Nhìn lại lịch sử phát triển ngành Điều dưỡng nhân Ngày Điều dưỡng Thế giới
Nội dung bài viết
12/5 hằng năm là Ngày Điều dưỡng Thế giới (International Nurses Day). Đây là ngày để tôn vinh những đóng góp cao cả của ngành Điều dưỡng đối với Y học nói chung và toàn nhân loại nói riêng. Thậm chí ở Mỹ, người ta dành hẳn một tuần (6/5 – 12/5) để kỷ niệm. Có nhiều câu chuyện thú vị đằng sau sự ra đời của Ngày Điều dưỡng Thế giới cũng như quá trình phát triển của công việc cao quý này. Mời độc giả cùng YouMed tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới
1.1. Sự thiếu hiểu biết của con người về Y học trong giai đoạn đầu
Thời xa xưa, con người rất tin vào thần linh. Khi bị bệnh, họ mời pháp sư đến với hy vọng chữa trị, đồng thời sợ hãi cầu xin các đấng tối cao tha mạng cho bệnh nhân. Khi có người chết, họ cho rằng đó là vì thần linh không cho phép người đó tiếp tục sống. Thậm chí, khi sinh con, người phụ nữ cũng phải chịu mọi sự đau đớn vì như vậy mới “hợp ý Chúa trời”.
Làm mẹ được xem là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Dù vậy, vào thời xa xưa, việc sinh một đứa bé cũng đồng nghĩa là người mẹ đang đối mặt với lưỡi hái tử thần. Vào giai đoạn khoa học kỹ thuật chưa phát triển và con người vẫn còn mê tín, sinh nở là một vấn đề tồn tại nhiều rủi ro. Ở châu Âu vào khoảng thế kỷ 15, 16, không ít bà mẹ trẻ đã viết di chúc ngay từ khi biết mình có thai.
Các giáo đường vào thời điểm đó vừa là nơi thờ phụng, vừa là chỗ chăm sóc bệnh nhân. Các pháp sư sẽ điều trị bệnh còn các tín nữ vừa giúp lễ, vừa lo cho người bệnh. Mối liên kết giữa y khoa, điều dưỡng và tôn giáo bắt đầu từ đây.
1.2. Những sự kiện đáng chú ý
Không thể phủ nhận sự phát triển của ngành Điều dưỡng, dù còn rất sơ khai trong giai đoạn đầu.
- Năm 60, bà Phoebe (Hy Lạp) đã đến từng nhà có người bệnh để chăm sóc họ. Bà được tôn vinh như nữ điều dưỡng tại gia đầu tiên trên thế giới.
- Thế kỷ thứ 4, bà Fabiola (La Mã) đã tự nguyện biến căn nhà sang trọng của mình thành bệnh viện. Tại đây, bà chăm sóc những người nghèo khổ và đau ốm.
- Đến thế kỷ 16, chế độ nhà tù ở Anh và châu Âu được bãi bỏ. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng người chăm sóc bệnh nhân. Do đó, những người phụ nữ phạm tội được chọn làm điều dưỡng. Cái nhìn lệch lạc của xã hội thời bấy giờ với nghề Điều dưỡng cũng bắt nguồn từ đây.
1.3. Florence Nightingale, người góp công lớn thay đổi ngành Điều dưỡng
Cải cách xã hội diễn ra từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 đã thay đổi vai trò của người điều dưỡng. Trong giai đoạn này, Florence Nightingale (1820 – 1910) với những đóng góp lớn lao của mình đã được suy tôn là người sáng lập ra ngành Điều dưỡng. Do được sinh ra trong gia đình giàu có ở Anh, bà đã đọc nhiều sách về triết học, tôn giáo, chính trị.
Bà mong ước được giúp đỡ người nghèo khổ từ khi còn nhỏ. Mong ước này bắt nguồn từ lòng thương cảm đối với người bệnh và khát khao chống lại xu hướng hạ thấp nữ giới thời đó của Florence.
Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức), sau đó sang Paris học tập. Những năm 1854 – 1855, khi Chiến tranh Crimea nổ ra, Florence Nightingale cùng 38 phụ nữ người Anh khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để chăm sóc các thương binh của quân đội Hoàng gia Anh.
