YouMed

Ngũ bội tử: Công dụng cho người bệnh trĩ

bác sĩ nguyễn trần anh thư
Tác giả: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ngũ bội tử là tên của một vị thuốc đặc biệt có nguồn gốc từ những túi trên thân cây Muối do loài sâu cũng mang tên Ngũ bội tử gây ra. Vị thuốc này được dùng trong Đông Y với tác dụng trị bệnh trĩ tiêu ra máu do lị lâu ngày gây ra. Ngoài ra còn chữa được ho lâu ngày, có đờm hay ho ra máu, nôn ra máu. Cụ thể công dụng và cách dùng vị thuốc này ra sao, xin cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Mô tả dược liệu

Ngũ bội tử, còn gọi là Bầu bí, có tên khoa học là Galla chinensis. Đây là tổ đã phơi hay sấy khô của ấu trùng sâu Ngũ bội tử [Melaphis chinensis (Bell.) Baker Schlechtendalia chinensis Bell,]. Loài ấu trùng sâu này ký sinh trên cây Muối, tức cây Diêm phu mộc (Rhus chinensis Muell.), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).

Cây Muối

Cây muối là một cây nhỏ cao từ 2 đến 8 m.

Khi cành non và cuống lá cây này bị một giống sâu đục thì sẽ xuất hiện những chỗ sùi lên hình dạng khác nhau. Khi thì giống quả trứng nhỏ, khi thì lại có nhiều nhánh. Trên mặt có lông mịn, ngắn màu xám nhạt, có chỗ màu đỏ nâu. Khi bẻ ta thấy thành dày, cứng bóng như sừng. Trong có những lông nhỏ trắng như sợi len và mảnh con sâu. 

Ngũ bội tử trên cành
Ngũ bội tử trên cành

Ở nước ta, loài cây này chỉ mới có nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.

Vào khoảng tháng 5 – 6, con sâu ngũ bội tử (sâu cái) từ những cây trung gian hay đến cây muối hay diêm phu mộc. Sau đó tìm chích vào cành non và lá cây này, rồi đẻ trứng. Có thể do những chất kích thích thích tố đặc biệt của trứng và sâu non, những tế bào của cây phát triển đặc biệt, bất thường thành ngũ bội. 

Vị thuốc Ngũ bội tử

Dược liệu này có dạng túi hình trứng (Đỗ bội) hoặc hình củ ấu (Giác bội). Phân nhánh nhiều hay ít, nguyên hoặc vỡ đôi, vỡ ba.

  • Đỗ bội: Hình trứng, hoặc hình thoi, dạng nang, dài 2,5 cm đến 9 cm, đường kính 1,5 cm đến 4 cm. Mặt ngoài  màu nâu xám, hơi có lông tơ mềm. Chất cứng giòn, dễ vỡ  vụn. Mặt gãy có dạng chẩt sừng, sáng bóng, dày 0,2 cm  đến 0,3 cm. Mặt trong phẳng, tròn. Khoang rỗng có chứa  xác chết của ấu trùng, màu nâu đen, và chất bột bài tiết ra,  màu xám. Mùi đặc biệt, vị se.
  • Giác bội: hình củ ấu, phân nhánh, không đều, dạng sừng. Mặt ngoài có lông tơ mềm rõ rệt, vách tổ tương đối mỏng.
Ngũ bội tử vỡ
Vách tổ Ngũ bội tử tương đối mỏng

Bào chế

Thu hoạch vào mùa thu. Lấy về, luộc qua hoặc đồ cho đến khi mặt ngoài có màu tro, diệt chết nhộng sâu. Lấy ra, phơi hoặc sấy khô. Dựa vào hình dạng bên ngoài mà chia ra Đỗ bội hay Giác bội.

Thành phần hoá học

Tỷ lệ tanin của ngũ bội tử Việt Nam là 50%, loại tốt lên tới 60 – 70%, có khi tới 80% sau khi đã trừ đi độ ẩm. Tanin trong dược liệu còn gọi là axit galotanic. Thủy phân axit sẽ cho axit galic.

