YouMed

Tê lưỡi và những bệnh lý liên quan

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Lưỡi bạn bỗng dưng có cảm giác kì kì. Nó râm ran như là có kim chích vào trong miệng. Bạn cảm giác như bị tê lưỡi. Điều này có đáng lo ngại không? Hãy cùng đọc bài viết sau của YouMed để tìm hiểu về vấn đề này nhé! 

Tình trạng tê lưỡi có đáng lo ngại không? 

Tê lưỡi thường không phải là vấn đề cần lo lắng. Triệu chứng này có thể tự hết trong thời gian ngắn. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tê lưỡi. Một khả năng đó là do một hiện tượng gọi là Raynaud. Đây là một rối loạn thường gây giảm dòng máu chảy đến ngón tay, ngón chân hay ít gặp hơn là môi và lưỡi. Khi lưỡi bị lạnh hay bạn bị căng thẳng, các mạch máu đến nuôi thường bị hẹp lại.

Ở những người có hiện tượng Raynaud, phản ứng co mạch máu này còn mạnh mẽ hơn khiến dòng máu chảy bị cản trở tạm thời. Điều này khiến cho lưỡi bị đổi màu và trông xanh xao, nhợt nhạt hơn. Trong và sau hiện tượng này, lưỡi của bạn có thể bị tê trong thời gian ngắn.  

Hiện tượng Raynaud có thể gây khó chịu nhưng không nguy hiểm. Không có nguyên nhân nào rõ ràng cho hiện tượng này. Điều này cũng không có nghĩa là bạn có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bạn thấy xuất hiện dấu hiệu ở lưỡi thì chúng hầu như luôn biến mất khi bạn uống nước ấm hay nghỉ ngơi thư giãn. 

Hiện tượng Raynaud thường lặp đi lặp lại. Nếu bạn thấy lưỡi có đổi màu tạm thời, hãy chụp hình lại và cho bác sĩ xem để bác sĩ có thể xác định chẩn đoán. Điều quan trọng là phải tìm xem có bệnh lý nào khác gây ra hiện tượng tương tự không. 

tê lưỡi
Hiện tượng Raynaud có thể gây tê ở tay chân hoặc tê lưỡi

Nguyên nhân bị tê lưỡi

Tình trạng tê lưỡi có thể là do các nguyên nhân sau đây: 

1. Phản ứng dị ứng gây tê lưỡi 

Phản ứng dị ứng với thức ăn hay chất hóa học hay thuốc bạn sử dụng có thể khiến lưỡi bị sưng nề, ngứa và tê. 

Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch bị nhầm lẫn và nghĩ rằng các thức ăn thông thường là có hại. 

Các loại thức ăn thường gây kích thích dị ứng là: 

  • Trứng.
  • Đậu phộng và hạt cây. 
  • Cá. 
  • Sò ốc. 
  • Sữa.
  • Hạt lúa mì.
  • Đậu nành. 

Một số người trưởng thành dị ứng với phấn hóa có thể bị sưng phù hay tê lưỡi khi ăn một số loại rau quả và trái cây, chẳng hạn như quả dưa, cần tây, hay đào. Phản ứng này khiến cho miệng bị kích ứng và làm cho miệng, môi và lưỡi bị tê, sưng nề. Nếu bạn để ý thấy miệng hay lưỡi bị tê sau khi ăn một loại thức ăn nào đó thì cần tránh không sử dụng chúng trong tương lai. 

Nếu bạn có những dấu hiệu sau, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Đó có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng: 

  • Khò khè hay khó thở. 
  • Khàn tiếng hay căng cứng ở cổ họng. 
  • Phù nề môi hoặc miệng. 
  • Ngứa.
  • Nổi mề đay. 
  • Khó nuốt.

Dị ứng thuốc cũng có thể làm cho lưỡi bị sưng, ngứa và tê. Kháng sinh thường là loại thuốc hay gây dị ứng, tuy nhiên bất kể loại thuốc nào cũng có khả năng kích thích dị ứng. Nếu bạn thấy có triệu chứng bất thường sau khi uống một loại thuốc mới, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. 

