Máu: nguồn sống quan trọng của cơ thể
Nội dung bài viết
Những xét nghiệm về máu thường được dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe và hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Dựa trên đặc điểm, chức năng các thành phần trong máu, bác sĩ sẽ lựa chọn xét nghiệm phù hợp với mục đích phòng bệnh và chữa bệnh khác nhau. Chính vì vậy, hiểu biết về máu vô cùng quan trọng.
1. Chức năng chung của máu
Máu là một chất dịch lưu thông khắp cơ thể, gồm những chức năng chính sau:
1.1 Hô hấp
Hemoglobin của hồng cầu và các chất kiềm của huyết tương chuyên chở O2 và CO2 trao đổi giữa phế nang và tế bào.
1.2 Dinh dưỡng
Máu vận chuyển các chất dinh dưỡng: acid amin, acid béo, glucose, vitamin… đến các tế bào và các tổ chức trong cơ thể.
1.3 Đào thải
Máu lưu thông khắp cơ thể lấy những chất cặn bã của chuyển hóa tế bào đưa đến các cơ quan bài xuất như thận, phổi, tuyến mồ hôi…
1.4 Bảo vệ cơ thể
- Các loại bạch cầu có khả năng thực bào, khử độc, tiêu diệt vi khuẩn…
- Các kháng thể, kháng độc tố… tham gia vào cơ chế bảo vệ cơ thể
1.5 Thống nhất và điều hòa hoạt động cơ thể
- Máu mang các hormone, các loại khí O2 và CO2, các chất điện giải khác nhau như Ca++, K+, Na+… để điều hòa hoạt động các nhóm tế bào, các cơ quan khác nhau trong cơ thể nhằm đảm bảo sự hoạt động đồng bộ của các cơ quan trong cơ thể.
- Khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể có thể thực hiện một cách nhanh chóng làm cho các phần khác nhau trong cơ thể luôn có cùng một nhiệt độ tương đương như nhau.
2. Các thành phần của máu
Máu bao gồm các thành phần:
- Huyết cầu(46%): bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
- Huyết tương (54%): bao gồm nước, muối khoáng, chất hữu cơ
- Tỉ lệ huyết cầu và máu toàn phần gọi là hematocrit (Hct) hay dung tích hồng cầu.
3. Tính chất chung của máu
- Máu động mạch đỏ tươi, trừ động mạch phổi
- Máu tĩnh mạch đỏ sẫm, trừ tĩnh mạch phổi
- Khối lượng máu: 7 – 9% cân nặng. Tỉ lệ thể tích máu so với cơ thể thay đổi theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý bệnh. Trẻ nhỏ có tỉ lệ này cao hơn người trưởng thành. Phụ nữa có thai tỉ lệ này cũng tăng hơn phụ nữ bình thường. Ở người trưởng thành phương Tây, thể tích máu trung bình vào khoảng 5 lít, trong đó có 2.7 đến 3 lít huyết tương.
- Người lớn: 70 ml máu /1 kg cân nặng
- Độ nhớt của máu gấp 3.8 – 4.5 lần nước cất, phụ thuộc vào số lượng huyết cầu và protein.
- Tỉ trọng khoảng 1.05 – 1.06
- Độ pH của máu trong khoảng từ 7.35 – 7.45. pH máu giảm xuống dưới 7,35 được xem là toan (thường do nhiễm toan). Nếu pH trên 7,45 được gọi là kiềm.
- Máu là nguồn gốc tạo ra các dịch trong cơ thể
4. Huyết tương
4.1 Protein
Bao gồm albumin, globulin α, globulin β, globulin γ… Chức năng protein huyết tương như sau
- Tạo áp suất keo của máu: Nhờ albumin được tổng hợp từ gan. Do đó ở người suy gan sẽ giảm albumin máu. Hệ quả, nước thoát vào mô kẽ gây phù.
- Vận chuyển các chất trong máu: Albumin vận chuyển acid béo tự do, cholesterol, …; Globulin α, β vận chuyển triglyceride, phospholipid, các hormone steroid; Ceruloplasmin chuyên chở đồng; Transferrin chuyên chở sắt.
- Bảo vệ cơ thể: Các globulin có vai trò quan trọng trong chức năng bảo về cơ thể. Nó là những kháng thể có tác dụng trung hòa kháng nguyên, tạo khả năng miễn dịch cho cơ thể. Globulin miễn dịch gồm 5 loại: IgG, IgA, IgD, IgM, IgE.
- Đông máu: Các yếu tố đông máu I, II, V, VII, IX, X đều là protein và do gan sản xuất.
