YouMed

Thoát vị đĩa đệm: Bạn đã biết những gì?

bác sĩ nguyễn thành an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thành An
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến. Tại Việt Nam, bệnh hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 đến 55 tuổi. Trong đó, thoát vị đĩa đệm cột sống lưng là một nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng cũng như các cơn đau lưng lan xuống chân. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? Bệnh nhân thường gặp những triệu chứng gì? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh ra sao? Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Thành An sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết về căn bệnh này.

Tổng quan về tình trạng thoát vị đĩa đệm

Ở một cơ thể khoẻ mạnh, giữa các đốt sống là đĩa đệm. Các đĩa đệm có vai trò nâng đỡ, chịu áp lực do các đốt sống đè lên. Đồng thời, nó còn tạo sự mềm dẻo cho cột sống. Trong đĩa đệm có một cấu trúc gọi là nhân nhầy được bao quanh bởi bao xơ. Khi bao xơ trở nên suy yếu thì nhân nhầy sẽ trồi ra ngoài. Từ đó, gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Định nghĩa

Thoát vị đĩa đệm (tên tiếng Anh – Herniated Disc) xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm trong cột sống bị trượt ra khỏi vị trí tự nhiên. Việc này có thể gây chèn ép các dây thần kinh trong ống sống hoặc tuỷ sống. Kết quả là dẫn đến triệu chứng đau và dị cảm tại chỗ.1

Hình ảnh đĩa đệm bình thường và thoát vị đĩa đệm
Hình ảnh đĩa đệm bình thường và thoát vị đĩa đệm

Các vị trí – các dạng bệnh

Dựa vào giải phẫu cột sống, các vị trí có thể xảy ra tình trạng thoát vị đĩa đệm là:1

  • Thoát vị đĩa đệm cổ.
  • Thoát vị đĩa đệm cổ ngực.
  • Thoát vị đĩa đệm ngực.
  • Thoát vị đĩa đệm lưng ngực.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Dựa vào sự chèn ép ở thần kinh và tủy sống, bệnh được chia thành:2

  • Thoát vị thể trung tâm: Nhân nhầy thoát ra và chèn ép trực tiếp lên tủy sống. Thể này không gây tình trạng tê bì chân tay, nhưng là tình trạng nguy hiểm nhất. Vì khi nhân nhầy chèn ép càng nhiều, người bệnh sẽ mất hoàn toàn chức năng vận động và kiểm soát hệ tiết niệu.
  • Thoát vị cạnh trung tâm: nhân nhầy gây chèn ép lên cả tủy sống và rễ thần kinh.
  • Thoát vị lỗ ghép: nhân nhầy chèn ép rễ thần kinh phải hoặc trái.
Các dạng thoát vị đĩa đệm
Các dạng thoát vị đĩa đệm

Giai đoạn2

Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm có thể được phân loại dựa trên giai đoạn bệnh, theo Arseni và cộng sự (1974).

Giai đoạn I: Giai đoạn đầu của thoái hóa đĩa đệm. Lúc này, vòng sợi và nhân nhầy bắt đầu có một vài chỗ rách nhỏ và trở nên yếu hơn bình thường. Nhân nhầy bên trong sẽ ấn lõm vào chỗ khuyết này. Ở giai đoạn này, chỉ có thể phát hiện bất thường qua các phương tiện hình ảnh học đĩa đệm. Trên phim thường và lâm sàng thường chưa thấy bất thường.

Giai đoạn II (Lồi đĩa đệm): Nhân nhầy tiếp tục ấn vào chỗ khuyết của vòng sợi và lồi về một phía. Việc nào tạo ra một cái khối phình và bắt đầu chèn ép vào các cấu trúc thần kinh. Lúc này trên phương tiện hình ảnh học đã phát hiện được nhiều loại tổn thương. Về lâm sàng, đây có thể là thời kỳ đau thắt lưng cục bộ.

Giai đoạn III (Thoát vị đĩa đệm): vòng sợi bị đứt rách hoàn toàn. Đồng thời, nhân nhầy thoát ra ngoài hình thành một khối thoát vị đĩa đệm. Ở giai đoạn này, hình ảnh học chụp đĩa đệm cho thấy thoát vị nhân nhầy đã hoặc chưa gây đứt dây chằng dọc sau. Lúc này triệu chứng sẽ trở nên rõ và rầm rộ, có thể chia ra 3 mức độ:

  • Kích thích rễ.
  • Chèn ép rễ, còn một phần dẫn truyền thần kinh.
  • Mất dẫn truyền thần kinh.

