Thỏ ty tử: Vị thuốc lạ mà quen
Nội dung bài viết
Thỏ ty tử là vị thuốc tưởng chừng như lạ lẫm nhưng rất thân quen với mọi người. Thỏ ty tử có rất nhiều tác dụng theo y học cổ truyền mà không phải ai cũng biết. Vậy cách dùng như thế nào? Lưu ý và kiêng kị ra sao? Bài viết dưới đây của ThS.BS Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ cung cấp cho bạn thông tin về thỏ ty tử. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Mô tả dược liệu
Tên khoa học
Thỏ ty tử (Semem Cuscutae sinensis) là hạt phơi hoặc sấy khô của Dây tơ hồng (Cuscutae sinensis Lamk.). Cây thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).1
Đặc điểm thực vật
Cây tơ hồng hay dây tơ hồng là một loại dây ký sinh, nó cuốn trên các cây khác. Thân cây thành sợi màu vàng hoặc đỏ nâu nhạt. Không có lá. Lá biến thành vẩy. Cây có rễ mút để hút dinh dưỡng từ cây chủ. Hoa ít thấy, hình cầu vàng trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành chùm từ 10 – 20 hoa. Quả dạng hình cầu, chiều ngang rộng hơn chiều cao, rộng độ 3mm, có đường nứt từ dưới lên. Hạt số lượng thường từ 2 – 4 hạt, dạng hình trứng, đỉnh dẹt, dài khoảng 2mm.
Tơ hồng thường phát triển nhanh, trùm kín tán cây chủ làm cho cây không ra hoa kết quả. Từ đó, cây chủ chết dần dần. Dây tơ hồng thường kí sinh lên các loài cây bụi như cúc tần, chè hàng rào,… Hoặc các cây gỗ như nhãn vải, ổi,…1 2
Phân bố, thu hái, chế biến
Dây tơ hồng phân bố rộng rãi ở vùng Đông Á, đến Đông Nam Á, gồm các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia.
Cây tơ hồng mọc ở khắp nơi trong nước. Nhưng nhân dân ta ít dùng hạt mà thường hái cả cây phơi khô. Hạt cây tơ hồng tức thỏ ty tử thì vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, vào khoảng tháng 8 – 9 người ta hái cả cây về phơi khô, rồi đập lấy hạt, sàng lọc tạp chất là được.1 2
Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng là hạt của dây tơ hồng.1
Thành phần hóa học của thỏ ty tử
Thành phần hóa học chính trong hạt dây tơ hồng chứa Alkaloid (cuscutamin), Lignan (cuscutosid A, cuscutosid B, arbutin, acid clorogenic, acid cafeic, flavonoid (quercetin, astragalin, hyperin,…), acid p. coumaric, dầu béo chứa 9 acid béo.2
Tác dụng dược lý của thỏ ty tử
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, thỏ ty tử có vị ngọt, cay, tính ôn ấm. Quy vào kinh can thận. Vì vậy, có tác dụng bổ can thận, ích tinh tủy, mạnh gân cốt. Dùng trong trường hợp thận hư tinh lạnh (theo chẩn đoán của y học cổ truyền), liệt dương, di tinh, chân lưng mỏi đau, tiểu tiện đục, đau lưng mỏi gối, tai ù mắt mờ, dùng lâu ngày giúp đẹp nhan sắc.1
Xem thêm: Cẩu tích: Cây lông cu ly bổ Can Thận
Theo y học hiện đại
Thỏ ty tử tác động lên hệ sinh sản
Các flavonoid trong vị thuốc này tác động lên hệ sinh sản và nội tiết của chuột đực trong nghiên cứu thử nghiệm. Dược liệu này làm tăng trọng lượng của tinh hoàn, mào tinh và tuyến yên ở chuột. Đồng thời kích thích tiết hormone testosterone và LH. Đây là bằng chứng bước đầu cho hiệu quả của thỏ ty tử.3
Thỏ ty tử giúp chống viêm
Dịch chiết hạt dây tơ hồng ức chế các hóa chất trung gian gây viêm như NO, prostaglandin 2, ngăn chặn biểu hiện của iNOS và COX-2, giảm sản xuất TNF-α, IL-1β và IL-6. Những kết quả này chỉ ra rằng chiết xuất này có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm.4
Kích thích miễn dịch
Trong mô hình chuột ăn thiếu protein, dịch chiết hạt của dây tơ hồng làm tăng tỷ lệ trọng lượng của lách so với cơ thể. Đồng thời, làm tăng lượng protein và albumin toàn phần trong huyết thanh.2
Tác động lên u nhú và carcinom da
