YouMed

Cùng bác sĩ tìm hiểu những nguyên nhân suy tuyến yên

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Suy tuyến yên là bệnh lý tương đối hiếm gặp. Tỷ lệ suy tuyến yên trong năm 2020 được ghi nhận là 46 trường hợp trên 100.000 người. Song tình trạng này lại khá nguy hiểm do không có các triệu chứng đặc hiệu nên thường gây khó khăn cho quá trình điều trị. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn hiểu thêm về các nguyên nhân suy tuyến yên cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh.

Suy tuyến yên là bệnh gì?

Suy tuyến yên được định nghĩa là hiện tượng tuyến yên suy giảm hoạt động nên không thể sản xuất đủ các hormone cần thiết. Thông thường, các hormone tiết ra từ tuyến yên sẽ giữ những vai trò quan trọng bao gồm:

  • ACTH: kích thích sản xuất cortisol và các phản ứng hóa học. Khi đó, cơ thể sẽ sản sinh ra adrenaline và noradrenaline.
  • ADH: giúp kiểm soát huyết áp và điều hòa thể tích dịch.
  • FSH: thúc đẩy sự phát triển nang trứng ở nữ giới và sản xuất tinh trùng ở nam giới.
  • GH: hormone tăng trưởng hỗ trợ sự phát triển ở trẻ em. Đồng thời GH có tác động tích cực lên quá trình chuyển hóa chất.
  • LH: chịu trách nhiệm cho sự sinh sản, dậy thì và chu kì kinh nguyệt ở chị em phụ nữ.
  • Oxytocin: là hormone quan trọng trong giai đoạn mang thai và cho con bú do giúp mẹ bầu bài xuất sữa và co thắt tử cung để sinh con.
  • Prolactin: ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động trong cơ thể.
  • TSH: điều hòa quá trình tiết hormone ở tuyến giáp.

Khi lượng hormone nằm dưới mức cho phép, các chức năng của cơ thể sẽ không thể diễn ra bình thường. Do đó, bệnh nhân suy tuyến yên cũng gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.

nguyên nhân suy tuyến yên
Suy tuyến yên là tình trạng tuyến yên suy giảm hoạt động

Nguyên nhân suy tuyến yên?

Bất kì bệnh nào có ảnh hưởng đến tuyến yên đều có thể trở thành nguyên nhân suy tuyến yên. Bộ Y tế đã đưa ra các nguyên nhân chính như sau:

  • Những tổn thương khối bao gồm u tuyến, u nang, viêm tuyến yên thâm nhiễm tế bào lympho, di căn ung thư,…
  • Từng phẫu thuật tuyến yên.
  • Tiền sử xạ trị đi qua tuyến yên như các vùng đầu, mặt, cổ,…
  • Nhồi máu tuyến yên do chảy máu sau sinh (hội chứng Sheehan). Ở người lớn tuổi, nhồi máu tuyến yên có thể là hệ quả của tình trạng suy mạch trong phẫu thuật nối động mạch vành.
  • Yếu tố di truyền do thiếu hụt bẩm sinh một hoặc nhiều hormone tuyến yên. Ngoài ra, một loại bệnh huyết sắc tố di truyền đặc trưng bởi lượng chất sắt trong cơ thể nhiều hơn bình thường cũng gây suy tuyến yên.
  • Các yếu tố khác như bệnh sarcoidose (bệnh phổi mạn tính), nhiễm khuẩn hoặc viêm màng não do lao, tổn thương do chấn thương sọ não,…

Tùy theo nguyên nhân suy tuyến yên mà bác sĩ sẽ cân nhắc các lựa chọn điều trị khác nhau. Do đó, việc xét nghiệm để tìm ra lý do dẫn đến suy tuyến yên là vô cùng quan trọng.

Những triệu chứng của bệnh suy tuyến yên

Biểu hiện của suy tuyến yên có thể khác biệt dựa trên loại hormone bị thiếu hụt. Các triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh đã diễn tiến nặng nên người bệnh nhân ít khi nhận ra. Sau đây là những biểu hiện thường gặp ở người bị suy tuyến yên.

