sau khi cho trẻ bú xong. Tốt nhất, không hút thuốc khi có trẻ trong xe hơi, trong cùng phòng với trẻ hoặc thậm chí trong nhà của bạn.
6. Cẩn thận với thuốc
Nếu cần dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả những loại thuốc không cần kê toa, hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ để được tư vấn việc cho con bú. Mẹ cần phải chắc chắn rằng việc uống thuốc đảm bảo an toàn cho trẻ đang bú mẹ.
Không bao giờ sử dụng thuốc bất hợp pháp hoặc không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, một số trường hợp lạm dụng thuốc sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm đối với trẻ bú mẹ. Ngay cả thuốc phiện cũng không được sử dụng khi mẹ đang cho trẻ bú.
7. Giảm cân an toàn
Cần tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi bạn bắt đầu một chương trình giảm cân. Bởi vì cơ thể sẽ sử dụng chất béo được dự trữ trong thai kỳ để tạo sữa mẹ.
Đây là lý do tại sao hầu hết các bà mẹ cho con bú có thể giảm vài kilogam mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để giảm cân, điều này có thể làm giảm nguồn sữa của bạn và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.
Ngoài việc tạo tinh thần thoải mái, giảm những căng thẳng khi đối mặt những rắc rối từ trẻ, bạn hãy cố gắng thực hiện một chế độ ăn hợp lý cũng sẽ giúp bạn có thêm nhiều sữa cho trẻ bú.
Mẹ có một chế độ dinh dưỡng tốt để bảo đảm có đầy đủ sữa nuôi con, mang lại sức khỏe tốt nhất cho mẹ và sự phát triển tối ưu của con. Để tìm hiểu cần ăn gì khi mang thai, hãy xem bài viết: Mẹ bầu nên ăn gì để tốt cho bé?