Làm thế nào để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục?
Nội dung bài viết
Tình dục là một trong những điều không thể thiếu để duy trì hạnh phúc lứa đôi. Hơn nữa, tình dục lành mạnh và an toàn còn giúp tạo ra các phản ứng và hoóc môn có lợi cho cơ thể. Trái lại, tình dục không an toàn chính là một trong những nguyên nhân đến các bệnh lây qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe sinh sản.
Do đó, mỗi người cần tự trang bị kiến thức tình dục an toàn để bảo vệ chính mình và bạn tình, để ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục và để “chuyện yêu” được trọn vẹn hơn.
1. Tình dục an toàn hơn là gì?
Mặc dù tình dục là môt hoạt động rất thú vị và là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên nó luôn tiềm tàng nhiều nguy cơ. Tình dục an toàn không những để bạn bảo vệ được sức khỏe của chính mình và cả của bạn tình.
Vì tiếp xúc trực tiếp và rất gần gũi, nên luôn có nguy cơ lây các bệnh qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai, viêm gan B, C. Ngoài ra, nguy cơ khác bao gồm mang thai ngoài ý muốn, vấn đề tâm lý và các vấn đề liên quan pháp luật.
Thực tế, không có biện pháp nào là tình dục an toàn, vì dù ít hay nhiều, hoạt động tình dục luôn mang theo nguy cơ, và không có biện pháp nào ngăn ngừa được hoàn toàn các nguy cơ này.
Do đó, người ta dùng từ “tình dục an toàn hơn” để chỉ các phương pháp được áp dụng nhằm mục đích giảm thiểu tối đa nguy cơ có thể có.
Cụ thể hơn, tình dục an toàn là cách để giảm tối đa nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai, viêm gan B và C,… Tình dục an toàn còn giúp ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ phá thai và bảo vệ sức khỏe người phụ nữ.
Bạn đang lo lắng làm sao để kéo dài cuộc yêu giúp bạn tình “lên đỉnh”? Khám phá ngay video để được bác sĩ giải đáp bí quyết tốt nhất nhé!
2. Các bệnh lây qua đường tình dục
Các bệnh lây qua đường tình dục (hay STDs: Sexually Tranmitted Diseases) là các bệnh biểu hiện triệu chứng do các tác nhân (virus, vi trùng, kí sinh trùng..) lây qua hoạt động tình dục. Bệnh lây qua sự tiếp xúc da với da, niêm mạc với niêm mạc hoặc các dịch tiết của cơ thể. Bệnh có thể lây qua đường miệng, âm đạo hay hậu môn.
Các STDs thường gặp bao gồm
- Nhiễm Clamydia: gây ra bệnh viêm tử cung – âm đạo ở nữ, để lại di chứng nặng nề như viêm vùng chậu mạn gây thai ngoài tử cung hay vô sinh.
- Lậu: gây viêm niệu đạo hay chảy mủ lỗ tiểu ở nam và gây viêm vùng chậu ở nữ.
- HIV/ AIDS.
- Giang mai: gây loét cơ quan sinh dục, nổi hạch. Bệnh có thể tiềm ẩn lâu và gây nhiều biến chứng muộn nguy hiểm.
- Herpes: mụn nước ở vùng môi, miệng và cơ quan sinh dục.
- Viêm gan siêu vi A, B và C.
- Nhiễm HPV (human papilloma virus): gây mụn cóc sinh dục, nhiễm HPV dai dẳng có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung.
3. Ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục
Những biện pháp dưới đây là quan trọng và cần được áp dụng để ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục:
3.1. Sử dụng bao cao su
Bao cao su đã được chứng minh là giảm nguy cơ nhiễm hầu hết các STDs như HIV/AIDS, viêm gan virus B,C; giang mai, lậu. Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục là biện pháp hiệu quả, an toàn và dễ áp dụng. Ngoài ngăn ngừa STDs, bao cao su cũng giúp ngừa thai.
Những mẹo giúp việc sử dụng bao cao su hiệu quả hơn
- Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ đường âm đạo, đường hậu môn hay đường miệng.
- Luyện tập sử dụng bao cao su để có thể đeo bao dễ dàng dù đang vội hay đang ở trong bóng tối.
- Tránh sử dụng những loại bao cao su kích thích cảm giác lạ. Những loại bao cao su không bao kín cậu nhỏ sẽ không giúp bảo vệ bạn khỏi STDs.
- Không sử dụng 2 bao cao su cùng lúc.
- Tránh sử dụng bao cao su chung với các thuốc diệt tinh trùng.
- Bảo quản bao cao su đúng cách; kiểm tra bao trước khi sử dụng, không dùng bao cao su quá hạn sử dụng, bị thủng, bị rách.
3.2. Giảm số lượng bạn tình
Thực tế chứng minh rằng càng ít bạn tình thì nguy cơ mắc các bệnh STDs càng thấp.
Quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy, hiểu rõ bạn tình và tình trạng sức khỏe của đối phương chính là một trong những biện pháp tình dục an toàn.
3.3. Xét nghiệm STDs
Nhiều người mang mầm bệnh STDs dù không có bất kì triệu chứng nào nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Do đó, cần kiểm tra tình trạng nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục khi bạn có bạn tình mới, và khuyến khích cả hai người cùng kiểm tra.
