Nước mía và một số điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Nước mía – thức uống quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Loại nước phổ biến này không chỉ giúp bạn giải khát, khiến bạn sảng khoái mà còn chứa đựng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu những công dụng nổi bật mà nước mía mang lại cho sức khỏe qua bài viết của dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy.
1. Nguồn gốc của nước mía
Nước mía là một loại thức uống giải khát được làm bằng phương pháp xay ép cây mía để lấy nước. Loại đồ uống này được phổ biến ở châu Á, Đông Nam Á và Châu Mỹ Latinh. Đây là thức uống được ưa chuộng vì tác dụng giải nhiệt với giá thành rẻ.
2. Công dụng của nước mía
Ngoài tác dụng giải khát, nước mía còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe.
Hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú
Thành phần chủ yếu trong thức uống này là đường saccaro, can-xi, crôm, kẽm… Bên cạnh đó, nó còn cung cấp sắt và vitamin A, C, B1, B2, B3, B5, B6 cùng với khá nhiều các phytonutrient, chất chống ô-xy hóa, protein và chất xơ hòa tan khác cần thiết cho cơ thể.
Các chất dinh dưỡng này rất tốt cho thận, bao tử, mắt, tim, đường ruột… Nó cũng giúp giảm cholesterol xấu, phòng chống ung thư, cân bằng lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường, giảm sốt, giảm cân, thanh lọc thận cùng nhiều bệnh lý khác.
Chống lão hóa
Trong nước mía có chứa các chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất phenolic sẽ giúp cơ thể giữ một làn da sáng, mềm mại và không bị khô. Những chất này cũng giúp trì hoãn các dấu hiệu lão hóa và sự xuất hiện sớm của các nếp nhăn.
Điều chỉnh lượng đường trong máu
Hàm lượng đường cao trong nước mía có thể khiến bệnh nhân tiểu đường thận trọng khi tiêu thụ loại nước ép vị ngọt này. Tuy nhiên, nếu bạn dùng ở mức độ vừa phải, nó có thể mang lại lợi ích như: tạo chỉ số đường huyết thấp, ngăn ngừa sự tăng đột biến của mức đường huyết.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và lời giải đáp từ bác sĩ
Ngăn ngừa sỏi thận, chống táo bón
Thức uống này có khả năng cấp nước cao, là một phương thuốc ngăn chặn và loại bỏ sỏi thận. Thông thường, sỏi thận được hình thành do cơ thể không được cung cấp đủ nước và chế độ ăn không hợp lý. Đường có trong nước mía tạo ra áp lực thẩm thấu giúp thận lọc nước tiểu hiệu quả hơn.
Nếu bạn có bệnh dạ dày hay táo bón, lượng kali trong thức uống này sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đảm bảo chúng sẽ rất hiệu nghiệm.
Giải độc gan
Nước mía mà một nguồn rất giàu chất flavonoid và hợp chất phenolic. Flavonoid được biết đến như một chất kháng viêm, chống ung thư, chống oxy hóa, kháng virus và chống dị ứng cơ thể. Chính vì thế, đối với người bị vàng da do viêm gan, thức uống này sẽ bảo vệ gan khỏi bị viêm và góp phần điều chỉnh sắc tố da.
3. Cách dùng nước mía
Có nhiều kinh nghiệm nhân gian dùng nước mía để chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ, cụ thể là:
- Pha chung với nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa, nôn khan rất hiệu nghiệm.
- Khi viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hoà lẫn nước sắc hoàng liên để giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng.
- Với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết… nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm…
- Đối với viêm dạ dày mạn tính: nước mía, rượu nho mỗi thứ một ly, trộn đều, uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
- Khi bị táo bón: nước mía, mật ong mỗi thứ một ly, trộn đều. Uống ngày 2 lần vào buổi sáng và tối khi bụng trống.
4. Lưu ý khi sử dụng nước mía
Vì đây là một thức uống chứa lượng đường lớn, nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn. Thêm vào đó, mía có tính lạnh nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nhiều nước mía. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.
Trong chế biến, bạn nên sử dụng mía sạch, được chế biến vệ sinh, nước mía sau khi ép phải uống trong vòng 15 phút, nếu không uống ngay nên đậy kín và cho vào tủ lạnh để giữ được lâu hơn (không quá 1 buổi) vì sau thời gian này quá trình oxy hóa sẽ làm mất đi dưỡng chất.