2. Lở miệng

Lở miệng là các vết loét nhỏ, nông, hình bầu dục có thể hình thành trên lưỡi, bên trong má, hay trên nướu. Mặc dù chưa rõ là nguyên nhân nào gây lở miệng nhưng các yếu tố như chấn thương, thay đổi hoóc-môn, vi-rút, dinh dưỡng kém, dị ứng cũng có vai trò nào đó. Lở miệng thường gây đau đớn nhưng chúng cũng thường tự hết trong vòng một tuần. 

Khi bạn bị lở miệng, đừng ăn những đồ cay, nóng vì chúng có thể kích thích thêm các vết lở. Để giảm nhẹ cơn đau, bạn có thể súc miệng với nước muối.

Lở miệng
Lở miệng

3. Hạ canxi máu 

Trong hạ canxi máu, mức canxi trong máu của bạn giảm xuống thấp hơn ngưỡng bình thường. Điều này có thể gây triệu chứng tê ở lưỡi và môi. Tuy nhiên thường thì bạn sẽ có biểu hiện những dấu hiệu khác trước như: 

  • Co giật và cứng cơ. 
  • Tê quanh miệng và các ngón tay, ngón chân. 
  • Chóng mặt.

Nếu bạn có các dấu hiệu trên và nghĩ rằng hạ canxi máu là nguyên nhân gây tê lưỡi thì hãy đi khám bác sĩ. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể xác định chẩn đoán này. Các triệu chứng hạ canxi máu thường biến mất khi điều trị được nguyên nhân tiềm ẩn và bổ sung các chế phẩm có chứa canxi. 

4. Thiếu vitamin B 

Thiếu vitamin B12 hay vitamin B9 có thể khiến lưỡi bị lở và sưng nề, ảnh hưởng đến vị giác. Bạn cũng có thể bị tê lưỡi và tê tay chân. Đồng thời, bạn dễ cảm thấy mệt mỏi vì các loại vitamin B này là cần thiết để tạo hồng cầu cho máu và nuôi dưỡng thần kinh. Thiếu các vitamin này có thể dẫn đến thiếu máu. 

Thiếu vitamin B thường là do không có đủ vitamin này trong chế độ ăn hay bị giảm khả năng hấp thu các vitamin này từ thức ăn. 

Các nguồn cung cấp B12 bao gồm cá, thịt, trứng và sữa. Những người ăn chay có thể bị thiếu hụt vitamin nếu không ăn các thức ăn bổ sung như sữa, ngũ cốc, bánh mì… Nguồn cung cấp vitamin B9 có thể tìm thấy trong rau xanh, đậu, cà chua và nước cam. 

Thiếu vitamin B có thể gây tê lưỡi
Thiếu vitamin B có thể gây tê lưỡi

Hãy gặp bác sĩ nếu tê lưỡi đi kèm với các triệu chứng

Đôi khi tê lưỡi có thể là dấu hiệu của đột quỵ hay thiếu máu não. 

Bạn cần phải đi cấp cứu ngay nếu có những triệu chứng sau đi kèm với tê lưỡi: 

  • Yếu liệt hay tê cẳng tay, chân, hay mặt hay một bên cơ thể.
  • Méo mặt. 
  • Nói khó.
  • Lú lẫn hay sa sút trí tuệ.
  • Nhìn mờ.
  • Chóng mặt hay mất thăng bằng.
  • Đau đầu dữ dội.

Dấu hiệu thiếu máu não có thể chỉ kéo dài vài phút nhưng vẫn là rất nghiêm trọng. Đột quỵ và thiếu máu não là các tình trạng cấp cứu. Gọi cho cấp cứu ngay nếu bạn nghi ngờ đột quỵ hay thiếu máu não.

tê lưỡi có thể do đột quỵ hoặc thiếu máu não
Tê lưỡi có thể do đột quỵ và thiếu máu não

Tê lưỡi nếu xảy ra đột ngột và đi kèm các dấu hiệu đột quỵ thì cần phải được cấp cứu ngay lập tức. Những trường hợp tê lưỡi khác xuất hiện thi thoảng và có thể xác định được nguyên nhân thì thường sẽ tự hết. Nếu tê lưỡi gây ra nhiều khó chịu và kéo dài thì bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn tốt nhất. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Causes a Tingling Tongue?https://www.healthline.com/health/tingling-tongue#see-your-doctor

    Ngày tham khảo: 18/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người