Đi khám càng sớm càng tốt nếu có triệu chứng nghi ngờ như dịch âm đạo có màu hay mùi lạ, đau rát khi giao hợp, nổi mụn nước hay vết loét ở cơ quan sinh dục hay sau khi có quan hệ tình dục không an toàn.
Nếu bạn đang có nhiễm bất kì bệnh STDs nào, không quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi. Thông báo cho bạn tình và điều trị cho cả bạn tình của mình là điều kiện quan trọng để không bị tái nhiễm.
3.4. Vaccins
Chích ngừa là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa viêm gan A, viêm gan B và HPV.
3.5. Hạn chế sử dụng cồn và chất kích thích
Cồn và các chất kích thích có thể khiến bạn mất kiểm soát và có những hoạt động tình dục nguy cơ cao như quan hệ với người lạ, quan hệ đường hậu môn hay bạo lực tình dục.
Cần phải cẩn thận khi sử dụng cồn và chất kích thích trước khi quan hệ tình dục.
3.6. Các hoạt động tình dục khác
Những hoạt động tình dục được cho là có nguy cơ cao hơn là qua đường hậu môn vì thành hậu môn trực tràng rất mỏng. HIV và viêm gan B dường như dễ lây lan hơn khi quan hệ qua đường này.
Hoạt động tình dục có xâm nhập cũng được coi là có nguy cơ cao hơn. Những tác nhân gây STDs cũng được lây lan qua các vật dụng xung quanh. Do đó, luôn luôn vệ sinh sextoys và sử dụng bao cao su để bao bọc.
4. Các phương pháp tránh thai an toàn
Tránh thai được hiểu là giảm tối đa nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Tránh thai an toàn góp phần làm giảm tỷ lệ phá thai và bảo vệ sức khỏe người phụ nữ.
Cũng giống như các bệnh STDs, một quan hệ tình dục luôn tiềm tàng nguy cơ mang thai sau đó. Nếu bạn không muốn mang thai, phải luôn có một biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp.
Phương pháp tránh thai phù hợp với bạn là phương pháp có hiệu quả hiệu quả tránh thai cao, an toàn cho bạn, phù hợp với khả năng kinh tế, điều kiện xã hội và bạn cảm thấy thoải mái khi tránh thai bằng phương pháp này.
Có nhiều phương pháp tránh thai và được liệt kê thành 3 nhóm sau:
4.1. Tránh thai tạm thời
- Dùng thuốc tránh thai đường uống hằng ngày.
- Đặt que cấy tránh thai.
- Tiêm thuốc tránh thai.
- Que dán tránh thai.
- Tính ngày rụng trứng.
- Đặt vòng tử cung: vòng nội tiết và vòng đồng.
4.2. Tránh thai vĩnh viễn
- Thắt ống dẫn trứng.
- Thắt dây dẫn tinh.
4.3. Tránh thai khẩn cấp
- Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.
- Dùng bao cao su.
- Giao hợp gián đoạn.
Để lựa chọn tránh thai phù hợp với bản thân, hãy đến Khoa Kế hoạch hóa – Gia Đình tại các Bệnh viện Phụ Sản để được tư vấn.
5. Mẹo để ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục
Để tình dục là an toàn, thoải mái và thực sự tận hưởng, hãy luôn nhớ những tips sau:
- Không nên có nhiều bạn tình. Nên tìm hiểu rõ về đối tác trước khi quan hệ tình dục. Trao đổi với nhau về tình dục an toàn. Không nên quan hệ tình dục với người lạ.
- Chỉ quan hệ tình dục khi hai người đã thực sự sẵn sàng và đồng ý.
- Luôn sử dụng bao cao su cho mọi giao hợp. Luôn mang theo bao cao su dự phòng.
- Vệ sinh sex-toys. Sử dụng bao cao su bao bọc khi sử dụng sex-toys.
- Cẩn thận khi dùng đồ uống có cồn hay chất kích thích trước khi quan hệ tình dục. Phải tự bảo vệ bản thân mình trước các chất kích thích.
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản và các bệnh lây qua đường tình dục cho bạn và cho người thương.
- Khi khám ngay nếu có dấu hiệu nhiễm STDs như chảy máu, chảy mủ, loét, mụn, dịch lạ từ bộ phận sinh dục. Không quan hệ cho đến khi điều trị xong.
- Thông báo cho bạn tình và cùng điều trị STDs để tránh nguy cơ tái nhiễm.
- Tránh thai an toàn khi cần.
Tình dục lành mạnh và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục chính là cách bảo vệ sức khỏe của mình và người mình yêu thương. Nếu bạn nắm rõ những điều trên để bảo vệ bản thân mình và đối tác, tình dục sẽ không còn nhiều nguy cơ nữa. Để “chuyện ấy” thật trọn vẹn và an toàn!
>> Các bạn hãy tự trang bị cho mình kiến thức về sức khoẻ tình dục và tâm sinh lý, bằng cách đặt câu hỏi cho đội ngũ chuyên gia tại Youmed nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Nguyễn Hồng Hoa (2017), “Dẫn nhập về các bệnh lây qua đường tình dục”, Bài giảng Phụ Khoa, Đại học Y dược TPHCM.
Dr Laurence Knott (2017) Safer Sex https://patient.info/sexual-health/sexually-transmitted-infections-leaflet/safer-sex, accesed on August 17, 2019.