Tăng tiết mồ hôi tay chân: dấu hiệu, nguyên nhân và xử trí
Nội dung bài viết
Đổ mồ hôi là quá trình giúp thoát nhiệt tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, đổ mồ hôi quá mức có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiểm ẩn. Trong đó, tăng tiết mồ hôi tay chân là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Qua bài viết này, YouMed sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề.
Tại sao tăng tiết mồ hôi tay chân
Tăng tiết mồ hôi là hiện tượng cơ thể đáp ứng với các điều kiện bất lợi của môi trường. Mồ hôi giúp hạ nhiệt độ cơ thể, cân bằng nước và điện giải, đào thải độc tố. Song, đổ mồ hôi cũng có thể là biểu hiện của bệnh gây kích hoạt hệ thống thần kinh chi phối quá mức. Tăng tiết mồ hôi là một vấn đề cần chú ý nếu nó kéo dài hơn sáu tháng mà không rõ nguyên nhân, kèm hai trong số các dấu hiệu sau:
- Đổ mồ hôi cả hai bên tay, chân.
- Ít nhất xảy ra một đợt mỗi tuần.
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người mắc.
- Người trẻ bị đổ mồ hôi < 25 tuổi.
- Không bị đổ mồ hôi đêm.
- Tiền căn gia đình có người có triệu chứng tương tự.
Tăng tiết mồ hôi tay chân cũng có thể được chẩn đoán nhờ vào các xét nghiệm đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ. Song, chúng không sử dụng thường xuyên, chủ yếu dựa vào thực tế triệu chứng của người bệnh.
Đây là bệnh hay sinh lý bình thường?
Đổ mồ hôi tay chân không phải là triệu chứng đáng ngại, nếu nó xảy ra trong những hoàn cảnh sau:
- Stress hoặc lo lắng quá mức.
- Ăn nhiều đồ nóng, cay.
- Thời tiết ẩm, nóng.
- Cảm xúc mạnh như sợ hãi, tức giận,…
- Vận động quá sức và thường xuyên.
Mồ hôi sẽ giảm đáng kể sau khi bạn ngưng các hoạt động đó. Người béo phì và phụ nữ mãn kinh cũng là những đối tượng dễ bị tăng tiết mồ hôi tay chân sinh lý. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi không xảy ra trong những điều kiện trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để tầm soát những bệnh lý:
- Bệnh nhiễm trùng như lao,…
- Bệnh nội tiết: cường giáp, đái tháo đường, hạ đường huyết, bệnh tuyến thượng thận,…
- Bệnh thần kinh: Parkinson, đột quị, chấn thương tủy sống,…
- Bệnh ác tính: ung thư, u bướu,…
- Nghiện rượu, lạm dụng thuốc
Khi mắc những bệnh lý này, người bệnh có thể sẽ bị tăng tiết mồ hôi nhiều vị trí khác.
Triệu chứng ảnh hưởng như thế nào?
Tăng tiết mồ hôi ít khi gây ra những biến chứng nặng nề. Những biến chứng mà người mắc mắc phải chủ yếu do triệu chứng xảy ra thường xuyên và nặng nề mà không điều trị. Tăng tiết mồ hôi tay chân không chỉ gây ra các vấn đề da liễu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người mắc.
Ảnh hưởng đến quan hệ xã hội, sinh hoạt và cảm xúc người bệnh.
Đổ mồ hôi tay chân làm họ khó khăn trong công việc, nhất là khi phải cầm nắm giấy tờ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc làm và sinh hoạt thường ngày của họ. Ngoài ra, ngại tiếp xúc, bắt tay, mang dép cũng là vấn đề mà triệu chứng gây ra. Các cuộc xã giao bị trì hoãn và người bệnh hạn chế hoạt động giao tiếp.
Da ẩm, mỏng
Da tay chân thường xuyên bị ướt làm cho nó mềm nhũn và mỏng hơn. Qua đó dễ bị chấn thương hơn, dù với vết thương nhẹ cũng gây ra tổn thương nặng nề. Hơn nữa, mồ hôi cũng làm vết thương lâu lành.
