Phá thai an toàn: Những thông tin mà bạn cần phải biết
Nội dung bài viết
Trong hai thập kỷ qua, nhờ khoa học kĩ thuật công nghệ ngày càng hiện đại cũng như vấn đề về quyền con người và đạo đức được mở rộng, chăm sóc phá thai an toàn, toàn diện đã phát triển rất nhiều. Mặc dù vậy, 22 triệu ca phá thai tiếp tục được thực hiện không an toàn mỗi năm. Hệ quá ước tính dẫn đến cái chết của hơn 47.000 phụ nữ và tổn thương sức khỏe cho 5 triệu phụ nữ. Chính vì vậy, hiểu rõ và thực hành phá thai an toàn là cực kì quan trọng.
1. Thông tin chung
Phá thai được định nghĩa là kết thúc thai kỳ trước khi thai có thể sống được. Tại Việt Nam, lý do của phá thai hợp pháp có thể là:
- Do thai dị tật
- Lý do sức khỏe của mẹ
- Theo yêu cầu của khách hàng
- Do hoang thai
Có hai phương pháp phá thai là nội khoa (dùng thuốc) và ngoại khoa
1.1 Nội khoa
Phá thai bằng thuốc sử dụng thuốc khẩn cấp làm đình chỉ sự tiếp diễn của quá trình phát triển thai nghén tự nhiên. Thuốc phá thai làm ngừng quá trình phát triển của thai. Đồng thời thuốc kích thích dạ con co bóp đẩy phôi thai ra khỏi tử cung. Từ đó cho thấy phương pháp phá thai bằng thuốc áp dụng cho thai nằm trong tử cung. Tức là thuốc sẽ không có hiệu quả đối với trường hợp thai nhi ngoài tử cung.
>> Xem thêm: Phá thai bằng thuốc: Quyết định quan trọng cần hiểu rõ
1.2 Ngoại khoa
Phá thai ngoại khoa là chấm dứt thai kỳ bằng cách sử dụng hút lòng tử cung ở những trường hợp thai nhỏ. Ở những trường hợp thai kỳ lớn hơn (sau 14-16 tuần), sử dụng dụng cụ để lấy mô. Thủ thuật tiêu chuẩn là nong và nạo (D&E). Trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện nong và cắt thai (D&X).
2. Định nghĩa phá thai an toàn và phá thai không an toàn
Phá thai là một hành vi phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù số phá thai trên toàn cầu giảm từ 46 triệu (năm 1995) còn 42 triệu (năm 2003), nhưng phần lớn chỉ giảm ở những nước đã phát triển. Trong khi đó, hơn 50% phá thai không hợp pháp và không an toàn xảy ra ở những nước đang phát triển.
Phá thai an toàn là phá thai ở các quốc gia cho phép phá thai vì lý do xã hội hay kinh tế, được luật pháp bảo vệ.
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “phá thai không an toàn” là quá trình chấm dứt một thai kỳ ngoài ý muốn được thực hiện bởi những người thiếu những kỹ năng cần thiết hay là thực hiện trong môi trường không đáp ứng được các tiêu chuẩn y tế tối thiểu hoặc cả hai.
3. Lợi ích của phá thai an toàn
Phá thai an toàn giúp giảm thiểu tỉ lệ gặp các tai biến so với phá thai không an toàn. Từ đó giúp bảo vệ sức khoẻ cho người phụ nữ và giảm chi phí y tế cho xã hội do giảm chi phí điều trị các biến chứng của phá thai không an toàn. Nguy cơ tử vong do phá thai an toàn giảm đáng kể từ 4:100.000 (năm 1972) xuống 1:100.000 (năm 1987). Nguy cơ chết do hút thai dưới 8 tuần từ 0:100.000 tăng lên 0,2:100.000 nếu tuổi thai 9-10 tuần, đến 7,2:100.000 nếu tuổi thai từ 21 tuần trở lên. Khoảng 87% tử vong do phá thai to có thể tránh được nếu thai phụ chấm dứt thai kỳ trước 8 tuần. Như vậy nguy cơ sẽ tăng nếu tuổi thai càng lớn
4. Nguy cơ hậu quả của phá thai không an toàn
Kết cục của phá thai không an toàn phụ thuộc vào:
- Kỹ năng của người thực hiện
- Cách thức phá thai
- Sức khoẻ của người phụ nữ
- Tuổi thai
Tỉ lệ các biến chứng của phá thai không an toàn tăng cao, bao gồm:
- Chảy máu nhiều
- Chấn thương âm đạo, cổ tử cung, tử cung, các cơ quan trong ổ bụng
- Nhiễm trùng, viêm phúc mạc
- Hiếm muộn về sau
5. Cung cấp dịch vụ phá thai an toàn
Tại các quốc gia mà việc phá thai là hợp pháp, nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cung cấp dịch vụ phá thai an toàn.
Cung cấp dịch vụ phá thai an toàn bao gồm:
- Khám và tư vấn trước phá thai
- Lựa chọn phương pháp phá thai
- Theo dõi và chăm sóc sau phá thai
5.1 Khám và tư vấn trước phá thai
Khám và tư vấn trước phá thai là điều kiện tiên quyết của phá thai an toàn.
Khám trước phá thai cung cấp một cái nhìn tổng thể. Từ đó giúp quyết định kế hoạch thực hiện phá thai an toàn phù hợp cho mỗi sản phụ.
Nội dung của khám trước phá thai gồm:
- Xác định tuổi thai
- Loại trừ các thai kỳ bất thường như thai ngoài tử cung, thai ở sẹo mổ sanh cũ, thai trứng
- Loại trừ các trường hợp chống chỉ định của một hay nhiều phương pháp như nhiễm trùng sinh dục, các khối u tử cung, các tình trạng nội khoa.
Trước phá thai, xác định tuổi thai là yếu tố rất quan trọng để chọn cách chấm dứt thai kỳ. Dựa trên bệnh sử, khám bụng, âm đạo, xét nghiệm và siêu âm nếu cần.
Tư vấn trước phá thai gồm các nội dung sau:
- Thông tin về tiến trình phá thai
- Biến chứng và cách heo dõi biến chứng
- Tránh thai sau phá thai
Cần có tờ thông tin hướng dẫn đầy đủ, dễ hiểu về cách tiến hành phá thai, các biến chứng và theo dõi sau phá thai để khách hàng có thể hiểu và tự theo dõi. Tư vấn ngừa thai sau phá thai cũng rất quan trọng. Đối với phá thai ngoại khoa, cần cho kháng sinh dự phòng trước hay ngay khi làm thủ thuật.
5.2 Lựa chọn phương pháp
Lựa chọn phương pháp phá thai thích hợp với tình trạng thai kỳ và với cá nhân người sản phụ.
Biện pháp phá thai thích hợp được hiểu là thích hợp theo:
- Tình trạng thai: tuổi thai là yếu tố có ảnh hưởng quyết định.
- Tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người mẹ: Chống chỉ định của phá thai nội khoa, tình trạng viêm âm đạo… sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phương pháp.
- Điều kiện thực hành phá thai: là điều kiện về cả 2 phía: phía cơ sở y tế lẫn phía người khách hàng. Điều kiện cung cấp dịch vụ an toàn, điều kiện tái khám như địa lý…
- Nguyện vọng và điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người mẹ
Những khuyến cáo dưới đây sử dụng cho mang thai trong tam cá nguyệt đầu:
- Nong và nạo là phương pháp đã lỗi thời, cần được thay thế bởi hút chân không hoặc phá thai nội khoa
- Hút chân không, có thể sử dụng cho tuổi thai tới 12 đến 14 tuần.
- Phá thai nội khoa có thể dùng cho tuổi thai tới 9 tuần.
- Phá thai nội khoa sau 9 tuần cần lặp lại liều misoprostol.
Những khuyến cáo dưới đây sử dụng cho tuổi thai trên 12 đến 14 tuần
- Nong và hút chân không, dùng dụng cụ hút và kềm forceps.
- Cần lặp lại liều misoprostol khi phá thai nội khoa.
- Chuẩn bị cổ tử cung trước khi thực hiện phá thai ngoại khoa cho thai trên 12-14 tuần là cần thiết.
- Cần dùng các phương tiện giảm đau khi làm phá thai nội khoa lẫn ngoại khoa.
5.3 Theo dõi và chăm sóc sau bỏ thai
Theo dõi và chăm sóc sau phá thai gồm 3 nội dung, hoàn tất tiến trình phá thai an toàn. Các nội dung như sau:
- Theo dõi, phát hiện và xử trí biến chứng sớm
- Tái khám theo hẹn và tái khám bất thường
- Tránh thai sau phá thai
Sau phá thai ngoại khoa, người mẹ có thể về ngay khi cảm thấy đủ khoẻ và dấu hiệu sinh tồn bình thường. Sau phá thai nội khoa hay ngoại khoa, khách hàng cần khám lại sau 7 hoặc 14 ngày.
Trước khi về, người mẹ cần được cung cấp các hướng dẫn theo dõi tại nhà:
- Lượng máu ra
- Cách nhận biết các biến chứng
- Khi nào thì phải khám lại và khám ở đâu…
Trước khi về nhà sau phá thai nội hay ngoại khoa, người mẹ cần được cung cấp kiến thức về ngừa thai an toàn.
>> Ra máu đỏ tươi sau khi hút thai là một trong những biến chứng khá phổ biến. Tìm hiểu thêm để có cách xử trí kjp thời.
6. Ngừa thai sau phá thai
Tất cả các phương pháp có thể bắt đầu sử dụng ngay sau phá thai. Thuận lợi của việc bắt đầu sử dụng ngay: biết rõ bệnh nhân không mang thai, có tác dụng ngừa thai ngay. Nếu đặt dụng cụ ngay sau phá thai tam cá nguyệt giữa, tỷ lệ tuột vòng có thể tăng nhẹ.
Đối với phá thai nội khoa, bắt đầu ngừa thai vào ngày khách hàng tái khám sau khi xác định thai kỳ đã chấm dứt. Có dữ liệu ủng hộ việc đặt que cấy ngừa thai vào ngày khách hàng uống mifepristone 1. Điều này không làm giảm hiệu quả của mifepristone. Hơn nữa, có thể thuận tiện hơn cho khách hàng đối. Đặc biệt, với những khách hàng không muốn hay không có điều kiện tái khám.
7. Những lưu ý sau phá bỏ thai
7.1 Tổn thương tâm lí sau phá thai
Hậu quả của phá thai không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản mà còn để lại những sang chấn tâm lý khôn lường.
Với nhiều phụ nữ, phá thai là một điều không mong muốn. Phá thai là chấm dứt sự sống của một cơ thể nhỏ bé nên họ cảm thấy buồn bã, tội lỗi. Khoảng 5 – 30% phụ nữ sau khi nạo phá thai có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tự sát ở người phụ nữ sau khi phá thai.
Nạo phá thai khiến nữ giới cảm thấy tổn thương tinh thần, ám ảnh tâm lý. Cảm giác hoang mang, hoảng loạn, day dứt thường kéo dài rất lâu về sau. Bên cạnh đó, việc bị người khác miệt thị và có thái độ chỉ trích dễ làm cho người phá thai lo sợ, tự ti, ngại trao đổi. Dần dần hình thành tâm trạng trầm uất, tự kỉ. Thậm chí bị tâm thần.
Chính những biến đổi tâm lý như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình mang thai sau phá thai.
7.2 Thời điểm quan hệ tình dục và mang thai sau phá thai
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, người phụ nữ chỉ nên quan hệ tình dục sau khi tiến hành nạo hút thai từ 4 đến 8 tuần. Với những người có thể trạng gầy, yếu, tốc độ phục hồi chậm, phá thai khi tuổi thai đã lớn,… thì cần thời gian lâu hơn. Bạn nên kéo dài thời gian không quan hệ tình dục lên đến hơn 3 tháng hoặc cho đến khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn.
Phụ nữ có thể mang thai trong vòng 2 tuần sau khi phá thai. Nếu bác sĩ sản phụ khoa không có những lưu ý gì đặc biệt có thể thụ thai đối với những người sẵn sàng mang thai lần nữa. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến khích chị em phụ nữ nên có thai sau ít nhất 2 tháng đến 3 tháng kể từ khi phá thai.
Phụ nữ đã phá thai vì lý do y tế có thể cần đánh giá y tế đầy đủ trước khi thụ thai một lần nữa. Kiểm tra có thể giúp xác định liệu rằng thai phụ sẽ gặp vấn đề tương tự với việc mang thai trong tương lai hay không.
>> Mang thai sau phá thai có khó khăn gì hay không?
Phá thai là quyết định khó khăn và trọng đại đối với mọi thai phụ. Cần cân nhắc kĩ trước khi đưa ra quyết định. Bên cạnh đó phải trang bị đủ kiến thức về phá thai và ngừa thai để chăm sóc bản thân, cũng như bảo vệ tối ưu nhất cho sức khỏe cũng như khả năng sinh sản sau này của thai phụ.
Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. WHO. Safe abortion: Technical and policy guidance for health systems. 2012.
2. Sản Phụ Khoa – Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. 2018