Giai đoạn IV (Hư đĩa đệm – Khớp đốt sống – Discarthrose): Nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Xuất hiện hẹp ống sống và hư khớp đốt sống do giảm chiều cao khoang đốt sống nặng. Do không có đĩa đệm nên ma sát giữa các xương tạo ra các gai xương. Lâm sàng thường là đau thắt lưng mạn tính tái phát. Đồng thời, kèm theo các triệu chứng xảy ra do việc chèn ép rễ nặng.

Trong lâm sàng, bệnh lý đĩa đệm có thể bị nhảy giai đoạn do nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại (đặc biệt là chấn thương và tải trọng nặng) gây ra chứ không nhất thiết phải trải qua từng giai đoạn nêu trên. Có thể gặp thoái hóa đĩa đệm nặng gây khóa cứng đốt sống nên không có thoát vị đĩa đệm.

Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm
Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm

Biến chứng

Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm và kịp thời sẽ để lại các biến chứng nặng nề:3

  • Khi nhân nhầy chui vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống sẽ gây ra yếu chi. Có thể yếu một chi, hoặc 2 chi dưới hoặc tứ chi.
  • Hội chứng đuôi ngựa: khi đám rối chùm đuôi ngựa bị chèn ép sẽ ảnh hưởng lên việc đi tiêu và tiểu.
  • Không vận động lâu ngày sẽ khiến khối cơ teo lại nhanh hơn bình thường. Điều này dẫn đến việc teo nhỏ các chi và khó hồi phục.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho đĩa đệm bị trượt khỏi vị trí ban đầu, bao gồm:3

  • Việc mang vác vật nặng trên cổ, lưng; lao động sai tư thế dẫn tới tổn thương đĩa đệm. Vì nhiều người có thói quen đứng cúi lưng để nâng đồ thay vì ngồi chòm hỏm rồi nâng lên. Điều đó dễ gây chấn thương cột sống lưng và ảnh hưởng đến đĩa đệm.
  • Tai nạn giao thông gây chấn thương cột sống.
  • Thoái hoá cột sống: khi lớn tuổi, các lớp nhân nhầy và vòng xơ (tương tự như sụn khớp) bị bào mòn, xương dưới sụn (các đốt sống) bị biến đổi cấu trúc, xuất hiện các hốc xương và thậm chí là mọc gai xương. Với tác động và sức ép của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm sẽ rách. Khí đó, lớp nhân bên trong thoát ra ngoài, gây chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống.
  • Một số nguyên nhân ít gặp khác: dị tật bẩm sinh, yếu tố di truyền,…
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm thường khởi phát chậm và tiến triển âm thầm, trừ một số trường hợp chấn thương cột sống nặng. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, mức độ thoát vị. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm, bao gồm:3

  • Các cơn đau âm ỉ kèm với mỏi và giảm trương lực ở vùng cổ hoặc thắt lưng.
  • Đau tăng khi lao động nặng, ngồi và đi lại nhiều.
  • Cổ và lưng xảy ra cứng khớp và đau sau khi ngủ dậy.
  • Các biểu hiện lâm sàng thường khởi phát thành từng đợt. Mỗi đợt có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.
  • Xuất hiện cảm giác tê và giảm khả năng hoạt động.
  • Thoát vị đĩa đệm kéo dài có thể gây tổn thương do dây thần kinh cổ và thắt lưng. Điều này dẫn đến hội chứng thiểu năng tuần hoàn hệ thống mạch sống – nền hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa.

Điều trị/Xử lý thoát vị đĩa đệm tại nhà có được không?

Khi người bệnh có các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm có thể nằm xuống, tránh các tư thế gập sẽ giảm triệu chứng được một vài phần. Đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm sẽ được điều trị tại nhà theo hướng dẫn và kế hoạch của bác sĩ. Vì vậy, người bệnh nên gặp bác sĩ sớm nhất có thể để có thể nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu người bệnh có các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm như tê, đau, yếu tay chân, tiêu, tiểu không tự chủ thì nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc được tư vấn và lên kế hoạch điều trị cụ thể sớm sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và tránh dẫn đến biến chứng.

Chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Thoát vị đĩa đệm thường được phát hiện qua hỏi bệnh sử và thăm khám thần kinh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đi làm các cận lâm sàng hình ảnh học. Khi trên hình ảnh học có biểu hiện thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh này.

