Thiếu vitamin B5: Những điều bạn nhất định phải biết!
Nội dung bài viết
Vitamin B5 là một loại vitamin vô cùng cần thiết cho cơ thể ở mọi lứa tuổi. Việc thiếu vitamin B5 tuy hiếm gặp nhưng không phải ai cũng biết các dấu hiệu và nguyên nhân của chúng để phòng ngừa hay phát hiện kịp thời. Vì vậy ngay bây giờ, hãy cùng YouMed tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh thiếu vitamin B5 nhé!
Vitamin B5 là gì?
Vitamin B5, hoặc acid pantothenic, là một loại vitamin thuộc nhóm B, tan trong nước. Chúng có rất nhiều trong tự nhiên, cả trong thực vật lẫn động vật. Vai trò chính của nó là giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, thông ra việc chuyển hóa carbohydrate và chất béo. Không chỉ vậy, vitamin B5 còn giúp cho cơ thể:
- Tạo hồng cầu, giúp vận chuyển oxy trong cơ thể
- Tổng hợp cholesterol
- Hình thành các hormone trong tuyến thượng thận
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Duy trì và giúp cho da, tóc, móng khỏe mạnh
Do đó, nếu cơ thể thiếu vitamin B5, bạn sẽ ngay lập tức có các triệu chứng như: mệt mỏi, tê chân tay, mất ngủ,… Mặc dù số người bị thiếu vitamin B5 rất hiếm, nhưng nó thường sẽ đi kèm với việc thiếu các chất dinh dưỡng khác. Vì vậy, bạn cần phải hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân của việc thiếu vitamin B5 để có cách điều trị và phòng ngừa.
Thiếu vitamin B5 gây bệnh gì?
Vitamin B5 có một tác động không nhỏ đến hoạt động của cơ thể. Khi bạn thiếu vitamin B5, nguy cơ cao là bạn cũng đang bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Khi đó, các triệu chứng báo hiệu cơ thể đang thiếu vitamin B5 có thể bao gồm:
- Đau đầu, mệt mỏi
- Khó chịu, bồn chồn
- Rối loạn giấc ngủ
- Buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày
- Rối loạn tiêu hóa, kèm biếng ăn
- Tê, chuột rút hoặc cảm giác nóng rát ở tay hoặc chân

Có thể thấy, các triệu chứng thiếu vitamin B5 có thể không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không phát hiện sớm và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể của bạn sẽ rơi vào tình trạng suy giảm sức khỏe kéo dài và kiệt sức.
Nguyên nhân thiếu vitamin B5
Như đã đề cập, vitamin B5 có trong hầu hết các loại thực phẩm, nên rất hiếm khi nào cơ thể bị thiếu vitamin B5, ngoại trừ những người bị suy dinh dưỡng nặng. Trên thực thế, khi một người bị phát hiện là thiếu vitamin B5, nó thường đi kèm với thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Điều này làm cho việc tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế bệnh trở nên khó khăn.
Theo như các báo cáo và phân tích, những người thiếu vitamin B5 thường là do:
- Có 1 chế độ ăn hầu như không chứa vitamin B5.
- Đột biến gen, không thể chuyển hóa acid pantothenic: Những người này bị thiếu enzyme pantothenate kinase, cần thiết để chuyển acid pantothenic thành coA, làm giảm chuyển hoá và hoạt động của các quá trình trong cơ thể. Bổ sung vitamin B5 được cho là chỉ giúp giảm triệu chứng cho bệnh nhân.
- Dùng thuốc đối kháng chuyển hóa acid pantothenic: cơ chế tương tự như đột biến gen đã đề cập.
Bổ sung vitamin B5 đúng cách
Vitamin B5 được tìm thấy ít nhiều trong hầu hết các loại thực phẩm động vật và thực vật, vì chúng có trong tất cả các tế bào sống. Vậy vitamin B5 có trong thực phẩm nào? Các nguồn giàu vitamin B5 nhất có thể kể đến bao gồm:
- Thịt bò, thịt gia cầm, hải sản và nội tạng
- Trứng và sữa
- Các loại rau như nấm (đặc biệt là nấm hương), bơ, khoai tây và bông cải xanh
- Ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ như lúa mì nguyên hạt, gạo lứt và yến mạch
- Đậu phộng, hạt hướng dương và đậu xanh
- Vi khuẩn trong ruột cũng có thể tạo ra một số lượng ít acid pantothenic (vitamin B5), tuy nhiên chúng không đủ để đáp ứng nhu cầu hằng ngày cho cơ thể của bạn.

Việc bổ sung vitamin B5 qua chế độ ăn uống luôn được khuyến khích để không bị thiếu vitamin B5. Lượng vitamin B5 bạn cần bổ sung phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính của bạn. Các chuyên gia khuyến nghị lượng vitamin B5 trung bình hằng ngày như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 – 6 tháng: 1,7 mg
- Trẻ sơ sinh 7 – 12 tháng: 1,8 mg
- Trẻ em 1 – 3 tuổi: 2 mg
- Trẻ em 4 – 8 tuổi: 3 mg
- Trẻ em 9 – 13 tuổi: 4 mg
- Nam và nữ từ 14 tuổi trở lên: 5 mg
- Phụ nữ mang thai: 6 mg
- Phụ nữ cho con bú: 7 mg
Đây là loại vitamin nhóm B hòa tan trong nước và được bài tiết qua nước tiểu. Cơ thể chúng ta không thể dự trữ chúng. Vì vậy, bạn cần tiêu thụ chúng thông qua chế độ ăn uống mỗi ngày để bổ sung vitamin B5.
Uống nhiều vitamin B5 có tốt không?
Trên đây là mức liều lượng vitamin B5 cần bổ sung mỗi ngày mà các chuyên gia khuyến nghị, để cơ thể không bị thiếu vitamin B5. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá mức vitamin B5 thì có tốt không?
Hội Đồng Thực Phẩm và Dinh Dưỡng Hoa Kỳ (FNB) chưa thiết lập được mức vitamin B5 tối đa mà cơ thể có thể hấp thu (không có khả năng gây ra tác dụng phụ bất lợi). Bởi vì không có báo cáo nào về độc tính của chúng nếu sử dụng ở liều lượng cao. Mặc dù vậy, FNB cảnh báo rằng, nếu dùng acid patothenic ở liều lượng lớn (ví dụ 10 g/ngày) có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Tuy nhiên, cơ chế của vấn đề này vẫn chưa được biết rõ.

Như vậy, việc thiếu vitamin B5 tuy không có tác hại nghiêm trọng, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm cho cơ thể bạn suy yếu và cạn kiệt năng lượng. Hãy chú ý bổ sung vitamin B5 qua các thực phẩm hằng ngày để giúp cho bản thân và gia mình có một sức khỏe thật tốt nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.