Mesotherapy (tiêm vi điểm): Tác dụng và rủi ro có thể gặp
Nội dung bài viết
Trong những năm gần đây, mesotherapy là phương pháp làm đẹp rất phổ biến do ít xâm lấn và ít gây đau. Mesotherapy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt là trong chăm sóc sắc đẹp. Vậy mesotherapy là gì và thực sự có hiệu quả hay không? Trong bài viết này, Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Võ Thị Ngọc Hiền sẽ giúp các bạn hiểu được bản chất và lợi ích của phương pháp làm đẹp này nhé.
Mesotherapy là gì?
Khái niệm mesotherapy được bác sĩ người Pháp đề cập lần đầu tiên vào năm 1952.1 Cho đến nay, phương pháp này được ứng dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực thẩm mỹ nói riêng, mesotherapy có vai trò của riêng nó và kết hợp với các phương pháp khác giúp đem lại hiệu quả làm đẹp tốt nhất.
Mesotherapy hay còn được gọi là tiêm meso, là một kỹ thuật tiêm vi điểm. Tiêm meso là một phương pháp trị liệu sử dụng một lượng thuốc hay dưỡng chất rất nhỏ tiêm trực tiếp vào trong da. Khi thực hiện tiêm meso hay tiêm vi điểm sẽ tạo nhiều điểm nhỏ đều khắp trên da. Tại các điểm này chứa một lượng dưỡng chất. Nhờ đưa trực tiếp vào trong da mà dưỡng chất sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn so với phương pháp bôi thông thường.
Quy trình tiêm meso thực hiện rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần sử dụng một cây kim tiêm để tiêm thuốc vào trong da. Vì vậy phương pháp này ít xâm lấn đến khách hàng và ít gây đau. Ngoài ra phương pháp này khá hiệu quả và được ứng dụng trong nhiều chỉ định điều trị da và thẩm mỹ.
Tác dụng của mesotherapy?
Trong lĩnh vực thẩm mỹ, mesotherapy được ứng dụng khá rộng rãi. Cụ thể là:
1. Trẻ hóa da
Tiêm meso giúp đưa vào trong da dưỡng chất kích thích tăng sinh collagen. Điều này giúp làm săn chắc, căng bóng da mặt. Nhờ vậy khắc phục những vùng da bị chảy xệ do lão hóa.
Tuy vậy, công dụng làm trẻ hóa da của mesotherapy không hoàn toàn có hiệu quả với tất cả mọi người. Theo một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2013, phương pháp này không mang lại lợi ích đáng kể trong việc trẻ hóa da.2
2. Trắng sáng da
Dưỡng chất được tiêm vào trong da có tác dụng loại bỏ sắc tố da. Nhờ vậy giúp điều trị nám, tàn nhang, da không đều màu. Hiệu quả đạt được nhờ vào phương pháp này gấp nhiều lần so với bôi dưỡng chất sáng da.
3. Tan mỡ (thon gọn cơ thể)
Dưỡng chất có tác dụng phá hủy các tế bào mỡ sẽ được tiêm vào vùng cơ thể có mỡ dư thừa. Nhờ vậy giúp loại bỏ nọng và giúp thon gọn cơ thể.
Theo Hiệp hội Bác sĩ Phẫu Thuật Thẩm Mỹ Hoa Kỳ (American Society for Plastic Surgeons) vẫn chưa có bằng chứng đủ thuyết phục về tác dụng giảm mỡ của mesotherapy.3
4. Trị mụn, sẹo
Tiêm meso còn cho thấy có hiệu quả trên bệnh lý mụn trứng cá. Nó còn giúp điều trị mụn thâm và sẹo do mụn để lại.
5. Kích thích mọc tóc
Dưỡng chất được tiêm trực tiếp vào da đầu đã được chứng minh có tác dụng đối với những người bị chứng rụng tóc.4
6. Trị rạn da
Tiêm meso được cho là có công dụng để làm mờ các vết rạn da. Tuy nhiên hiệu quả cần được chứng minh thêm.
7. Trị tăng tiết mồ hôi
Mồ hôi ở nách hay ở lòng bàn tay, lòng bàn chân gây nhiều phiền toái cho người mắc phải. Tiêm meso giúp đưa thuốc vào ức chế sự tiết mồ hôi quá mức ở những vùng này. Nhờ vậy giúp người bệnh cảm thấy thoải mái trong sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Tiêm meso có thể gặp rủi ro gì?
Mesotherapy là phương pháp ít xâm lấn và ít gây tổn thương da, vì vậy nó khá an toàn. Tuy nhiên chúng ta có thể gặp phải các tác dụng phụ sau khi thực hiện phương pháp này:
1. Kích ứng
Thuốc tiêm hay dưỡng chất được sử dụng trong tiêm meso có nguồn gốc sinh học. Vì vậy mà nó có thể gây dị ứng đối với các cơ địa nhạy cảm. Triệu chứng kích ứng là cảm giác châm chích, đỏ da hay ngứa sau khi tiêm. Để phòng ngừa tác dụng này thì cần sử dụng các loại thuốc hay dưỡng chất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị nếu bạn có cơ địa dễ dị ứng.
2. Sưng, bầm da
Bầm máu có thể xảy ra sau khi tiêm nhưng thường rất nhẹ. Tác dụng phụ này là do kim tiêm chạm phải các mạch máu nhỏ dưới da. Vết bầm có thể tự hết tự nhiên hoặc dùng thuốc để vết bầm máu nhanh tan hơn.
3. Nhiễm trùng
Việc tiêm thuốc tạo nhiều vết hở trên da nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để phòng ngừa nhiễm trùng xảy ra, nên thực hiện tiêm meso ở cơ sở uy tín và đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm thuốc.
Những ai không nên tiêm meso?
Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, không nên thực hiện tiêm meso cho các đối tượng sau đây:
- Da đang bị nhiễm trùng sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng hơn khi tạo các vết thương hở trên da. Tốt nhất, bạn nên điều trị cho da khỏi hẳn rồi hãy thực hiện mesotherapy.
- Bệnh lý máu khó đông, rối loạn đông máu sẽ làm tăng thời gian chảy máu tại các điểm tiêm. Chảy máu sau tiêm sẽ khó cầm nếu khách hàng có bệnh lý rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai và đang cho cho con bú không nên thực hiện phương pháp xâm lấn mặc dù là xâm lấn tối thiểu. Ngoài ra các sản phẩm sử dụng chưa có bằng chứng rõ ràng không qua sữa mẹ.
Phương pháp tiêm vi điểm hay mesotherapy đem lại nhiều lợi ích làm đẹp và tương đối an toàn. Tuy nhiên, việc thực hiện một quy trình chuẩn giúp đem lại hiệu quả cao và ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Để hiểu hơn quy trình tiêm meso diễn ra như thế nào và cách chăm sóc da sau đó, các bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mesotherapy – The french connectionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3142757/
Ngày tham khảo: 10/12/2019
-
Efficacy of mesotherapy in facial rejuvenation: a histological and immunohistochemical evaluationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3513770/
Ngày tham khảo: 10/12/2019
-
ASPS Guiding Principles for Mesotherapy/Injection Lipolysishttps://www.plasticsurgery.org/Documents/medical-professionals/health-policy/guiding-principles/ASPS-Guiding-Principles-for-Mesotherapy-Injection-Lipolysis-7-08.pdf
Ngày tham khảo: 10/12/2019
-
Current application of mesotherapy in pattern hair loss: A systematic reviewhttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jocd.14900
Ngày tham khảo: 10/12/2019