Sự phát triển và chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi
Nội dung bài viết
Có thể thấy khó tin, nhưng bạn đã vượt qua được nửa năm đầu tiên của con mình! Chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi, em bé của bạn đã bắt đầu học cách giao tiếp và ăn thức ăn rắn. Sau đây, YouMed sẽ đưa ra một số mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ 6 tháng tuổi mà bạn có thể mong đợi con mình đạt được cũng như cách chăm sóc trẻ hiệu quả.
1. Tăng trưởng
Trong vài tháng đầu đời, em bé của bạn phát triển với tốc độ khoảng 0,5 – 1 kg một tháng. Đến thời điểm hiện tại, bé có lẽ đã tăng ít nhất gấp đôi trọng lượng khi sinh. Khi trẻ 6 tháng tuổi, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại khoảng 0,5 kg một tháng. Tăng chiều cao cũng sẽ chậm lại, chỉ còn khoảng 6 cm mỗi tháng.
>> Hãy quan tâm đến việc tăng cân của bé. Nếu bé tăng quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt cho quá trình trưởng thành. Tìm hiểu kỹ hơn: Cân nặng trẻ sơ sinh như thế nào là hợp lý?
2. Kỹ năng vận động
Em bé của bạn có thể bắt đầu ngồi dậy một mình khi được 6 tháng. Để chuẩn bị sẵn sàng trước tiên, trẻ sơ sinh có thể tự chống đỡ bằng tay, nhưng theo thời gian, trẻ có thể bắt đầu buông tay và ngồi mà không cần hỗ trợ.
Trẻ 6 tháng tuổi có thể lăn từ lưng đến bụng và ngược lại. Một số em bé có thể tự đẩy mình xung quanh sàn nhà bằng phương pháp lăn này. Hoặc chúng có thể bò về phía trước hoặc phía sau – trượt quanh bụng trong khi chống đẩy xuống sàn. Bạn có thể nhận thấy bé đứng lên bằng tay và đầu gối, bé có thể lắc lư qua lại.
3. Giấc ngủ của trẻ 6 tháng tuổi
Giấc ngủ rất quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của em bé. Đảm bảo rằng con bạn ngủ 2 – 3 giấc mỗi ngày và ngủ gần 10 tiếng vào ban đêm. Bạn nên tuân theo một lịch trình ngủ cho trẻ và cố gắng cho trẻ ngủ gần như vào cùng một giờ mỗi ngày. Đảm bảo không có phiền nhiễu trong phòng khi trẻ đang ngủ. Hãy tạo ra một môi trường yên tĩnh và yên bình cho bé. Trẻ 6 tháng tuổi nhận thức khá rõ về môi trường xung quanh và có thể dễ bị phân tâm.
Giờ đây, em bé của bạn đã có thể lăn lộn một cách độc lập. Đừng lo lắng nếu bạn đặt bé nằm ngửa khi ngủ và bé thức dậy trong tư thế nằm sấp. Nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh thấp hơn nhiều ở 6 tháng so với trong vài tháng đầu đời.
>> Bạn có thể đọc thêm: Những điều cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
4. Các giác quan
Bạn có thể nhận thấy rằng đôi mắt của con bé đã thay đổi so với màu sắc lúc mới sinh. Đôi mắt có màu sáng hơn. Có thể trải qua một số lần thay đổi trước khi chuyển sang màu cuối cùng sau khoảng 6 tháng.
5. Ăn uống
Một trong những lời khuyên quan trọng nhất để chăm sóc một trẻ 6 tháng tuổi là chế độ ăn uống và dinh dưỡng của bé. Đến 6 tháng tuổi, bé đã sẵn sàng cho thức ăn đặc vì ở độ tuổi này không chỉ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tăng lên mà hệ tiêu hóa đang phát triển của bé cũng sẵn sàng cho thức ăn đặc. Ngoài ra, sữa mẹ sẽ thiếu chất sắt và chất này rất quan trọng đối với sự phát triển của con.
Nếu chưa bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc, bác sĩ nhi khoa có thể sẽ khuyên bạn nên cho ăn thức ăn đặc khi trẻ được 6 tháng. Bắt đầu với ngũ cốc tăng cường chất sắt trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi bé thích nghi với thức ăn đặc, hãy cho bé ăn từng loại trái cây và rau xay nhuyễn. Hãy đợi vài ngày mỗi khi bạn thử món mới để đảm bảo trẻ không bị dị ứng với nó.
Nếu bé có vẻ không thích một loại thức ăn mới, hãy đợi vài ngày rồi thử lại. Em bé là những sinh vật hay thay đổi và sở thích của chúng có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác.
Cho trẻ ăn từng loại thức ăn một để có thể theo dõi bất kỳ phản ứng nào như phát ban, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Hãy đợi cho đến khi bé ít nhất 1 tuổi mới cho bé uống mật ong, vì nó có thể mang vi khuẩn gây ngộ độc cho trẻ. Bạn cũng không nên cho bé uống sữa bò cho đến khi con bạn được ít nhất 1 tuổi. Mặc dù các sản phẩm làm từ sữa bò như sữa chua hoặc pho mát mềm đều tốt.
