Chẩn đoán và phòng ngừa biến chứng Viêm đại tràng giả mạc
Nội dung bài viết
Viêm đại tràng giả mạc là một bệnh đáng quan tâm. Bệnh gây ra do vi khuẩn Clostridium Diffilce. Bệnh có thể dẫn đến loạt biến chứng nguy hiểm khi trở nặng như thủng ruột, tiêu chảy, mất nước,.. Do vậy, việc chẩn đoán để điều trị sớm là rất cần thiết. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết sau nhé!
Tổng quan về viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc còn gọi là viêm đại tràng liên quan tới kháng sinh hay viêm đại tràng C.Dificle. Bệnh liên quan tới sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium difficle. Thường xảy ra ở một số người sau khi dùng một loại kháng sinh nhất định.
Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi vi khuẩn có hại trong đại tràng, phát hành độc tố mạnh. Thường gặp nhất vi khuẩn C. difficile. Độc tố gây kích ứng ruột, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc.
Vi khuẩn C. difficile là loại vi khuẩn kỵ khí, có nha bào. Vì vậy, chúng có sức đề kháng tốt khi ra bên ngoài cũng như khi ở trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn C.difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và gây độc tế bào. Khi độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng sẽ gây viêm, tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm nên rất dễ bong. Khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu sau 1 – 2 ngày sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Đôi khi cũng có thể lâu hơn, vài tuần, vài tháng sau khi bạn hoàn thành một liệu trình thuốc kháng sinh.
Tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà các triệu chứng có biểu hiện khác nhau. Có dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc bao gồm:
- Sốt: Đôi khi lên tới 38 – 39 độ C.
- Đau bụng (có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn hay đau từng cơn).
- Đi tiêu có mủ hoặc chất nhầy trong phân.
- Buồn nôn.
- Mất nước do tiêu chảy nhiều.
Xem thêm: Đại tràng: Cấu tạo và chức năng
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Đối với viêm đại tràng giả mạc, những người có yêu tố nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:
- Người có thời gian nằm viện gần đây.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Người già, trên 65 tuổi.
- Đang mắc một số bệnh như: Viêm ruột, ung thư đại trực tràng.
- Trải qua phẫu thuật đường ruột.
- Đang điều trị hóa trị ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Trong đại tràng của con người chứa rất nhiều loại vi khuẩn. Chúng tồn tại hòa bình với nhau trong một sự cân bằng. Việc sử dụng các thuốc điều trị, bao gồm cả kháng sinh, có thể khiến sự cân bằng này mất đi.
C. diff trong đại tràng của 5 – 15% người trưởng thành khỏe mạnh và 84,4% ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các vi khuẩn khác sống trong ruột thường giữ lượng C. diff trong tầm kiểm soát.
Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi C. Difficle phát triển quá nhanh, lấn át các loại vi khuẩn khác. Số lượng các độc tố do vi khuẩn C. difficile tiết ra cũng vì thế mà tăng cao hơn hẳn. Điều này gây tổn thương tới đại tràng.
Loại kháng sinh nào cũng có nguy cơ gây ra viêm đại tràng giả mạc. Nhưng trên thực tế có một số loại kháng sinh có mối liên hệ với bệnh này nhiều hơn, bao gồm:
- Fluoroquinolone, chẳng hạn như ciprofloxacin (Cipro) và levofloxacin.
- Penicillin, chẳng hạn như amoxicillin và ampicillin.
- Clindamycin (Cleocin).
- Cephalosporin, chẳng hạn như cefixime (Suprax).
Bên cạnh kháng sinh, việc sử dụng các thuốc điều trị khác đôi khi cũng gây ra viêm đại tràng giả mạc. Thuốc sử dụng trong hóa trị ung thư cũng có khả năng làm mất sự cân bằng bình thường của hệ vi khuẩn trong đại tràng.
Một số bệnh lí nhất định cũng ảnh hưởng tới đại tràng. Chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc.
Bệnh có thể lây do bào tử vi khuẩn kháng chất diệt khuẩn thông thường và truyền qua người khác. Thậm chí C. difficile được báo cáo cả ở những người không có bất kì yếu tố nguy cơ nào. Những trường hợp này gọi là mắc phải C. difficile cộng đồng.
Những biến chứng nguy hiểm
Viêm đại tràng giả mạc thường được điều trị thành công. Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mất nước: Tiêu chảy nghiêm trọng có thể dẫn đến mất đáng kể dịch và chất điện giải. Điều này khiến cơ thể khó hoạt động bình thường và huyết áp tụt xuống mức thấp nguy hiểm.
- Suy thận: Trong một số trường hợp, mất nước có thể xảy ra nhanh đến mức chức năng thận suy giảm nhanh chóng.
- Phình đại tràng nhiễm độc: Tình trạng này hiếm gặp. Nếu không được điều trị, đại tràng của bạn có thể căng tới vỡ. Đồng thời làm vi khuẩn từ ruột kết xâm nhập vào khoang bụng của bạn. Một đại tràng phình hoặc vỡ cần phải phẫu thuật khẩn cấp vì có thể gây tử vong.
- Thủng ruột: Điều này xảy ra do tổn thương trên niêm mạc ruột già hoặc sau phình đại tràng nhiễm độc. Đại tràng bị thủng có thể tràn vi khuẩn từ ruột vào khoang bụng, dẫn đến nhiễm trùng đe dọa tính mạng (viêm phúc mạc).
- Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dù nhẹ đến trung bình cũng có thể nhanh chóng tiến triển nặng, gây tử vong.
- Tái phát: Ngoài ra, viêm đại tràng giả mạc đôi khi có thể tái phát trở lại, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi điều trị thành công.
Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc
Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán bệnh và để tìm kiếm các biến chứng bao gồm:
- Xét nghiệm mẫu phân. Phương pháp này sử dụng một số mẫu phân khác nhau để phát hiện C. difficile lây nhiễm trong đại tràng.
- Xét nghiệm máu. Số lượng cao bất thường của các tế bào bạch cầu có thể xác định bạn có mắc phải bệnh viêm đại tràng giả mạc hay không.
- Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma. Trong hai xét nghiệm này, bác sĩ dùng một ống có gắn camera thu nhỏ ở đầu. Nhằm kiểm tra bên trong ruột già có các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc không. Dấu hiệu này thường là những mảng màu vàng (mảng tổn thương) và vết sưng.
- Xét nghiệm bằng hình ảnh. Nếu bạn có những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành cho bạn chụp X-quang hoặc CT bụng. Qua đó, để tìm kiếm các biến chứng như phình đại tràng hoặc vỡ đại tràng.
Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Điều trị viêm đại tràng màng giả thường bao gồm việc ngừng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Trong một số tình huống, phẫu thuật có thể cần thiết. Khi bắt đầu điều trị viêm đại tràng giả mạc, các triệu chứng có thể bắt đầu cải thiện trong vòng vài ngày.
Tuy nhiên tình hình kháng thuốc và xuất hiện chủng C.Difficle mới, khiến cho việc điều trị càng lúc càng khó khăn. Tái phát diễn ra phổ biến hơn. Mỗi lần tái phát, các dấu hiệu và triệu chứng diễn tiến phức tạp, và tăng khả năng tái phát lần sau nữa.
Các phương pháp điều trị
- Lặp lại kháng sinh. Bạn có thể cần thêm một đến hai vòng lặp lại kháng sinh để giải quyết tình trạng viêm đại tràng giả mạc. kháng sinh có thể dùng đường uống hoặc tiêm hay truyền tĩnh mạch tùy thuộc tình hình bệnh nhân.
- Phẫu thuật. Phương pháp này có thể là một lựa chọn ở những người bị suy tạng tiến triển, vỡ đại tràng và viêm phúc mạc. Phẫu thuật thường liên quan đến việc cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của đại tràng. Phương pháp phẫu thuật mới hơn bao gồm phẫu thuật nội soi tạo ra một vòng đại tràng và làm sạch đại tràng. Phương pháp này ít xâm lấn và mang tới kết quả tích cực.
- Cấy phân vi sinh (FMT). FMT được sử dụng để điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát. Phân được làm sạch, bọc trong một viên nang, qua đường mũi hoặc đưa thẳng vào đại tràng.
Xem thêm: Dấu hiệu và tầm soát ung thư đại trực tràng
Một số điều cần lưu ý
- Uống nhiều nước. Nước là tốt nhất, nhưng dung dịch có thêm natri và kali (chất điện giải) cũng có thể có lợi. Ví dụ: đồ uống thể thao, dung dịch bù nước đường uống, nước ngọt không chứa caffein, nước trái cây.
- Tránh đồ uống có nhiều đường hoặc chứa cồn hoặc caffein. Chẳng hạn như cà phê, trà và cola, có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bạn.
- Tránh thực phẩm gây kích ứng. Tránh xa thực phẩm cay, béo, chiên, có thể làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn.
- Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa bao gồm táo, chuối và gạo. Tránh một số loại thực phẩm giàu chất xơ như: đậu, các loại hạt và rau quả. Nếu như triệu chứng được cải thiện, từ từ thêm chất xơ thực phẩm trở lại chế độ ăn uống. Cố gắng ăn nhiều bữa ăn nhỏ thay vì một vài bữa ăn lớn.
- Một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung vi khuẩn và nấm men tốt (men vi sinh) có thể giúp ngăn ngừa nhiễm C. difficile. Chúng an toàn và có sẵn ở dạng viên nang hoặc chất lỏng mà không cần toa bác sĩ.
Tiên lượng bệnh
Khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng của bạn bắt đầu cải thiện trong vòng một hoặc hai ngày. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần thêm một loại kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
Biện pháp phòng ngừa
Vi trùng C. Diff gây viêm đại tràng giả mạc có khả năng chống lại nhiều sản phẩm tẩy rửa. Tuy nhiên, có một số điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ nhiễm bệnh như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi sử dụng phòng tắm và trước khi ăn.
- Uống kháng sinh dự phòng là không cần thiết. Hãy nhớ rằng thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với nhiễm trùng do vi khuẩn. Nó không có tác dụng điều trị nhiễm virus, chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
- Giữ cho bề mặt trong khu vực nhà tắm, nhà bếp thường xuyên sạch sẽ.
Trên đây YouMed đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích về bệnh viêm đại tràng giả mạc. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm C. diff, hãy cố gắng gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Hi vọng rằng, với những kiến thức này, sẽ giúp ích cho bạn và người thân trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pseudomembranous colitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudomembranous-colitis/symptoms-causes/syc-20351434
Ngày tham khảo: 08/09/2020
-
Everything You Need to Know About C. diffhttps://www.healthline.com/health/what-is-c-diff
Ngày tham khảo: 08/09/2020