Trước sự bẩn thỉu của nhũng bệnh viện tiền phương, bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế. Tỉ lệ binh lính chết do nhiễm trùng nhờ đó giảm từ 42% xuống còn 2%. Tại đây, bà vẫn miệt mài cầm đèn dầu đi khám cho từng bệnh binh mỗi đêm.
Tiếc thay, cơn sốt Crimea cộng với sự căng thẳng trên chiến trường đã khiến cho bà mất khả năng làm việc. Các binh lính và người dân đã tặng cho Florence 50.000 bảng Anh trước khi bà quay về nước. Tuy nhiên, thay vì dùng tiền để chăm sóc sức khỏe, Florence đã quyết định thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas, London. Trường điều dưỡng này hiện nay là một phần của Đại học King’s College London danh tiếng. Từ đây, việc đào tạo ngành Điều dưỡng đã có hệ thống và bài bản hơn.
Không những vậy, bà còn xuất bản sách với những ghi chép về công việc y tá. Sách này sau đó được đưa vào giảng dạy tại Trường Điều dưỡng Nightingale cũng như nhiều trường khác. Đến năm 1869, Florence và bác sĩ Elizabeth Blackwell mở trường Y khoa cho phụ nữ.
Bà mất ngày 13/8/1910. Ngày nay, bạn dễ dàng bắt gặp nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thề của Florence Nightingale trong lễ tốt nghiệp của sinh viên các trường điều dưỡng trên khắp thế giới. Không chỉ là người đặt nền móng cho ngành Điều dưỡng, Florence Nightingale thật sự đã trở thành người mẹ tinh thần và là biểu tượng bất diệt cho công việc cao quý này.
2. Những điều thú vị về Ngày Điều dưỡng Thế giới
2.1. Ngày Điều dưỡng Thế giới mất hơn 40 năm để được công nhận tại Mỹ
Tại Mỹ, Ngày Điều dưỡng Thế giới bắt đầu vào 6/5 và kết thúc vào 12/5, cũng là sinh nhật của Florence Nightingale. Tuy nhiên, phải trải qua rất nhiều khó khăn, ngày này mới chính thức được công nhận tại xứ cờ hoa.
Năm 1953, Dorothy Sutherland từ Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi trình một bản đề nghị cho Tổng thống Eisenhower về việc tổ chức Ngày Điều dưỡng vào năm tiếp theo. Tuy nhiên, bản đề nghị này không được chấp nhận. Mãi cho đến năm 1974, Tổng thống Nixon mới thông qua đề nghị thành lập Tuần lễ Điều dưỡng ở Mỹ. Quốc hội đã thông qua một nghị quyết chính thức vào năm 1982. Từ đó, ngày 6/5 trở thành Ngày Điều dưỡng chính thức tại nước này.
2.2. Nghi lễ rước đèn tại Anh
Vào ngày 12/5 hằng năm, lễ rước đèn (Procession of the Lamp) sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster, London. Trong buổi lễ, một chiếc đèn lấy từ nhà nguyện sẽ được một hàng các y tá chuyền tay nhau. Người cuối cùng xếp hàng đặt đèn trên bàn thờ trong tu viện. Đây là sự tái hiện hình ảnh đáng nhớ nhất về Florence Nightingale. Hành động chuyền đèn tượng trưng cho việc truyền thông tin và kiến thức từ y tá này sang y tá khác.
2.3. Nghi lễ tưởng nhớ Florence Nightingale
Vào Ngày Điều dưỡng Thế giới, người ta đồng thời cũng tổ chức lễ tưởng niệm Florence Nightingale tại Nhà thờ St. Margaret (Hampshire, Anh). Đây cũng là nơi chôn cất của gia đình Nightingale. Trong sân nhà thờ có một tượng đài bốn mặt với các dòng chữ ở mỗi bên cho 4 thành viên gia đình bà. Nơi yên nghỉ của Florence Nightingale được khắc lên dòng chữ đơn giản “ F.N. Born 1820. Died 1910.”
Có thể nói, người điều dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong ngành Y tế. Trong giai đoạn toàn thế giới đang phải gồng mình để chống dịch Covid-19, đội ngũ điều dưỡng, y tá cũng đang làm hết sức mình để chăm sóc cho các bệnh nhân. Nhân Ngày Điều dưỡng Thế giới, chúng ta hãy cùng nhau gửi lời cảm ơn sâu sắc đến họ vì những đóng góp đáng trân trọng.