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt.
  • Đau bụng ở vùng thượng vị (phía trên rốn).
  • Nhạy cảm với nhiệt độ thấp, khó giữ ấm.
  • Tăng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Cảm thấy buồn nôn, đầy hơi, có thể bị táo bón.
  • Huyết áp và đường huyết tụt, thường cảm thấy chóng mặt khi thay đổi tư thế.
  • Rối loạn thị giác.
  • Phụ nữ thường bị rụng lông mu, lông nách và giảm ham muốn tình dục. Một số trường hợp có thể bị vô sinh.
  • Cánh mày râu cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ngoài ra, nam giới cũng có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương.
  • Con trẻ thường chậm lớn và có vóc dáng thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa.
nguyên nhân suy tuyến yên
Trẻ bị suy tuyến yên thường có vóc dáng thấp bé hơn bạn bè

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được xét nghiệm suy tuyến yên. Việc nhận biết sớm những biểu hiện của suy tuyến yên hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy tuyến yên

Dù đã biết rõ về các nguyên nhân suy tuyến yên, bạn cũng nên hiểu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ suy giảm tuyến yên, bao gồm:

  • Có tiền sử mất máu sản khoa.
  • Từng bị chấn thương vùng sọ.
  • Từng xạ trị ở vùng dưới đồi tuyến yên hoặc đã phẫu thuật lấy khối u tuyến yên.
  • Có khối u ở tuyến yên hoặc khối u ở não.
  • Bị nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt ở não.
  • Chấn thương hoặc chảy máu tuyến yên.
  • Từng có tiền sử đột quỵ hoặc bị dị dạng bẩm sinh.

Nếu có các yếu tố trên, bạn nên liên hệ chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể.

Điều trị và phòng ngừa suy tuyến yên

Điều trị suy tuyến yên

Các bác sĩ thường lựa chọn phương pháp điều trị suy tuyến yên dựa trên nguyên nhân suy tuyến yên. Nếu người bệnh có khối u ở gần não, phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ là lựa chọn ưu tiên. Bác sĩ có thể cân nhắc xạ trị để giảm nhẹ triệu chứng.

Nếu bệnh nhân bị thiếu hụt hormone, bạn sẽ phải dùng liệu pháp bổ sung hormone suốt đời. Các thuốc được sử dụng bao gồm:

  • Corticosteroid (Cortisol).
  • Hormone tăng trưởng.
  • Hormone giới tính (testosterone cho nam và estrogen cho nữ).
  • Hormone thyroid.
  • Desmopressin.

Các thuốc trên có thể hỗ trợ khắc phục tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ.

Do tần suất sử dụng corticoid ở bệnh nhân bị suy tuyến yên khá cao, bạn nên thảo luận với bác sĩ để biết cách dùng thuốc. Hãy thông báo với nhân viên y tế nếu bạn có bất kì thay đổi nào về cân nặng hoặc thể chất.

nguyên nhân suy tuyến yên
Bệnh nhân suy tuyến yên thường phải uống các thuốc bổ sung hormone suốt đời

Phòng ngừa suy tuyến yên

Trên thực tế, bạn khó có thể phòng ngừa suy tuyến yên. Do đó, để kiểm soát bệnh tốt hơn, hãy chú ý sức khỏe bản thân để nhận ra những dấu hiệu bất thường. Bạn cũng nên tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Bạn nên uống thuốc đúng giờ và đúng liều, hạn chế tự ý bỏ hoặc tăng liều.

Suy tuyến yên được coi là kẻ giết người thầm lặng do có thể đe dọa tính mạng người bệnh nhưng không để lại triệu chứng. Do đó, việc hiểu được nguyên nhân suy tuyến yên cũng như những yếu tố nguy cơ sẽ phần nào hỗ trợ cho quá trình điều trị. Bệnh nhân suy tuyến yên nếu nghe theo hướng dẫn dùng thuốc vẫn có thể có cuộc sống khỏe mạnh và ổn định. Hy vọng những thông tin Bác sĩ Vũ Thành Đô đã cung cấp sẽ giúp ích cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Underactive Pituitary Gland (Hypopituitarism)https://www.healthline.com/health/hypopituitarism

    Ngày tham khảo: 07/07/2021

  2. Hypopituitarismhttps://medlineplus.gov/ency/article/000343.htm

    Ngày tham khảo: 07/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người