YouMed

Bật mí cách điều trị và phòng ngừa mụn nhọt ở tay an toàn

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Mụn nhọt ở tay là một tình trạng phổ biến và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên vấn đề da liễu này lại gây ra sự khó chịu và đau đớn. Vậy, làm thế nào để có thể tự xử lý an toàn, hiệu quả? Lời khuyên để chăm sóc vùng da này đúng cách? Tất cả sẽ được Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo giải thích qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây mụn nhọt ở tay

Một số nguyên nhân gây nổi mụn nhọt ở tay là:

  • Sự thay đổi hoặc mất cân bằng nội tiết tố. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể đang trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố. Sự gia tăng hormone có thể khiến cơ thể tạo ra nhiều dầu hơn. Những loại dầu này góp phần tạo ra mụn nhọt hoặc mụn trứng cá.
  • Vệ sinh. Nếu không tuân thủ một thói quen chăm sóc da phù hợp, mụn có thể xuất hiện nhiều hơn. Khi bạn vệ sinh cơ thể, bạn đang loại bỏ các tế bào da chết và dầu. Da chết không được rửa sạch có thể tích tụ và gây ra mụn.
  • Sản phẩm dành cho da. Một số sản phẩm chăm sóc da có thể khiến da nổi mụn. Nếu bạn đang sử dụng một sản phẩm làm tắc nghẽn lỗ chân lông của mình, bạn sẽ nhận thấy sự gia tăng các vấn đề về da.
  • Quần áo chật. Mồ hôi có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và khiến bạn nổi mụn. Quần áo bó sát hay chật chội khiến mồ hôi không tiết ra được. Từ đó hình thành mụn.
Thay đổi nội tiết tố là một nguyên nhân phổ biến gây mụn nhọt ở phần trên cánh tay
Thay đổi nội tiết tố là một nguyên nhân phổ biến gây mụn nhọt ở phần trên cánh tay

Có nên nặn mụn trên tay không?

Khi mụn nhọt xuất hiện, chúng ta thường nặn để loại bỏ bớt mủ bên trong nhọt để giảm sưng tấy và đau nhức. Tuy nhiên, nặn mụn không giải quyết dứt điểm được nguồn gốc của tình trạng mụn. Nặn mụn chỉ giúp loại bỏ nhân mụn chứ không có vai trò điều hòa hay tác động vào cơ chế bệnh sinh của mụn.

Ngoài ra, việc nặn mụn không đúng cách có thể gây lây lan vi khuẩn vào các lỗ chân lông và nang lông khác, tạo điều kiện cho mụn lan rộng hơn ra vùng da xung quanh và dễ gây ra sẹo.

Cách điều trị

Giữ vệ sinh

  • Để giúp ngăn ngừa mụn, phải loại bỏ nguyên nhân gây ra mụn – loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn và mồ hôi hằng ngày. Tuy nhiên, rửa tay quá nhiều lần trong ngày có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Nên sử dụng những sản phẩm không chứa sulfat, không hương liệu và đủ dịu nhẹ, sử dụng hai lần mỗi ngày, thay vì sử dụng tẩy tế bào chết vật lý hoặc nước rửa tay, sữa tắm chứa chất tẩy rửa mạnh.
  • Giữ cho những vật dụng hay tiếp xúc với da luôn sạch sẽ. Vệ sinh chăn ga gối nệm, quần áo, găng tay thường xuyên.
  • Hạn chế chạm tay vào nốt mụn.
Vệ sinh thường xuyên bằng xà phòng dịu nhẹ là bước đầu tiên để hạn chế tình trạng mụn

Sử dụng thuốc

1. Thuốc bôi ngoài da

Thuốc bôi ngoài da là phương pháp điều trị mụn nhọt được kê đơn phổ biến nhất. Chúng chứa các thành phần như retinoids, axit salicylic, azelaic, và thuốc kháng sinh. Đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng cũng như hỏi ý kiến của bác sĩ xem chúng có phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn hay không.

2. Thuốc uống

Mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng đôi khi cần dùng thuốc uống, chẳng hạn như thuốc kháng sinh hoặc liệu pháp hormone. Isotretinoin được dành riêng cho mụn trứng cá nặng khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác vì các tác dụng phụ nghiêm trọng tiềm ẩn của nó.

Ngoài ra, nếu tình trạng mụn gây đau đớn khiến bạn không chịu đựng được, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau chứa các hoạt chất ibuprofen, acetaminophen,… Hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi sử dụng.

