Nhiễm ceton acid do đái tháo đường và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Nhiễm ceton acid do đái tháo đường là một biến chứng cấp của bệnh tiểu đường. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất ra lượng acid trong máu cao gọi là ceton acid. Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, việc tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo của nhiễm toan ceton là vô cùng quan trọng. Vì đây là tình trạng cấp cứu, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong.
1. Các triệu chứng nhiễm ceton acid do đái tháo đường
Ceton acid phát triển khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin. Insulin thường đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đường (glucose) – một nguồn năng lượng chính cho cơ bắp và các mô khác – đi vào bên trong tế bào. Khi không có đủ insulin, cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu. Quá trình này tạo ra sự tích tụ ceton acid và hình thành nên bệnh.
Nhiễm ceton acid chủ yếu hay gặp ở những người mắc đái tháo đường type 1. Đôi khi có thể gặp ở những người mắc đái tháo đường type 2.
1.1. Triệu chứng nhiễm ceton acid
Các triệu chứng của nhiễm ceton acid thường phát triển nhanh chóng, thường trong vòng 24 giờ. Đối với một số người, những triệu chứng này có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Các dấu hiệu bao gồm:
- Khát nước
- Đi tiểu thường xuyên
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đau bụng, đau thượng vị
- Cơ thể duy nhược, mệt mỏi
- Hơi thở có mùi trái cây
- Rối loạn tri giác như hôn mê, lú lẫn
Các dấu hiệu cụ thể hơn của nhiễm ceton acid do đái tháo đường có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu và máu, bao gồm:
- Mức đường huyết cao trong máu (tăng đường huyết)
- Mức ceton cao trong máu và nước tiểu
>> Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: Insulin: bạn đã thực sự hiểu rõ hay chưa?
1.2. Kết quả xét nghiệm khi nào thì bạn bị nhiễm ceton acid do đái tháo đường
Nếu bạn làm xét nghiệm ceton trong máu, nồng độ của chúng
- Thấp hơn 0,6 mmol/L là giá trị bình thường
- Từ 0,6 đến 1,5 mmol/L: có nguy cơ nhiễm ceton acid mức độ nhẹ và sẽ kiểm tra lại sau 2 giờ.
- Từ 1,6 đến 2,9 mmol/L: có nguy cơ cao nhiễm ceton acid
- Từ 3 mmol/L trở lên: nhiễm ceton acid rất cao và cần phải được điều trị ngay lập tức
2. Khi nào cần đến cơ sở y tế?
Với đối tượng đang mắc hoặc nguy cơ mắc đái tháo đường, cần kêu gọi người nhà đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu:
- Lượng đường trong máu cao hơn 300 miligam trên decilit (mg/dL) hoặc 16,7 milimol mỗi lít (mmol/L) khi theo dõi bằng máu đo đường huyết tại nhà.
- Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm ceton acid như: khát nước nhiều, đi tiểu nhiều lần, buồn nôn và nôn, đau thượng vị, khó thở, hơi thở có mùi trái cây, rối loạn tri giác như hôn mê, lú lẫn.
Cần lưu ý rằng nhiễm ceton acid do đái tháo đường nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
3. Nguyên nhân gây ra nhiễm ceton acid do đái tháo đường?
Đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các tế bào tạo nên cơ bắp và các mô khác. Thông thường, insulin giúp đường đi vào tế bào trong cơ thể.
Nếu không có đủ insulin, cơ thể không thể sử dụng đường để tạo năng lượng. Tình trạng này thúc đẩy quá trình phân hủy chất béo làm nhiên liệu, tạo ra acid được gọi là ceton. Ceton dư thừa tích tụ trong máu, lọc qua thận và cuối cùng nhiễm ceton trong nước tiểu.
3.1. Nguyên nhân
Nhiễm ceton acid do đái tháo đường thường gây ra bởi:
- Một vấn đề sức khỏe khác: Nhiễm trùng hoặc đợt cấp tính của bệnh nền đang mắc bệnh khác có thể làm cho cơ thể bạn sản xuất nhiều một số hormone như adrenaline hoặc cortisol. Những hormone này kháng lại tác dụng của insulin. Hậu quả có thể gây ra nhiễm ceton acid trong máu tăng cao. Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu là những nguyên do phổ biến.
- Không tuân thủ điều trị hoặc liệu pháp insulin không còn đủ liều: Việc ngừng đột ngột điều trị insulin hoặc liệu pháp insulin không đủ làm cho không đủ insulin trong cơ thể, gây ra tăng ceton acid cao trong máu.