4.2 Carbonhydrate
Hầu hết carbonhydrate huyết tương ở dạng glucose tự do. Chức năng chủ yếu là dinh dưỡng. Bình thường nồng độ glucose máu lúc đói là 70 – 100 mg.
4.3 Lipid
Chức năng chính của lipid huyết tương gồm:
- Vận chuyển: Chylomicron, α lipoprotein (HDL), Tiền β lipoprotein, β lipoprotein (LDL)
- Dinh dưỡng: Acid béo tự do là nguyên liệu để tổng hợp lipid. Thể ceton là năng lượng cho tất cả tế bào (trừ tế bào thần kinh) khi nhịn đói. Cholesterol là nguyên liệu tổng hợp hormone của các tuyến thượng thận và sinh dục, thành phần mật.
4.4 Vitamin và muối khoáng
Trong huyết tương có hầu hết các loại vitamin cần cho nhu cầu cơ thể. Nồng độ vitamin huyết tương phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và nhu cầu cơ thể.
4.5 Các chất điện giải
- Na+, Cl–: tạo áp suất thẩm thấu.
- K+: tăng hưng phấn thần kinh cơ.
- Ca++: Cấu tạo xương, răng; giúp đông máu và tạo hưng phấn thần kinh cơ
- pH máu phụ thuộc chủ yếu HCO3- và H+.
5. Hồng cầu
5.1 Đặc điểm hồng cầu
- Tế bào không nhân, hình dĩa, lõm 2 mặt. Mục đích nhằm:
- Tăng diện tích tiếp xúc của hồng cầu.
- Tăng tốc độ khuếch tán khí.
- Có thể biến dạng.
- Có màng bao bọc bên ngoài
- Bên trong có các sợi màu hồng gọi là huyết cầu tố Hemoglobin (Hb)
5.2 Số lượng hồng cầu trong máu
- Trong 1 mm3 có
- Nam: 4 200 000 ± 210 000.
- Nữ: 3 800 000 ± 160 000.
- Số lượng hồng cầu thay đổi tuy đối tượng
- Số lượng hồng cầu tăng trong các trường hợp:
- Người sống ở nơi nồng độ oxy thấp, ví dụ vùng núi cao
- Người hoạt động, vận động nhiều.
- Trẻ sơ sinh.
- Tăng nồng độ erythropoietin, vì chất này tác động lên tủy xương, làm tủy xương tăng sản xuất hồng cầu.
- Bệnh đa hồng cầu
- Bệnh lý gây mất nước (tiêu chảy, nôn)
- Bỏng
- Bệnh sốt xuất huyết.
- Số lượng hồng cầu giảm
- Thiếu máu.
- Xuất huyết (số lượng hồng cầu chỉ giảm sau 8 giờ hoặc sau khi bù dịch).
5.3 Chức năng hồng cầu
- Hô hấp: hô hấp là chức năng chính của hồng cầu. Chức năng này được thực hiện nhờ hemoglobin chứa trong hồng cầu. Nồng độ hemoglobin bình thường khoảng 14 – 16g / 100ml máu:
-
- Nam: 14.6 ± 0,6 g / 100 ml máu
- Nữ: 13.2 ± 0,5 g / 100 ml máu
- Tạo áp suất keo cho máu: những thành phần cấu tạo của hồng cầu phần lớn là protein. Vậy nên góp phần tạo và giữ áp suất keo.
- Điều hòa thăng bằng kiềm cho cơ thể: giữ pH = 7,35 – 7,45
5.4 Điều hòa sản xuất hồng cầu
- Đời sống hồng cầu: 120 ngày.
- Hồng cầu già được tiêu hủy chủ yếu tại lách và tủy xương
- Mỗi ngày tủy xương sản xuất 0,5 – 1% lượng hồng cầu trong cơ thể.
5.5 Nguyên liệu tạo hồng cầu
- Sắt
- Acid folic
- B12
- Erythropoietin
6. Bạch cầu
6.1 Đặc điểm chung
Bạch cầu là một loại huyết cầu có khả năng tự vận động, có chức năng bảo vệ cơ thể.
Sau khi bạch cầu được sinh ra, chúng được dự trữ trong tuỷ xương, khi cơ thể có nhu cầu chúng sẽ được huy động vào máu ngoại vi tham gia thực hiện chức năng.
