YouMed

Nóng rát miệng: Nguyên nhân và triệu chứng

Bác sĩ TRƯƠNG THỊ KIM THỊNH
Tác giả: Bác sĩ Trương Thị Kim Thịnh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Tình trạng nóng rát miệng là cảm giác nóng, rát ở niêm mạc miệng như ở lưỡi, môi, khẩu cái. Đây là một rối loạn hiếm gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, nhưng tỉ lệ mắc phải tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh 3-12 năm. Triệu chứng thường gặp là khô miệng và hơn 2/3 bệnh nhân ghi nhận có sự thay đổi vị giác mà mô tả đặc trưng là miệng có vị kim loại. Vì đây là một tình trạng gây ra bởi nhiều yếu tố nguyên nhân nên bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn một số điều cần biết khi gặp tình trạng này.

Hội chứng bỏng rát miệng (burning mouth syndrome-BMS) hay các rối loạn nóng rát miệng (burning mouth disoders-BMD) là các thuật ngữ chỉ chung tình trạng nóng rát miệng.

1. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị nóng rát miệng

Bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu ở niêm mạc miệng, tuy nhiên, khi kiểm tra những vùng này lại không thấy phát hiện bất thường hay tổn thương thực thể.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác nóng, bỏng thường gặp nhất ở lưỡi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng những vùng khác như môi, nướu, khẩu cái, họng, hoặc cả miệng. Triệu chứng có thể trầm trọng hơn khi ăn hay uống thức ăn cay nóng.
  • Cảm giác khô miệng, tăng cảm giác khát.
  • Thay đổi vị giác trong miệng, miệng có vị đắng hay vị kim loại.
  • Mất vị giác.
  • Cảm giác ngứa rần rần như kiến bò hay tê ở trong miệng.

Những cảm giác khó chịu này thường có nhiều kiểu thay đổi như:

  • Xuất hiện hằng ngày, ít khó chịu khi thức dậy, nhưng khó chịu tăng dần hơn trong ngày.
  • Triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi ngủ dậy và kéo dài trong ngày, thường không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Xuất hiện rồi biến mất.

Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng tới hàng năm. Trong những trường hợp hiếm, triệu chứng có thể đột ngột biến mất hoặc trở nên ít thường xuyên hơn. Ở một số bệnh nhân, cảm giác khó chịu có thể giảm đi tạm thời khi ăn hay uống.

Triệu chứng thường gặp của tình trạng nóng rát vùng miệng
Triệu chứng thường gặp của tình trạng nóng rát vùng miệng

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng nóng rát miệng

Hội chứng nóng rát miệng thường xuất hiện đột ngột, nhưng nó cũng có thể phát triển từ từ theo thời gian. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác thường khó xác định. Mặc dù việc điều trị có thể gặp khó khăn nhưng việc khám và khai thác bệnh sử kỹ càng có thể đưa ra những điều trị giúp giảm triệu chứng.

Rối loạn nóng rát vùng miệng được chia thành nguyên phát và thứ phát.

a. Nóng rát miệng nguyên phát

Khi không phát hiện được bất thường nào trên lâm sàng hay cận lâm sàng thì bệnh nhân được chẩn đoán là nóng rát miệng nguyên phát. Nhiều nghiên cứu đặt ra giả thiết rằng tình trạng này liên quan tới những vấn đề về thần kinh vị giác và cảm giác ở ngoại biên hay trung ương của hệ thần kinh.

b. Nóng rát miệng thứ phát

Khi các bệnh lý và tình trạng tai chỗ hay toàn thân làm cho bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nóng rát vùng miệng thì gọi là rối loạn nóng rát miệng thứ phát.

Các vấn đề tiềm ẩn có thể liên quan đến tình trạng nóng rát miệng thứ phát bao gồm:

Yếu tố tại chỗ

  • Khô miệng, có thể do sử dụng nhiều loại thuốc, vấn đề sức khỏe, vấn đề về chức năng tuyến nước bọt hoặc tác dụng phụ của điều trị ung thư.
  • Thở miệng mạn tính 
  • Thói quen đẩy lưỡi (đẩy lưỡi là thói quen đặt lưỡi sai vị trí trong quá trình nuốt. Vị trí đúng của lưỡi khi nuốt là đặt ở vùng nướu răng mặt trong các trước hàm trên. Ví dụ như nằm giữa các răng trước hàm trên và hàm dưới).
  • Chấn thương cơ học.
  • Đau dây thần kinh sinh ba.
  • Đau miệng mặt không điển hình (đây là một bệnh lý thường gặp. Có thể do nhiều nguyên nhân, liên quan đến nhiều cấu trúc răng-miệng-hệ thống nhai).
  • Các tình trạng răng miệng khác, như nhiễm nấm miệng (tưa miệng), lichen phẳng ở miệng (một tình trạng viêm) hoặc lưỡi bản đồ.
  • Viêm miệng tiếp xúc bởi thực phẩm, hương liệu và phụ gia thực phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm. Tình trạng này cũng có thể do kem đánh răng có chất mài mòn, lạm dụng nước súc miệng hay các thức uống có tính axit. Các chất sử dụng trong thực hành nha khoa.

