Thấp tim: Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh thấp tim là tình trạng van tim bị tổn thương vĩnh viễn do bệnh sốt thấp khớp. Tổn thương van tim có thể bắt đầu ngay sau khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của chứng bệnh này.
Thấp tim là gì?
Thấp tim là thể bệnh chính của bệnh sốt thấp khớp. Đây là bệnh hệ thống gây ra bởi phản ứng tự miễn với tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
Bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là ở khớp xương, tim, thần kinh, mạch máu, da, tổ chức dưới da,… Trong đó, thấp tim có thể gây di chứng về sau, còn các tổn thương ở các hệ cơ quan khác đều hồi phục.
Bệnh có những đợt cấp tính, tái phát rồi ổn định sau khi để lại di chứng ở van tim. Vì thế, tùy theo diễn tiến của bệnh có những tổn thương nằm ở cơ quan nào và hiện đang diễn tiến đến giai đoạn nào mà gọi tên các thể bệnh cho phù hợp như: thấp khớp cấp, thấp khớp cấp tái phát, thấp tim cấp, thấp tim cấp tái phát, bệnh van tim hậu thấp,…
Thấp tim phổ biến như thế nào?
Tính chung trên toàn thế giới và đặc biệt tại các nước đang phát triển thì thấp tim vẫn còn là một vấn đề sức khỏe quan trọng. Mỗi năm khoảng 470.000 ca mới mắc và khoảng 233.000 ca tử vong do bệnh sốt thấp van tim hậu thấp.
Tần suất mắc trung bình là khoảng 19/100.000. Có khoảng 5-30 triệu trẻ em và người trẻ bị thấp tim mạn.
Tại Hoa Kỳ cũng như các nước phát triển khác, nhờ vào việc cải thiện điều kiện vệ sinh và việc sử dụng penicilline rộng rãi nên tần suất lưu hành rất thấp, từ 2-14/100.000.
Tại Việt Nam, tần suất bệnh thấp ở Hà Nội và một số tỉnh miền bắc từ 1961-1963 là 0,13-0,394%. Con số ghi nhận ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh năm 1993 là 0,223%. Trong 10 năm (1992-2002) có 13.287 bệnh tim nhập viện. Trong đó, thấp tim cấp và các bệnh van tim hậu thấp chiếm 25,03% ở bệnh viện Nhi Đồng I và II.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh thấp tim?
Bệnh thấp tim gây ra bởi sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp có thể ảnh hưởng đến nhiều mô liên kết, đặc biệt là ở tim, khớp, da hoặc thần kinh. Ở tim, các van tim có thể bị viêm và trở thành sẹo theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến hẹp hoặc hở van tim, làm cho tim không hoạt động bình thường. Tình trạng này có thể mất nhiều năm để phát triển và có thể dẫn đến suy tim.
Nguyên nhân gây sốt thấp khớp chưa được làm rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, người ta biết rằng muốn bệnh xảy ra thì cần có tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn ở vùng hầu họng trên cơ địa dễ bị sốt thấp khớp. Ngoài ra, yếu tố môi trường như tập trung đông đúc, vệ sinh kém cũng góp phần dễ lây nhiễm sốt thấp khớp.
Ai có nguy cơ mắc bệnh thấp tim?
Bệnh thấp khớp cấp thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trong khoảng từ 5 – 15 tuổi. Người trưởng thành cũng có thể bị nhưng hiếm. Các đợt phát thường ở tuổi thanh thiếu niên và người trẻ. Còn biểu hiện của bệnh van tim hậu thấp thường xảy ra muộn, từ khoảng 25 – 40 tuổi.
Nhiễm trùng liên cầu khuẩn không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thấp tim. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ nặng của bệnh là số lần tái phát. Ngoài ra còn có thời gian từ lúc bệnh khởi phát cho đến khi bắt đầu điều trị và giới tính (bệnh thường tiến triển nặng hơn trên bệnh nhân nữ).
