YouMed

Tật dính thắng lưỡi: những thông tin bạn cần biết

bác sĩ huỳnh thị như mỹ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ
Chuyên khoa: Da liễu

Dính thắng lưỡi ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh không hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đây lại là dị tật thường không được phát hiện sớm. Trẻ thường không được phát hiện sớm vào những tháng đầu sau sinh. Khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay lên cân chậm mới dần phát hiện. Vậy hãy cùng YouMed tìm hiểu về tật dính lưỡi để phát hiện sớm nếu người thân bạn mắc phải nhé.

1. Những thông tin chung về tật dính thắng lưỡi 

Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhỏ ở dây thắng lưỡi (hoặc phanh lưỡi, hãm lưỡi). Trong trường hợp này, dây thắng lưỡi sẽ bị ngắn, dày hoặc chắc một cách bất thường làm giới hạn hoạt động của lưỡi hoặc kéo lưỡi dính sát vào sàn miệng.

Dính lưỡi có thể ảnh hưởng ít nhiều đến ăn uống, nói và nuốt ở trẻ. Dị tật này gặp ở 1-10% dân số.

2. Đặc điểm dịch tễ học của dính thắng lưỡi

Dính thắng lưỡi gặp nhiều hơn ở trẻ nam so với trẻ nữ (từ 1,1:1 đến 3:1). Hầu hết các trường hợp được cho là xảy ra ngẫu nhiên hơn là do di truyền. Tật này cũng thường xuất hiện đơn độc mặc dù đôi khi có đi kèm với một số dị tật khác như hở vòm hoặc đột biến gen TBX22.

3. Phân độ của dính thắng lưỡi

Hiện vẫn chưa có định nghĩa chính xác nào dành cho dính thắng lưỡi và tồn tại nhiều bảng phân độ. Trong đó, bảng phân độ của Kotlow là dễ sử dụng và phổ biến nhất. Cụ thể, độ dài của phần lưỡi di động ở trẻ sơ sinh bình thường sẽ lớn hơn 16mm. Từ đó, bảng phân độ của Kotlow chia thành các dạng sau:

  • Phân độ I: dính lưỡi nhẹ khi phần lưỡi di động từ 12 – 16mm
  • Độ II: dính trung bình khi phần lưỡi di động từ 8 – 11mm
  • Phân độ III: dính nặng khi phần lưỡi di động từ 3 – 7mm
  • Độ IV: dính hoàn toàn khi phần lưỡi di động nhỏ hơn 3 mm

Tuy nhiên, bảng phân độ của Kotlow không hữu dụng ở trẻ lớn, khi chức năng của lưỡi cũng cần được xem xét đánh giá. Có những trẻ dính lưỡi theo phân độ Kotlow nhưng về chức năng hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Từ đó, Hazelbaker đã phân độ dính lưỡi dựa trên giải phẫu và chức năng  để đưa ra khuyến cáo có nên tiến hành thủ thuật hay không đối với từng trường hợp. 

4. Các đặc điểm có thể gặp ở người dính thắng lưỡi

Biểu hiện lâm sàng của tật dính lưỡi khá đa dạng. Một số các dấu hiệu điển hình ở trẻ bị dính thắng lưỡi giúp bạn có thể sớm nhận biết như:

  • Bé gặp khó khăn khi bú
  • Thắng lưỡi của trẻ ngắn bất thường
  • Lưỡi của con không thể di chuyển sang hai bên
  • Không thể nâng lưỡi lên để có thể chạm vào hàm trên
  • Khi bé khóc, đầu lưỡi thường có dạng chữ V
  • Lưỡi của bé không thể đưa ra khỏi hàm dưới khoảng 1–2mm.

Dính thắng lưỡi không phát hiện sớm có thể gây ra các bất lợi cho trẻ. Khả năng bú sữa là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Trẻ có thể bú kém hơn do thời gian bú kéo dài, khó ngậm được núm vú, chảy sữa khi bú, dẫn đến chậm lên cân. Bên cạnh đó cũng làm tăng nguy cơ đau núm vú cho người mẹ.

Trẻ bú khó vì bị dính thắng lưỡi.

Khi trẻ lớn hơn, tật dính lưỡi có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển giọng nói. Trẻ sẽ khó phát âm các từ như: l, r, t, d, n.

