Sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em
Nội dung bài viết
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì? Triệu chứng của bệnh là gì? Chăm sóc cho trẻ bệnh tại nhà như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Đào Uyên Trang tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết này nhé!
Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 50 triệu ca mắc sốt xuất huyết và 22.000 ca tử vong xảy ra trên toàn thế giới.1 Vì vậy, bệnh sốt xuất huyết là một trong những bệnh do virus lây truyền qua động vật chân đốt thường gặp nhất ở người. Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 tuyp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Không có sự bảo vệ chéo giữa các kiểu huyết thanh khác nhau. Điều này có nghĩa rằng người đã từng bị sốt xuất huyết Dengue vẫn có thể bị lại. Nguy hiểm hơn là lần bệnh sốt xuất huyết sau có nguy cơ trở nặng nhiều hơn lần đầu.
Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện sau 3 đến 14 ngày từ khi bị muỗi (mang virus) đốt. Bệnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
1. Giai đoạn sốt2
- Thường là ngày 1 đến ngày 3 của bệnh.
- Trẻ đột ngột sốt cao, sốt liên tục.
- Đa số trẻ có chán ăn, buồn nôn.
- Trẻ lớn: đau đầu, đau nhức 2 hố mắt, đau cơ.
- Da trẻ có thể đỏ hơn bình thường, có thể có một ít chấm xuất huyết ở da. Các chấm xuất huyết rải rác và không thay đổi kích thước. Nếu bạn thấy chấm xuất huyết to hơn, lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
2. Giai đoạn nguy hiểm2
- Thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
- Trẻ có thể vẫn còn sốt cao hoặc giảm sốt.
- Trẻ thường trở nặng trong giai đoạn này, do đó cần theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh: lừ đừ, vật vã, li bì, ói nhiều, đau bụng, khó thở và các dấu hiệu chảy máu…
3. Giai đoạn hồi phục2
- Thường vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh.
- Trẻ hết sốt, tươi tỉnh, thèm ăn.
- Có thể phát ban hồi phục và ngứa ngoài da.
Bệnh có thể tự hết sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ ở những trường hợp sau:
- Sốc sốt xuất huyết Dengue.
- Xuất huyết trầm trọng.
- Suy tạng: suy gan, suy thận, suy tim, suy hô hấp.
- Viêm não, viêm cơ tim.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh khác nguy hiểm hơn. Cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh và đánh giá xem con bạn có thể được chăm sóc tại nhà hay không.
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Điều quan trọng nhất chúng ta phải biết là không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Dengue.3
Khi bệnh trong giai đoạn sớm (2 ngày đầu của bệnh) hoặc bệnh chưa diễn biến xấu có thể chăm sóc tại nhà. Trẻ chủ yếu được điều trị triệu chứng và phải theo dõi thật chặt chẽ, tái khám tại các cơ sở y tế mỗi ngày để phát hiện sớm bệnh đang chuyển biến nặng dần để được nhập viện và xử trí kịp thời.
1. Điều trị triệu chứng
- Nghỉ ngơi tại giường.3
- Hạ sốt: Nếu sốt cao (> 38,5°C), cho thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo. Có thể lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng acetaminophen (còn được gọi là paracetamol) đơn chất.3 Liều dùng từ 10 đến 15mg cho mỗi kg cân nặng mỗi lần sốt, cách nhau mỗi 4 – 6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng mỗi 24 giờ. Ví dụ: trẻ 20kg có thể dùng 200mg đến 300mg paracetamol mỗi lần, tổng lượng paracetamol một ngày không quá 1.200mg.
- Bù dịch sớm bằng đường uống.3 Cố gắng cho trẻ uống nhiều nước dưới nhiều dạng dịch khác nhau: nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…), nước oresol, nước cháo loãng. Trẻ bị sốt xuất huyết rất dễ bị mất nước vì buồn nôn hoặc nôn nhiều, sốt, không muốn uống nước, tiêu lỏng… Cách cho uống nước là uống từ từ với lượng nhỏ, uống bằng thìa, không bú bình.
Lưu ý:
- Không dùng aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì có thể làm bệnh nặng hơn.3
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, dưa hấu, socola… trong giai đoạn bệnh. Vì một trong những biểu hiện nặng của bệnh là chảy máu đường tiêu hóa. Cha mẹ phải theo dõi màu chất nôn của trẻ để phát hiện điều này. Nếu thức ăn hoặc đồ uống có màu nâu đen hoặc đỏ sẽ làm chúng ta khó phát hiện được máu trong chất nôn.
2. Theo dõi các dấu hiệu nặng
Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo ngay cả khi trẻ đã hết sốt để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:3
- Tri giác của trẻ. Trẻ bị sốt xuất huyết có thể biểu hiện mệt mỏi nhưng vẫn tỉnh táo. Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu biểu hiện thay đổi như bé lơ mơ, li bì, lừ đừ, mệt lả, bứt rứt, vật vã hoặc quấy khóc nhiều.
- Không uống được nước. Trẻ buồn nôn nhiều, không muốn uống nước dẫn tới mất nước.
- Nôn nhiều. Trẻ nôn nhiều không chỉ gây mất nước mà còn gây rối loạn điện giải. Nôn nhiều hơn 2 lần trong 1 giờ hoặc trong 6 giờ trẻ nôn hơn 3 lần là một dấu hiệu cảnh báo bệnh đang diễn biến nặng.
- Tay chân lạnh.
- Thay đổi màu sắc da: da tái nhợt hoặc da nổi bông.
- Đau bụng nhiều hơn.