Các xét nghiệm cần thực hiện4

X-Quang: có rất ít giá trị trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, X-quang có phát hiện một số bệnh như thoái hóa cột sống, lao cột sống, viêm cột sống dính khớp,…

MRI (Chụp cộng hưởng từ): là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm. Qua hình ảnh MRI, bác sĩ có thể xác định vị trí và mức độ thoát vị của đĩa đệm.3

CT (Chụp cắt lớp vi tính): thường thoát vị đĩa đệm sẽ ưu tiên chụp MRI. Khi không có MRI thì người bệnh sẽ được chụp CT.

Điện cơ: giúp nhà lâm sàng đánh giá mức độ chèn ép và phát hiện tổn thương dây thần kinh – rễ thần kinh.

Xét nghiệm công thức máu: được làm để đánh giá tình trạng viêm nhiễm. Xét nghiệm được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ việc tổn thương đĩa đệm là do các bệnh lý viêm nhiễm.

X-quang, MRI, CT, điện cơ, công thức máu là các xét nghiệm cần thực hiện
X-quang, MRI, CT, điện cơ, công thức máu là các xét nghiệm cần thực hiện

Khám ở đâu? Khoa nào?

Khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ thoát vị đĩa đệm, hãy đến khám tại khoa/phòng khám chuyên khoa Nội Thần Kinh hoặc Ngoại Thần Kinh.

Các phương pháp điều trị và lưu ý lựa chọn

Hiện nay, các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm

Điều trị nội khoa5

Điều trị nội khoa bao gồm: nghỉ ngơi, sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng và tập vật lý trị liệu.

1. Sử dụng thuốc và nghỉ ngơi

Được chỉ định trong giai đoạn sớm: khi đĩa đệm chỉ bị lồi, bao xơ chưa rách và chưa xuất hiện các triệu chứng nặng nề do chèn ép dây thần kinh. Mục tiêu của phương pháp này là điều trị hỗ trợ, cải thiện triệu chứng: giảm đau, giảm tê,… và phục hồi chức năng vận động.

Chế độ nghỉ ngơi cho người bị thoát vị đĩa đệm, bao gồm:

  • Nằm giường phẳng để ổn định cấu trúc cột sống. Tránh làm tăng áp lực lên đĩa đệm để không dẫn đến tình trạng rách bao xơ. Hạn chế nằm trên ghế hoặc võng.
  • Trong thời gian này, nên đi lại nhẹ nhàng. Tránh các hoạt động làm tăng áp lực lên cột sống nhiều. Ví dụ: gánh vác nặng, chạy bộ, xoắn-vặn, xoay người đột ngột, ngồi lâu hoặc đứng lâu.

Song song với chế độ nghỉ ngơi, có thể sử dụng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc có thể giảm cơn đau và một số triệu chứng do chèn ép dây thần kinh gây ra.6

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau ParacetamolNSAID (celecoxib, etoricoxib,…) được khuyên sử dụng hàng đầu trong giảm đau do thoát vị đĩa đệm. Khi đáp ứng kém, có thể kết hợp với một số loại thuốc giảm đau dạng opioids.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ (Eperisone) giúp cơ bắp được thư giãn để hạn chế cơn đau. Loại thuốc này được chỉ định rộng rãi và có thể sử dụng cho người cao tuổi.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin, Pregabalin) được sử dụng phối hợp thêm khi thuốc giãn cơ và giảm đau thông thường không mang lại hiệu quả. Thuốc này sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt cho các cơn đau do chèn ép dây thần kinh.
  • Thuốc tiêm corticoid: để giảm đau hiệu quả người ta có thể sử dụng Corticoid tiêm quanh rễ thần kinh hoặc tiêm ngoài màng cứng nhằm giảm viêm. Tuy nhiên loại thuốc này dễ phát sinh tác dụng phụ và biến chứng.

2. Tập vật lý trị liệu7

Các biện pháp dùng thuốc chỉ giúp mang lại hiệu quả kiểm soát triệu chứng tạm thời. Thuốc sẽ không tác động lên việc hồi phục của đĩa đệm. Vì vậy, ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân sẽ được cho kết hợp với một số kỹ thuật vật lý trị liệu. Ví dụ: massage trị liệu, đeo đai lưng/nẹp cổ, thể dục trị liệu và sử dụng tia hồng ngoại.

Massage trị liệu: sử dụng các động tác xoa bóp và bấm huyệt nhằm lưu thông tuần hoàn máu, kéo giãn cơ, cột sống để làm giảm tình trạng chèn ép và giảm cơn đau. Kỹ thuật đem lại hiệu quả rất cao cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm ở vùng cổ.

