YouMed

Những loại kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em thường dùng

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Viêm đường tiết niệu là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng. Kháng sinh là liệu pháp chính trong điều trị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được chỉ định bởi bác sĩ. Hãy cùng tìm hiểu về những loại kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em thường dùng qua bài viết của Dược sĩ Trần Vân Thy nhé!

Kháng sinh viêm đường tiết niệu là gì?

1. Viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng niệu trên và nhiễm trùng niệu dưới. Trong đó nhiễm trùng bàng quang và viêm bể thận ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không gặp triệu chứng gì, hoặc chỉ gặp những triệu chứng chung chung như: sốt, nôn mửa, kém ăn, tiêu chảy, cáu gắt, mệt mỏi, có thể sụt cân, vàng da. Ngoài ra, trẻ có thể đi tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, buồn tiểu dù lượng nước tiểu rất ít; nước tiểu đục, mùi hôi khó chịu, có thể có máu.

Trẻ có thể đau vùng bụng dưới cũng như thấy đau, nóng rát khi tiểu. Nếu nhiễm trùng ở thận, triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn như: sốt cao, mệt mỏi nghiêm trọng; ớn lạnh, run rẩy; da nóng đỏ bừng; nôn; đau nhiều ở bụng, bên hông hoặc lưng.

Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn E.coli hoặc một số dạng kí sinh trùng, vi khuẩn, virus trong cơ thể phát triển khi lợi khuẩn tại đó mất đi. Bệnh thường xảy ra ở bé gái do niệu đạo ngắn, lỗ tiểu gần hậu môn, vi khuẩn dễ xâm nhập từ hậu môn vào niệu đạo. Các bé trai dưới 1 tuổi chưa cắt bao quy đầu cũng có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao.

kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em 1
Bệnh thường xảy ra ở bé gái do niệu đạo ngắn, lỗ tiểu gần hậu môn, vi khuẩn dễ xâm nhập từ hậu môn vào niệu đạo

2. Kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em

Chẩn đoán và điều trị kịp thời viêm đường tiết niệu có thể ngăn ngừa biến chứng lâu dài. Kháng sinh là liệu pháp chính trong điều trị viêm đường tiết niệu do vi khuẩn. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được chỉ định bởi bác sĩ. Có nhiều loại kháng sinh, có thể dùng qua đường tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc uống. Mỗi loại đều có tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc.

Khi đáp ứng thuốc, các triệu chứng viêm đường tiết niệu dưới có thể hết trong vài ngày. Liệu trình điều trị có thể từ 5 – 7 ngày đối với nhiễm trùng không kèm sốt; hoặc 10 – 15 ngày để phòng ngừa nguy cơ viêm thận – bể thận do nhiễm trùng ngược dòng. Nếu có sốt lạnh run, triệu chứng nhiễm trùng huyết, viêm đường niệu trên thì cần nhập viện để dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Trường hợp bệnh tái phát trên 3 lần trong năm thì có thể cần điều trị từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu thuốc không khống chế được ổ viêm, có biến chứng hoặc các dị tật hệ niệu thì có thể cần can thiệp phẫu thuật.

Trước khi lựa chọn kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em đối với mầm bệnh là vi khuẩn cần làm kháng sinh đồ. Trong khi đợi kết quả, bác sĩ nên chọn kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên mô hình nhạy cảm tại địa phương. Sau khi có kết quả, nên điều chỉnh thành kháng sinh phổ hẹp, nhưng không cần chuyển nếu chủng phân lập nhạy cảm với kháng sinh đang sử dụng.

kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em 2
Chẩn đoán và điều trị kịp thời viêm đường tiết niệu có thể ngăn ngừa biến chứng lâu dài

Những loại kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em thường dùng

1. Kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em đường uống

Hiện nay, cefixim là một lựa chọn phổ biến cho nhiều trường hợp nhiễm trùng niệu dưới. Mặc dù amoxicillin trước đây được xem là kháng sinh hàng đầu trong viêm đường tiết niệu, tỷ lệ E.coli kháng thuốc gia tăng khiến nó ít được lựa chọn hơn.

Các lựa chọn khác bao gồm amoxicillin/clavulanat hoặc cephalosporin, như cefixim, cefpodoxim, cefprozil, cephalexin. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả của trimethoprim/sulfamethoxazol (co-trimoxazol). Ngoài ra còn có doxycyclin (không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi), nitrofurantoin, sulfonamid. Cần tránh kháng sinh fluoroquinolon vì ảnh hưởng xấu tới sụn xương và độc thận ở trẻ.

Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh sẽ có loại thuốc phù hợp. Liều tham khảo của các loại kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên:

  • Amoxicillin: 50 mg/kg/ngày (chia làm 3 lần).
  • Amoxicillin/clavulanat (Augmentin): 25 – 45 mg/kg/ngày, chia 2 lần/ngày.
  • Co-trimoxazol (Bactrim, Septra): 8 – 10 mg/kg/ngày của trimethoprim, chia 2 lần/ngày.
  • Cefixime (Suprax): 8 mg/kg/ngày, một liều duy nhất hoặc chia 2 lần/ngày.
  • Cefprozil (Cefzil): 30 mg/kg/ngày, chia 2 lần/ngày.
  • Cephalexin (Keflex): 25 – 50 mg/kg/ngày, chia 4 lần/ngày hoặc 2 lần/ngày.
  • Cefpodoxim: 10 mg/kg/ngày, chia 2 lần/ngày.
  • Ciprofloxacin: 30 mg/g/ngày, chia 2 lần/ngày (không dùng cho trẻ trước tuổi dậy thì).
kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em 3
Kháng sinh đường uống là liệu pháp chính trong điều trị viêm đường tiết niệu dưới do vi khuẩn

2. Kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em đường tiêm

Đối với những trường hợp cần nhập viện, kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em đường tiêm thường dùng là ampicillin, ceftriaxon, cefotaxim, gentamicin, tobramycin. Khi nhiễm khuẩn nặng, cần kết hợp tiêm 2 kháng sinh từ 3-5 ngày đầu để đạt hiệu quả điều trị. Lựa chọn tiêm tĩnh mạch phổ biến là gentamicin có hoặc không ampicillin.

Bác sĩ đôi khi ưu tiên cefotaxim hoặc ceftriaxon vì ít độc thận hơn gentamicin, nhưng chúng có phổ rộng hơn. Cần theo dõi nồng độ aminoglycosid và chức năng thận khi tiếp tục aminoglycosid trên 48 giờ. Chuyển sang dùng kháng sinh uống khi có cải thiện lâm sàng hoặc ngay sau khi dung nạp kháng sinh đường uống. Những trường hợp có thể phải nhập viện là:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Sốt cao không cải thiện hoặc các triệu chứng nghiêm trọng.
  • Có khả năng nhiễm trùng thận, đặc biệt khi bệnh nặng hoặc nhỏ tuổi.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Mất nước, nôn mửa hoặc không thể dùng thuốc uống vì bất kỳ lý do.

Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em

1. Lưu ý khi dùng thuốc

Nếu đang điều trị kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em tại nhà, bạn cần lưu ý:

  • Cho trẻ dùng thuốc được kê đơn theo đúng hướng dẫn, ngay cả khi trẻ đã khỏe mạnh.
  • Theo dõi trẻ do thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ.
  • Đo nhiệt độ nếu trẻ có vẻ sốt.
  • Theo dõi tần suất đi tiểu của trẻ.
  • Hỏi bé nếu có đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
  • Đảm bảo rằng trẻ uống nhiều nước và không nhịn tiểu.
  • Đưa trẻ đến bác sĩ nếu có triệu chứng mới; các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài hơn 3 ngày; sốt cao hơn 38,3˚C; hoặc sốt mới hoặc hơn 3 ngày trên 38˚C đối với trẻ sơ sinh.

Điều trị dự phòng bằng kháng sinh thường quy sau khi nhiễm trùng tiểu đơn thuần không cần thiết. Kháng sinh dự phòng không làm giảm nguy cơ tái lại viêm đường tiết niệu, ngay cả ở trẻ trào ngược dịch niệu quản từ nhẹ đến trung bình.

2. Phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

  • Khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp cải thiện miễn dịch, giảm nguy cơ táo bón.
  • Giữ vệ sinh cá nhân. Tập cho bé gái thói quen rửa lại bằng nước sạch sau khi đi vệ sinh và lau hậu môn từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước để nước tiểu nhạt và trong suốt. Bé nên đi vệ sinh thường xuyên, không nên để táo bón hay nhịn tiểu.
  • Tránh đồ lót quá chật, bằng nylon và các loại vải tổng hợp. Nên mặc đồ lót cotton rộng rãi,
  • Tránh sử dụng xà phòng nhiều hương liệu, chất khử mùi hoặc bồn tắm sủi bọt. Nên tắm bằng vòi hoa sen.
  • Bổ sung các loại nước ép trái cây, thực phẩm nhiều vitamin C, hạn chế thức uống kích thích như bia, rượu, cà phê…
  • Đối với trẻ nhỏ, cần rửa sạch vùng hậu môn – sinh dục và thay tã mới ngay sau khi đi trẻ đại tiện.

Mặc dù viêm đường tiết niệu ở trẻ thường không quá nghiêm trọng, bệnh vẫn cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để đạt hiệu quả, bạn cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là khi dùng thuốc kháng sinh viêm đường tiết niệu cho trẻ em. Cần khám ngay khi có triệu chứng để được điều trị nhanh chóng, giảm nguy cơ biến chứng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Urinary tract infectionhttps://www.rch.org.au/clinicalguide/guideline_index/Urinary_tract_infection/

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  2. Urinary tract infection (UTI) in childrenhttps://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/kidneys-bladder-and-prostate/urinary-tract-infection-uti-in-children

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  3. Urinary tract infection in infants and children: Diagnosis and managementhttps://www.cps.ca/en/documents/position/urinary-tract-infections-in-children

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  4. Diagnosis and Treatment of Urinary Tract Infections in Childrenhttps://www.aafp.org/afp/2011/0215/p409.html

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  5. Dùng thuốc điều trị viêm đường tiết niệu: Tuân thủ hướng dẫn để tránh biến chứnghttps://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-dieu-tri-viem-duong-tiet-nieu-tuan-thu-huong-dan-de-tranh-bien-chung-n155795.html

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  6. Trẻ bị viêm đường tiết niệu, dùng thuốc gì?https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-viem-duong-tiet-nieu-dung-thuoc-gi-n147199.html

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

  7. Urinary Tract Infection in Childrenhttps://www.healthline.com/health/urinary-tract-infection-children

    Ngày tham khảo: 14/03/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người