Các triệu chứng của bệnh thấp tim là gì?
Tiền sử nhiễm liên cầu khuẩn hoặc sốt thấp khớp gần đây là chìa khóa để chẩn đoán bệnh. Các triệu chứng của sốt thấp khớp khác nhau và thường bắt đầu từ 1 đến 6 tuần sau một đợt viêm họng do nhiễm liên cầu.
Những triệu chứng chính của sốt thấp khớp bao gồm:
1. Viêm khớp
Triệu chứng này thường biểu hiện sớm nhất và thường gặp nhất của bệnh thấp tim.
Bệnh nhân thường viêm nhiều khớp, và có tính “di chuyển” viêm từ khớp này sang khớp khác. Các khớp viêm thường là khớp lớn như khớp gối, mắt cá, khủy tay, cổ tay. Viêm khớp thường bị nặng trên trẻ thiếu niên và người trẻ hơn là ở trẻ nhỏ.
Khớp viêm thường có sưng, nóng, đỏ và rất đau. Tuy nhiên, viêm khớp chỉ thoáng qua, thời gian viêm của mỗi khớp thường không kéo dài quá 2-3 tuần và không để lại di chứng.
2. Múa vờn Sydenaham
Bệnh biểu hiện bởi các cử động không mục đích, yếu cơ, viết khó, nói khó không thành câu. Múa vờn thường xuất hiện trễ, thường sau khoảng 3-6 tháng kể từ lúc nhiễm liên cầu. Nó thường kéo dài cả vài tuần, vài tháng, có khi cả năm nhưng không để lại di chứng.
3. Hồng ban dạng vòng
Là một biểu hiện hiếm gặp của bệnh sốt thấp khớp. Đây là những ban màu hồng mau bay, không ngứa, ở giữa nhạt màu hơn, có viền tròn xung quanh, thường thấy ở thân và tứ chi. Hồng ban không để lại di chứng.
4. Nốt cục dưới da
Đó là những hạt tròn, chắc, di động dưới ra, không đau. Rất hiếm xảy ra. Thường tìm thấy ở chỗ xương nhô ra và có da mỏng như khủy tay, cổ tay, cổ chân, bàn chân, v.v.
Viêm tim
Xảy ra trên 50-60% bệnh nhân bị sốt thấp khớp. Thường viêm toàn bộ tim, ảnh hưởng đến nội tâm mạc, cơ tim và màng ngoài tim với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Thường thì viêm tim không rầm rộ nhưng lại để lại di chứng sau này và triệu chứng liên quan đến tổn thương van tim có thể nhẹ và khó phát hiện.
Biểu hiện có thể bao gồm ho, khó thở, đau ngực, nặng ngực, đau ngực khi hít vào.
Các triệu chứng khác
- Sốt thường gặp nhất.
- Đau khớp: Đau một hay nhiều khớp lớn mà không có dấu hiệu viêm như sưng, nóng, đỏ
- Ho ra máu, đau bụng đôi khi có thể xảy ra.
Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thấp tim?
Để chẩn đoán sốt thấp khớp và thấp tim, cần nhiều xét nghiệm kết hợp:
Để tìm những dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn, cần phết họng và cấy tìm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A hoặc test nhanh tìm kháng nguyên Streptococci hoặc định lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn.
Đánh giá cơ thể có tình trạng viêm qua các thông số trên xét nghiệm máu như: tốc độ lắng máu (VS) tăng, CRP tăng, bạch cầu tăng trong các giai đoạn cấp của bệnh có kèm viêm tim hay viêm nhiều khớp.
Điện tâm đồ (ECG): Thử nghiệm này ghi lại thời gian hoạt động điện của tim. Nó cho thấy nhịp điệu bất thường như loạn nhịp tim. Đôi khi, điện tâm đồ có thể phát hiện tổn thương cơ tim.
Siêu âm tim: Giúp phát hiện các tổn thương van tim, kích thước, chức năng thất trái và tràn dịch màng ngoài tim.
