YouMed

Stress khi mang thai – Nỗi lo không của riêng ai

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Trầm cảm khi mang thai là một bệnh lý có thể gặp ở không ít thai phụ. Bệnh lý này không những ảnh hưởng đến người mẹ mà còn ảnh hưởng cả em bé trong bụng. Vậy bệnh lý này nguy hiểm như thế nào khi mang thai? Làm cách nào để phòng bệnh? Và hướng điều trị như thế nào hợp lý nhất? Tất cả sẽ được Bác sĩ Đào Thị Thu Hương giải đáp qua bài viết sau đây.

Tổng quan về bệnh trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm khi mang thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Việc hạn chế những hậu quả của bệnh sẽ giúp cho mẹ bầu có những cách phòng và điều trị hợp lý nhất. Việc xác định bị trầm cảm khi mang thai là một vấn đề không hề dễ dàng. Không ít mẹ bầu chưa nhận ra hoặc muốn che giấu việc mình bị bệnh. Vì thế nên khi phát hiện bệnh thì đã khá muộn. Thường là bệnh đã rơi vào giai đoạn nặng và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh trầm cảm khi mang thai
Bệnh trầm cảm khi mang thai.

Theo số liệu thống thống kê tổng quát, có từ 14% đến 23% phụ nữ bị mắc bệnh trầm cảm khi mang thai. Ít nhất 10% mẹ bầu có thể mắc bệnh lý này. Đây thậm chí là một bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy hiểm hơn cả những bệnh truyền nhiễm.

Tham khảo thêm bài viết: Đau đầu khi mang thai: Lời khuyên hữu ích dành cho mẹ bầu

Nguyên nhân bị bệnh trầm cảm khi mang thai

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm khi mang thai. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

1. Sự thay đổi hoạt động của hormone

Hormone ảnh hưởng rất nhiều đến các hóa chất trung gian kiểm soát cảm xúc và tâm lý. Những thay đổi lớn của hormone trong thai kỳ dẫn đến việc mẹ bầu bị trầm cảm.

2. Do di truyền

Bệnh trầm cảm của mẹ bầu trong quá trình mang thai cũng liên quan mật thiết với yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người bị bệnh trầm cảm thì nguy cơ bạn bị trầm cảm lúc mang thai là rất cao.

3. Do mang thai khi còn trẻ tuổi

Nhiều nghiên cứu về bệnh trầm cảm ở phụ nữ nhận thấy rằng: Phụ nữ trẻ tuổi mang thai sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn phụ nữ mang thai ở độ tuổi lớn hơn.

Mang thai khi còn trẻ tuổi làm tăng nguy cơ bị trầm cảm - Trầm cảm khi mang thai
Mang thai khi còn trẻ tuổi làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.

4. Người phụ nữ bị lạm dụng tình dục

Bị lạm dụng tình dục, bị đối xử tệ hại, thiếu tôn trọng có thể làm phụ nữ mang thai có những suy nghĩ tiêu cực. Đó cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho họ bị trầm cảm.

5. Rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai

Quá trình thay đổi hormon thai kỳ có thể làm cho tuyến giáp bị ảnh hưởng. Từ đó, các hormon của tuyến giáp cũng bị rối loạn. Hậu quả là thai phụ dễ mắc bệnh trầm cảm.

6. Hoàn cảnh sống thực tế

Một số hoàn cảnh nhất định có thể dẫn đến bệnh trầm cảm ở thai phụ. Chẳng hạn như bị chồng hành hạ, gia đình ruồng bỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất mát người thân,… >>> Tham khảo thêm: Thai to liệu có phải là tốt?

Các biểu hiện và triệu chứng

Khi mang thai, nếu người mẹ bị bệnh trầm cảm sẽ có những triệu chứng điển hình sau đây:

  • Cảm xúc buồn bã, chán nản, khí sắc trầm.
  • Giảm sự quan tâm, thích thú, không còn cảm thấy hăng hái với những việc trước đây mình thích.
  • Dễ mệt mỏi, dễ mất năng lượng hoặc cảm thấy suy giảm nghị lực.
  • Chán ăn, khó ngủ, mất ngủ.
  • Khó tập trung, khó đưa ra các quyết định.
  • Mặc cảm, tự ti, thường suy nghĩ mình có lỗi.
  • Thừa cân hoặc sụt cân.
  • Đôi khi có ý nghĩ về cái chết, có thể xuất hiện hành vi tự sát.
  • Có ý nghĩ muốn phá thai, li dị chồng, rời bỏ gia đình.
  • Khóc nhiều, dễ xúc động.
  • Dễ rơi vào nghiện ngập, sử dụng rượu bia, ma túy.
  • Suy giảm trí nhớ, hay quên.
Khí sắc trầm buồn - Trầm cảm khi mang thai
Khí sắc trầm buồn.

Những hậu quả của bệnh

Nếu bệnh trầm cảm khi mang thai không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những hậu quả như:

  • Sinh non.
  • Sảy thai.
  • Thai nhi nhẹ cân, yếu cân.
  • Thai chết lưu.
  • Trẻ sinh ra bị mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
  • Người mẹ bị suy nhược cơ thể. Từ đó dẫn đến ăn uống không đủ chất làm thai phát triển kém.
  • Bị trầm cảm sau sinh.
  • Có hành vi phá thai, tự hủy hoại bản thân, tự sát.
  • Một số trường hợp nặng có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh.