Ngoài tanin ra, trong dược liệu này còn có axit galic tự do, 2 – 4% chất béo, nhựa và tinh bột.

Tác dụng dược lý

  • Kết quả nghiên cứu cho thấy Ngũ bội tử có tác dụng giảm đau và chống viêm, có thể là một loại thuốc triển vọng trong điều trị viêm và đau.
  • Axit gallic được tìm thấy trong dược liệu có tác dụng chống ung thư chống lại nhiều loại tế bào ung thư. Một nghiên cứu cho thấy chất này có vai trò tiềm năng trong điều trị ung thư dạ dày.
  • Trong ba mô hình nấm da mở chó, dung dịch từ dược liệu này cải thiện đáng kể tổn thương da và diệt nấm. Hiệu quả diệt nấm vượt quá 85% sau khi điều trị bằng dung dịch Ngũ bội tử vào ngày thứ 14.
  • Dung dịch Ngũ bội tử đường uống cho thấy hoạt động chống tiêu chảy đáng kể trong mô hình tiêu chảy do dầu thầu dầu ở chuột.
  • Chiết xuất Ngũ bội tử là một chất ức chế hLDH-A mạnh với khả năng đáng kể để ngăn chặn sự tăng sinh của các tế bào ung thư vú ở người.
  • Đây cũng là một ứng cử viên trị liệu cho tổn thương phổi do thuốc lá gây ra.

Công dụng, liều dùng

Công dụng ngũ bội tử

Cầm tiêu chảy, cầm máu, trừ mụn nhọt, giải độc, bổ Phế trừ ho.

Theo Y học cổ truyền, Ngũ bội tử chủ trị: Tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, đi tiêu ra máu, nôn ra máu, trĩ chảy máu, nhọt độc, mụn độc, trị các vết loét trong miệng, ho lâu ngày, ngực nóng ho có đờm.

Liều dùng

Ngày dùng từ 4 g đến 12 g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài thì tuỳ lượng thích hợp.

Phương thuốc kinh nghiệm

Đi lỵ ra máu lâu ngày

Dùng Ngũ bội tử 1 lạng (40 g). Phèn phi 5 đồng cân (20 g) tán bột viên với hồ, uống với nước cơm mỗi lần 2 g đến 8 g, ngày uống 2 – 3 lần (Theo Nam Dược thần hiệu). Ngoài ra thì bạn có thể tìm hiểu thêm Những dấu hiệu nào có thể liên quan đến bệnh kiết lỵ? hoặc bài viết Những điều cần lưu ý khi đến khám bệnh Kiết lỵ.

Ho lâu ngày, khạc ra máu

Dùng Ngũ bội tử sao tán nhỏ, uống mỗi lần 4 g với nước chè vào sau bữa ăn, ngày uống 2 – 3 lần (Theo Nam Dược thần hiệu).

Đau bụng tiêu lỏng

Ngũ bội tử tán bột làm viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống 15 – 20 viên với nước Bạc hà.

Ngũ bội tử
Loài dược liệu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

Ngâm trị trĩ

Lấy Ngũ bội tử 500 g, tán vụn (sạch), ngâm vào 1 lít cồn 52,5%. Bỏ vào lọ bịt kín giữ trong 1 – 2 tháng. Lọc nấu sôi vô trùng. Sau khi vô trùng hậu môn vùng trĩ, trực tiếp chích vào búi trĩ, bên trong uống thuốc giữ không cho táo bón. Sau khi đi tiêu ngâm rửa hậu môn với thuốc tím, thay thuốc dán cao Hoàng liên cho đến khi trĩ rụng, miệng lành.

Ngũ bội tử có công dụng trị tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, đi tiêu ra máu, trĩ chảy máu. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

  2. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

  3. Dược điển Việt Nam.

  4. Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học.

  5. Đỗ Huy Bích (2006). Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa Học Kỹ Thuật.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người