Sảng lú lẫn cấp: Nguyên nhân, triệu trứng và phương pháp điều trị
Nội dung bài viết
Sảng lú lẫn cấp thường xảy ra trong một thời gian ngắn, ảnh hưởng lên nhận thức của người bệnh. Trong y khoa, nó được gọi dưới một cái tên khác là sảng. Sự xuất hiện của sảng là dấu hiệu để thấy rằng, bệnh đang nặng lên, cần phải thay đổi điều trị. Ở góc độ người chăm sóc, sảng khiến cho người nhà cảm thấy lo sợ, và cũng rất mệt mỏi, căng thằng khi phải chăm sóc người có sảng.
1. Sảng lú lẫn là gì?
Sảng lú lẫn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ như: trạng thái lú lẫn cấp tính, suy não cấp, bệnh não, nhiễm độc hệ thần kinh trung ương… Đó là tình trạng giảm cấp tính ý mức độ tỉnh táo và khả năng nhận thức của người bệnh. Bệnh đặc trưng bởi sự thay đổi về chú ý, chu kì giấc ngủ hay vận động tâm thần.
Sảng là tình trạng thường gặp, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tuy nhiên trong thực tế, đôi khi rối loạn này không được các nhân viên y tế nhận ra, khiến cho dự hậu của bệnh xấu hơn.
2. Nguyên nhân gây ra Sảng lú lẫn
Sảng lú lẫn được cho rằng là hậu quả của các bệnh lý nội khoa đang nặng lên, do tác dụng liên quan đến sử dụng chất. Các yếu tố thúc đẩy thường gặp bao gồm:
- Thuốc: các loại thuốc an thần, gây ngủ, rượu, dùng nhiều loại thuốc…
- Bệnh lý thần kinh trung ương: đột quỵ, viêm não – màng não…
- Các bệnh lý nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, thiếu oxi, thiếu máu…
- Sau phẫu thuật lớn: phẫu thuật tim, chỉnh hình…
- Một số yếu tố khác như: đau, mất ngủ kéo dài, chịu nhiều stress về cảm xúc….
3. Triệu chứng của Sảng lú lẫn
Các đặc điểm chính của sảng bao gồm:
- Ý thức thay đổi: có thể tăng hoặc giảm. Trong trường hợp tăng, người bệnh thường quơ tay quơ chân, nói năng lộn xộn không phù hợp. Thậm chí còn đánh, làm tổn thương bản thân hoặc người chăm sóc. Ngược lại, họ có thể nằm lơ mơ, không biết xung quanh, không đáp ứng với kích thích bên ngoài.
- Thay đổi sự chú ý, không thể hướng sự chú ý đến nơi có kích thích. Hoặc có thể không duy trì được sự chú ý. Ví dụ như người bệnh không thể duy trì tiếp xúc mắt với người khác. Biểu hiện tinh tế hơn là cần phải hỏi nhiều lần cùng một câu hỏi vì họ không chú ý.
Điều quan trọng là những tình huống này mới xảy ra gần đây, từ vài giờ đến vài ngày. Nó thay đổi so với mức bình thường trước đây của bệnh nhân. Và có sự dao động, tăng giảm về mức độ ý thức và sự chú ý. Đặc biệt các triệu chứng nặng hơn về chiều tối, khi mọi kích thích bên ngoài giảm xuống.
Ngoài hai triệu chứng bắt buộc phải có nêu ở trên, người bệnh cần có suy giảm ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
- Định hướng lực: đây là một thuật ngữ khá lạ với các bạn ngoài chuyên ngành y khoa. Nhưng có lẽ nếu một lần đi chăm người bệnh bạn sẽ thấy quen thuộc bởi các câu hỏi. Ví dụ như: “biết đang ở đâu đây không ông/bà ơi?”, “năm nay năm mấy vậy?”, “tên tuổi của bà là gì?”… Và nhiều câu hỏi khác nữa.