Chụp X-quang phổi giúp đánh giá bóng tim và tình trạng tuần hoàn phổi.
Xquang khớp bị viêm có thể cho thấy tràn dịch ít trong khớp. Phân tích dịch khớp thường cho thấy là dịch viêm vô trùng.
Điều trị bệnh thấp tim như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc phần lớn vào mức độ tổn thương của van tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều trị có thể bao gồm phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa van bị hư hỏng nặng.
Cách điều trị tốt nhất là ngăn ngừa sốt thấp khớp. Thuốc kháng sinh thường có thể điều trị nhiễm trùng liên cầu và ngăn ngừa sốt thấp khớp phát triển. Thuốc chống viêm có thể được sử dụng để giảm viêm và giảm nguy cơ tổn thương tim. Các loại thuốc khác có thể cần thiết để kiểm soát suy tim.
Những người đã bị sốt thấp khớp thường được điều trị kháng sinh hàng ngày hoặc hàng tháng, có thể suốt đời. Điều này ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát và giảm nguy cơ tổn thương tim thêm. Để giảm viêm, có thể dùng aspirin, steroid hoặc thuốc không steroid.
Các biến chứng của bệnh thấp tim?
Một số biến chứng của bệnh bao gồm:
Suy tim: Điều này có thể xảy ra do van tim bị hẹp hoặc hở nghiêm trọng.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Đây là tình trạng nhiễm trùng màng trong tim, và có thể xảy ra khi sốt thấp khớp đã làm hỏng van tim.
Các biến chứng của thai nghén và sinh nở do tổn thương tim: Phụ nữ bị bệnh này nên cần tư vấn trước khi mang thai.
Hở van tim: Cần được điều trị bằng phẫu thuật để thay hoặc sửa van tim.
Bệnh thấp tim có thể ngăn ngừa được không?
Bệnh thấp tim có thể được ngăn ngừa bằng cách ngăn ngừa nhiễm trùng liên cầu khuẩn hoặc điều trị chúng bằng thuốc kháng sinh khi bệnh xảy ra. Điều quan trọng là phải uống thuốc kháng sinh theo chỉ định và hoàn thành chúng theo hướng dẫn, ngay cả khi người bệnh cảm thấy tốt hơn chỉ sau vài ngày điều trị.
Khi mắc bệnh, người bệnh cần tái khám định kì để kiểm tra tình trạng tim. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương tim sẽ có thể có một số hạn chế hoạt động. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài để ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát.
Những điểm chính của bệnh
- Bệnh thấp tim là tình trạng van tim bị tổn thương vĩnh viễn do sốt thấp khớp.
- Sốt thấp khớp là một bệnh viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến nhiều mô liên kết, đặc biệt là ở tim.
- Nhiễm trùng liên cầu khuẩn không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trẻ em bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhiều lần có nguy cơ bị sốt thấp và thấp tim nhất.
- Tiền sử nhiễm liên cầu khuẩn hoặc sốt thấp khớp gần đây là chìa khóa để chẩn đoán bệnh. Các triệu chứng của sốt thấp khớp khác nhau và thường bắt đầu từ 1 đến 6 tuần sau một đợt viêm họng.
- Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương của van tim. Nó thậm chí có thể bao gồm phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa van bị hư hỏng nặng.
- Sốt thấp khớp là nguyên nhân gây ra bệnh thấp tim. Vi vậy, cách điều trị tốt nhất là ngăn ngừa sốt thấp khớp bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách để điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
Trên đây là những thông tin về bệnh thấp tim. Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin bổ ích về bệnh thấp tim. Từ đó, bạn đọc có những kế hoạch bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, cũng như gia đình tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Rheumatic Heart Diseasehttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/rheumatic-heart-disease
Ngày tham khảo: 01/11/2020
-
Acute Rheumatic Fever and Rheumatic Heart Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK425394/
Ngày tham khảo: 01/11/2020