Phương pháp từ thiên nhiên

1. Tinh dầu tràm trà

Với tính kháng khuẩn và khử trùng mạnh, dầu tràm trà giúp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra mụn. Một nghiên cứu 2018 chỉ ra rằng tinh dầu tràm trà có thể sử dụng để giảm mụn trứng cá.1

Dầu tràm trà có công dụng mạnh. Do đó, bạn đọc hãy nhớ pha loãng dầu này trước khi bôi lên da nhé. Bạn có thể pha dầu tràm trà với nước theo tỷ lệ 1:9. Sau đó, dùng tăm bông hoặc gạc bông thấm dung dịch đã pha và thoa lên vùng da bị mụn. Có thể thực hiện từ 1 đến 2 lần mỗi ngày.

2. Nha đam

Nha đam (lô hội) đã được chứng minh có thể điều trị: trầy xước, phát ban, bỏng, viêm da, vết thương,…2 Ngoài ra, trong nha đam có chứa axit salicylic và lưu huỳnh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thoa salicylic có thể giảm tình trạng mụn trứng cá.3

Bạn có thể cạo lớp thịt nha đam và thoa lên vùng da bị mụn. Hãy nhớ rửa sạch vùng da đó trước khi tiến hành. Có thể thực hiện lặp lại từ 1 đến 2 lần mỗi ngày.

3. Mật ong

Mật ong có không ít công dụng không diệt khuẩn, làm sạch, ngăn ngừa nhiễm trùng và nấm ngứa. Vệ sinh vùng da bị mụn rồi thoa mật ong tươi nguyên chất. Để khoảng 30 phút rồi rửa sạch và lau khô. Thực hiện 3 – 4 lần mỗi tuần cho đến khi hết mụn nhọt.

Hoặc bạn cũng có thể trộn mật ong và quế theo tỷ lệ 2:1 để tạo thành hỗn hợp sệt. Rửa sạch vùng da bị mụn và thoa hỗn hợp lên trong vòng 10 – 15 phút. Rửa sạch lại với nước và lau khô bằng khăn mềm.

Với công dụng diệt khuẩn, mật ong được xem là phương pháp an toàn để hỗ trợ điều trị mụn

Phòng ngừa

Dưới đây là một số cách giúp ngăn ngừa tình trạng mụn tái phát:

1. Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp

Một điều quan trọng là giữ ẩm cho da. Tuy nhiên một số loại kem dưỡng ẩm có thể gây hại do làm tắc nang lông và khiến mụn tồi tệ hơn.

Kem dưỡng ẩm không gây nhờn rít có chứa các hợp chất, chẳng hạn như axit lactic, có thể ngăn ngừa viêm nang lông ở một số người. Axit lactic là một hợp chất tương tự như axit salicylic, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Nó có thể giúp lỗ chân lông thông thoáng, giữ ẩm, làm mềm da và giúp dễ hấp thu các phương pháp điều trị kết hợp.

2. Vệ sinh tay

  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là sau khi hoạt động thể chất hoặc tiếp xúc với các loại thức ăn nhiều dầu.
  • Tắm thường xuyên và lau khô da hoàn toàn sau khi tắm.
  • Vệ sinh các đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với tay, bao tay,… thường xuyên để hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm vi khuẩn gây mụn nhọt.
  • Sử dụng các loại sữa tắm có thành phần kháng khuẩn nhưng vẫn dịu nhẹ để tránh gây kích ứng.

3. Xử lí lông tay đúng kỹ thuật

  • Sử dụng dao cạo điện thay vì dao cạo dùng một lần.
  • Sử dụng thêm kem cạo lông hoặc xà phòng để giảm kích ứng da.
  • Tránh cạo lông trong một khoảng thời gian nhất định sau đợt viêm nang lông.
  • Cẩn thận khi sử dụng các dụng cụ để cạo lông, wax lông. Tránh cạo quá mạnh khiến da bị trầy xước, nhiễm trùng, nổi mụn, viêm mủ.
  • Không dùng chung dao cạo.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu nếu bị tình trạng mụn không giảm, các ổ viêm sưng to gây đau đớn. Mụn ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ khiến bạn khó chịu hơn.

Những người thường xuyên bị mụn hoặc không kiểm soát được tình trạng mụn cũng nên đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ da liễu có thể kê đơn các loại thuốc chuyên biệt giúp làm sạch mụn và ngăn ngừa sẹo hoặc tổn thương da.

Thông thường mụn nhọt ở tay sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng nếu tình trạng này không giảm hoặc ngày càng gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống thì bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết này đem đến những thông tin thực sự hữu ích cho bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Treatment of acne with a combination of propolis, tea tree oil, and Aloe vera compared to erythromycin cream: two double-blind investigationshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6298394/

    Ngày tham khảo: 05/03/2023

  2. The therapeutic properties and applications of Aloe vera: A reviewhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2210803318300022

    Ngày tham khảo: 05/03/2023

  3. Jessner's solution vs. 30% salicylic acid peels: a comparative study of the efficacy and safety in mild-to-moderate acne vulgarishttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jocd.12266

    Ngày tham khảo: 05/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người