Khi nghiên cứu về tác dụng của dịch chiết thỏ ty tử, người ta đã cho chuột uống ngày 3 lần và theo dõi đến 252 ngày. Kết quả cho thấy, vị thuốc này đã làm chậm xuất hiện và chậm quá trình phát triển của u nhú. Từ đó, giảm tỷ lệ chuột có carcinom. Điều này cho thấy khả năng dự phòng khối u của vị thuốc này.2
Ngoài ra, hạt dây tơ hồng là thành phần cấu tạo nên nhiều bài thuốc khác nhau, đem lại hiệu quả điều trị tốt:
- Thất bảo mỹ nhiệm đơn: Gồm thỏ ty tử, hà thủ ô, đương quy, phá cố chỉ, bạch phục linh, ngưu tất, câu kỷ tử. Bài thuốc đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ thời nhà Minh (thế kỷ 14 CN) vì chức năng bổ thận và bổ cốt. Trên lâm sàng để điều trị loãng xương, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Trên chuột thí nghiệm ghi nhận, bài thuốc có khả năng giảm tình trạng teo âm đạo, tử cung, tuyến vú; tăng biểu hiện của thụ thể estrogen trong các cơ quan sinh sản. Điều hòa nồng độ estradiol, FSH, LH trong huyết. Hơn nữa, bài thuốc giúp giảm cân và tình trạng bốc hỏa (thường gặp ở phụ nữ mãn kinh).5
- Bổ thận hoạt huyết: Gồm thỏ ty tử, hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung, tục đoạn, tang ký sinh. Bài thuốc giúp điều tiết hormone buồng trứng và các thụ thể của chúng. Điều chỉnh sự phát triển và trưởng thành của mạng lưới nội mạc tử cung trong thời kỳ mang thai. Do đó, được áp dụng trong ngăn ngừa sẩy thai ở các phòng khám Trung Quốc.6
Liều dùng, cách dùng và kiêng kỵ
Thỏ ty tử liều dùng ngày từ 8 – 16 gam, và cấu tạo trong nhiều bài thuốc khác nhau.
- Chữa suy nhược ở người cao tuổi: Thỏ ty tử 8 g, thục địa 16 g, lộc giác giao 12g, đỗ trọng 12g, kỷ tử 10g, nhục quế 10g, sơn thù 8 g, đương quy 8 g, phụ tử chế 8 g. Sắc uống.
- Chữa thận hư không tàng tinh, di tinh: Thỏ ty tử 8 g, thục địa 12 g, cao ban long 12g, hoài sơn 8 g, kỷ tử 8 g, đương quy 8 g, đỗ trọng 8 g, phụ tử chế 8 g, sơn thù 6 g, nhục quế 4 g. Tán bột làm hoàn, ngày uống 10 – 20 g. Hoặc sắc uống.
- Chữa liệt dương: Thỏ ty tử 12 g, lộc giác giao 20 g, thục địa 12 g, phá cố chỉ 12 g, bá tử nhân 12 g, phục linh 12 g. Làm hoàn, ngày uống 20 – 30 g.
Lưu ý: Những người dễ cường dương, bí đại tiện thì không nên dùng.1 2
Xem thêm: Mẫu lệ: Vị thuốc từ biển, chữa ra mồ hôi và di tinh
Thỏ ty tử là một vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền. Vị thuốc này đã được chứng minh hiệu quả trên nhiều phương diện. Trước khi sử dụng thỏ ty tử và các bài thuốc có chứa nó, bạn cần đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán phù hợp. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị thuốc này. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi, (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Trang 852 – 853.
- Viện Dược liệu, (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Trang 976 – 978.
-
Effects of flavonoids from Semen Cuscutae on the reproductive system in male ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11232800/
Ngày tham khảo: 31/12/2021
-
Effect of the semen extract of Cuscuta chinensis on inflammatory responses in LPS-stimulated BV-2 microgliahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25156282/
Ngày tham khảo: 31/12/2021
-
Treatment with QiBaoMeiRan, a Kidney-Invigorating Chinese Herbal Formula, Antagonizes Estrogen Decline in Ovariectomized Ratshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4142797/
Ngày tham khảo: 31/12/2021
-
Bushen Huoxue Recipe Alleviates Implantation Loss in Mice by Enhancing Estrogen-Progesterone Signals and Promoting Decidual Angiogenesis Through FGF2 During Early Pregnancyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29867455/
Ngày tham khảo: 31/12/2021