Các tác nhân khác có thể gây ra nhiễm ceton acid do đái tháo đường bao gồm:
- Chấn thương
- Đau tim
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy, đặc biệt là cocaine
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid và một số thuốc lợi tiểu
3.2. Đối tượng nguy cơ
Nguy cơ nhiễm ceton acid do đái tháo đường sẽ cao hơn nếu đối tượng:
- Mắc đái tháo đường type 1
- Thường xuyên bỏ liều insulin thường ngày
Nhiễm ceton acid do đái tháo đường ít gặp ở đái tháo đường type 2. Trong một số trường hợp, nó có thể là triệu chứng đầu tiên ở những đối tượng có bệnh đái tháo đường lâu năm chưa từng phát hiện.
>> Có thể bạn muốn tham khảo thêm: Đái tháo đường tuýp 1 : Bạn đã biết gì về nó chưa ?
4. Ceton acid cao trong máu được điều trị như thế nào?
Nhiễm ceton acid do đái tháo đường là một tình trạng cần cấp cứu tại bệnh viện.
Điều trị cho nhiễm ceton acid do đái tháo đường bao gồm:
- Tiêm insulin vào tĩnh mạch
- Truyền dịch để bù nước và điện giải cho cơ thể
Ngoài ra, các bác sỹ sẽ theo dõi các vấn đề có thể đe dọa tính mạng như các vấn đề về não, thận hoặc phổi trong quá trình điều trị.
Đối tượng được xuất viện khi các thông số xét nghiệm trở về bình thường. Thông thường việc điều trị và theo dõi tại viện trong 2-3 ngày.
5. Khi điều trị nhiễm ceton acid do đái tháo đường, biến chứng nào có thể xảy ra?
Các biến chứng trong lúc điều trị bao gồm:
- Hạ đường huyết: Insulin cho phép đường đi vào tế bào, làm cho lượng đường trong máu giảm. Nếu lượng đường trong máu giảm xuống quá nhanh, bạn có thể bị hạ đường huyết.
- Hạ kali máu: Dịch truyền và insulin được sử dụng khi mức kali trong cơ thể giảm xuống quá thấp. Mức kali thấp có thể làm giảm hoạt động của tim, cơ và dây thần kinh.
- Phù não: Điều chỉnh lượng đường trong máu quá nhanh có thể gây phù não. Biến chứng này có vẻ phổ biến hơn ở trẻ em, đặc biệt là những người mới mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên các biến chứng này thường ít khi xảy ra vì các bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện khi đang điều trị.
Nếu không được điều trị, rủi ro sẽ còn lớn hơn. Nhiễm ceton acid do đái tháo đường có thể dẫn đến mất ý thức và cuối cùng nó có thể gây tử vong.
6. Phòng ngừa nhiễm ceton acid do đái tháo đường như thế nào?
Hãy lưu ý những điều sau đây để ngăn ngừa nhiễm ceton acid cao trong máu và các biến chứng tiểu đường khác.
6.1. Tuân thủ điều trị
Người mắc đái tháo đường cần uống thuốc hoặc tiêm insulin theo hướng dẫn của bác sỹ. Quan trọng cần nên tái khám theo lịch để xem xét điều chỉnh liều thuốc nếu cần.
Ngoài ra, ăn những thức ăn lành mạnh, tránh tiêu thụ quá nhiều đường và hoạt động thể chất thường xuyên cũng không kém phần quan trọng. Hãy đưa những nguyên tắc này như một thói quan hằng ngày của bạn hoặc người thân có mắc đái tháo đường.
6.2. Luôn theo dõi lượng đường trong máu
Cần phải kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu ít nhất ba đến bốn lần một ngày hoặc tối thiểu một lần/ ngày. Việc theo dõi thường xuyên là cách duy nhất để đảm bảo lượng đường trong máu vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
6.3. Điều chỉnh liều lượng insulin nếu cần
Hãy nhận sự tư vấn của bác sỹ về liều lượng insulin cần dùng, dinh dưỡng, hoạt động như thế nào để hạn chế đường trong máu tăng quá cao hoặc hạ quá thấp. Nếu lượng đường trong máu bắt đầu tăng hơn so với giới hạn cho phép, bạn cần gặp bác sỹ dể điều chỉnh liều lượng thuốc thích hợp.
6.4. Hãy luôn cảnh giác
Nếu lượng đường trong máu cao và bạn có những triệu chứng nghi nhiễm ceton, hãy nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và điều trị.
Nhiễm ceton acid là một trong những biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên đừng để nỗi sợ hãi này làm cho bạn lo lắng quá mức. Việc tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên, theo dõi đường huyết hằng ngày và cảnh giác những biểu hiện bất thường sẽ giúp bạn hạn chế các biến chứng và có chất lượng cuộc sống gần như bình thường.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.