- Theo dõi lượng nước tiểu của trẻ. Sẽ tương đối khó cho cha mẹ để biết lượng nước tiểu bao nhiêu là đủ vì lượng nước tiểu thay đổi theo cân nặng. Có một cách dễ biết hơn là nếu trẻ không tiểu mỗi 6 giờ hoặc tiểu ướt ít hơn 6 tã mỗi ngày là đang có dấu hiệu mất nước.
- Các dấu hiệu mất nước: môi khô, da khô, mắt trũng hoặc có bệnh kèm theo gây tăng nguy cơ mất nước như tiêu chảy.
- Triệu chứng xuất huyết. Chảy máu mũi, nướu răng. Chảy máu đường tiêu hóa: trẻ nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu bầm nâu, tiêu phân máu hoặc phân đen. Bé gái có thể chảy máu âm đạo bất thường.
Khi nào trẻ sốt xuất huyết cần nhập viện?
- Trẻ từ 1 tuổi trở xuống nghi ngờ mắc sốt xuất huyết. Ở lứa tuổi này, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng sớm hơn và nặng nề hơn các trẻ lớn. Hơn nữa, triệu chứng trở nặng của các bé nhỏ rất khó để phát hiện nên bắt buộc phải nhập viện dù ở giai đoạn sớm của bệnh.
- Dư cân, béo phì.
- Có các bệnh nền như tim bẩm sinh, hen, tiểu đường, thalassemia, bệnh gan thận…
- Trẻ có các “dấu hiệu cảnh báo”.
- Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời nếu bệnh trở nặng.
- Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
- Khó thở, co giật.
Nếu trẻ nhập viện, bác sĩ sẽ làm gì?
Trẻ sẽ được theo dõi mạch, đo huyết áp, lượng dịch đưa vào, lượng nước tiểu, một số xét nghiệm và một xét nghiệm để xem xét độ cô đặc máu gọi là hct. Hct sẽ được lặp lại nhiều lần trong ngày tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Truyền dịch nếu có chỉ định. Bạn không nên “xin” bác sĩ truyền dịch cho trẻ nếu chưa có chỉ định vì điều này không làm tốt hơn cho con bạn mà còn có thể gây hại.
Nếu bệnh nặng hơn, có thể cần truyền nhiều loại “dịch” khác nhau, máu, thở oxy hoặc làm một số thủ thuật xâm lấn khác.
Bệnh sốt xuất huyết lây lan bằng cách nào?
1. Về muỗi Aedes aegypti
Muỗi Aedes aegypti còn được gọi là muỗi vằn do chúng có vằn đen trắng quanh các chi. Khác với một số loài muỗi khác, muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, ví dụ như ở gần tủ quần áo, chăn màn. Nó thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng ở lốp xe, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà có nước đọng. Chúng thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối.
2. Đường lây truyền4
Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà qua một động vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bản thân muỗi Aedes aegypti không mang virus Dengue một cách tự nhiên. Chúng chỉ nhiễm virus Dengue khi đốt người bị bệnh sốt xuất huyết. Khi đốt người bị bệnh, virus Dengue sẽ nhiễm vào muỗi. Sau đó, virus Dengue nhân lên trong cơ thể muỗi.
Một khi đã đạt được đủ số lượng virus, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc đốt (chích) họ. Khi đó, virus Dengue sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.
Cách phòng bệnh?
Theo khuyến cáo của bộ y tế, để phòng chống sốt xuất huyết, người dân nên thực hiện các điều sau:5
- Diệt muỗi trực tiếp: dùng vợt điện diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
- Diệt lăng quăng: thả cá ăn lăng quăng, súc rửa dụng cụ chưa nước, đậy nắp lu hồ, thùng chứa nước, dọn chỗ đọng nước trong và quanh nhà…
- Thay nước thường xuyên các vật dùng chứa nước như bình hoa, khay nước, bể cảnh không có cá,…
- Ngủ mùng và mặc quần áo dài tay. Dùng kem đuổi muỗi, nhan muỗi để phòng muỗi đốt
- Tham gia tích cực trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng. Phối hợp với ngành y tế ở các đợt phun thuốc phòng dịch.
- Không tự ý điều trị tại nhà. Khi có các triệu chứng phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việt Nam đang bước vào mùa mưa – thời tiết thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Bệnh có nhiều biểu hiện đa dạng, có thể diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng và gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, quý phụ huynh cần nắm những điều cơ bản về bệnh cũng như nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thể hiểu hơn về bệnh sốt xuất huyết Dengue. Phụ huynh không nên chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh của trẻ đang giảm. Khi trẻ đột ngột sốt cao, cha mẹ nên cho con đến bác sĩ để khám, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dengue Reborn: Widespread Resurgence of a Resilient Vectorhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2535648/#:~:text=Worldwide%2C%20of%20the%2050%20million,also%20permeate%20the%20tropical%20Americas.
Ngày tham khảo: 14/06/2023
-
Phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ emhttps://suckhoedoisong.vn/phong-benh-sot-xuat-huyet-cho-tre-em-169106070.htm
Ngày tham khảo: 14/06/2023
-
Caring for a Child or Family Member Sick with Denguehttps://www.cdc.gov/dengue/symptoms/family.html
Ngày tham khảo: 14/06/2023
-
Transmission of DENVhttps://www.cdc.gov/dengue/training/cme/ccm/page45901.html
Ngày tham khảo: 14/06/2023
-
6 điều nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyếthttps://vncdc.gov.vn/6-dieu-nen-lam-de-phong-benh-sot-xuat-huyet-nd16957.html
Ngày tham khảo: 14/06/2023