6.2 Phân loại bạch cầu
- Nhóm bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân)
- Nhiều nhất là bạch cầu hạt trung tính: 62%
- Bạch cầu hạt ưa acid: 9-11%
- Bạch cầu hạt ưa base: <0,5%
- Nhóm bạch cầu không hạt (đơn nhân)
- Bạch cầu lymfocyte: 25-30%
- Bạch cầu monocyte: 2-3%
6.3 Số lượng bạch cầu trong máu
Trung bình, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi người trưởng thành bình thường trung bình 4000 – 10000 cho mỗi mm3
Số lượng bạch cầu trong máu tăng khi
- Bệnh lý nhiễm khuẩn
- Bệnh bạch cầu
- Trẻ em
- Phụ nữ có thai
Số lượng bạch cầu trong máu giảm khi
- Nhiễm độc
- Bệnh suy tủy
- Nhiễm siêu vi
- Nhiễm khuẩn nặng
6.4 Chức năng bạch cầu
Bạch cầu trung tính
- Chức năng chính là thực bào (“ăn” các tế bào lạ xâm nhập cơ thể)
Bạch cầu ưa acid
- Tập trung ở: niêm mạc đường tiêu hóa và các tổ chức ở phổi.
- Khử độc các protein lạ.
- Thực bào: yếu so với bạch cầu trung tính
- Làm tan cục huyết khối.
Bạch cầu ưa bazơ
- Phòng ngừa đông máu
- Vai trò trong phản ứng dị ứng
Mono bào
- Thực bào: khả năng thực bào lớn hơn nhiều so với bạch cầu trung tính.
- Khởi động quá trình miễn dịch.
Lympho bào B
- Tạo miễn dịch dịch thể.
- Tạo kháng thể.
Lympho bào T
- Tạo miễn dịch tế bào, tiêu diệt tác nhân xâm lấn
7. Tiểu cầu
- Tế bào nhỏ, không có hình dạng nhất định, không nhân
- Số lượng khoảng 150 000 – 300 000 / mm3 máu
- Tồn tại 2/3 trong máu, 1/3 nằm trong lách
- Đời sống trung bình: 8 – 12 ngày
- Tham gia vào quá trình đông máu
8. Nhóm máu và nguyên tắc truyền máu
Máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu. Hiện nay khoa học phát hiện có khoảng trên 30 hệ nhóm khác nhau, nhưng hệ ABO và Rh(D) là cực kỳ quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh.
8.1 Hệ ABO có những nhóm máu nào?
Nhóm máu A
Nhóm A được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng nguyên A trên các tế bào hồng cầu, và kháng thể B trong huyết tương.
Những người có nhóm máu A có thể an toàn hiến cho những người khác có cùng nhóm A, hoặc những người mang nhóm AB. Ngoài ra, những người có nhóm A cũng có thể nhận truyền máu từ những người cho mang nhóm O.
Nhóm máu B
Nhóm B được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, và kháng thể A trong huyết tương.
Những người có nhóm B có thể an toàn hiến cho những người khác có cùng nhóm B, hoặc cho những người có nhóm AB. Ngoài ra, những người có nhóm B cũng có thể an toàn nhận truyền máu từ những người cho mang nhóm O.
Nhóm máu AB
Nhóm này không phổ biến. Máu AB đặc trưng bởi có cả kháng nguyên A và B trên tế bào hồng cầu, và không có kháng thể trong huyết tương.
Những người có nhóm AB có thể chấp nhận máu từ bất cứ ai. Tuy nhiên, vì sự hiện diện của cả hai kháng nguyên trên tế bào hồng cầu loại AB, những người có nhóm AB chỉ có thể hiến cho những người có cùng nhóm AB với họ.
Nhóm máu O
Nhóm O là nhóm phổ biến nhất. Máu O không có kháng nguyên A cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương.
Kết quả là những người có nhóm O chỉ có thể nhận truyền máu từ những người có cùng nhóm O, vì các kháng thể trong huyết tương của nó sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, những người có nhóm O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm khác, vì nhóm O hoàn toàn không có kháng nguyên.
8.2 Nhóm máu Rhesus – kháng nguyên D
Kháng nguyên D thuộc hệ Rhesus là kháng nguyên có tính sinh miễn dịch mạnh nhất trong tất cả các hệ nhóm máu ngoài hệ ABO. Hầu hết mọi người có mang kháng nguyên D trên hồng cầu và chúng ta thường gọi là Rh+ (chính xác là “Rhesus D dương”). Ngược lại, những người không mang kháng nguyên D trên hồng cầu sẽ được gọi là Rh- (chính xác là “Rhesus D âm”).
Tỷ lệ của RhD sẽ khác nhau tùy theo chủng tộc, tại Việt Nam thì tỷ lệ RhD âm khoảng 0,07% nên được xem là nhóm hiếm.
>> Xem thêm những căn bệnh về máu mà bạn cần phải biết:
Ung thư máu: Dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý
Thiếu máu – Những thông tin bạn cần lưu ý
Máu là thành phần vô cùng quan trọng trong cơ thể sống. Nên khám sức khỏe và đặc biệt là xét nghiệm máu định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ gây bất thường các thành phần của máu để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh