Phòng bệnh răng miệng để có sức khỏe toàn diện
Nội dung bài viết
Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày hơn chúng ta vẫn thường nghĩ. Sự khỏe mạnh của răng, nướu, miệng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thân. Bạn có biết rằng những dấu hiệu bệnh lý răng miệng góp phần nói lên các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn? Bên cạnh đó, việc giữ gìn răng miệng khỏe mạnh cũng đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống. Vì vậy, việc phòng bệnh răng miệng là điều thật sự cần thiết.
1. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân, đời sống xã hội
Cũng như các bộ phận khác của cơ thể, trong miệng của bạn cũng chứa các loại vi khuẩn khác nhau. Hầu hết chúng đều vô hại. Nhưng miệng lại là nơi các vi khuẩn gây hại có thể xâm nhập vào hệ tiêu hóa và hô hấp để gây bệnh. Thông thường, hàng rào miễn dịch bảo vệ của cơ thể cùng sự chăm sóc răng miệng hằng ngày sẽ giúp kiểm soát các vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu chúng ta vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn sẽ gia tăng số lượng, có thể gây ra các nhiễm khuẩn vùng miệng, ví dụ như sâu răng, viêm nướu.
Ngoài ra, các loại thuốc đang sử dụng như: thuốc chống dị ứng, giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm… cũng làm giảm lưu lượng nước bọt. Nước bọt lại đóng vai trò rửa sạch các mảng bám thức ăn và trung hòa acid các vi khuẩn trong miệng. Từ đó, nó giúp bảo vệ chúng ta khỏi sự sinh sôi của các vi khuẩn gây bệnh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các vi khuẩn và tình trạng viêm nhiễm vùng miệng trong bệnh nha chu có liên quan đến một số bệnh. Một số tình trạng toàn thân như tiểu đường, HIV/AIDS có thể làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, khiến tình trạng sức khỏe răng miệng trở nên trầm trọng.
Sức khỏe răng miệng của bạn có thể liên quan đến một số bệnh lý và tình trạng toàn thân như:
-
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng xảy ra ở màng trong tim hoặc van tim. Thường xảy ra khi vi khuẩn từ bộ phận khác của cơ thể (ví dụ miệng) lây lan qua dòng máu và xâm nhập vào tim.
-
Bệnh tim mạch
Mối liên hệ giữa bệnh răng miệng và tim mạch vẫn chưa được biết đầy đủ. Nhưng các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh tim, tắc động mạch vành và đột quỵ với tình trạng nhiễm khuẩn vùng miệng.
-
Biến chứng khi mang thai và sinh con
Tình trạng sinh non và nhẹ cân ở bé có liên quan với bệnh nha chu của mẹ.
-
Viêm phổi
Các vi khuẩn vùng miệng có thể đến phổi gây ra viêm phổi và các bệnh lý hô hấp khác.
-
Bệnh tiểu đường
Khả năng đề kháng cơ thể của người mắc bệnh tiểu đường giảm, do đó họ dễ mắc các bệnh nha chu. Bệnh lý nha chu cũng thường xuyên xuất hiện và có mức độ trầm trọng hơn ở những người tiểu đường. Các nghiên cứu cho thấy người có bệnh nha chu khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn. Việc chăm sóc răng miệng thường xuyên sẽ cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường.
-
HIV/AIDS
Có nhiều vấn đề vùng miệng liên quan đến HIV/AIDS, chẳng hạn như các sang thương loét gây đau đớn…
-
Loãng xương
Tình trạng loãng xương liên quan với bệnh viêm nha chu gây mất xương và răng. Các loại thuốc dùng để điều trị loãng xương cũng đem lại nguy cơ cho xương hàm.
-
Bệnh Alzheimer
Sức khỏe răng miệng ngày càng giảm khi bệnh Alzheimer tiến triển.
Một số tình trạng toàn thân khác có liên quan đến răng miệng như: rối loạn tiêu hóa, viêm khớp dạng thấp, một số bệnh ung thư và rối loạn hệ thống miễn dịch gây ra khô miệng (hội chứng Sjogren). Nếu như bạn đang có vấn đề sức khỏe hay đang sử dụng bất cứ thuốc nào, hãy thông báo điều này với nha sĩ.
Vai trò của sức khỏe răng miệng với đời sống xã hội
Sức khỏe răng miệng tốt đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác nhau. Sức khỏe răng miệng kém còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề cuộc sống như:
- Ảnh hưởng sự tự tin.
- Khó khăn trong giao tiếp các hoạt động xã hội.
- Luôn thấy khó chịu, không thoải mái.
- Vấn đề phát âm.
- Rối loạn dinh dưỡng.
- Vấn đề ăn nhai.
Một số tình trạng nhiễm trùng hoặc ung thư miệng không được phát hiện thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
2. Dự phòng bệnh răng miệng
Hiện nay, các bệnh răng miệng phổ biến nhất là: sâu răng và nha chu (viêm nướu, viêm nha chu). Có nhiều cách thông dụng để duy trì một sức khỏe răng miệng tốt như: chăm sóc răng miệng hằng ngày bằng chải đánh răng, chỉ nha khoa; thăm khám nha sĩ thường xuyên…
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có cách chăm sóc như nhau. Một số đối tượng do sự khác biệt về tình trạng sinh lý, tuổi tác như: trẻ em, người già, phụ nữ có thai… cần có các chú ý đặc biệt hơn.
2.1. Các đối tượng cần dự phòng đặc biệt
Trẻ em
Ở trẻ em, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là sâu răng ở trẻ nhỏ (ECC) hay chứng sâu răng liên quan đến bú bình. Sâu răng biểu hiện sớm với những đốm trắng đổi màu. Do đó, bạn cần chú ý những đốm trắng trên răng gần đường viền nướu ở trẻ. Những đốm trắng này có thể đổi màu nâu, đen khi sâu răng tiến triển. Điều trị sớm rất quan trọng trong việc giảm mức độ sâu răng cho trẻ.
Đường từ thức ăn, sữa, nước trái cây… không được làm sạch, dính trên răng là nguyên nhân góp phần gây nên sâu răng.
Sau đây là một số lưu ý để phòng ngừa sâu răng sớm:
- Hạn chế bú bình chia nhiều lần.
- Đừng cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ. Sữa hoặc nước trái cây trong miệng trẻ sẽ bám lên bề mặt răng. Đây là nguồn cung cấp đường cho vi khuẩn gây sâu răng.
- Trước khi răng mọc, hãy cho bé làm quen với việc chăm sóc răng miệng thường xuyên bằng cách lau nướu hai lần mỗi ngày bằng một miếng vải sạch, mềm, như khăn tay.
- Sau khi răng bé mọc, hãy chuyển sang dùng bàn chải đánh răng được làm ẩm bằng nước cho bé. Không nên dùng kem đánh răng khi bé chưa biết tự nhổ ra. Nếu bé nuốt kem đánh răng có thể gây ngộ độc fluor khiến răng trông lốm đốm hoặc sần sùi.
- Bạn nên cai bú bình cho bé khi được hơn 1 tuổi. Bé có thể chuyển qua dùng ly hoặc cốc chống tràn.
Phụ nữ
Tùy vào từng giai đoạn cuộc đời mà mối quan tâm đến nha khoa của giới nữ cũng thay đổi.
- Tuổi dậy thì
Khi bé gái bắt đầu có kinh nguyệt thì đi kèm với chu kỳ có thể xảy ra các tình trạng như lở miệng, sưng nướu. Các tình trạng này xảy ra như đáp ứng với sự thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì. Các vấn đề sẽ dần hết khi qua giai đoạn này. Do đó, điều quan trọng nhất là phải luôn giữ vệ sinh răng miệng thật tốt.
>> Bạn đã biết cách chăm sóc răng miệng khoa học? Đừng bỏ qua bài viết Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
- Trưởng thành
Phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ có nhiều lý do để phải duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Các bệnh nha chu sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân.
