Nội soi trực tràng là gì? Đối tượng cần nội soi, cách thực hiện và các lưu ý
Nội dung bài viết
Nhắc đến nội soi ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ. Vì thủ thuật này gây khó chịu cho người bệnh. Nhưng đây lại là phương pháp hữu hiệu, được sử dụng phổ biến hiện nay. Nhờ có nội soi mà bác sĩ có thể kiểm tra được bề mặt bên trong của cơ quan. Từ đó mới có những chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu về một trong những nội soi thường gặp nhất hiện nay là nội soi trực tràng. Và những điều cần lưu ý khi được chỉ định thủ thuật này.
Tổng quan về trực tràng
Trực tràng (Rectum Intestinum) là phần cuối của đại tràng. Đoạn ruột này dài tầm 11 – 15 cm. Phần đầu của trực tràng có uốn lượn như hình xích ma, còn phần cuối phình ra tạo thành bóng trực tràng.
Cấu tạo trực tràng gồm năm lớp theo thứ tự từ ngoài vô trong gồm: lớp niêm mạc – lớp dưới niêm mạc – lớp cơ – lớp dưới thanh mạc – lớp thanh mạc. Trực tràng là phần tiếp giác của ruột già với ống hậu môn. Tùy theo cấu tạo của cơ quan sinh dục (giới tính) mà trực tràng giữa nam và nữ sẽ có sự khác biệt vị trí một chút. Đôi với nam thì trực tràng sẽ nằm sau bàng quang, túi tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt. Đối với nữ, trực tràng thường nằm phía trước cùng với thân tử cung, cổ tử cung và vòm âm đạo.
Chức năng chính của trực tràng là tham gia vào quá trình đào thải sau khi thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Lúc này thức ăn xuống đến trực tràng, kích thích các dây thần kinh truyền đến vỏ đại não, tạo cảm giác muốn đi vệ sinh. Nếu trực tràng bị viêm sẽ ảnh hưởng đến việc thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể, gây hại cho sức khỏe của bạn.
Xem thêm: Bệnh sa trực tràng: Tất tần tật những điều cần biết
Nội soi trực tràng là gì?
Nội soi trực tràng là một kỹ thuật y học. Nó giúp bác sĩ dễ dàng quan sát bên trong trực tràng thông qua ống nội soi có camera.
Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở trực tràng. Ví dụ như viêm loét, polyp, khối u lành tính hay ác tính, tổn thương xuất huyết niêm mạc. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết lấy bệnh phẩm. Thực hiện trong trường hợp nghi ngờ ung thư, hoặc tiến hành điều trị loại polyp khi cần thiết.
Đối tượng nào cần nội soi trực tràng?
Không phải bất kỳ bệnh nhân nào bị viêm trực tràng cũng cần tiến hành nội soi. Thường kỹ thuật này được chỉ định cho các đối tượng có các đặc điểm sau:
- Đau bụng, thay đổi thói quen đi đại tiện, tiêu chảy, táo bón kéo dài, sụt cân không rõ lý do.
- Bệnh nhân dạo gần đây đi tiêu ra máu nhiều hơn 2 lần / ngày. Tình trạng này diễn biến ngày càng nặng.
- Đi đại tiện, phân có lẫn nhiều chất nhầy và đờm nhớt.
- Có tiền sử viêm loét trực tràng, polyp, ung thư trực tràng.
- Mắc bệnh viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn.
- Bệnh nhân trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng, polyp có tính chất gia đình. Đây là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện ung thư trực tràng.
Những lưu ý trước khi tiến hành nội soi
Thường khi đi khám bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện nội soi trực tràng tron g ngày. Tuy nhiên, bạn cũng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống từ 3 – 4 ngày trước khi nội soi. Bạn nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, ít chất xơ như bánh mỳ, cơm, rau củ trái cây không hạt hoặc vỏ, thịt nạc, trứng,… Tránh ăn các loại quả hạch, thức ăn giàu chất béo, các loại trái câu có vỏ hoặc hạt,…
Ngày trước khi đi khám, không nên ăn những loại thực phẩm cứng, rắn. Nên uống nhiều nước, tránh uống nước có màu thực phẩm khiến bác sĩ khó quan sát khi nội soi. Hai giờ trước khi nội soi bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì.
Cách tiến hành thủ thuật nội soi
Trước tiên bệnh nhân được làm sạch đại tràng bằng các biện pháp như dùng thuốc, thụt qua đường hậu môn, thụt nước. Dụng cụ nội soi là một ống mềm đường kính 1,3 cm. Bên trong có nguồn sáng và đầu camera của máy quay video, dẫn truyền hình ảnh ra ngoài.
Trong quá trình nội soi bác sĩ có thể tiến can thiệp cần thiết như cắt polyp, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Nội soi thường tiến hành trong khoảng 30 đến 45 phút. Tuy nhiên tùy vào từng trường hợp của bệnh nhân mà có thể tiến hành lâu hơn.
Sau khi nội soi, bệnh nhân nên được theo dõi từ 1 đến 2 giờ trước khi về nhà. Nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc mê để nội soi không đau. Bệnh nhân không được lái xe hay điều khiển máy móc trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi làm thủ thuật. Phần lớn người bệnh có thể ăn uống lại bình thường sau khi nội soi, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Bạn có thể cảm thấy đầy hơi quặn bụng khó chịu, đây là những triệu chứng bình thường, không cần phải quá lo lắng.
Sau khi nội soi, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Có thể bạn sẽ phải dùng thuốc song song với chế độ ăn uống.
Xem thêm bài viết: Thuốc Oxaliplatin (Oxalip, Oxaplat) trong điều trị ung thư đại tràng.
Nội soi trực tràng có hai loại là không gây đau (có sử dụng thuốc mê) và loại có gây đau. Tùy theo tình hình bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định loại nội soi phù hợp. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết trên. Bạn sẽ không cảm thấy sợ hãi khi phải thực hiện nội soi. Đây là biện pháp cần thiết để bác sĩ có thể có chẩn đoán phù hợp cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Colonoscopyhttps://www.webmd.com/colorectal-cancer/colonoscopy-diagram
Ngày tham khảo: 11/08/2019
-
Colonoscopy: What to Knowhttps://www.webmd.com/colorectal-cancer/colonoscopy-what-you-need-know
Ngày tham khảo: 11/08/2019