Suy thận cấp độ 2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Suy thận mạn tính bao gồm năm giai đoạn với những triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Bệnh thận thường tiến triển thầm lặng và chỉ khởi phát khi chức năng thận giảm xuống vô cùng rõ rệt. Bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số dấu hiệu nhận biết suy thận cấp độ 2 và cách điều trị. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu nhận biết bạn bị suy thận cấp độ 2
Suy thận mạn tính đặc trưng bởi tổn thương cấu trúc hoặc chức năng của thận, gây suy giảm độ lọc cầu thận. Hiện nay, người ta thường dùng thuật ngữ bệnh thận mạn để chỉ loại bệnh lý này.
Bệnh thận mạn gồm 5 giai đoạn, và suy thận cấp độ 2 là giai đoạn đã có tổn thương đến chức năng thận, với mức lọc cầu thận từ 60 đến 89 mL/phút/1,73m2. Lúc này, thận vẫn còn khả năng bù trừ cho các cấu trúc bị tổn thương. Vì vậy, suy thận giai đoạn 2 khó có thể phát hiện ngay qua các triệu chứng thông thường. Việc phát hiện bệnh nhân suy thận thường chỉ ở giai đoạn diễn tiến nặng hoặc vô tình khi khám bệnh.1
Mặc dù vậy, một số bệnh nhân vẫn có thể có một số triệu chứng sau đây:2 3
- Mất ngủ.
- Nhức đầu, mệt mỏi.
- Suy nhược cơ thể.
- Khô da, da nổi mẩn ngứa.
- Khó thở, đau lưng.
- Giảm cảm giác thèm ăn và ngon miệng.
Khi có các triệu chứng kể trên, bạn nên nhanh chóng đến phòng khám để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn.
Xem thêm: Các cấp độ suy thận và những thông tin bạn cần biết
Nguyên nhân suy thận cấp độ 2
Suy thận thường là do tổn thương đến cấu trúc hoặc chức năng của thận, kéo dài trên 3 tháng. Đặc biệt, nó thường do các loại bệnh lý khác gây nên. Hãy cùng bác sĩ tìm hiểu một số loại bệnh lý có thể dẫn đến suy thận nhé:1 2
Đái tháo đường
Đây là nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến suy thận. Việc tăng đường máu có thể làm tổn thương cấu trúc của các màng lọc cầu thận. Kéo dài có thể tiến triển đến suy thận mạn. Vì vậy, những bệnh nhân có đái tháo đường nên kiểm tra đánh giá chức năng thận thường xuyên để phát hiện và điều trị bệnh thận kịp thời.
Sỏi thận
Sỏi thận có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Về lâu dài có thể làm giảm chức năng thận, dẫn đến suy thận mạn. Sỏi thận thường gây đau bụng dữ dội, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm cầu thận
Một số loại tác nhân như vi khuẩn cũng có thể làm tổn thương cấu trúc và chức năng thận. Gây ra bệnh viêm cầu thận, viêm ống thận mô kẽ… Dần dần cũng gây suy giảm chức năng thận.
Suy thận cấp độ 2 có nguy hiểm không?
Suy thận có thể ảnh hưởng đến rất nhiều hệ cơ quan. Đặc biệt có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Song suy thận độ 2 vẫn được xem là giai đoạn đầu của bệnh suy thận. Và vẫn được coi là nhẹ trong tổng thể tiến triển của bệnh. Giai đoạn này vẫn chưa quá nguy hiểm, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể hạn chế các bước tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, để quá trình điều trị diễn ra an toàn suôn sẻ. Người bệnh nên tuân theo hoàn toàn chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Nếu không, nó có thể nhanh chóng tiến triển đến mức độ nặng hơn. Gây suy giảm chức năng thận rõ rệt, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Cách chẩn đoán suy thận cấp độ 2
Để chẩn đoán suy thận giai đoạn 2, quan trọng nhất không phải là triệu chứng ở người bệnh mà là các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Khi nghi ngờ người bệnh đang có tình trạng suy thận, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:1 2 3
- Xét nghiệm máu kiểm tra độ lọc cầu thận (eGFR). Xét nghiệm này giúp đánh urea và creatinin máu. Từ đó giúp bác sĩ ước đoán chức năng thận của bạn một cách tương đối. Nếu có suy giảm chức năng thận, các bác sĩ thể sẽ tiến hành thêm một vài xét nghiệm chuyên biệt nữa để việc điều trị diễn ra tốt nhất.
- Xét nghiệm nước tiểu. Việc đánh giá các thành phần trong nước tiểu giúp cung cấp thông tin sơ bộ về chức năng thận. Từ đó giúp bác sĩ định hướng điều trị.
- Siêu âm bụng để đánh giá hình thái và cấu trúc của thận.
- Đôi khi, các bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết thận. Loại thủ thuật này giúp họ đánh giá chính xác nguyên nhân gây tổn thương thận. Từ đó có hướng xử trí và điều trị phù hợp.
Xem thêm: Acid uric trong máu có vai trò như thế nào?
Cách điều trị suy thận cấp độ 2
Hiện nay, điều trị suy thận giai đoạn 2 thường phối hợp giữa điều trị nguyên nhân và cải thiện lối sống. Khi độ lọc cầu thận chưa giảm quá nhiều, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa.
Việc điều trị dựa trên các nguyên tắc cốt lõi là hạn chế tiến triển xấu của bệnh. Đồng thời giảm thiểu tác động của suy thận lên các hệ cơ quan khác. Mặt khác, bệnh nhân nên kết hợp với một lối sống lành mạnh để việc điều trị thuận lợi và mang lại hiệu quả cao. Bệnh nhân nên xây dựng một chế độ sống sau đây:3
- Chế độ ăn phù hợp. Giảm thiểu lượng muối và thịt hằng ngày, tăng cường bổ sung nước, rau và khoáng chất.
- Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột.
- Duy trì huyết áp ở mức ổn định.
- Hạn chế uống rượu bia và sử dụng thuốc lá.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao.
Tóm lại, suy thận cấp độ 2 vẫn được xem là giai đoạn đầu của bệnh. Nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời thì không quá nguy hiểm. Bệnh tiến triển thầm lặng, và ít khi gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Vì vậy, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, xây dựng một chế độ ăn và lối sống khoa học để phòng ngừa nguy cơ mắc suy thận tiến triển.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Symptoms, causes, and treatment of chronic kidney disease (CKD)https://www.medicalnewstoday.com/articles/172179
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Everything You Should Know About Stage 2 Kidney Diseasehttps://www.healthline.com/health/stage-2-kidney-disease
Ngày tham khảo: 06/04/2022
-
Can You Recover From Stage II CKD?https://www.medicinenet.com/can_you_recover_from_stage_ii_ckd/article.htm
Ngày tham khảo: 06/04/2022