Sốt phát ban có được tắm không? Sốt phát ban tắm lá gì?
Nội dung bài viết
Sốt phát ban là một bệnh lý thường lây nhiễm ở trẻ em dưới 2 tuổi. Phần lớn bệnh thường nhẹ và tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, sốt phát ban có được tắm không? Hay sốt phát ban tắm lá gì? Đây là hai câu hỏi thường gặp đối với bệnh sốt phát ban. Cùng tìm hiểu các vấn đề trên qua bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh nhé!
Sốt phát ban trong y học cổ truyền
Phát ban trong Y học cổ truyền có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau, với các hình dạng, kích thước, màu sắc ban khác nhau. Do đó, các y gia ghi chép sách vở với nhiều tên khác nhau như ban chẩn, ban sa, âm dương độc,… Phát ban ở trẻ em phần nhiều xuất hiện trong Ôn nhiệt bệnh.1
Phát ban thường đi chung với chứng Chẩn nên được nhiều y văn gọi chung là Ban chẩn. Nguyên nhân gây ra do nhiệt quá thịnh mạnh ở kinh Vị hoặc kinh Phế. Nhiệt dồn ứ lại, khiến ép huyết (máu) trong các kinh lạc ở bì phu (da) tràn ra ngoài. Khi đó có các biểu hiện phát ban. Phát ban do nhiệt này thường xảy ra ở bệnh cấp tính.1
Y văn cổ truyền ghi chép một số biểu hiện của phát ban do nhiệt: phát ban đỏ tươi hoặc đỏ tía, nóng sốt, không ngủ được, miệng khát họng khô. Trường hợp nặng có thể hôn mê, nói sảng, cứng đờ co giật, tiểu tiện ít, đại tiện táo hoặc tiêu lỏng. Có thể kèm thêm nôn ra máu, chảy máu mũi, lưỡi đỏ tía, mạch sác.1
Sốt phát ban có được tắm không?
Theo các khuyến cáo hiện nay, chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt phát ban. Nguyên do, phần lớn bệnh thường nhẹ và tự khỏi. Do đó, điều trị hỗ trợ, nâng đỡ thể trạng là phương pháp được sử dụng.
Trong đó, giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên cho người bệnh, người chăm sóc là rất cần thiết, quan trọng. Điều này giúp hạn chế lây lan sốt phát ban. Vì thế, khi bị sốt phát ban, người bệnh vẫn có thể tắm rửa, vệ sinh thân thể và không nên kiêng tắm.
Các loại lá thường dùng tắm khi sốt phát ban có thật sự hiệu quả?
Trong Y học cổ truyền, phát ban ban chẩn do nhiệt quá thịnh ở phần dinh huyết. Do đó, dùng phương pháp trị thanh dinh lương huyết, tán huyết ứ. Bạn nên chọn và kết hợp với những loại lá có tính thanh nhiệt, tính mát, giúp giảm sốt.1
Hiện nay, trong các mẹo dân gian chữa sốt phát ban truyền miệng, có một số loại lá dược liệu mà nhiều người thường dùng để tắm khi bị sốt phát ban. Những loại lá dưới đây có thực sự hiệu quả trong sốt phát ban không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Lá kinh giới2
Kinh giới là loại cây vừa làm rau gia vị, vừa làm cây thuốc, được trồng rộng rãi ở nhiều nơi. Kinh giới có tác dụng hạ sốt trên động vật thí nghiệm. Tinh dầu trong kinh giới ức chế sản sinh một số loại vi khuẩn gây bệnh, giảm nhẹ cơn dị ứng.
Kinh giới trong đông y có tác dụng làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, tán hàn, khu phong, giảm ngứa, tán ứ, phá kết.
Tính vị của kinh giới là tính ấm. Do đó, để trị ban chẩn, kinh giới cần kết hợp với một số dược liệu khác như lá dâu, bạc hà, kim ngân hoa, sài đất. Thang thuốc sắc lấy nước uống, phần bã có thể pha nước tắm khi bị sốt phát ban.
2. Kim ngân hoa3
Kim ngân hoa vị ngọt hơi đắng, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng. Kim ngân hoa được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị khác. Dùng để trị phát ban, sởi, mụn nhọt, ngứa da, mày đay,…
3. Lá và quả mướp đắng4 5
Lá và quả mướp đắng (khổ qua) có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chữa sốt nói chung. Lá và quả dùng để nấu tắm cho trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt sưng tấy, chốc lở trên đầu.
Trong đó, rôm sảy thường nhầm với sốt phát ban. Rôm sảy (miliaria) xảy ra khi thời tiết nóng, ẩm ướt. Rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu, châm chích. Rôm sảy nếu có mụn nước có thể gây đau khi chạm vào.