- Trí nhớ: người bệnh thường không nhớ những sự kiện vừa mới xảy ra tức thời, hay vài ngày trước. Nhưng những kí ức thời xa xưa có thể vẫn nhớ rất tốt.
- Ngôn ngữ: không tìm được từ để nói, nói sai từ.
- Tri giác: là tổng thể các giác quan. Trong sảng, người bệnh có thể nhìn nhầm vật này thành vật kia. Ví dụ: cái quạt là con mèo đang chạy trên trần nhà. Hoặc một sự vật không có thực tại thời điểm đó. Ví dụ: nhìn thấy ông hàng xóm đã chết đứng ngoài cửa phòng, rủ mình đi chơi.
Bên cạnh đó, dù không nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán nhưng, rối loạn về hành vi, và giấc ngủ cũng là một đặc điểm hỗ trợ chẩn đoán.
Tuy nhiên cần lưu ý, trong sảng có thể có giảm hoạt động. Nhưng nếu bệnh nhân ở trạng thái hôn mê – không đáp ứng với các kích thích mở mắt – sẽ không được phép chẩn đoán sảng.
Một điều quan trọng nữa là cần phải chứng minh được đây là hậu quả của một rối loạn y khoa.
4. Diễn tiến của Sảng lú lẫn
Khởi đầu của sảng thường đột ngột, nhưng bồn chồn, lo sợ có thể là tiền triệu trước khi bệnh xảy ra. Các triệu chứng sẽ tiếp tục còn mãi cho đến khi nguyên nhân gây sảng được giải quyết. Khi tìm được nguyên nhân, thường mất 3-7 ngày để các triệu chứng giảm dần. Bệnh nhân càng lớn tuổi và bị sảng càng lâu, thì càng mất nhiều thời gian để giải quyết.
Với những người đã hết sảng, khi được hỏi lại về khoảng thời gian này, họ nhớ được rất ít. Họ mô tả đó là một giấc mơ tồi tệ, là ác mộng và chỉ nhớ một cách mơ hồ.
Và khi đã có một đợt sảng, tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn, chủ yếu là do rối loạn y khoa gây ra sảng nặng lên. Theo các quan sát trên lâm sàng, người bệnh bị sảng đôi khi có trầm cảm hoặc rối loạn stress sau sang chấn đó.
5. Điều trị Sảng lú lẫn như thế nào?
Trong điều trị sảng, mục tiêu chính yếu là điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn này sẽ liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nhau.
Bên cạnh việc dùng thuốc, sự hỗ trợ về thể chất, cảm giác và môi trường xung quanh cũng rất quan trọng.
- Hỗ trợ về thể chất. Là để phòng ngừa những tình huống người bệnh có thể gặp tai nạn như té ngã, làm tổn thương mình…
- Hỗ trợ cảm giác và môi trường. Người bệnh không nên để bị mất cảm giác và cũng không bị kích thích quá mức với môi trường. Với sự hiện diện của người thân hoặc người chăm sóc thường xuyên trong phòng. Hoặc có hình ảnh trang trí quen thuộc; đồng hồ hoặc lịch; Đồng thời cung cấp thường xuyên về thời gian, nơi ở cho người bệnh sẽ làm họ thấy thoải mái.
Như vậy, sảng là một tình trạng nặng, cần được chú ý nhiều. Bất kỳ bệnh lý nào cũng đều có thể gây ra sảng. Nhận biết sảng và điều trị nguyên nhân gây ra sảng là cần thiết. Bên cạnh đó các biện pháp không dùng thuốc cũng rất quan trọng, giúp ích nhiều cho người bệnh.
Xem thêm bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Association American Psychiatric (2013). "Dellirium". Diagnostic and statistical manual of mental disorders, fifth edition. American Psychiatric Publishingpp. P.P 596-600.
- Sadock's Kaplan (2015). "Neurocognitive Disorder". Synopsis of psychiatry behavioral Sciences/clinical psychiatry, Wolters Kluwer, 11th edition. P.p 700-702.