Thiếu axit folic có nguy hiểm đến sức khỏe không?
Nội dung bài viết
Axit folic đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai và sơ sinh. Thiếu axit folic có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh và các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu tất tần tật về tình trạng thiếu axit folic bạn nhé!
Axit folic là gì?
Axit folic là một dạng tổng hợp của folate, còn được gọi là viramin B9, một loại vitamin nhóm B. Nó có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Axit folic giúp hình thành và sửa chữa DNA cũng như sản xuất tế bào hồng cầu.
Nếu bạn không có đủ folate trong chế độ ăn uống của mình, bạn có thể bị thiếu folate. Thiếu folate có thể gây thiếu máu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cơ thể. Ngoài ra, folate đặc biệt quan trọng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sự thiếu hụt folate trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh.
Triệu chứng thiếu vitamin B9
Thiếu axit folic là tình trạng phổ biến. Vì cơ thể chỉ dự trữ một lượng nhỏ folate nên chế độ ăn uống thiếu folate sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong vòng vài tháng.
Thiếu axit folic hay folate thường dẫn đến thiếu máu và dần xuất hiện các triệu chứng như:
- Da nhợt nhạt;
- Chán ăn;
- Cáu kỉnh;
- Thiếu năng lượng hoặc dễ mệt mỏi;
- Tiêu chảy;
- Lưỡi mềm và mịn.
Ngoài các triệu chứng thiếu máu như trên, triệu chứng thiếu vitamin B9 còn là:
- Mệt mỏi;
- Tóc bạc;
- Lở miệng;
- Sưng lưỡi;
- Chậm phát triển.
Nếu xuất hiện những dấu hiệu như mô tả, hãy đi xét nghiệm máu ngay để được chẩn đoán chính xác bạn nhé!
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiếu axit folic?
Nguyên nhân của sự thiếu hụt axit folic hay folate bao gồm:
Chế độ ăn
Chế độ ăn ít trái cây tươi, rau và ngũ cốc tăng cường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu folate. Ngoài ra, việc nấu chín thức ăn đôi khi có thể phá hủy một lượng lớn các vitamin, gồm cả folate.
Nếu bạn ăn không đủ thực phẩm giàu folate, chỉ trong vài tuần, lượng folate trong cơ thể bạn có thể sẽ giảm đáng kể.
Mắc một vài bệnh gây thiếu axit folic
Các bệnh ảnh hưởng đến sự hấp thu ở đường tiêu hóa có thể gây ra sự thiếu hụt axit folic hay folate. Các bệnh đó có thể kể đến như:
- Bệnh Crohn: là một bệnh viêm đường ruột, nó làm cản trở sự hấp thu folate cũng như axit folic;
- Bệnh celiac (không dung nạp gluten): gây cản trở sự hấp thu folate và axit folic;
- Một số loại ung thư;
- Các vấn đề về thận nghiêm trọng cần lọc máu.
Di truyền học
Folate, hay axit folic sau khi vào cơ thể cần phải được chuyển hóa thành dạng sử dụng được, đó là 5-methyltetrahydrofolate. Một số người có đột biến di truyền cản trở cơ thể chuyển hóa đúng cách và hiệu quả folate. Từ đó dẫn đến thiếu axit folic hoặc folate, mặc dù họ vẫn ăn uống hoặc bổ sung chúng đầy đủ.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây thiếu folate bằng cách giảm hấp thu folate hoặc giảm chuyển hóa chúng. Điển hình là các thuốc sau:
Các thuốc làm giảm hấp thu vitamin này bao gồm:
- Phenytoin và phenobarbital: là các thuốc chống co giật;
- Sulfasalazine: điều trị viêm loét đại tràng.
Các thuốc can thiệp vào sự chuyển hóa của folate gồm:
- Methotrexate: để điều trị ung thư và viêm khớp dạng thấp;
- Triamterene: để điều trị huyết áp cao;
- Metformin: để điều trị bệnh tiểu đường;
- Trimethoprim-sulfamethoxazole: một loại thuốc kháng sinh.
Uống quá nhiều rượu
Những người uống nhiều rượu thường thiếu dinh dưỡng và thiếu axit folic cũng như folate. Lý do là vì rượu làm cản trở sự hấp thụ folate. Ngoài ra, nó cũng làm tăng bài tiết folate qua nước tiểu.
Các biến chứng của thiếu axit folic là gì?
Folate cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu bình thường. Các biến chứng của sự thiếu hụt có thể bao gồm:
- Thiếu máu nguyên bào khổng lồ: các hồng cầu không phát triển đúng cách và lớn hơn bình thường. Do đó dễ vỡ và gây nên tình trạng thiếu máu;
- Giảm bạch cầu và tiểu cầu;
- Dị tật ống thần kinh: dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở tủy sống và não của thai nhi đang phát triển.
Điều trị thiếu axit folic
- Nếu bạn bị thiếu axit folic hay folate, có thể điều trị bằng cách tăng lượng folate trong chế độ ăn uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống bổ sung folate hoặc axit folic.
- Những người bị đột biến gen ảnh hưởng đến sự hấp thụ folate cần bổ sung folate methyl hóa để tránh bị thiếu hụt.
- Người thiếu axit folic hay folate nên hạn chế uống rượu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nên tránh hoàn toàn rượu.
Phòng chống thiếu vitamin B9
Folate là một loại vitamin tan trong nước và nó không được lưu trữ trong cơ thể. Điều này có nghĩa là: bạn cần phải bổ sung chúng hằng ngày qua thực phẩm hoặc các thực phẩm tăng cường.
Hầu hết mọi người nhận đủ folate từ thực phẩm. Vì vậy, hãy xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để ngăn ngừa thiếu folate. Và các thực phẩm chứa nhiều folate bao gồm:
- Rau có màu xanh đậm: bông cải xanh, rau bina, bắp cải Brucxen;
- Các loại đậu;
- Các loại trái cây: chuối và dưa, cam, quýt;
- Nước ép cà chua;
- Trứng;
- Nấm;
- Măng tây;
- Gan, thận;
- Thịt heo, gia cầm
- Các loài sò, hến;
- Cám lúa mì
- Ngũ cốc
Nhiều loại thực phẩm hiện nay có bổ sung folate dưới dạng axit folic, một phiên bản tổng hợp của folate để ngăn ngừa thiếu vitamin B9. Các chất bổ sung này được khuyến khích cho phụ nữ mang thai.
Nếu bạn bị mắc bệnh di truyền, bạn nên tránh các loại thực phẩm tăng cường axit folic. Bởi vì tình trạng này có thể ngăn chặn sự chuyển hóa axit folic thành dạng hoạt động.
Tóm lại, các triệu chứng thiếu vitamin B19 thường liên quan đến triệu chứng thiếu máu. Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng trên hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác. Đồng thời, hãy xây dựng chế độ ăn hợp lý để bổ sung đầy đủ folate, phòng ngừa thiếu axit folic hay folate bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.