- Thai kỳ
Trong thai kỳ, sự gia tăng của progesterone và các kích thích tố khác có thể làm mất tình trạng cân bằng cơ thể. Điều này có thể khiến bạn gặp phải tình trạng: viêm nướu, giảm hoặc tăng tiết nước bọt, phát triển các u lành tính như u hạt sinh mủ (u nướu thai nghén). Việc nôn thường xuyên do nghén cũng có thể tăng nguy cơ sâu răng do mòn răng acid.
Cách tốt nhất để phòng bệnh răng miệng là duy trì chăm sóc răng miệng tốt. Nếu có bất cứ vấn đề nào, hãy khám và tham vấn ý kiến nha sĩ. Đừng bỏ qua việc thường xuyên thăm khám nha sĩ khi bạn mang thai. Việc chăm sóc nha khoa khi mang thai hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên bạn cần thông báo cho nha sĩ về tình trạng mang thai của mình để có được sự chăm sóc phù hợp.
- Mãn kinh và sau mãn kinh
Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha chu. Nhiều người sẽ gặp hội chứng nóng bỏng trong miệng (burning mouth syndrome – BMS). Tình trạng này gây cảm giác ngứa ran khó chịu trong miệng, có thể làm thay đổi vị giác. Có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc/kem bôi hoặc uống.
- Người già
Khi có tuổi, khả năng nhai trở nên kém hơn, đặc biệt nếu mất răng hoặc sử dụng hàm giả thì càng khó. Một số loại thuốc sử dụng để điều trị các bệnh lý khác có thể gây tình trạng khô miệng. Điều này cũng dẫn đến khó khăn trong việc nhai, gây rối loạn dinh dưỡng. Thêm vào đó, khô miệng cũng làm gia tăng lượng vi khuẩn, gây hôi miệng, viêm nướu và các nhiễm trùng khác.
Theo trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật (CDC), 23% người già tuổi từ 65 đến 74 mắc bệnh nha chu nặng. Đây là kết quả của việc hạn chế trong vệ sinh răng miệng do các bệnh lý khác như: viêm khớp, suy giảm trí nhớ…
- Người sống trong các trung tâm chăm sóc
Những thành viên sống trong các trung tâm chăm sóc gồm trẻ em, người già hoặc cả những người khuyết tật thể chất, tinh thần. Việc vệ sinh răng miệng chủ yếu phụ thuộc vào người chăm sóc. Do vậy, đôi khi sự chăm sóc khó đạt được hiệu quả cao. Trong khi chăm sóc cá nhân cho các thành viên ở đây, công việc có thể rút ngắn do phản ứng của họ hoặc do không đủ thời gian. Do đó, cần có các biện pháp đặc biệt hơn để thao tác dễ dàng và đầy đủ khi chăm sóc răng miệng.
- Người nhiễm HIV/AIDS
Người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ bị nhiễm trùng vùng miệng. Thường gặp bạch sản tóc (mảng trắng ở lưỡi) như dấu hiệu sớm ở vùng miệng của nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, người nhiễm HIV/AIDS cũng có khả năng nhiễm nấm vùng miệng: candida vùng miệng, nấm aspergillus..
2.2. Dự phòng bệnh sâu răng
Nguyên tắc phòng bệnh sâu răng gồm:
- Giảm số lượng vi khuẩn
Dùng tất cả biện pháp vệ sinh răng miệng giúp giảm mảng bám vi khuẩn trên răng. Dùng các loại rau quả tươi hoăc có nhiều chất xơ. Điều này giúp tăng cọ xát, chải rửa tự nhiên khi ăn nhai.
- Giảm lượng carbohydrat
Bằng các biện pháp kiểm soát thực phẩm như tránh ăn nhiều lần trong ngày các loại thực phẩm chứa tinh bột, đường và có tính bám dính. Chải răng sau khi ăn cũng là biện pháp hữu hiệu làm giảm mảng bám.
>> Hạn chế các thực phẩm gây hại cho răng là điều quan trọng để chăm sóc răng miệng. Xem thêm bài viết Thực phẩm gây hại cho răng của bạn, đó là gì?
