YouMed

Tác dụng của kem chống nắng: Bạn đã biết hết?

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Kem chống nắng hiện nay được sử dụng rất phổ biến nhất là những ngày trưa hè nóng bức. Nhiều bạn nam không quan tâm đến nước da nên thường bỏ qua sản phẩm này. Tuy nhiên kem chống nắng không chỉ giúp ngăn sạm da, cháy nắng. Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu về các tác dụng của kem chống nắng mà có thể bạn chưa biết hết.

Ánh nắng ảnh hưởng như thế nào đến da bạn?

Tuy có tác động tích cực cho xương, răng xong ánh nắng mặt trời cũng có những tác hại nhất định. Trong ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia tử ngoại như UVA, UVB, UVC. Trong đó UVA có bước sóng dài nhất và năng lượng thấp nhất có trong ánh nắng buổi sáng. UVA gây ung thư da, sạm nám, tàn nhang và nếp nhăn. Còn tia UVb có nhiều trong ánh nắng buổi trưa với cường độ mạnh nhất từ khoảng 9h – 16h, gây hiện tượng cháy nắng và ung thư da.

Ánh nắng gây sạm da
Ánh nắng gây sạm da

Cháy nắng đen da, tàn nhang, lão hóa gây ảnh hưởng thẩm mỹ có thể ai cũng nhìn ra. Tuy nhiên tác động nguy hiểm hơn cho sức khỏe như các tổn thương da khiến nhạy cảm, bỏng nắng; ung thư da sẽ chỉ biểu hiện sau khoảng thời gian lâu sau đó. Do đó để tránh điều trị khó hơn thì sử dụng các biện pháp chống nắng thực sự cần thiết.

Xem thêm: Tàn nhang: Tất tần tật những điều cần biết

Tác dụng của kem chống nắng

Kem chống nắng giống như một lớp phủ ngoài da, ngăn da tiếp xúc với các bức xạ gây hại. Do đó nó có thể làm giảm và ngăn ngừa lão hóa da, các vết nám và tàn nhang. Ngoài ra một số nhà sản xuất còn bổ sung tác dụng của kem chống nắng khác là  dưỡng ẩm hoặc nâng tông da. Và các công dụng này tương tự như phấn nền, thích hợp dùng khi trang điểm.

Sản phẩm chống nắng rất quan trọng vừa để làm đẹp da vừa để bảo vệ da. Đối với một số trường hợp sử dụng các thuốc hoặc sản phẩm gây nhạy cảm ánh sáng; những bệnh nhân bị bỏng hay đang mọc da non thì da càng dễ tổn thương bởi UV. Do đó, ở những người này cũng cần sử dụng kem chống nắng theo khuyến nghị của bác sĩ. Và hãy sử dụng kem chống nắng phổ rộng để bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB.

Thành phần trong kem chống nắng

Hoạt chất chống nắng

Hoạt chất chống nắng trong từng sản phẩm phụ thuộc cơ chế chống nắng của kem. Theo cơ chế kem chống nắng được chia làm 2 loại: kem chống nắng vật lý và hóa học.

  • Kem chống nắng vật lý còn gọi là sunblock có thành phần chính là oxit kẽm hoặc titanium dioxide. Vì vậy nó có ưu điểm là dùng được cho da nhạy cảm. Kem tạo một lớp dày trước da nên khả năng che phủ lâu và bảo vệ da tốt hơn. Tuy nhiên sản phẩm để lại một lớp mờ đục khi bôi lên da, để lâu sẽ gây bí da. Hiện nay, công nghệ tạo kết cấu kem từ các vi hạt đã cải thiện phần nào nhược điểm trên.
  • Kem chống nắng hóa học hay sunscreen chứa rất nhiều thành phần như avobenzone, sulisobenzone, oxybenzone và acid para-aminobenzoic (PABA). Các chất này giúp kem thẩm thấu và chuyển hoá tia UV thành tia có năng lượng thấp hơn. Vì thế mà ánh nắng yếu hơn trước khi chúng làm tổn thương da và trở nên vô hại hơn. Tuy nhiên các chất này cũng dễ gây kích ứng hơn ở những người da nhạy cảm.