Đeo đai lưng/nẹp cổ hỗ trợ:

  • Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng thì việc sử dụng đai lưng giúp làm giảm áp lực lên cột sống. Đồng thời, giúp bảo tồn đĩa đệm và giảm mức độ chèn ép dây thần kinh. Ngoài ra, đeo đai lưng còn hỗ trợ cải thiện một số tư thế sai lệch.
Việc sử dụng đai lưng giúp làm giảm áp lực lên cột sống
Việc sử dụng đai lưng giúp làm giảm áp lực lên cột sống
  • Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì việc sử dụng nẹp cổ có tác dụng làm giảm áp lực lên cột sống cổ, kéo giãn cột sống cổ, cải thiện triệu chứng lâm sàng.
Nẹp cổ làm giảm áp lực lên cột sống cổ
Nẹp cổ làm giảm áp lực lên cột sống cổ

Thể dục trị liệu: Ngoài các biện pháp thụ động, bệnh nhân có thể được bác sĩ đề nghị tập thể dục trị liệu để giảm đau và góp phần cho vòng sợi của đĩa đệm hồi phục. Ngoài ra việc tập thể dục trị liệu sẽ cải thiện các chức năng hoạt động của người bệnh. Biện pháp này cũng được chỉ định sau phẫu thuật nhằm phục hồi chức năng.

Sử dụng tia hồng ngoại: Tia hồng ngoại được chiếu trực tiếp qua da nhằm giãn cơ và giảm chèn ép lên dây thần kinh và tăng tuần hoàn máu.

Can thiệp ngoại khoa5

Can thiệp ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại sau 5 – 8 tuần.8 Bao xơ đĩa đệm bị rách hoàn toàn và dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng (liệt tứ chi, hội chứng chùm đuôi ngựa,…). Ngoài ra, phẫu thuật cũng được cân nhắc khi thoát vị đĩa đệm gây ra triệu chứng trầm trọng và không đáp ứng với thuốc.

Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm, bao gồm:

  • Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm. Nhân đĩa đệm thoát vị sẽ được loại bỏ và cắt bỏ các phần nhô ra ngoài để giảm chèn ép các mô lân cận.
  • Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo. Khi đĩa đệm bị rách hoàn toàn, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ đĩa đệm đó và thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chỉ định đối với những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm do cấu trúc cột sống bất thường.

Can thiệp ngoại khoa có thể ổn định lại cấu trúc cột sống, phục hồi khả năng vận động và giảm đau nhức. Với các kỹ thuật ngoại khoa cao, việc hồi phục sau phẫu thuật tương đối cao (khoảng 80% đến 85%). Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát tại vị trí mổ với tỷ lệ 1% trong năm đầu và 4% trong 10 năm tiếp theo.9

Cách nào giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn trong suốt quá trình điều trị?

Điều quan trọng nhất và giúp ích nhiều nhất trong quá trình điều trị bệnh là hãy giữ một suy nghĩ tích cực. Thậm chí, khi cơn đau gây rất khó chịu, bạn không nên nằm nghỉ tại giường quá lâu.

Bệnh nhân thường nghĩ rằng việc nghỉ ngơi tại giường là cách tốt nhất để cảm thấy đỡ đau. Sự thật thì việc nằm nghĩ tại giường quá lâu chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Bởi vì nằm nghỉ tại giường thời gian dài có thể gây yếu cột sống lưng.

Đừng quá lo lắng, giữ tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Mặc dù cơn đau có thể tăng một ít khi bạn cử động, vận động sẽ giúp cải thiện tốt hơn là nghỉ ngơi tại giường thời gian dài.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Có thể phòng ngừa thoát vị địa đệm bằng những cách sau:6

  • Hạn chế các động tác gây áp lực cao đột ngột lên cột sống.
  • Nên giữ tư thế cột sống thẳng trong mọi tình huống. Tránh các việc làm cột sống cong về phía trước. Ví dụ: cúi người để nâng đồ, xách đồ nặng một bên,…
  • Không ngồi, nằm dưới sàn nhà. Vì khi đó sẽ khó đứng dậy và phải dùng sức của cột sống nhiều.
  • Tập luyện các môn thể thao giúp tăng độ dẻo dai và sức mạnh của các cơ cạnh cột sống. Việc này làm cho cột sống ổn định, giảm được nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Các tư thế và áp lực đè lên đĩa đệm
Các tư thế và áp lực đè lên đĩa đệm

Hy vọng thông qua bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về thoát vị đĩa đệm. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

Khi đĩa đệm chèn ép các rễ thần kinh sẽ dẫn đến đau nhức, yếu tay chân. Lâu ngày khối cơ sẽ teo và khó cử động làm ảnh hưởng lên các sinh hoạt hằng ngày. Nặng hơn nữa là dẫn đến tình trạng yếu liệt toàn thân, rối loạn tiêu tiểu,…

Thoát vị đĩa đệm chữa khỏi hoàn toàn không?