Người ta vẫn chưa thể dự đoán được ảnh hưởng của tật dính lưỡi hay bệnh nhân nào sẽ bị ảnh hưởng bởi tật này. Một số vấn đề khác ở bệnh nhân dính lưỡi bao gồm khó ăn một số loại thức ăn như kem (không liếm được), chơi một số loại nhạc cụ (sáo, kèn trumpet…), và một số vấn đề răng miệng…

5. Làm thế nào để chẩn đoán tật dính thắng lưỡi

Chẩn đoán tật dính lưỡi không khó. Tuy nhiên, vấn đề điều trị gây nhiên nhiều tranh luận, điều này cũng gây khó khăn cho ba mẹ trẻ khi có nhiều ý kiến đưa ra. Cách tiếp cận tốt nhất cho nhà lâm sàng là đánh giá lợi ích của việc điều trị này đối với bệnh nhân. Nếu dính lưỡi không gây bất cứ vấn đề nào trong thời kỳ sơ sinh và nhũ nhi, quan sát theo dõi là lựa chọn tốt nhất. Nếu dính lưỡi là nguyên nhân gây tình trạng khó ăn, bú ở trẻ thì nên cắt phanh lưỡi cho trẻ. Đối với trẻ lớn, vấn đề về phát âm, đưa ra quyết định điều trị sẽ khó khăn hơn, trẻ cần được đánh giá thêm với bác sĩ âm ngữ trị liệu.

6. Dính thắng lưỡi sẽ được điều trị như thế nào

6.1 Đánh giá theo dõi

Câu hỏi lớn nhất đặt ra với các bác sĩ khi điều trị bệnh nhân dính lưỡi là có nên điều trị hay không. Nhiều bằng chứng cho thấy, điều trị hỗ trợ cũng mang lại hiệu quả đối với bệnh nhân dính lưỡi. Bác sĩ cần loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây bú kém hoặc chậm lên cân ở trẻ.

6.2 Tiến hành tiểu phẫu

Khi đã có quyết định điều trị thay vì quan sát, bệnh nhân sẽ được cắt phanh lưỡi – một thủ thuật phổ biến nhất được dùng để điều trị tật dính lưỡi. Có thể áp dụng đối với bệnh nhân ngoại trú.

Bác sĩ có thể tiến hành cắt thắng lưỡi cho bệnh nhi để điều trị

Biến chứng và nguy cơ của cắt phanh lưỡi rất hiếm gặp. Chảy máu sau cắt là biến chứng hay gặp nhất nhưng cũng dễ dàng cầm máu bằng ép tại chỗ.

Một cách điều trị khác để điều trị dính lưỡi là chỉnh hình phanh lưỡi. Tuy nhiên, phương pháp này hiếm khi được thực hiện và đòi hỏi phải tiến hành dưới gây mê.

6.3 Chăm sóc sau phẫu thuật

Bố mẹ cần theo dõi
  • Thông thường, sau phẫu thuật, tại chỗ cắt dính lưỡi thường có vết màu trắng, đó là diễn biến bình thường sau mổ bằng laser, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, các hiện tượng này sẽ hết và vết tổn thương sẽ lành sau một vài tuần.
  • Cần theo dõi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn các vật cứng để tránh chảy máu, không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng. Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
Chế độ dinh dưỡng cho
  • Sau phẫu thuật trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm và nguội.
Vệ sinh miệng sau ăn và tập vận động lưỡi
  •  Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng
  •  Trẻ lớn: Hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài.
  •  Trẻ nhỏ: Vệ sinh dưới lưỡi, nâng lưỡi lên trên
  • Sau khi vết thương lành nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt.

7. Bạn có cần quá lo lắng vì tật dính thắng lưỡi không?

Tật dính lưỡi nhìn chung có tiên lượng tốt, bệnh nhân có thể phát triển hoàn toàn bình thường. Một số trường hợp trẻ có thể tự ti, nhưng cũng dễ dàng điều trị bằng liệu pháp tâm lý.

8. Khi nào bạn cần đến gặp Bác sĩ để tư vấn về dính thắng lưỡi.

Bạn hãy đưa bé đến khám và tư vấn với Bác sĩ khi bạn thấy

  • Con bạn gặp khó khăn khi bú vì dây thắng lưỡi bị dính trở thành chứng ngại.
  • Bé gặp khó khăn khi nói do lưỡi không linh hoạt
  • Việc ăn, uống, nuốt… của bé đang gặp vấn đề khó khăn.

Như vậy, qua bài viết này, YouMed hi vọng có thể cung cấp những thông tin bổ ích, giúp bạn nhận biết sớm trẻ dính thắng lưỡi. Dính thắng lưỡi có thể gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát âm của trẻ nếu không được phát hiện sớm. Phẫu thuật không phải là chỉ định duy nhất trong điều trị dính thắng lưỡi. Do đó, khi con bạn bị dính thắng lưỡi, hãy đưa con đến khám ngay tại cơ sở y tế. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và hướng giải quyết phù hợp nhất với con bạn.

Xem thêm: Nôn trớ ở trẻ sơ sinh khi nào là bất thường?

Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD011065.pub2/full?cookiesEnabled
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482295/

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người