Thói quen cắn người khác ở trẻ có đáng lo ngại?
Nội dung bài viết
Đến độ tuổi trẻ bắt đầu mọc răng, cha mẹ sẽ thường xuyên bị bé cắn. Do đó, điều này sẽ gây cảm giác khó chịu và đau đớn. Thói quen cắn người khác thường gặp ở trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ luôn lo ngại. Tìm hiểu được nguyên nhân là một trong những điều cần thiết giúp bạn kiểm soát việc trẻ hay cắn.
1. Khi nào thói quen cắn người khác ở trẻ là vấn đề đáng lo ngại?
Khi con bạn cắn một đứa trẻ khác, đó được xem là một trong những hành vi gây hấn. Đây là hành động không thể chấp nhận được. Trẻ cần được hướng dẫn để biết cư xử hơn. Nguy cơ đáng quan tâm khi vết thương của trẻ bị cắn bị nhiễm trùng.
2. Tại sao trẻ nhỏ lại muốn cắn người khác?
Trẻ em thường bắt đầu việc cắn người khác vào thời điểm mọc răng. Thường là khi trẻ khoảng 1 tuổi. Hầu hết trẻ sẽ cắn cha mẹ đầu tiên với vẻ đùa giỡn thích thú. Điều quan trọng là cha mẹ nên cố gắng ngăn chặn thói quen cắn ngay từ giai đoạn đầu này.
Việc cắn có xu hướng vẫn tiếp tục vì ban đầu cha mẹ nghĩ chuyện này dễ thương trong lúc vui chơi với trẻ. Kết quả dẫn đến đứa trẻ coi việc cắn là một trò chơi để gây chú ý với cha mẹ của mình.
>> Xem thêm: Tăng động giảm chú ý ở trẻ: cách bố mẹ đặt câu hỏi cho bác sĩ
3. Bạn nên làm gì khi trẻ hay cắn?
3.1 Đưa ra quy tắc với trẻ
Bạn cần nhấn mạnh với quy tắc “Con không bao giờ được cắn người.” Cho con bạn biết những lý do không nên thực hiện thói quen xấu này. Trước hết là vì cắn sẽ làm đau người người khác. Hãy thử đặt trường hợp chính trẻ cũng bị người khác cắn, có thể trẻ sẽ hiểu cảm giác khó chịu này. Với những trẻ từ 3 tuổi trở lên, vết cắn sẽ để lại sẹo làm xấu cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể giải thích rõ hơn việc cắn có thể sẽ gây bệnh nhiễm trùng.
Thái độ khi dạy trẻ cũng rất quan trọng. Bạn cần nói một cách nghiêm khắc và nhìn thẳng vào mắt trẻ. Cố gắng ngắt lời trẻ khi con bạn có ý định muốn cắn ai đó. Đặc biệt theo dõi sát con bạn một lúc sau đó có thể là cần thiết cho đến khi bạn chắc chắn rằng trẻ sẽ không còn cắn người nữa.
Hãy chắc chắn rằng không ai cười khi con bạn có hành vi cắn kể cả anh chị lớn hơn. Trẻ sẽ học theo cách cư xử của mọi người và coi việc cắn như một trò đùa. Không bao giờ nhượng bộ trước đòi hỏi của con bạn khi trẻ muốn cắn người khác. Bạn nên có sự thống nhất với tất cả những ai chăm sóc trẻ.
3.2 Tạo những thói quen thay thế khi trẻ tức giận
Bạn có thể đề nghị một hành vi thay thế khác đảm bảo an toàn khi con bạn tức giận. Nếu muốn lấy một vật trên tay người khác, trẻ cần phải xin phép và chỉ vào vật đó. Trẻ có thể nhờ ba mẹ giúp đỡ, không nên tranh giành hay cắn người khác. “Nếu con tức giận, hãy đến nói với cha mẹ trước khi con có ý định cắn bất cứ ai”. Đây là điều mà bạn cần dạy trẻ biết, có thể nhắc nhở thường xuyên hơn, nhất là lúc trẻ tức giận.
Nếu con bạn đang ở độ tuổi ăn dặm – bắt đầu tập nhai thức ăn (thường dưới 18 tháng), bạn có thể đưa trẻ món đồ chơi mà trẻ có thể cắn. Không nên cấm trẻ không được cắn bất cứ thứ gì vì sẽ khiến trẻ khó chịu. Một món đồ chơi có chất liệu thích hợp sẽ làm cho trẻ thoải mái hơn. Đối với trẻ lớn, việc nhai kẹo cũng là một cách để tập được thói quen không cắn người.
3.3 Cho con bạn thời gian suy nghĩ
Đưa trẻ đến một khu vực yên tĩnh để trẻ suy nghĩ trong khoảng 1 đến 5 phút tùy theo độ tuổi. Nếu trẻ tiếp tục muốn cắn người khác hoặc chính cha mẹ, ngắt lời trẻ ngay với thái độ nghiêm túc: “Con không được cắn”. Khi thời gian suy nghĩ đã hết, hãy giải thích với trẻ về hành động cắn người. Nếu trẻ vẫn cáu gắt muốn cắn người khác, bạn có thể đưa ra một hình phạt nhỏ cho trẻ. Hình phạt này có thể liên quan đến những sở thích của con bạn như không được xem ti vi hay chơi điện tử.
3.4 Không bao giờ cắn con bạn vì trẻ cắn người khác
Nếu cha mẹ phản ứng bằng cách cắn lại trẻ sẽ khiến con bạn bực mình vì bạn làm bé đau. Hơn nữa điều đó có thể khiến trẻ hiểu rằng trẻ có thể cắn người khác nếu trẻ lớn hơn. Ngoài ra, bạn không nên đánh hay tát trẻ. Trên thực tế, nếu con bạn có xu hướng hung hăng, hãy tránh các hình phạt về thể chất nói chung. Đánh đòn là một trong những hình phạt cha mẹ thường xuyên áp dụng.
>> Xem thêm: Tăng huyết áp ở trẻ em: Những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám
3.5 Dành cho trẻ lời khen
Khen ngợi con của bạn trong những tình huống mà trẻ thay đổi hành vi không cắn người khác. Bạn có thể nhắc nhở trẻ không được cắn người khác trước khi bắt đầu những cuộc gặp gỡ có thể xảy ra tình huống “không may mắn”. Sau đó, nếu con bạn không cắn ngay cả khi tức giận, hãy khen ngợi trẻ vì đã có hành vi tốt.
4. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến gặp Bác sĩ?
Đưa con bạn đến bệnh viện NGAY LẬP TỨC nếu vết cắn sâu làm rách da hoặc nhiễm trùng.
Nếu hành vi cắn vẫn còn kéo dài dù đã cố gắng thay đổi, bạn cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện. Đó là khi:
- Trẻ vẫn muốn cắn người khác. Thói quen kéo dài hơn 4 tuần.
- Con bạn cắn hoặc tự làm tổn thương chính mình.
- Trẻ xuất hiện những hành vi khác như muốn chơi một mình hay quá tăng động…
- Bạn có những câu hỏi hoặc mối quan tâm khác.
Cha mẹ nên lưu ý thói quen cắn người khác rất phổ biến trong quá trình phát triển ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên không vì vậy mà bỏ qua cho trẻ. Bởi vì, trẻ cần được dạy cư xử đúng cách. Việc kiên trì hướng dẫn trẻ và áp dụng các phương pháp ở trên sẽ giúp cải thiện tình hình. Nếu hấp tấp hay khó chịu sẽ khiến trẻ khó chịu và dễ chống đối.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.