Chất dưỡng ẩm

Một số nhà sản xuất hiện nay hướng tới các sản phẩm chăm sóc da toàn diện nên thường bổ sung các chất dưỡng ẩm ngay trong kem chống nắng. Chất giữ ẩm bao gồm glycerin, ceramide, sodium hyaluronate và collagen. Thậm chí có thể chọn nguyên liệu dưỡng ẩm từ thiên nhiên như lô hội và bột ca cao.

Vitamin

Kem chống nắng có thể được bổ sung thêm vitamin E, vitamin C. Đây là các chất chống oxy hóa giúp giảm nếp nhăn, tăng cường công dụng chống nắng. Ngoài ra vitamin C còn có tác dụng làm sáng da, cải thiện sắc tố.

Hương liệu, cồn

Hương liệu thường được thêm vào với một số hoạt chất chống nắng có mùi khó chịu. Còn cồn có vai trò rút ngắn thời gian thẩm thấu, giúp kem khô nhanh. Tuy nhiên hương liệu và cồn lại là những chất dễ gây kích ứng. Do đó kem chống nắng không cồn, không hương liệu sẽ an toàn hơn.

Các chỉ số chống nắng

Chỉ số SPF (sun protection factor)

Chỉ số này đánh giá thời gian còn tác dụng chống tia UV của sản phẩm. Dựa theo định mức quốc tế, ta có thể coi 1 SPF tương ứng khoảng 10 – 15 phút tác dụng chống nắng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố môi trường mà thực tế thời gian chỉ bằng khoảng 50 – 60% lý thuyết. Đồng nghĩa với chỉ số SPF 30 thì có thời gian chống nắng khoảng 200 phút.

Chỉ số PA (protection factor of UVA)

Chỉ số PA nói lên khả năng, mức độ bảo vệ da khỏi tia UVA của kem chống nắng. PA+ có hiệu quả chống tia UVA 40-50%, PA++ khoảng 60-70% và PA+++ có hiệu quả cao nhất trên 90%.

Tác hại của kem chống nắng

Kem chống nắng sẽ trở nên gây hại nếu bạn bị dị ứng với sản phẩm. Phản ứng dị ứng nhẹ thường khởi đầu bằng dấu hiệu ngứa, đỏ da, nổi mẩn phồng rộp. Phạm vi dị ứng có thể xảy ra ở mọi vùng da trên cơ thể tiếp xúc với sản phẩm. Và tần suất hay gặp nhất là vùng da mặt, cánh tay. Nguyên nhân do đây là những nơi da nhạy cảm hoặc thường được bôi lượng lớn kem chống nắng.

Dị ứng kem chống nắng
Dị ứng kem chống nắng

Để đảm bảo an toàn, bạn nên test kem trên vùng da nhỏ ở cánh tay. Nếu có các dấu hiệu trên bạn phải ngưng ngay sản phẩm đang dùng. Hãy rửa vùng da tiếp xúc với kem chống nắng bằng nước sạch nhiều lần kết hợp dưỡng ẩm da. Trường hợp nặng hơn có thể phải kiểm tra tại bệnh viện và dùng thuốc kháng dị ứng, kháng viêm. Các triệu chứng nặng đó bao gồm tức ngực, khó thở, khò khè, sưng da, buồn nôn, da xanh tái.

Trên đây là các thông tin cơ bản cần biết về thành phần cũng như tác dụng của kem chống nắng. Hy vọng những thắc mắc của bạn đã được giải đáp và chúc bạn có một làn da khỏe mạnh trong những ngày hè này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Sunscreen vs. Sunblock: Which One Should I Use?https://www.healthline.com/health/sunscreen-vs-sunblock

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người