Cách lựa chọn que thử đường huyết hiệu quả và tiết kiệm
Nội dung bài viết
Que thử đường là dụng cụ cần thiết để định lượng đường trong máu của bạn. Cùng với máy thử, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, điều trị, và tầm soát bệnh. Nếu bạn đang tìm mua cho mình que thử đường huyết, bài viết sau đây của ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn lựa chọn được một sản phẩm hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Tổng quan về chỉ số đường huyết
Đường huyết luôn thay đổi theo từng thời gian trong ngày, thuốc điều trị, chế độ ăn, vận động,… Đây là giá trị được sử dụng để thể hiện khả năng chuyển hóa đường trong cơ thể. Ngưỡng bình thường của đường huyết được quy định khác nhau tùy tình huống. Các chỉ số đường huyết bình thường cụ thể như sau:
- Đường huyết đo tại thời điểm bất kỳ trong ngày luôn < 200 mg/dL hay : < 11.1 mmol/L.
- Đường huyết đo sau khi nhịn ăn ít nhất 8h: 72 – 99 mg/dL hay 4 – 5.4 mmol/L.
- Đường huyết đo 2h sau khi ăn: < 140 mg/dL hay < 7.8 mmol/L.
Biết được những trị số này đã giúp bạn biết được cách diễn giải kết quả đường huyết của mình chính xác.
Que thử đường huyết là gì?
Vai trò que thử đường huyết
Que thử đường huyết giúp tầm soát bệnh lý đái tháo đường đối với người không có bệnh. Hơn nữa, từ đó giúp dự đoán nguy cơ tiến triển bệnh và phân tầng mức độ. Đối với người mắc đái tháo đường, que thử và máy thử là công cụ theo dõi bệnh hiệu quả; ngoài ra chúng giúp bác sĩ đánh giá mục tiêu điều trị tốt hơn.
Nguyên lý hoạt động
Que thử đường huyết hoạt động trên nguyên tắc phản ứng hóa sinh và điện học diễn ra trong máy. Qua đó, chúng dựa trên các thuật toán được lập trình sẵn để tính toán kết quả đường máu. Tuy nhiên, quy trình thực hiện rất quan trọng, sai sót trong lúc lấy mẫu xét nghiệm ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả. Điều này có thể đưa các kết quả sai, ảnh hưởng đến việc theo dõi điều trị của người bệnh.
Hướng dẫn sử dụng que thử đường huyết đúng
Bạn hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng. Và để hạn chế tối thiểu sai số, ThS.BS Vũ Thành Đô đưa ra quy trình xét nghiệm đường huyết chung như sau:
- Hãy rửa tay sạch với nước và xà bông trước khi thực hiện, nhất là vị trí cần lấy máu. Lau khô tay bằng khăn hay giấy sạch.
- Sát trùng vùng da cần lấy máu bằng gạc tẩm cồn, và để khô tự nhiên. Cần chú ý phải để khô hoàn toàn.
- Lấy ra một que thử từ trong hũ. Đậy nắp hộp kín và không làm dơ que thử
- Đặt que thử vào máy tại đầu đặt.
- Đưa đầu ngón tay vào đầu kim để chích lấy máu. Nên lấy máu ở cạnh ngón thay vì mặt lòng ngón tay để giảm đau.
- Giọt máu đầu tiên phải được lau đi, để máy lấy những giọt máu sau cho tới khi vừa đủ.
- Đợi vài phút và đọc kết quả. Trong khi đó, dùng gòn sạch ấn chặt vùng chảy máu cho tới khi ngừng chảy.
Các sai lầm hay gặp
Dù có quy trình chuẩn, nhưng các sai số vẫn thường xuyên xuất hiện. Những sai sót này chủ yếu do người thực hiện và một số vấn đề khác như:
- Que thử đường huyết hết hạn.
- Que đặt vào máy không đúng vị trí.
- Rửa tay chưa sạch.
- Máu được lấy chưa đủ để xét nghiệm.
- Que thử bị hư do bảo quản trong môi trường ẩm thấp, tiếp xúc ánh sáng mặt trời, quá lạnh,…
- Que thử bị dơ, bị rách.
- Máy thử và que thử không cùng thương hiệu, do đó xảy ra sự không tương thích.
- Tay quá lạnh hay quá nóng, ướt.
- Người bệnh thiếu máu.
Hiểu được các vấn đề trên, bạn có thể thay đổi cách làm của mình để đạt được kết quả chính xác nhất.
Cách lựa chọn que thử đường huyết
Có rất nhiều loại que thử hiện nay. Mỗi loại có những ưu nhược điểm khác nhau, do đó bạn nên quan tâm đến tính phù hợp của sản phẩm trước khi chọn lựa. Một số thông tin bạn cần lưu ý khi chọn mua là:
- Bảo hành: Các que thử có thời hạn bảo hành từ 3-6 tháng, do đó, hãy mua số lượng phù hợp.
- Giá cả: Phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế người dùng.
- Dễ sử dụng: Tiêu chí này có thể bao gồm nhiều vấn đề như: dễ mang đi, dễ thao tác, dễ bảo quản,…
- Các tính năng đặc biệt như que thử bản to, lấy máu ít,…
Các que thử đường huyết có trên thị trường
Hiện nay có rất nhiều loại que thử trên thị trường. Bạn có thể tìm mua chúng ở bất kỳ cửa hàng dụng cụ y tế nào, thậm chí cả trong bệnh viện và một số nhà thuốc. Hãy nhờ sự tư vấn của người bán để tìm được cho mình một sản phẩm phù hợp. Các que thử đường huyết bạn có thể tham khảo là:
- Abbott Optium Plus, Abbott Freestyle.
- Accu-Chek Aviva, Accu-Chek Active, Accu-Chek Advantage, Accu-Chek Compact.
- AgaMatrix WaveSense Jazz.
- Bayer Contour, Bayer Contour NEXT.
- B Braun Omnitest 3.
- Glucoflex-R, GlucoRx.
- IME-DC.
- OneTouch Ultra, OneTouch Vita, OneTouch Verio.
- Menarini GlucoMen Lx Sensor, Menarini GlucoMen Visio Sensor.
- MyLife Pura.
- Nipro Diagnostics TRUEresult, Nipro Diagnostics TRUEone.
- Sanofi BGStar.
- Spirit CareSens N Blood.
Các que thử có thể được bán lẻ hay bán chung với máy thử, tùy nhu cầu người mua. Trung bình mỗi hũ sản phẩm có 50 que thử, mỗi que thử chỉ sử dụng một lần. Hãy tìm mua sản phẩm tương thích với máy thử của bạn để tránh các sai số không đáng có. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra sự nguyên vẹn của mặt hàng và hỏi người bán về các thông tin sản phẩm.
Que thử đường huyết có thể tìm mua được từ nhiều cửa hàng hiện nay. Song, quan trọng hơn hết, bạn cần phải lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy hỏi bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn thêm và rõ ràng hơn. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích đến với đến đọc giả. Đồng thời hy vọng bạn sẽ sử dụng que thử đường hiệu quả và chính xác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Blood glucose meter: How to choosehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/blood-glucose-meter/art-20046335
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Blood glucose monitoringhttps://www.healthline.com/health/blood-glucose-monitoring
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Diabetes Test Stripshttps://www.diabetes.co.uk/diabetes_care/diabetes-test-strips.html
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Blood Sugar Level Rangeshttps://www.diabetes.co.uk/diabetes_care/blood-sugar-level-ranges.html
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Blood glucose monitors: What factors affect accuracy?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/expert-answers/blood-glucose-monitors/faq-20057902
Ngày tham khảo: 16/07/2021