6. Giao tiếp
Trẻ 6 tháng tuổi sẽ mỉm cười và nói bập bẹ (“ma-ma”, “ba-ba”). Để giúp trẻ học ngôn ngữ, hãy đọc truyện cùng nhau mỗi tối.
Bé ở độ tuổi này bắt đầu nhận biết được mọi người và mọi vật xung quanh. Mặc dù bé có thể chưa nói hoặc chưa hiểu nhiều. Điều rất quan trọng là bạn phải nói chuyện, hát và đọc cho bé nghe. Bạn có thể chơi các trò chơi như ú òa, đọc sách có hình ảnh lớn hoặc đơn giản là hát ru cho bé nghe. Em bé của bạn đang lắng nghe bạn nói chuyện và xây dựng vốn từ vựng của mình.
Em bé sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái với những người thân quen – mẹ, bố, bà và ông, cũng như một vài món đồ chơi yêu thích. Bạn có thể thấy những dấu hiệu sợ hãi đầu tiên của bé khi ở bên người lạ hoặc trong những tình huống mới lạ.
7. Quá trình mọc răng của trẻ 6 tháng tuổi
Đến 6 tháng tuổi, em bé của bạn bắt đầu mọc răng. Đây có thể là một giai đoạn khó khăn đối với bé. Nướu của con bạn có thể cảm thấy ngứa và trẻ có thể chảy nước dãi liên tục. Bé sẽ bắt đầu đưa đồ vật vào miệng. Bạn nên mua đồ chơi tốt, đảm bảo an toàn cho trẻ mọc răng và đảm bảo rằng bạn giữ chúng sạch sẽ. Xoa bóp nướu của con bạn là một cách tốt để giảm ngứa.
>> Bố mẹ cũng đừng bỏ qua việc chăm sóc răng miệng cho bé ở giai đoạn này. Đọc thêm: Chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh: Không bao giờ là quá sớm!
8. Quay lại làm việc
Bạn có thể tìm một người bạn hoặc người thân bên cạnh trông trẻ. Nếu không, đây là một số mẹo để chọn một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em an toàn và đáng tin cậy:
-
Đến một số trung tâm chăm sóc trẻ em. Dành nhiều thời gian nhất có thể ở mỗi nơi để cảm nhận về những gì con bạn có thể trải qua tại đó. Nếu có thể, hãy đến không báo trước để xem trung tâm hoạt động như thế nào khi họ không chuẩn bị cho chuyến ghé thăm của bạn.
-
Kiểm tra để đảm bảo rằng cơ sở cung cấp một môi trường sạch sẽ, an toàn. Không được có các nguy cơ không an toàn rõ ràng. Chẳng hạn như dây điện treo lủng lẳng, ổ cắm mở hoặc… Các quy trình khẩn cấp phải được niêm yết rõ ràng.
-
Hỏi về tỉ lệ nhân viên trên số lượng trẻ em. Càng ít trẻ em trên mỗi nhân viên càng tốt. Thường quy định không quá 3 đến 6 bé cho mỗi một nhân viên giữ trẻ.
-
Tìm hiểu lý lịch của từng người sẽ chăm sóc con bạn. Đảm bảo rằng cơ sở tiến hành kiểm tra lý lịch của tất cả nhân viên cẩn thận, từ nhân viên chăm sóc trẻ em đến những người bảo trì.
-
Yêu cầu xem các chính sách bằng văn bản giải thích khi nào một đứa trẻ có thể hoặc không thể đi nhà trẻ vì bị ốm, bao gồm phát ban, sốt hoặc tiêu chảy.
-
Tìm hiểu những yêu cầu đối với tiêm chủng.
-
Hỏi xem bạn nên cung cấp những loại thức ăn nào cho em bé và những thức ăn nào có thể được cung cấp bởi nhà trẻ. Nếu muốn cung cấp tất cả thức ăn cho trẻ, hãy hỏi xem điều đó có được chấp nhận không và bạn cần cung cấp những gì.
Tóm lại, trẻ 6 tháng tuổi rất hiếu động. Bé có thể lăn, ngồi với sự hỗ trợ, nói bập bẹ một vài từ và làm nhiều việc khác. Em bé của bạn có thể cảnh giác với người lạ và có thể cảm thấy thoải mái với những người mà bé gặp thường xuyên. Bạn hãy để ý những dấu hiệu cho thấy con không đạt được những cột mốc quan trọng, chẳng hạn như bập bẹ, ngồi cần trợ giúp, mỉm cười, giao tiếp bằng mắt hoặc phản ứng với âm thanh. Nếu lo lắng rằng trẻ đã bỏ lỡ bất kỳ cột mốc quan trọng nào, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và điều trị hợp lý.
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.