Sùi mào gà ở nữ giới và những điều bạn nên biết
Nội dung bài viết
Sùi mào gà ở nữ còn được gọi là mụn cóc sinh dục ở nữ. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến ở cả hai giới. Vậy, bệnh có những biểu hiện lâm sàng nào cần lưu ý? Làm cách nào để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng ThS.BS Trần Quốc Phong tìm hiểu về bệnh lý sùi mào gà ở nữ giới qua bài viết sau đây.
Bệnh sùi mào gà ở nữ là gì?
Sùi mào gà ở nữ (mụn cóc sinh dục) là một loại bệnh nhiễm, lây truyền qua đường tình dục (STI). Bệnh do virus u nhú ở người Human Papiloma Virus (HPV) gây ra. Một người có thể mắc bệnh khi quan hệ bằng âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người mang virus.
Mụn cóc xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng cụm ở vùng sinh dục. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị virus HPV, nhưng bác sĩ có thể điều trị mụn cóc sinh dục.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sùi mào gà ở nữ
Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc sùi mào gà nếu không phòng bệnh đúng cách. Sùi mào gà ở nữ có biểu hiện là một hoặc nhiều mụn cóc xuất hiện trong hoặc xung quanh:
- Âm đạo.
- Âm hộ.
- Cổ tử cung.
- Hậu môn.
- Vùng bẹn và vùng đùi trên.
Vì virus cũng có thể lây lan qua đường miệng, mụn cóc đôi khi xuất hiện trên môi, miệng và cổ họng.
Mô tả một chút về mụn cóc sinh dục. Mụn cóc là loại mụn thịt nhỏ, số lượng mụn cóc có thể khác nhau. Các cụm mụn cóc có xu hướng phát triển theo hình dạng giống súp lơ. Mụn có màu giống da người bệnh, đôi khi sẫm hơn. Bề mặt có thể nhẵn hoặc thô ráp. Trong một vài trường hợp, mụn quá nhỏ nên khó nhận thấy bằng mắt thường.
Thông thường, mụn cóc sinh dục nổi lên vùng da, niêm mạc nhưng không gây triệu chứng. Đôi khi người bệnh có thể than như ngứa, nóng rát, đau, chảy máu,…
Các biến chứng có thể gặp do bệnh sùi mào gà ở nữ
Ung thư cổ tử cung đã được nghiên cứu có liên quan mật thiết với virus HPV gây sùi mào gà ở nữ. Nguy hiểm hơn, một số chủng HPV còn có thể gây ung thư tại âm hộ, hậu môn, miệng và cổ họng. Nhiễm virus HPV không phải lúc nào cũng dẫn đến ung thư, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ so với người chưa từng nhiễm. Vì vậy, phụ nữ cần làm xét nghiệm thường xuyên, nhất là người có tiền căn mắc chủng HPV nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, mụn cóc sinh dục có thể lan rộng làm cản trở quá trình tiểu tiện.
Đối với phụ nữ mang thai, mụn cóc làm hạn chế sự giãn rộng, kéo dài của các mô âm đạo khi sinh. Mụn cóc kích thước lớn trên âm hộ hoặc trong âm đạo có thể gây chảy máu kéo dài trong quá trình sinh nở.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, em bé sơ sinh được sinh ra từ người mẹ bị sùi mào gà có thể phát triển mụn cóc ở cổ họng. Khi đó, em bé được yêu cầu làm phẫu thuật để tránh tắc nghẽn đường thở.
Tại sao phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà?
Sùi mào gà ở nữ xuất hiện là kết quả của nhiễm virus HPV. Đây là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sùi mào gà là bệnh STI phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Theo thống kê, có đến 14 triệu ca nhiễm mới mỗi năm ở đất nước này.
Một người bị nhiễm HPV có thể truyền virus sang người khác qua:
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng không sử dụng biện pháp bảo vệ.
- Có sự tiếp xúc trực tiếp da kề da với bộ phận sinh dục.
- Chạm vào dịch nhầy chứa virus, huyết, mủ của người bệnh.
- Truyền từ mẹ sang con.
Mụn cóc sinh dục thường không xuất hiện ngay khi người phụ nữ mắc virus. Chúng sẽ “im hơi lặng tiếng” vài tháng, thậm chí vài năm để phát triển. Khi đó, người bệnh vô tình là nguồn lây cho bạn tình mà không biết. Vì vậy, bất kỳ người nào đã và đang có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị sùi mào gà. Một vài yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh có thể là:
- Hút thuốc lá.
- Người suy giảm miễn dịch.
- Phụ nữ dưới 30 tuổi.