4. Lá khế6
Lá khế được sử dụng trong trường hợp da bị lở do sơn ăn, ngứa, sưng đau do dị ứng. Lá khế, cành non, hoa nấu nước dùng để xông, tắm trong 3 – 4 ngày là bệnh thuyên giảm.
Một số người thường nhầm lẫn biểu hiện nổi ban của dị ứng và sốt phát ban. Dị ứng gây ban ngứa, còn sốt phát ban không gây ngứa. Do đó, mới hình thành quan niệm sử dụng lá khế khi bị sốt phát ban.
5. Lá trà xanh7
Lá trà xanh, hay lá chè có vị đắng ngọt chát, tính mát. Khi dùng ngoài da có tính thanh nhiệt, giảm bớt mụn nhọt.
6. Lá ngải cứu8
Lá ngải cứu, hay ngải diệp có vị đắng, tính ấm. Ngải cứu có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn ấm kinh lạc, an thai, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau, cầm máu, sát trùng. Ở một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, nước nấu lá ngải cứu giúp sát trùng, chữa các vết thương, bệnh ngoài da, mụn lở. Chúng có thể ức chế một số vi trùng gram dương, gram âm và vi nấm. Ngoài ra, nước cao ngải cứu giúp giảm ngứa, dị ứng da, khô da ở người cao tuổi.
7. Lá trầu không9
Thành phần quan trọng trong lá trầu không là tinh dầu. Tinh dầu lá trầu có khả năng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng, giãn cơ, làm nước súc miệng,… Lá trầu có vị cay nồng, tính ấm, chữa hàn, trừ phong thấp, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng. Dùng nước lá trầu để rửa vết thương, mày đay, ghẻ ngứa.
Có thể thấy trong những loại lá ở trên được tìm kiếm, sử dụng nhiều nhất, nhưng có loại phù hợp, có loại không. Nguyên do mọi người thường nhầm lẫn biểu hiện của các bệnh khác như dị ứng, rôm sảy với bệnh sốt phát ban. Ngoài ra, một số thông tin khi truyền miệng bị sai lệch.
Theo lý luận y học cổ truyền, các loại có tính nóng như lá trầu, ngải cứu,… hạn chế sử dụng trong trường hợp các bệnh do nhiệt tà gây ra (Ôn bệnh). Mặc dù nếu dùng sai loại lá tắm ngoài da thì ít có khả năng làm cho sốt phát ban nặng thêm. Nhưng việc này có thể gây tốn kém thời gian, kinh phí, đôi khi còn gây dị ứng da cho trẻ.
Lưu ý khi tắm cho người bệnh sốt phát ban
Bạn cần nhớ rằng tắm nước lá không phải là cách điều trị chính trong sốt phát ban. Tắm lá giúp hỗ trợ làm sạch da, làm dịu cơn sốt. Khi tắm lá cho người bệnh sốt phát ban, bạn cần lưu ý những điểm như sau:
- Làn da của trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thường rất nhạy cảm. Do đó, một số loại lá có thể gây kích ứng da cho trẻ. Dấu vết kích ứng có thể gây nhầm lẫn mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Để bảo đảm cho da, không nên tắm nước lá đậm đặc mà hãy pha loãng nước lá trong xô, chậu nước lớn.
- Nên tắm bằng nước ấm. Không tắm quá nóng để không gây bỏng và không hạ sốt. Không tắm nước quá lạnh, nước đá, hay cồn rượu để tránh bị hạ thân nhiệt đột ngột.
- Việc sử dụng khăn xô mềm hoặc bông tắm tùy theo sở thích của trẻ. Có trẻ thích, nhưng cũng có trẻ không thích.
- Nơi tắm cần tránh gió lạnh, gió lùa.
- Nên tắm nhanh, tránh ngâm nước quá lâu.
- Mặc quần áo thoáng khí, không kích ứng. Không mặc quần áo quá dày, không quấn khăn ủ trẻ.
Trên đây là những thông tin cần thiết trả lời cho câu hỏi sốt phát ban có được tắm không, sốt phát ban tắm lá gì. Bạn đọc có thể tham khảo trong quá trình chăm sóc người bệnh sốt phát ban, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nguyễn Thiên Quyến, Đào Trọng Cường. Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y. NXB Mũi Cà Mau. Trang 180 – 187.
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 121 – 122.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=119
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 106 – 110.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=104
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 335 – 341.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=333
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 734 – 735.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=750
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 102.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf#page=118
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 419 – 422.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=418
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 362 – 367.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=360
Ngày tham khảo: 30/07/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 1007 – 1010.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=1005
Ngày tham khảo: 30/07/2023