Phương pháp điều trị trầm cảm khi mang thai

Điều trị bệnh trầm cảm khi mang thai cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ chuyên về sản khoa, tâm thần và nội khoa. Trong một số trường hợp, cần có cả sự kết hợp của bác sĩ tâm lý. Thai phụ sẽ được các bác sĩ tư vấn về thuốc uống, cách sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi khi bị bệnh.

Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ và những điều nên biết

1. Sử dụng thuốc điều trị

Khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, một số tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện. Chẳng hạn như tiền sản giật, vỡ ối sớm, đẻ non, tăng nguy cơ mổ đẻ, táo bón, khô miệng,… Các nhóm thuốc chống trầm cảm được chứng minh là an toàn cho thai phụ bao gồm:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin. Điển hình như Sertralin, Fluoxetin, Fluvoxamin, Citalopram,…
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI). Bao gồm: Duloxetin, Venlafaxin,…
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Điển hình là: Amitriptylin, Tianeptin.
  • Thuốc Bupropion: Thuốc này được sử dụng để điều trại trầm cảm và cai thuốc lá. Tuy nhiên, thuốc này có nguy cơ gây dị tật tim ở thai nhi.
Thuốc Sertralin an toàn cho thai phụ
Thuốc Sertralin an toàn cho thai phụ.

2. Tâm lý liệu pháp

Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì cần kết hợp với biện pháp hỗ trợ về mặt tâm lý. Thai phụ sẽ được gặp các chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ chuyên khoa tâm lý học. Mục đích là để:

  • Thai phụ giải bày những bức xúc, sự ức chế, uất ức nội tâm.
  • Chia sẻ, đồng cảm với những nỗi buồn đau, mất mát, khổ tâm.
  • Đưa ra hướng giải quyết phù hợp, lạc quan hơn, vui vẻ hơn.
  • Hướng cho thai phụ có những suy nghĩ tích cực.
  • Động viên, an ủi, tránh tình trạng tự sát.
  • Giúp mẹ bầu điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp.
Tâm lý liệu pháp
Tâm lý liệu pháp.

3. Những biện pháp không dùng thuốc khác

Nói chung, nếu người mẹ được xác định bị trầm cảm khi mang thai thì việc dùng thuốc là tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh dùng thuốc thì thai phụ cũng nên áp dụng thêm một số biện pháp khác. Mục đích là hỗ trợ tâm lý, tăng sự vui vẻ, lạc quan. Một số biện pháp không dùng thuốc bao gồm:

  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Có thể dùng thêm thuốc hỗ trợ giấc ngủ có nguồn gốc thảo dược như Mimosa, Night Queen.
  • Nghe nhạc, thưởng thức những bài hát thuộc thể loại nhạc mà mình yêu thích.
  • Tập thể dục nhẹ, ngồi thiền, tập Yoga dành cho bà bầu.
  • Tham gia các câu lạc bộ, các lớp học hướng dẫn cách chăm sóc thai, chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Đi du lịch, giải trí, thư giãn đầu óc.
Nghe nhạc khi mang thai giúp thoải mái tinh thần
Nghe nhạc khi mang thai giúp thoải mái tinh thần.

Làm sao để phòng bệnh trầm cảm khi mang thai?

Để hạn chế tối đa những hậu quả không đáng có của bệnh trầm cảm, thai phụ cần nhận ra sớm những triệu chứng của bệnh. Mục đích là để có hướng điều trị phù hợp và kịp thời. Đối với những thai phụ chưa mắc bệnh trầm cảm nhưng có yếu tố nguy cơ, cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Không nên ở một mình, suy tư, trầm ngâm.
  • Tâm sự, trò chuyện với chồng, gia đình, bạn bè để san sẻ niềm vui, nỗi buồn.
  • Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai. Tránh làm việc quá sức, hạn chế thức khuya.
  • Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, không nên suy nghĩ hoặc lo lắng nhiều.
  • Khi có bất kỳ biến cố nào trong cuộc sống, cần đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Mục tiêu là để vượt qua được những stress, sốc tâm lý, vượt qua nỗi buồn.
  • Ăn uống đầy đủ. Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin giúp tăng cường sức đề kháng. Từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi mang thai.

Xem thêm: Dinh dưỡng khi mang thai như thế nào cho hợp lý?

Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ
Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để tránh trầm cảm khi mang thai.

Hy vọng qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu nhiều hơn về bệnh trầm cảm khi mang thai. Từ đó, những chị em phụ nữ, những mẹ bầu sẽ có kế hoạch chu đáo hơn cho thai kỳ của mình. Với mục đích là phòng bệnh cũng như chữa bệnh kịp thời và hiệu quả nhất. Hạn chế những hậu quả đáng tiếc mà bệnh có thể gây ra.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Depression during pregnancy: You're not alonehttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/depression-during-pregnancy/art-20237875

    Ngày tham khảo: 24/11/2020

  2. Depression During Pregnancyhttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/depression-during-pregnancy/

    Ngày tham khảo: 24/11/2020

  3. Depression & pregnancyhttps://www.thewomens.org.au/health-information/pregnancy-and-birth/mental-health-pregnancy/depression-pregnancy

    Ngày tham khảo: 24/11/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người