Nhiễm nấm
Tổn thương ẩm ướt thường xuyên tạo điều kiện cho nấm phát triển. Người bệnh thường xuyên bị ngứa, gãi và dễ làm tổn thương da làm bệnh thêm nặng. Nấm có thể ảnh hưởng đến cả tay và chân.
Mùi hôi
Mồ hôi có mùi khi vi khuẩn phát triển trong điều kiện ẩm ướt thường xuyên. Hôi chân là triệu chứng thường gặp, mang giày chật, thường xuyên đi lại càng làm mồ hôi tăng tiết.
Nhiễm trùng da
Đây là biến chứng nặng nề nhất. Mồ hôi nhiều kèm vết thương hở là môi trường tốt cho vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh. Bệnh có thể rất nặng nề và phải nhập viện để điều trị.
Các cách điều trị tăng tiết mồ hôi tay chân
Có nhiều cách điều trị triệu chứng, trong đó chất chống tiết mồ hôi, điện chuyển ion và botulinum được ưu tiên áp dụng cho người bệnh.
Chất chống tiết mồ hôi
20% aluminum chloride hexahydrate thoa giúp giảm tình trạng đổ mồ hôi, dùng vào ban đêm. Hiệu quả trong vòng một tuần, phù hợp cho người bị triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, da có thể bị kích ứng trong thời gian sử dụng, để giảm tình trạng này, luôn giữ da khô trước khi thoa.
Điện chuyển ion
Điện chuyển ion là sử dụng dòng điện để điều trị giảm tăng tiết mồ hôi. Phương pháp này đặc biệt hữu hiệu vấn với tăng tiết mồ hôi tay chân. Điều trị mỗi tuần ba lần, 20-30 phút mỗi lần và triệu chứng sẽ giảm trong vòng 2-4 tuần, có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ hướng dẫn. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp khác đi kèm như thuốc uống, thuốc thoa để đạt mục tiêu nhanh nhất. Điện chuyển ion phải mất thời gian điều trị và có thể gây khô, nứt da, nổi ban và mụn nước. Thoa kem dưỡng ẩm trước khi thực hiện có thể giúp giảm các vấn đề trên.
Botulinum
Botulinum tiêm da an toàn và hiệu quả trong điều trị đổ mồ hôi tay chân. Kết quả thấy ngay trong vòng một tuần và kéo dài nhiều tháng, nhưng phải lặp lại điều trị nhiều lần. Botulinum có thể gây đau và liệt cơ, tuy nhiên đây là những triệu chứng thoáng qua và có thể hồi phục sau một thời gian ngắn.
Các biện pháp khác
Chăm sóc bàn tay, bàn chân thường xuyên cũng là một cách đơn giản giảm tăng tiết mồ hôi tay chân.
- Thường xuyên thay giày, vớ.
- Sử dụng bột hoặc tấm lót giày hút ẩm.
- Không mang giày bịt kín chân.
- Khuyến khích sử dụng giày da, bông, len hút ẩm.
- Nên có khăn lau cá nhân.
- Rửa tay chân thường xuyên bằng xà bông diệt khuẩn.
Tăng tiết mồ hôi tay chân không phải là bệnh lý nếu triệu chứng chỉ xảy ra thoáng qua trong điều kiện hợp lý. Song, bạn nên chú ý nếu chúng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của mình. Dù sao, có rất nhiều cách điều trị khác nhau giúp cải thiện tình trạng triệu chứng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, đừng ngại đến hỏi bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Common Complications of Hyperhidrosishttps://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/common-complications-of-hyperhidrosis
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
Palmar hyperhidrosis: clinical, pathophysiological, diagnostic and therapeutic aspectshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5193180/
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
Primary focal hyperhidrosishttps://www.uptodate.com/contents/primary-focal-hyperhidrosis?search=hand%20hyperhidrosis&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H22252377
Ngày tham khảo: 12/08/2021
-
Palmoplantar Hyperhidrosis: A Therapeutic Challengehttps://www.aafp.org/afp/2004/0301/p1117.html
Ngày tham khảo: 12/08/2021