Hầu hết mọi người đều không nghĩ đến việc hằng ngày chúng ta thở như thế nào. Thông thường, chúng ta đều nghĩ ai cũng thở bằng mũi. Tuy nhiên, một số người lại không hoàn toàn thở bằng mũi. Họ thực hiện một động tác kèm theo đó là thở miệng.

Mang hàm giả không vừa vặn có thể gây các tổn thương và gây kích ứng niêm mạc miệng. Đây không phải là nguyên nhân gây ra  tình trạng nóng rát vùng miệng, nhưng nó  có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng có sẵn ở những bệnh nhân này.

Yếu tố toàn thân

  • Thiếu hụt dinh dưỡng, như thiếu sắt, kẽm, axit folic, thiamin (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), pyridoxine (vitamin B6) và cobalamin (vitamin B12).
  • Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc trị tăng huyết áp gây khô miệng.
  • Rối loạn nội tiết như bệnh tiểu đường hoặc suy giáp, thiếu hụt estrogen.
  • Yếu tố tâm lý như lo lắng, trầm cảm hoặc căng thẳng.
  • Bệnh Parkinson.
  • Suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) (Bỏng rát miệng là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân có HIV/AIDS).

3. Các yếu tố nguy cơ

Nóng rát miệng không phải là tình trạng phổ biến trong dân số, đặc biệt là ở người trẻ. Tuy nhiên, bạn có thể có nguy cơ mắc cao hơn khi có những yếu tố nguy cơ sau:

  • Bạn là nữ.
  • Tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
  • Độ tuổi trên 50 tuổi.

Tình trạng này thường khởi đầu đột ngột mà không có yếu khởi phát. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng bỏng rát vùng miệng:

  • Mắc bệnh gần đây.
  • Một số rối loạn y tế mãn tính như đau cơ xơ hóa, bệnh Parkinson, rối loạn tự miễn và bệnh lý thần kinh.
  • Có các điều trị nha khoa trước đó.
  • Dị ứng với thực phẩm, hóa chất (nước súc miệng, kem đánh răng, vật liệu nha khoa…).
  • Thuốc.
  • Các chấn thương.
  • Stress.
  • Lo âu, phiền muộn.

4. Biến chứng

Các biến chứng mà hội chứng bỏng rát vùng miệng có thể gây chủ yếu là gây khó chịu cho bệnh nhân, gây khó khăn khi ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng sự phiền muộn, lo âu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Cho tới nay, nóng rát vùng miệng chưa được xem là dấu hiệu hay triệu chứng báo hiệu ung thư ở vùng miệng. Niêm mạc miệng có chu kỳ tái tạo nhanh nên rất nhạy cảm với những thay đổi của cơ thể. Khi có những bất thường hay nghi ngờ bệnh lý, bạn hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa răng-hàm-mặt để được khám và tư vấn đầy đủ nhé!

5. Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Khi có các triệu chứng khó chịu như nóng bỏng hay đau ở lưỡi, môi, nướu hay những vị trí khác ở miệng, bạn nên đến khác bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để khám, tư vấn, tìm ra nguyên nhân và có một kế hoạch điều trị hiệu quả. Xử trí đối với tình trạng nóng rát vùng miệng tùy thuộc và nguyên nhân nguyên phát hay thứ phát.

Với nguyên nhân thứ phát, cần tìm ra và giải quyết nguyên nhân gốc rễ để điều trị hiệu quả. Với nóng rát miệng nguyên phát, các điều trị có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng và giảm sự khó chịu cho bệnh nhân.

6. Phòng ngừa

Cần phải nhấn mạnh rằng không có cách nào để ngăn ngừa hội chứng bỏng rát vùng miệng.

Nhưng bằng cách hạn chế sử dụng thuốc lá, thực phẩm có tính axit, thực phẩm cay và đồ uống có ga và căng thẳng quá mức, bạn có thể giảm bớt sự khó chịu do tình trạng nóng rát miệng hoặc ngăn sự trầm trọng thêm của các triệu chứng.

Tóm lại, nóng rát vùng miệng là một rối loạn nguyên nhân có thể nguyên phát hay thứ phát. Điều quan trọng cần nhớ rằng khi gặp tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị đúng đắn nhé!

Khi nói đến việc cải thiện sức khỏe răng miệng, hầu hết mọi người đều nghĩ đến đánh răng và dùng chỉ nha khoa là tất cả những gì cần phải làm. Tuy nhiên, nếu không làm sạch lưỡi, bạn sẽ bỏ qua một phần cực kỳ quan trọng để vệ sinh răng miệng tốt.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Neville BW, Damm DD, Allen CM, Bouquot JE (2015), Oral and Maxillofacial pathology, 4th Edition, Chapter 18, pp.807-809.

  2. Burning Mouth Syndromehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/burning-mouth-syndrome/symptoms-causes/syc-20350911

    Ngày tham khảo: 14/02/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người