Cách điều trị sùi mào gà ở nữ
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào nhận thấy sự xuất hiện mụn cóc sinh dục, người bệnh hãy đến phòng khám chuyên khoa uy tín. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp nhất với từng người.
Mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ lây truyền và giảm nhẹ triệu chứng (đau, ngứa), ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh.
Xem thêm: Sùi mào gà ở phụ nữ có thai!!!
Chẩn đoán
Các chuyên gia thường chẩn đoán sùi mào gà ở nữ qua thăm khám sức khỏe. Để quan sát mụn cóc sinh dục rõ hơn, bác sĩ có thể soi cổ tử cung hoặc bôi giấm vào vùng sinh dục. Đôi khi, bác sĩ sẽ lấy một mẩu nhỏ mụn cóc và gửi đi phân tích. Việc này sẽ giúp khẳng định chẩn đoán.
Điều trị
Hiện không có phương pháp điều trị virus HPV. Hệ miễn dịch của người bình thường sẽ tự thải trừ virus theo thời gian. Nếu mụn cóc sinh dục gây khó chịu hoặc đau đớn, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị làm giảm nhẹ triệu chứng hoặc loại bỏ mụn cóc. Đồng thời, điều trị đúng lúc cũng làm giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Một vài loại thuốc bôi tại chỗ có thể được chỉ định bao gồm: Podofilox, Imiquimod, Podophyllin, Trichloroacetic Acid…
Đối với những trường hợp mụn cóc lớn hoặc khó điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ mụn cóc. Có một số phương pháp như sau:
Phương pháp áp lạnh
Mụn cóc được đông lạnh bằng nito lỏng. Phương pháp này đôi khi làm người bệnh nóng rát, đau và phồng rộp.
Phẫu thuật cắt bỏ
Bác sĩ sẽ cắt bỏ mụn cóc sau khi thực hiện gây tê cục bộ cho người bệnh.
Đốt điện
Bác sĩ tiến hành đốt mụn cóc ngoài da bằng thiết bị điện. Để giảm đau trong quá trình điều trị, người bệnh có thể được gây tê cục bộ hoặc toàn thân.
Liệu pháp laser
Bác sĩ sử dụng chùm sáng mạnh để tiêu diệt hoàn toàn mụn cóc. Phương pháp này có nhược điểm là gây đau và kích ứng ở người bệnh.
Có một lưu ý đặc biệt quan trọng là người bệnh không tự ý áp dụng phương pháp điều trị bất kỳ loại mụn cóc nào khác để trị mụn cóc sinh dục. Điều này không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần biết rằng: Loại bỏ mụn cóc sinh dục không đồng nghĩa với loại bỏ HPV. Mụn cóc hoàn toàn có thể trở lại sau điều trị, và người bệnh vẫn có khả năng truyền virus cho người khác. Đeo bao cao su khi quan hệ có thể giúp ngăn ngừa phần nào, nhưng không phải hoàn toàn.
Cách phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở nữ giới
Mang bao cao su khi quan hệ tình dục giúp phòng ngừa sùi mào gà ở nữ. Tuy nhiên, vì bao cao su không thể bao phủ hoàn toàn bộ phận sinh dục nên không thể đảm bảo 100% khả năng phòng bệnh.
Các phương pháp ngừa thai khác không bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ nhiễm HPV. Hãy nói với bạn tình nếu phát hiện bản thân bị mụn cóc sinh dục.
Tiêm phòng HPV là phương pháp hiệu quả bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ nhiễm các loại virus gây mụn cóc sinh dục hoặc ung thư cổ tử cung. CDC khuyến nghị chủng ngừa HPV cho tất cả trẻ em từ 11 -12 tuổi và cho tất cả phụ nữ 13 – 26 tuổi. Tuy nhiên, không khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa HPV cho phụ nữ đang mang thai.
Ngưng sử dụng thuốc lá cũng là phương pháp hiệu quả phòng ngừa nguy cơ sùi mào gà ở nữ.
Xem thêm: Tìm hiểu xét nghiệm xác định virus HPV
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý sùi mào gà ở nữ. Đây là bệnh STI phổ biến nhất, hiện tại vẫn chưa thể điều trị dứt điểm virus HPV. Bệnh dễ mắc, khó chữa, và dễ tái phát nên quan trọng nhất là phải luôn đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục. Hãy đến gặp chuyên gia ngay khi phát hiện mụn cóc để được điều trị, cũng như giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What to know about genital warts in womenhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/324679
Ngày tham khảo: 30/08/2021
-
Genital wartshttps://www.womenshealth.gov/a-z-topics/genital-warts
Ngày tham khảo: 30/08/2021