- Tăng sức đề kháng của răng
Bằng các biện pháp fluor toàn thân hoặc tại chỗ nhằm gia tăng lượng muối fluoroapatite của men răng, giúp men răng khó hòa tan acid của vi khuẩn. Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho răng trong quá trình mọc răng cũng như tái khoáng hóa. Sử dụng sealant trám bít hố rãnh sâu.
2.3. Dự phòng bệnh nha chu
Để duy trì sức khỏe mô nha chu, phương pháp chủ yếu là giữ gìn vệ sinh răng miệng. Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng hiệu quả trong dự phòng bệnh răng miệng nha chu. Ăn các thực phẩm chứa nhiều bột đường hay ăn nhiều lần trong ngày làm gia tăng lượng mảng bám.
Nhai thức ăn xơ cũng không thể làm sạch hết tất cả mảng bám. Cũng không có loại kem đánh răng nào tự nó có thể làm sạch vôi răng, mảng bám. Không một loại nước súc miệng nào có thể làm sạch mảng bám hoàn toàn. Việc súc miệng chỉ làm sạch thức ăn vụn nhưng không thể làm sạch mảng bám. Việc làm sạch mảng bám bằng biện pháp cơ học như chải răng chính là cách giúp kiểm soát và dự phòng bệnh nha chu.
Biện pháp dự phòng sơ khởi bệnh nha chu là làm sạch mảng bám trước khi mảng bám trưởng thành đủ gây bệnh. Một số người có thể có điều kiện giữ gìn vệ sinh răng miệng, chải rửa răng nhiều lần trong ngày. Một số khác lại không làm được. Đối với những người này, nên chọn biện pháp duy trì sức khỏe răng miệng có thể chấp nhận được. Có thể chấp nhận viêm nướu mức độ nhẹ. Mảng bám trên nướu có thể lấy đi và kiểm soát dễ dàng bằng chải răng. Trong khi đó, mảng bám dưới nướu hoặc vôi răng cần phải có sự can thiệp điều trị của nha sĩ.
Kiểm soát mảng bám để phòng bệnh răng miệng nha chu gồm:
- Mỗi cá nhân tự chải sạch răng.
- Bác sĩ và nhân viên nha khoa lấy sạch vôi răng và mảng bám bằng phương pháp cơ học.
- Biện pháp hóa trị liệu kiểm soát mảng bám (nước súc miệng, thuốc…).
2.4. Các lưu ý giúp phòng bệnh răng miệng
Bên cạnh một số đối tượng cần lưu ý thì chúng ta phải luôn chăm sóc răng miệng thật tốt. Sau đây là một số nhắc nhở để có sức khỏe răng miệng thật tốt.
- Thăm khám nha sĩ thường xuyên, 6 tháng/lần.
- Đánh răng 2 lần/ngày với kem có chứa fluor.
- Thay bàn chải 2 – 3 tháng/lần hoặc khi bàn chải xơ, hư.
- Dùng chỉ nha khoa/bàn chải kẽ 1 lần/ngày.
- Chải lưỡi hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn và có hơi thở thơm mát.
- Một số đối tượng có nguy cơ sâu răng cao cần điều trị với fluor và dùng nước súc miệng.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các thức ăn có lượng đường nhiều.
- Hạn chế hút thuốc lá.
Nên đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường:
- Nướu sưng, đỏ, chảy máu.
- Nhạy cảm với nóng, lạnh.
- Nhai khó khăn.
- Hơi thở nặng mùi.
- Răng lung lay.
- Đau răng dai dẳng.
- Áp xe.
Việc phòng bệnh răng miệng là vô cùng quan trọng. Hiện nay, với sự quan tâm sâu sắc của người dân đến sức khỏe, việc chăm sóc răng miệng cũng được cải thiện hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện thật tốt các biện pháp phòng bệnh răng miệng.
Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/ Mayo clinic staff, “Oral health: A window to your overall health”, đăng nhập ngày 04-06-2019 tại website http://www.mayoclinic.org
2/ The Healthline Editorial Team, “Tips for Preventing Oral Health Problems”, đăng nhập ngày 03-12-2015 tại website http://www.healthline.com