Thoát vị đĩa đệm có thể không được chữa khỏi hoàn toàn nhưng với các phương pháp điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa có thể kiểm soát triệu chứng thoát vị đĩa đệm ở đa số trường hợp.

Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục?

Khoảng 2 – 3 tuần sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, các mô sẽ trở nên lành lại, người bệnh có thể được khuyên bắt đầu các bài tập để giúp phục hồi tại thời điểm này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất cho việc phục hồi này, cần lưu ý:

  • Tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên điều trị.
  • Đeo nẹp ở vị trí mổ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Tập luyện với các dụng cụ chuyên dụng tại nhà hoặc ở phòng tập.
  • Trao đổi với bác sĩ về thời gian, cường độ tập theo từng giai đoạn.

Bị thoát vị đĩa đệm có quan hệ được không?

Người bị thoát vị đĩa đệm vẫn có thể quan hệ một cách bình thường. Việc quan hệ là một hoạt động gắng sức gây ra nhiều áp lực lên cột sống nên khi ở giai đoạn nặng,  người bệnh nên hạn chế việc quan hệ để không gây ra các cơn đau nặng và làm bệnh tình nặng lên.

Thoát vị đĩa đệm có nên đi bộ không?

Đi bộ là rất phù hợp cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tập đều đặn hàng ngày, có thể đi bộ 30 – 45 phút vào buổi sáng, chiều hoặc nếu có thời gian thì nên tập cả hai buổi. Sau đây là một số lưu ý khi đi bộ:

  • Người bệnh thoát vị đĩa đệm nên bắt đầu đi bộ nhẹ nhàng với quãng đường ngắn, sau đó có thể tăng dần đoạn đường. Sau khi đi bộ, cần thực hiện động tác giãn cơ. Đây là những bước quan trọng giúp điều hòa hoạt động bên trong cơ thể trước và trong khi tập luyện, tránh gây hại cho sức khỏe.
  • Người bị thoát vị đĩa đệm nên đi bộ nhưng cố gắng giữ tư thế đi bộ đúng bằng việc giữ cột sống thẳng: đầu hướng lên, hai vai lỏng, vung tay tự nhiên, mắt nhìn thẳng và bước đi tự nhiên (không bước quá dài hoặc quá ngắn). Đừng cố gắng đi tốc độ cao, gồng cứng người mà phải thật thư giãn. Khoảng cách giữa hai chân tuỳ thuộc vào độ thoải mái của người đi. Lưu ý, thứ tự tiếp đất là gót chân, bàn chân và mũi chân.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Herniated Disc: Symptoms, Causes, Diagnosis, and Treatmenthttps://www.spineuniverse.com/conditions/herniated-disc

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  2. Arseni, C., S. Ionescu và D. Iliescu. Lumbar vertebral diskopathies with retrospondylisthesis. Neurol Psihiatr Neurochir, 1974. 19(2). Trang 131.

  3. Effects of segmental traction therapy on lumbar disc herniation in patients with acute low back pain measured by magnetic resonance imaging: A single arm clinical trialhttps://content.iospress.com/articles/journal-of-back-and-musculoskeletal-rehabilitation/bmr741

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  4. Return to Play After Lumbar Spine Surgeryhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27543402/

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  5. An evidence-based clinical guideline for the diagnosis and treatment of lumbar disc herniation with radiculopathyhttps://www.thespinejournalonline.com/article/S1529-9430(13)01450-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  6. Comparison of treatments for lumbar disc herniation - Systematic review with network meta-analysishttps://journals.lww.com/md-journal/Fulltext/2019/02150/Comparison_of_treatments_for_lumbar_disc.20.aspx

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  7. [Physiotherapy in lumbar disc herniation]https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11552355/

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  8. Lumbar disc herniation: Natural history, role of physical examination, timing of surgery, treatment options and conflicts of interestshttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S2529849617300151

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

  9. [Postoperative treatment for lumbar disc herniation during rehabilitation. Systematic review]https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26040154/

    Ngày tham khảo: 09/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người